GÓP PHẦN CẢM - HIỂU NỘI DUNG THẨM MỸ ĐÍCH THỰC CỦA BÀI THƠ ''MỜI TRẦU'' CỦA NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG

Thứ tư - 30/03/2016 05:21 0

GÓP PHẦN CẢM - HIỂU NỘI DUNG THẨM MỸ ĐÍCH THỰC CỦA BÀI THƠ “MỜI TRẦU” CỦA NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG

Upload

 

Tượng nữ sỹ Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Lưu - Ảnh: HT

1. Mời trầu là một trong số những bài thơ Nôm Đường luật vào loại hay nhất của Hồ Xuân Hương - “Bà chúa thơ Nôm”, “Kỳ nữ, kỳ tài” của văn học Việt Nam trung đại. Từ cuối thập kỷ thứ tám của thế kỷ XX cho đến đầu thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI, bài thơ ấy được nhiều bạn đọc Việt Nam quan tâm thưởng thức, tìm hiểu; được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam một thời lựa chọn và đưa vào giảng dạy trong trường trung học phổ thông ở lớp đầu cấp; và đã trở thành một đối tượng thường xuyên thu hút sự nghiên cứu của nhiều nhà giáo, nhà khoa học

2. Ngoài cách cảm - hiểu của tác giả Sách giáo viên Văn 10 - Nxb Giáo dục - Hà Nội - 1990 và tác giả sách Để học tốt Văn 10 - Tập II - Báo Giáo dục và Thời đại - Hà Nội - 1991, trong thực tế nghiên cứu còn xuất hiện những cách cảm - hiểu khác nhau về nội dung thẩm mỹ bài thơ Mời trầu:

2.1. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương nhằm thể hiện khát vọng giao cảm, gắn bó của tác giả đối với mọi người:

- “… Bài thơ đầy màu sắc tươi tắn, đằm thắm ấy đồng thời lại thể hiện một tâm hồn trẻ trung yêu đời và một tấm lòng khát khao yêu và được yêu…”(1).

- “Mời trầu là một tâm sự, một nỗi niềm, với bài thơ Mời trầu Xuân Hương đã chủ động mời, chủ động mở đầu một lời giao ước”(2).

- Mời trầu bộc lộ “cái thiết tha bên bờ cái thở dài hay cái khóc”(3).

2.2. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương nhằm bộc lộ tâm trạng xót xa, đau đớn của tác giả trước nhân tình thế thái:

- “Mời trầu là một nỗi chua chát không sao giấu nổi”(4).

- Mời trầu thể hiện “một tâm trạng vừa đằm thắm lại vừa chua chát”; “chua chát là ở hai câu cuối”(5).

2.3. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương thể hiện tâm lý thất vọng, cảm giác buông xuôi, bất lực của tác giả trước cuộc sống:

- “Nhà thơ bảo “có phải duyên nhau thì thắm lại” nhưng đọc chẳng thấy thắm chút nào cả, mà cứ thấy nó nhạt đi, tan ra”(6).

- Mời trầu thể hiện tâm trạng “vừa chờ đợi mà vừa cảm thấy có gì như sẽ thất bại”(7).

- “Mời đấy, vun đắp đấy, hy vọng đấy nhưng sao cứ tan vỡ, rạn nứt, mất đi”(8).

2.4. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương nhằm thể hiện thái độ, cá tính của người mời trầu (tác giả) đối với người được mời trầu (độc giả):

- “… Xuân Hương lúc này đã lớn tuổi, đã chừng nào thấm thía nỗi bất hạnh của mình, trong đó sự lừa dối bạc bẽo, cái tâm địa xanh như lá, bạc như vôi của đám tài tử văn nhân mà Xuân Hương hằng tin tưởng, trông chờ, thương yêu, thề thốt, chung chăn gối đã quá rõ ràng, khiến Xuân Hương đối với họ chỉ còn mỗi một thái độ gay gắt…”(9).

- “… Cá tính ấy, ở bài thơ Mời trầu là ở cách mời trầu mà không hề muốn tỏ ra mềm mỏng, dịu dàng (Này của Xuân Hương mới quệt rồi), thậm chí lại như mắng người ta (Đừng xanh như lá, bạc như vôi)”(10).

2.5. Bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương có sắc thái tình cảm phong phú, có phong cách mới lạ và đa nghĩa:

- “Bài thơ bốn câu, đọc lên thấy rõ hai nhịp, hai sắc thái tình cảm đối lập, sóng đôi: căng quá căngchùng quá chùng…”(11).

- “… Bài thơ Mời trầu, nghĩa phô là nói chuyện quan hệ, chuyện giao tiếp, “miếng trầu là đầu câu chuyện”; nghĩa ngầm là miếng trầu, nhất là miếng trầu hôi, là biểu tượng của âm vật, là của Xuân Hương chỉ vừa mới quệt, quả cau thì thường là biểu tượng của dương vật, trầu cặp đôi với cau, nhưng trong bài này còn gợi nhắc đến vú, “vú em chum chúm chụm cau”…; còn nghĩa thứ ba là niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của một người phụ nữ nhiều lận đận, lần mời trầu này mong muốn sẽ có duyên, phải duyên, kết lại thành một khối, thắm lại thành một thể, như miếng trầu đã ăn, chứ không rã ra đằng nào đi đằng ấy, như cái lá (trầu) vẫn nguyên màu xanh của lá, vôi vẫn còn cái trắng của vôi…”(12).

  1. 3. Tiếp tục sự khám phá của các nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam về nghệ thuật bài thơ Mời trầu, trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày một cách cảm - hiểu về bài thơ ấy từ góc nhìn kết cấu và ngôn ngữ.

Như chúng ta đều biết, thơ Đường luật theo thể thất ngôn tứ tuyệt vốn không chia đoạn. Song, để thuận lợi cho việc phân tích, chúng tôi tạm thời chia bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương thành hai đoạn:

- Đoạn đầu (câu khai, câu thừa): Lời tác giả giới thiệu miếng trầu.

- Đoạn cuối (câu chuyển, câu hợp): Lời tác giả mời khách ăn trầu.

3.1. Hai câu đầu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi…”    

Viết hai câu thơ trên, ngoài những danh từ, động từ được sử dụng để gọi tên các thành phần, yếu tố cấu tạo nên miếng trầu, Hồ Xuân Hương đã tập trung nhấn mạnh ý nghĩa biểu cảm của tính từ chỉ hình dáng (nho nhỏ) và danh từ riêng chỉ người (Xuân Hương) nhằm định danh thật rõ và miêu tả thật cụ thể về sự vật. Đây là một miếng trầu tuy đầy đủ nguyên liệu (cau, trầu, vôi), nhưng chất lượng lại bình thường, đơn sơ, đạm bạc… Và thấp thoáng đằng sau hình ảnh miếng trầu là hình ảnh chủ nhân của nó: Hồ Xuân Hương - một người con gái Việt Nam yêu đời, dù rất nghèo vật chất nhưng lại rất giàu tình cảm; rất chủ động trong giao tiếp; rất chân tình, cởi mở trước cuộc sống.

3.2. Hai câu cuối:

“… Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.    

Tuy vẫn thể hiện bằng nghệ thuật miêu tả, nhưng nếu ở đoạn đầu của bài thơ Mời trầu, Hồ Xuân Hương đã dùng tính từ chỉ hình dáng sự vật để giới thiệu đặc điểm miếng trầu, thì ở đoạn cuối của bài thơ, Hồ Xuân Hương lại dùng các tính từ chỉ màu sắc sự vật nhằm thể hiện lời mời khách ăn trầu. Bằng cách đối lập màu sắc miếng trầu khi đã được người ăn (đỏ thắm) với màu sắc miếng trầu khi chưa được người ăn (xanh, bạc), Hồ Xuân Hương đã diễn tả khá tinh tế lời mời khách ăn trầu. Lời mời thể hiện sự mong muốn chân thành của tác giả: hãy nhận miếng trầu; hãy ăn miếng trầu của Hồ Xuân Hương tự tay têm lấy và trực tiếp đưa ra mời. Bởi lẽ, đây là miếng trầu tỏ lòng hiếu khách của chủ nhân, là miếng trầu thể hiện ước ao giao cảm, hòa hợp, gắn bó giữa người mời trầu với người được mời trầu. Chính từ duyên - từ Hán Việt duy nhất của bài thơ này - được Hồ Xuân Hương vận dụng vào vế đầu câu chuyện (câu thơ thứ ba) đã góp phần làm rõ những điều tác giả ngụ ý, ký thác trong nội dung trữ tình của bài thơ Mời trầu. Và với cách dùng từ duyên, Hồ Xuân Hương không chỉ nhấn mạnh mục đích kết bạn của việc mời trầu, mà còn nêu bật những ý nghĩa sâu kín nằm trong bản thân sự việc mời trầu. Thông qua lời mời khách ăn trầu, Hồ Xuân Hương kín đáo bộc lộ niềm đau đáu khôn nguôi của mình về nỗi cô đơn của bản thân - nỗi cô đơn của một người con gái trước cuộc đời(13). Do vậy, giọng điệu bài thơ này của Hồ Xuân Hương vừa như xôn xao, rạo rực lời mời trầu niềm nở, thân mật; lại vừa như thầm thì, xao xuyến khát vọng tình yêu, khát khao tìm kiếm, gắn kết bạn đời của tác giả.

  1. Rõ ràng bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương là tiếng nói tỏ tình, là tiếng hát giao duyên, là lời tâm sự, là sự giãi bày hết sức nhân bản của nữ sĩ trước cuộc đời. Hiển hiện trong bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương chính là hình tượng tác giả: một thiếu nữ - một nhà thơ rất giàu nữ tính và cũng đầy cá tính. Cho nên, có thể nói từ bốn câu thơ thất ngôn, từ 28 chữ Nôm (mà đa số là từ thuần Việt), Hồ Xuân Hương đã viết được bài Đường thi tứ tuyệt thật duyên dáng, tế nhị, rất đậm đà, chan chứa cảm hứng trữ tình và trong nội dung thẩm mỹ của bài thơ ấy còn tiềm tàng, ấp ủ cả một bầu tâm sự hết sức riêng tư của tác giả.
  2. Trân trọng và chia sẻ với tiếng lòng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Mời trầu, Đinh Thị Thu Hiền - người đạt giải Nhất cuộc thi thơ “Tác phẩm Tuổi Xanh” (do báo Tiền phong tổ chức năm 1991) - đã viết được những dòng thơ vừa dạt dào cảm xúc, vừa giàu chất triết lý suy tư:

“… Xuân Hương ơi, màu trầu xanh tha thiết,

Nhưng tìm hoài, đâu có kẻ ăn chung… ”                                             (Ảo ảnh)

Phải chăng, đấy cũng là một cách cảm hiểu đúng đắn về nội dung thẩm mỹ đích thực bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương như đã được phân tích ở trên?

 Trương Xuân Tiếu

Chú thích

(1). Nguyễn Đăng Mạnh - Tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trung học phục vụ cải cách giáo dục - môn Văn lớp 10 - Tài liệu bồi dưỡng cơ sở - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Vụ Đào tạo, bồi dưỡng (lưu hành nội bộ) - Hà Nội - 1990 - tr.15.

(2). Lê Trí Viễn, Lê Xuân Lít, Nguyễn Đức Quyền - Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương - Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình - 1987 - 15.

(3). Lê Trí Viễn - Sđd - tr.16.

(4). Lê Trí Viễn - Sđd - tr.24.

(5). Nguyễn Lộc - Hồ Xuân Hương, Thơ tuyển và bình - Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội - 1986 - tr.5.

(6). Nguyễn Lộc - Sđd - tr.5.

(7). Nguyễn Lộc - Sđd - tr.5.

(8). Lê Trí Viễn - Sđd - tr.52.

(9). Lê Trí Viễn - Sđd - tr.39.

(10). Nguyễn Đăng Mạnh - Sđd - tr.15.

(11). Nhiều tác giả - Hồ Xuân Hương, về tác gia và tác phẩm - Nxb Giáo dục - Hà Nội - 2007 - tr.596.

(12). Đỗ Lai Thúy - Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực - Nxb Văn hóa Thông tin - Hà Nội - 1999 - tr.195.

(13). Phạm Côn Sơn - Cau trầu đầu chuyện - Nxb Đồng Tháp - 1994 - tr.63.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây