DẠY VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC THEO HƯỚNG COI TRỌNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH

Thứ ba - 08/12/2015 04:21 0

DẠY VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC THEO HƯỚNG COI TRỌNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH

  1. Phạm Tuấn Vũ

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”(1). Đây là một tư tưởng lớn, quán xuyến mọi sự chỉ đạo của Đảng đối với giáo dục và đào tạo hiện nay. Những người công tác trong ngành giáo dục và đào tạo, tùy theo công việc cụ thể của mình, phải quán triệt tư tưởng cốt lõi này và biến thành hành động cụ thể, thường xuyên, hiệu quả nhất. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày một số suy nghĩ về việc dạy học văn học Việt Nam trung đại ở trường trung học (bao gồm THCS và THPT) hiện nay theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Ở đây năng lực được hiểu “là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, giá trị động cơ cá nhân,… nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định”(2).  

Văn học Việt Nam trung đại bao gồm những văn bản văn chương thẩm mỹ và những văn bản văn học chức năng ra đời trong khoảng thời gian từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Những văn bản thuộc nền văn học này được chọn dạy học trong trường phổ thông hiện nay ra đời muộn nhất cũng cách đây hơn trăm năm, không ít văn bản ra đời cách đây cả ngàn năm (Quốc tộ, Nam quốc sơn hà, Thiên đô chiếu…). Những văn bản được chọn dạy học là những văn bản thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo với giá trị nghệ thuật cao, tất nhiên là cả nội dung cả hình thức đều mang dấu ấn đương thời. Do có giá trị đích thực nên nhiều văn bản trong số đó vượt qua được thử thách của thời gian, tồn tại trong nhiều chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn của nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên việc tiếp nhận các giá trị văn chương nói chung và tiếp nhận các giá trị văn chương ở trường trung học nói riêng luôn có tính chất động, nhất là trong phạm vi nhà trường - nơi thực hiện hoạt động giáo dục góp phần hình thành nhân cách con người với triết lý giáo dục và với hệ thống giáo dục thích ứng, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Dạy học văn chương Việt Nam trung đại rất thuận lợi để hình thành và củng cố năng lực nhận thức sự khác biệt và thái độ ứng xử một cách hợp lý đối với những giá trị đó. Trong Thư gửi Stackenbua, Ăngghen viết rằng con người sáng tạo ra lịch sử của mình, nhưng là sáng tạo trong những điều kiện thực tế đương tồn tại và những quan hệ mà người ta phải thích ứng. Tư tưởng này của nhà duy vật biện chứng và duy vật lịch sử vĩ đại thực sự có ý nghĩa như kim chỉ nam để lý giải và tiếp thu có chọn lựa những giá trị của quá khứ. Chẳng hạn Nam quốc sơn hà, một văn bản biểu lộ tinh thần độc lập tự cường và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam qua ý chí kiên quyết bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc và niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của quân dân ta nên thực sự xứng đáng là quốc thi (bài thơ tiêu biểu của quốc gia). Khi dạy học văn bản này, người dạy và người học cần có sự tương tác để thấy những sự khác biệt. Giáo viên và học sinh hiện nay đang sống trong thời đại dân chủ (“tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”) nên cần có nhãn quan lịch sử để hiểu quan niệm Nam quốc sơn hà Nam đế cư (Sông núi nước Nam do vua Nam làm chủ). Giáo viên cần cho học sinh biết con người trong xã hội đương thời là con người thần dân (chữ thần nghĩa là bề tôi). Trong một quốc gia, tất cả là bề tôi của vua (hoặc chúa), muôn triệu người thuộc sở hữu (theo nghĩa đen) của một người. Khẳng định sông núi nước Nam của vua Nam là khẳng định nước Nam đã có chủ. Thao tác đối sánh còn làm nổi bật được nhiều giá trị ưu việt khác nữa của bài thơ này. Trong hàng ngàn năm, phong kiến phương Bắc cho rằng chỉ có thiên tử (vua Trung Quốc) mới được xưng là đế. Các nước xung quanh là phiên bang (nước làm phên dậu), thuộc quốc (nước phụ thuộc) nên vua của các nước đó chỉ được xưng vương. Tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà đã công khai khẳng định đanh thép lập trường bình đẳng dân tộc. Ngoài ra bài thơ có nhắc đến tư tưởng thiên mệnh nhưng với tinh thần khác. Nho giáo chính thống cho rằng trời sai khiến mọi sự, nghĩa là khẳng định vai trò quyết định thuộc về một lực lượng siêu nhiên bên ngoài con người. Tác giả bài thơ chọn lấy phần khả thủ nhất của quan niệm này: chân lý do lực lượng siêu nhiên định sẵn đương nhiên sẽ có màu sắc linh thiêng, có sức thuyết phục cao, nghĩa là nước Nam có quyền độc lập không chỉ là chân lý của cõi người mà còn được cả những lực lượng thiêng liêng công nhận.

Ở THCS và THPT người dạy và người học chủ yếu tiếp nhận văn học Việt Nam trung đại qua từng văn bản. Điều này hợp với các yếu tố thuộc chủ quan và khách quan đồng thời cũng khiến cho tiềm ẩn nguy cơ “thấy cây mà không thấy rừng”. Để nâng cao chất lượng dạy học văn theo hướng coi trọng phát triển năng lực cho người học, theo chúng tôi, một trong những nội dung cần đổi mới là giáo viên luôn có ý thức hướng học sinh đến những khái quát (tất nhiên là phải hợp với sự phát triển năng lực thể chất và năng lực tinh thần của các em) về văn học Việt Nam trung đại.

Lý giải năng lực của con người, nhất là năng lực của các thiên tài là việc vô cùng khó khăn. Thời cổ - trung đại ở Trung Hoa sáu cá nhân có trí tuệ siêu việt được tôn xưng là thánh nhân. Người đương thời cho rằng khác với muôn vàn cá nhân khác, thánh nhân sinh ra đã biết. Lão Tử là một trong những cá nhân kiệt xuất như vậy. Người Trung Hoa xưa có huyền thoại cho rằng con người này có 80 năm nằm trong bụng mẹ nghiền ngẫm mọi sự nên khi sinh ra điều gì cũng thông tỏ. Hiển nhiên là ngày nay không còn ai tin vào sự cắt nghĩa đó, nhưng điều khả thủ ở đây là trong hoàn cảnh đương thời, người ta đã thấy được có những cá nhân năng lực siêu phàm không tuân theo quy luật tiệm tiến, lượng biến thành chất thông thường. Ngày nay trí tuệ của loài người đã rất phát triển, nhưng như không ít người nhận thấy, nhiều năng lực của thiên tài vẫn “khả giải bất khả giải chi gian” (ở giữa việc có thể giải thích được mà không giải thích được). Phạm trù năng lực mà chúng tôi đang bàn tới trong bài viết này là thuộc phần tuyệt đại đa số nhân loại. Quy luật phổ quát của sự hình thành năng lực ấy là trên cơ sở sự biết, sự hiểu, là quá trình chuyển hóa những giá trị bên ngoài thành những thế năng thuộc chủ thể. Bởi vậy chỉ có thể hình thành được cho người học những năng lực đích thực dựa trên phương pháp tiếp cận phù hợp các giá trị văn chương Việt Nam trung đại. Nhà triết học Đức Hêghen định nghĩa phương pháp là tương ứng với đối tượng. Nhà ngôn ngữ học Pháp F. Đờ Xốtxuya cho rằng phương pháp đẻ ra đối tượng. Chúng tôi hiểu là các tác giả này cho rằng thuộc tính của đối tượng phụ thuộc vào phương pháp nhìn nhận nó. Nhiều tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, ví dụ truyện Thầy bói xem voi, cho thấy đã từ rất lâu người bình dân Việt Nam đã tiếp cận minh triết này.

Những điều còn đáng phân vân trong sách giáo khoa và sách giáo viên Ngữ văn trung học khi hướng dẫn dạy học các văn bản văn học Việt Nam trung đại, theo chúng tôi, xuất phát từ chỗ không chú trọng đúng mức đến các giá trị đặc thù trên nhiều phương diện của bộ phận văn học này.

Ngày nay nhiều người biết và tán đồng khái quát của M.M. Bakhtin rằng thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học. Do những nguyên nhân văn học và nguyên nhân phi văn học, trong thời trung đại vai trò của “nhân vật chính” này càng đặc biệt. Đúng như nhà Ngữ văn học kiệt xuất người Nga Đ.X. Likhatrốp đã nhận thấy, quy phạm của các thể loại văn học Nga cổ rất bền vững và kết quả là các thể loại rất khác nhau còn tác phẩm cùng thể loại thì rất gần gũi nhau(3). Khái quát này cũng đúng đối với văn học Việt Nam trung đại. Đặc điểm này làm nên sự khác biệt lớn so với văn học hiện đại, nền văn học trong đó các thể loại có xu hướng xâm thực nhau (ví dụ kịch thơ, thơ văn xuôi, tiểu thuyết…). Đây là đặc điểm nổi bật và bền vững (đến mức có thể coi là một nguyên lý) mà người dạy học phải luôn thấm nhuần. Nếu xao lãng sẽ rơi vào một trong hai tình thế. Hoặc cứ áp dụng thước đo phổ quát “mỗi tác phẩm văn chương đích thực phải là sự phát hiện về nội dung và là phát minh về hình thức” từ đó thấy cái mới về nội dung và hình thức ở văn học Việt Nam trung đại (kể cả những văn bản xuất sắc được chọn dạy học) ít ỏi, mờ nhạt. Hoặc cố tìm những cái mới về hình thức trong khi bản thân nó không có, từ đó đưa ra những đánh giá khiên cưỡng, khiến học sinh nghi ngờ cả những kết luận có giá trị khoa học. Việc dạy học văn học Việt Nam trung đại giúp học sinh thấy được người xưa sáng tạo trong điều kiện bị bó buộc bởi bao nhiêu điều hữu hình và vô hình, vậy mà những tác giả tài năng và có tâm huyết vẫn vượt qua được, để lại cho đời những áng văn chương bộc lộ phong cách riêng. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những tìm tòi riêng được trân trọng, miễn là chính đáng. Thao tác so sánh này tự nhiên và hiệu quả.

Trong nhiều loại năng lực mà môn học Ngữ văn có nhiệm vụ hình thành cho học sinh có năng lực vận dụng sự hiểu biết vào việc giải quyết những tình huống trong cuộc sống và trong khoa học. Việc dạy học văn học Việt Nam trung đại có nhiệm vụ hình thành nhiều tri thức mang tính đặc thù để trên cơ sở đó học sinh có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Chẳng hạn về khái niệm then chốt ở đây - khái niệm văn học. Thực tiễn văn học hiện nay hình thành ở người ta (nhất là thế hệ trẻ) ý niệm rằng văn học, đó là những văn bản có giá trị thẩm mỹ. Thao tác cơ bản để tạo nên giá trị thẩm mỹ là hư cấu. Ngày nay người ta cho rằng những văn bản phi hư cấu nhật dụng không thuộc văn học. Thực tế cho thấy tình hình có khác ở văn học Việt Nam trung đại. Một phần đáng kể văn học Việt Nam trung đại trực tiếp tham gia vào đời sống đương thời trực tiếp với mức độ hơn hiện nay. Đó là một thuận lợi để hướng đến phát triển năng lực so sánh cho học sinh.

Phân chia theo chức năng chủ yếu, văn học Việt Nam trung đại gồm hai bộ phận: văn chương thẩm mỹ (chủ yếu đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ) và văn học chức năng (chủ yếu đáp ứng nhu cầu thực tiễn), trong đó một phần của văn học chức năng thế tục ngày nay gọi là văn chính luận. Lý Thái Tổ viết Thiên đô chiếu để ban bố mệnh lệnh về việc dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết Dụ chư tì tướng hịch văn để kêu gọi các tướng dưới quyền mình từ bỏ những suy nghĩ, hành động không phù hợp và chuyên tâm nghiên cứu binh thư, rèn luyện quân sĩ. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo theo lệnh của Lê Lợi báo cho toàn thể người trong nước biết sự nghiệp chống quân Minh xâm lược đã hoàn thành… Chúng ta thấy các văn bản này cũng như văn chính luận Việt Nam trung đại nói chung ra đời để đáp ứng những nhiệm vụ cụ thể. Ngày nay đây là chức năng của văn bản nhật dụng, thuộc loại văn bản phi hư cấu, không thuộc lĩnh vực văn chương, trong thời kỳ trung đại đây lại là loại văn chương được đánh giá cao nhất vì trực tiếp phục vụ chính sự.

Dạy học văn bản chính luận Việt Nam trung đại nếu cứ bị ám ảnh bởi thuộc tính của văn chính luận hiện nay sẽ bỏ qua những giá trị quan trọng của các văn bản xưa. Những văn bản chính luận Việt Nam trung đại xuất sắc thực sự là tổng hòa của những giá trị mà ngày nay đã thuộc về những lĩnh vực khác nhau. Thiên đô chiếu có sự kết hợp nhuần nhị giữa hệ thống lý lẽ và những dòng văn biểu cảm. Bình Ngô đại cáo có sự hài hòa, nâng đỡ nhau của các giá trị văn, sử, triết. Giá trị văn chương là chủ yếu, thể hiện bằng tầng tầng lớp lớp những điều mà ngày nay gọi là luận điểm, luận cứ và luận chứng phát triển từ luận đề nhân nghĩa. Chất văn còn bộc lộ ở sự biểu đạt giàu tính hình tượng, chẳng hạn để tái hiện sự đông đảo và mạnh mẽ của nghĩa quân tác giả viết: Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông phải cạn (dịch). Thật là tự nhiên khi bản đại cáo chứa đựng những giá trị của sử học - vì, nói theo ngôn ngữ ngày nay - trước hết Bình Ngô đại cáo là một văn bản công vụ, là phát ngôn của người đứng đầu quốc gia đương thời. Giá trị lịch sử thể hiện ở sự ghi chép trung thành quá trình cuộc khởi nghĩa, ở sự khái quát sâu sắc những chân lý lịch sử: nước ta là nước có truyền thống văn hiến lâu đời và vẻ vang; trong cuộc kháng Minh đương thời cũng như suốt quá trình dựng nước và giữ nước, vai trò của tầng lớp bình dân thật khó kể hết; dù kinh qua muôn vàn gian khổ hy sinh, sự nghiệp bảo vệ đất nước Đại Việt nhất định thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa, có sự đồng lòng bốn phương manh lệ, có chiến lược thông minh quả cảm dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều… Ý vị triết học vừa hiển ngôn vừa hàm ngôn trong Bình Ngô đại cáo, tuy không dễ thấy như giá trị văn chương và giá trị sử học nhưng cũng đậm đà sâu sắc. Suốt trong bản đại cáo, tác giả luôn thể hiện con người trong mối quan hệ với trời đất kỳ vĩ, với thần thánh linh thiêng. Khi dân chúng Đại Việt rên xiết dưới ách xâm lược của ngoại bang, thần và người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha; khi đại nghiệp của quân dân Đại Việt thành công, trời đất tăm tối trở nên sáng sủa… Nhãn quan này xuất phát từ truyền thống triết học cổ phương Đông cho rằng thiên địa nhân là tam tài (ba thực thể quan trọng nhất).

Dạy học các văn bản văn học Việt Nam thời trung đại có cơ hội để hình thành và củng cố cho học sinh năng lực nhận biết và đánh giá tư duy đặc thù của thời trung đại. Một trong những biểu hiện của tư duy này là thái độ và sự đánh giá những giá trị cổ xưa. Mở đầu Thiên đô chiếu, Lý Thái Tổ viết: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô”. Nhà vua đã lấy việc của người xưa để làm “cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn” cho công việc hệ trọng mà mình sắp tiến hành. Đối với thời trung đại, noi theo cái cổ xưa là sự bảo đảm về chân lý và đạo lý. Ngày nay điều này không nhất thiết.

Văn chương Việt Nam trung đại cho thấy người xưa cũng hay dùng tư duy hình thức. Chẳng hạn mở đầu Chiếu cầu hiền tài, Ngô Thì Nhậm viết: “Cũng như mọi tinh tú đều hướng về sao Bắc đẩu, mọi hiền tài đều hướng về thiên tử”. Khi dạy học văn bản này giáo viên cần có sự đối sánh để nhận thức được ưu việt của tư duy biện chứng, kiểu tư duy phổ biến hiện nay.  

Càng bước vào xã hội hiện đại, năng lực của con người nói chung và học sinh nói riêng càng cần đa dạng và sâu sắc hơn. Dạy học văn chương Việt Nam trung đại chú ý đến những giá trị đặc thù của nó sẽ góp phần hình thành và phát triển tư duy lịch sử cụ thể, tư duy đối sánh và tư duy phê phán. Đây là những năng lực rất quan trọng chuẩn bị cho học sinh, lớp người chuẩn bị bước vào cuộc sống ngày càng đa dạng, phức tạp và nhiều thách thức. Dạy học các văn bản văn chương Việt Nam trung đại người ta thường bắt gặp tư tưởng thiên mệnh (trời sai khiến), ngay cả ở những văn bản tiêu biểu như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều… Hiển nhiên là không thể bỏ qua yếu tố này vì trong các văn bản trên nó tồn tại như là một tư tưởng thẩm mỹ xã hội cốt lõi. Cũng không thể kết luận đơn giản đây là sự mê tín dị đoan. Với những hiện tượng tư tưởng từng làm nên màu sắc của một thời đại, càng cần phải thấu triệt quan điểm lịch sử - cụ thể.

Đôi khi người ta phải trừu xuất những giá trị tư tưởng lớn nhỏ như là những giá trị độc lập để từ đó đưa ra những phán đoán đơn nghĩa. Thực ra cách tư duy này đa phần trường hợp là không thỏa đáng. Đơn cử tư tưởng thiên mệnh nói trên. Tư tưởng này cho rằng ở đâu đó có thế lực siêu hình to lớn chi phối cuộc sống con người. Tư tưởng này còn hướng đến mục đích cụ thể, trần tục hơn. Một khi bị nó khuất phục cũng thật tự nhiên, người ta phải khuất phục một ông trời con (thiên tử) ở cõi người. Lênin từng căn dặn rằng không được dừng lại ở cắt nghĩa tư tưởng bằng bản thân tư tưởng mà phải tìm đến căn nguyên thực tiễn.

Khi mục tiêu và phương pháp giáo dục có những điều chỉnh lớn thì chương trình và sách giáo khoa nói chung và của môn Ngữ văn trung học nói riêng tất yếu sẽ cũng có những sự thay đổi. Cho đến nay chưa có chương trình và sách giáo khoa mới nhưng chúng tôi tin rằng những tài liệu này có kế thừa chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn cũ, cũng như mục tiêu và phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục lần này không hoàn toàn đoạn tuyệt với mục tiêu và phương pháp giáo dục trước đây, trái lại chọn lựa những giá trị khả thủ để kế thừa. Với những văn bản văn học Việt Nam trung đại đang được dạy học hiện nay được tiếp tục dạy học trong chương trình sắp tới, chúng tôi cho rằng cần có sự rà soát lại thật cẩn trọng nhằm nhận thức lại những giá trị chưa được nhận thức đúng, tương thích với những đổi mới ở phương pháp dạy học chú trọng phát triển năng lực của học sinh. Năng lực chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở những nhận thức khoa học. Ở đây chúng tôi đơn cử một số trường hợp sách giáo khoa và sách giáo viên Ngữ văn trung học hiện hành chưa hiểu đúng.

- Trong phần cung cấp tri thức đọc - hiểu văn bản Bình Ngô đại cáo, sách Ngữ văn 10, tập Hai (nâng cao) viết: “Cáo thường được viết bằng văn biền ngẫu”(4). Một nhận định tưởng như chỉ về một tiểu tiết nhưng thực ra phương hại đáng kể đến sự đánh giá văn bản này. Cho đến nay, ở Việt Nam người ta chưa tìm thấy văn bản cáo nào khác, nghĩa là Bình Ngô đại cáo là văn bản duy nhất (chúng tôi nhấn mạnh). Ở Trung Quốc, những văn bản viết theo thể cáo được tập hợp trong sách Thượng thư (thế kỷ - XIV) đương nhiên là lúc đó chưa có văn biền ngẫu, các văn bản này được viết bằng lối văn xuôi thô mộc(5). Bình Ngô đại cáo thực sự là một bản tuyên ngôn độc lập của nước ta thời trung đại. Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện những tư tưởng và tình cảm lớn của thời đại mà còn lần đầu tiên sử dụng văn biền ngẫu ở thể cáo, điều càng xứng đáng được đánh giá cao trong hoàn cảnh đương thời, chứ không phải vô tình hạ thấp công lao của tác giả và giá trị của văn bản như sách giáo khoa đã làm.

- Phú là một trong những thể loại văn chương thẩm mỹ quan trọng trọng văn học Việt Nam trung đại, ngày nay rất xa lạ với đại bộ phận giáo viên và học sinh. Trong chương trình Ngữ văn trung học hiện hành, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là văn bản duy nhất được dạy học nên các kiến thức về thể loại lại cần phải chính xác vì người dạy và người học không có điều kiện so sánh, đối chiếu. Phần Tri thức đọc - hiểu trong Ngữ văn 10, tập Hai (nâng cao)(6) chỉ khoảng nửa trang nhưng có những điểm không chính xác hoặc mâu thuẫn. Sách viết: “Phú vốn là thể văn” (tr.8), liền sau đó lại viết: “Phú sông Bạch Đằng thuộc loại cổ phú, sử dụng lối “chủ - khách đối đáp”, câu thơ (P.T.V nhấn mạnh) có xen tiếng chừ” (tr.9).

Thực ra từ đời Hán người ta đã thấy phú không phải là thơ, cũng không phải là văn mà là thể “bán thi bán văn”(7) (vừa có tính chất của thơ vừa có tính chất của văn xuôi).

Sách còn viết: “Cổ phú… cuối bài thường kết lại bằng thơ” (tr.8). Nhận định này chỉ đúng ở bản dịch Bạch Đằng giang phú. Dịch giả đã sử dụng thể thơ lục bát, một thể thơ chưa được sử dụng trong văn học viết Việt Nam khi Trương Hán Siêu viết bài phú này. Văn bản phú, dù viết theo tiểu loại nào đều có đặc điểm chung là toàn bộ nội dung tự sự, miêu tả, trữ tình ở các phần trên đều nhằm phục vụ cho nội dung triết lý ở cuối tác phẩm(8). Hiển nhiên, thơ không phải là hình thức ưu việt để triết lý. Trong nguyên tác, đoạn cuối Bạch Đằng giang phú có nội dung triết lý được viết bằng văn xuôi có vần điệu. Không cần đến vốn Hán học uyên thâm cũng nhận thấy dịch giả do chạy theo âm điệu mượt mà của câu thơ lục bát, đã làm sai lệch đáng kể tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm này. Trương Hán Siêu không gọi kẻ xâm lược là bất nghĩa (vì đương nhiên rồi). Tác giả khinh bỉ gọi chúng là phỉ nhân (kẻ cướp). Chữ phỉ này là chữ phỉ trong thổ phỉ. Trương Hán Siêu cũng không ca ngợi anh hùng như bản dịch đã nhầm. Ông ca ngợi người có lòng nhân (nhân nhân). Đó là những chủ thể khác xa nhau. Tác giả đề cao người xưa và ngầm biểu lộ mong muốn những vị quân vương đương thời noi theo cổ nhân.

- Hướng dẫn học bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, sách Ngữ văn 10, tập Hai (sđd, tr.79) cho rằng: “Truyện kể về cuộc đấu tranh sống còn giữa hai thế lực: một bên là con người (do Ngô Tử Văn đại diện), một bên là thần linh ma quỷ (Minh ti hồn viên Bách hộ họ Thôi…)”. Đây là một nhận định xuất phát từ cái nhìn khiên cưỡng nên không xếp được thổ thần vào loại nào. Hiển nhiên là xét theo hình thức tồn tại, thổ thần cũng thuộc vào thế giới ma quỷ. Thổ thần không “đấu tranh sống còn” với Tử Văn, trái lại luôn sát vai cùng chàng đấu tranh cho công lý. Ngay cả Diêm vương cũng không phải luôn đứng ở vị thế đối lập với con người. Truyện này không đối lập thế giới con người và thế giới phi nhân mà đối lập chính nghĩa và phi nghĩa. Đúng như nhà Việt Nam học N.I. Niculin nhận định, truyện này là “hồi âm của cuộc chiến tranh giải phóng” dân tộc Việt Nam.

Hiện nay các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và những giáo viên tâm huyết với việc dạy học văn ở trung học đang trăn trở đổi mới phương pháp dạy học để tương thích với mục tiêu giáo dục, phù hợp với các điều kiện trong nhà trường và ngoài xã hội. Riêng về việc đổi mới phương pháp dạy học phần văn học Việt Nam trung đại, bên cạnh những thành công, chúng tôi thấy cần lưu ý một số điểm để hiệu quả đổi mới tương xứng với nhiệt tâm và các điều kiện phục vụ công cuộc đổi mới nói trên.

Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của tác giả một công trình nghiên cứu phương pháp dạy học Ngữ văn trung học phổ thông là “cái khó hơn là đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn đến đâu cũng không được phép đánh mất tính nghệ thuật của môn học”(9). Văn học Việt Nam trung đại, dù có những đặc điểm riêng nhưng cũng có đặc điểm chung cốt lõi là ngôn từ có tính nghệ thuật nên mới xếp vào phạm trù văn học. Ngay cả ở những văn bản chức năng (đáp ứng nhu cầu cụ thể, thiết thực) thì tính chất sáng tác nghệ thuật vẫn tồn tại, bởi vậy dạy học văn học Việt Nam trung đại không được nhân danh bất cứ điều gì để xa rời bản chất môn học. Ngày nay, các phương tiện kỹ thuật tham gia ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn vào việc dạy học. Trước thực tế đó, càng phải quán triệt nguyên tắc chọn lựa phù hợp với môn học và từng kiểu bài. Với môn Ngữ văn, không thể coi là thành công khi nhân danh phát triển năng lực cho học sinh để phần hiểu lấn át phần rung cảm thẩm mỹ, biến văn bản sinh động như một cơ thể sống thành những mô hình, sơ đồ vô hồn.

Dạy học văn học Việt Nam trung đại kết hợp các phương pháp dạy học hiện đại với các phư

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây