NGUYỄN DU - BÀI XO NÊ ĐẦU TIÊN TRONG THƠ VIỆT NAM

Thứ ba - 05/01/2016 04:21 0

NGUYỄN DU - BÀI XO NÊ ĐẦU TIÊN TRONG THƠ VIỆT NAM

 

Upload

Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Ảnh: Internet

 

Xon-nê tiếng pháp là Sonnet, tiếng Ý là Sonetto, do chữ Sonre có nghĩa là vang ngân - là thể thơ xuất hiện vào thế kỷ XIII, có lẽ ở Xi-li-ti, có người cho là ở miền Pơ-rô-văng thuộc Ý, về sau rất phổ biến ở Pháp, Anh, Đức, Nga và nhiều nước châu Âu khác. Bài Xon-nê cổ điển Ý có 14 câu với cấu trúc niêm luật chặt chẽ, gồm 4 thi tiết. Hai thi tiết đầu, mỗi thi tiết có 4 câu; hai thi tiết sau, mỗi thi tiết có 3 câu. Về sau có nhiều thay đổi, nhưng số câu vẫn giữ nguyên.

Riêng Xon-nê Anh vẫn 14 câu, gồm 4 thi tiết, nhưng 3 thi tiết đầu, mỗi thi tiết có 4 câu, còn thi tiết cuối chỉ có hai câu. Tiêu biểu trong Xon-nê Anh là tập Xon-nê nổi tiếng của Sêcxpia (W.Shakespeare, 1564-1616).

Ở Pháp, vào thế kỷ XIX, có một bài Xon-nê hay đến nỗi tác giả là một nhà thơ bình thường bỗng trở nên nổi tiếng. Đó là bài Xon-nê của       A-lec-xitx Phê-litx Ác-ve (A.F.Arvers, 1806-1850). Ác-ve yêu Mari Đi-đờ-rô (Marie Diderot) cháu nhà triết học Đi-đờ-rô (Diderot), có người cho là ông đã yêu bà Mê-nét-xi-ê (Mesneessier), cháu nhà văn Sác Nô-đi-ê (Charles Nodier) nhưng nàng đã có gia đình. Bài thơ được viết lên vì mối tình tuyệt vọng ấy. Người ta thường gọi là “Bài Xon-nê của Ác-ve” (Sonnet d’ Arvers). Trước năm 1945, nhiều người đã dịch bài Xon-nê của Ác-ve ra tiếng Việt. Hai bản dịch được yêu thích nhất là của nhà thơ Xuân Tâm và nhà văn Khái Hưng. Cả hai đều dùng thể thơ lục bát.

Bản dịch của Xuân Tâm

Hồn tôi tâm niệm một điều,

Đời tôi bí ẩn sớm chiều mang theo.

Trọn đời bất chợt tôi yêu,

Đau thương tuyệt vọng nên liều lặng thinh.

Còn nàng, hình ảnh mối tình,

Biết đâu có kẻ vì mình đa mang.

Tôi như bóng tối bên nàng,

Cạnh nàng luôn lại muôn vàn cô đơn.

Suốt đời sống giữa trần gian,

Dám đâu thổ lộ, ơn nàng cũng không.

Trời kia phú kẻ má hồng,

Ngọt ngào như mật, đẹp lòng như ru.

Nàng đi lơ đãng, nghe đâu,

Lời tình thủ thỉ bay sau gót nàng.

Trung thành bổn phận đa đoan,

Thơ này nàng đọc đượm tràn tình tôi.

Nàng chẳng hiểu, kẻ buông lời:

“Người phụ nữ ấy là người nào đây?”.

Bản dịch của Khái Hưng

Lòng ta chôn một khối tình,

Tình trong giây lát mà thành thiên thâu.

Niềm tuyệt vọng nỗi thảm sầu,

Mà người gieo khổ như hầu không hay.

Hỡi ôi! Người đấy ta đây,

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân.

Dẫu ta đi trọn đường trần,

Tình yêu há dám một lần hé môi.

Người dù ngọc thốt hoa cười,

Nhìn ta như thể nhìn người không quen.

Đường đời bình thản gót tiên,

Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

Một lòng trong trắng đoan trinh,

Xem thơ mà biết chính mình ở trong.

Lạnh lùng lòng lại hỏi lòng,

“Người đâu tá, ở những dòng thơ đây?”.

Cùng với văn chương Pháp, thể thơ Xon-nê được truyền vào Việt Nam. Đầu thể kỷ XX, năm 1926, một người Pháp làm việc tại Việt Nam,   Rơ-nê Cơrayxắc (René Crayssac) người dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, đã làm bài Xon-nê Kim và Kiều (Kim et Kiéou) mà tôi đã dịch và giới thiệu trong cuốn Thơ văn quanh Truyện Kiều (Thái Kim Đỉnh biên soạn, Nxb Nghệ An, 1996). Bản dịch cũng theo thể thơ lục bát:

Kim và Kiều

“Ôi! Đừng gọi thế chàng ơi,

Thiếp đâu còn xứng là người vợ yêu!

Nhởn nhơ ong bướm đã nhiều,

Hoa tàn, cánh rã, thân Kiều hôm nay.

Xác nhơ, hồn chết, trí ngây,

Nhân duyên chi để dơ lây mắt người.

Ngây thơ thơm thảo cuộc đời,

Hương trinh đã mất đi rồi, còn chi!

Chàng Kim lòng nặng yêu vì,

Choàng tay ôm ấp hoa kia vào lòng.

Cánh hoa run, phả hương nồng,

Màu hương hiếu nghĩa sạch trong dịu dàng.

Lạ thay hương tự thân nàng,

Khiến chàng ngây ngất gấp ngàn hương xưa.

Các nhà thơ Việt Nam cũng nhiều người viết Xon-nê, như Chế Lan Viên chẳng hạn. Nhưng bài Xon-nê đầu tiên trong thơ Việt là bài nào, của tác giả nào? Trần Huệ Tâm, trong Văn Nghệ (Đặc san, bộ mới - số 14/8/1994) cho biết mình tìm thấy một cuốn sách chuyện luận (đã mất trang đầu, trang cuối, không xác định được tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản) do nhà thơ Phùng Tấn Đông ở Hội An cho mượn, bài Xon-nê Nguyễn Du của nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-1988) viết năm 1933. Tác giả cuốn chuyên luận xác định bài Nguyễn Du là bài Xon-nê đầu tiên trong thơ Việt Nam. Tuy nhiên, Trần Huệ Tâm vẫn thận trọng, coi đây như một lài liệu tham khảo.

Xin giới thiệu bài Xon-nê của Phạm Huy Thông:

Nguyễn Du

Giữa đám núi cao trên Hồng Lĩnh

Lô xô và tha thướt bóng chiều,

Lụp xụp trong thung lũng tiêu điều,

Lạc loài một túp lều thanh tịnh.

 

Nguyễn Du trước cửa đang ngân vịnh

Bỗng hồn thơ bay bổng như diều,

Cụ vừa đọc hết truyện cô Kiều,

Một gái thanh lưu đời Gia Tĩnh.

 

Trước án thư dưới ngọn đèn dầu,

Nguyễn Du ngồi, mài thỏi mực tàu,

Chữ thoăn thoắt phủ đầy giấy trắng.

 

Rồi khi trời đông điểm ánh vàng,

Tóc râu bạc xóa những trán phẳng,

Cụ thấy lòng khoan khoái nhẹ nhàng. 

Thái Kim Đỉnh

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây