Phương thức đánh giá, đo lường kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược

Thứ tư - 16/05/2018 05:21 0

Hoàng Chí Bảo

GS.TS - Chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Upload

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ điều hệ trọng: đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Cán bộ là vốn quý của Đảng, của dân, là tài sản của quốc gia, là tiền vốn của đoàn thể - Nguồn: tuyenquang.gov.vn

          Cấp chiến lược là cấp lãnh đạo, quản lý cao nhất, ở tầm vĩ mô, có quy mô, mức độ rộng lớn nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển của đất nước, cũng như trong đối ngoại ở tầm quốc tế. Cấp chiến lược phải là nơi hội tụ, quy tụ được lực lượng tài giỏi, ưu tú nhất, những nhân tài, hiền tài, kết tinh tinh hoa của đất nước, của dân tộc để hoạch định Cương lĩnh, chiến lược, chính sách phát triển về mọi lĩnh vực. Cấp chiến lược còn phải thu hút được tinh hoa của thế giới, để làm giàu tiềm năng, tiềm lực phát triển của đất nước thông qua đường lối, chính sách đúng đắn, sáng suốt, khôn ngoan. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng, là đội ngũ tinh hoa thực thi sức mạnh, trọng trách đó.

          Từ yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược 

          Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ra Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 16-01-2012, “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nêu bật tình hình đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh của Đảng và thách thức sự tồn vong của chế độ. Tình hình đó được nhận diện trên ba mặt:

          - Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cấp cao.

          - Quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược chậm, không đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng cầm quyền, yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

          - Công tác tổ chức cán bộ yếu kém, bất cập, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và chính sách cán bộ. Giải quyết tình huống này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã xác định quan điểm, phương hướng, mục tiêu và hệ thống các giải pháp lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

          Song, dù đã nỗ lực đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng cũng như thực hiện các giải pháp đề ra nhưng tình hình chuyển biến còn chậm, nhiều diễn biến phức tạp xuất hiện trong nội bộ Đảng, trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định, việc thực hiện Nghị quyết chưa đạt được yêu cầu đề ra. Trên thực tế, Đảng vẫn chưa thực sự vững mạnh, do đó phải đặc biệt nhấn mạnh xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức.

          Sau Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương ban hành tiếp Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết vạch ra 27 biểu hiện phải phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi, chia làm ba nhóm: Chín biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị; Chín biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; Chín biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là một bước tiến trong nhận thức lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền của Đảng ta, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, đối với dân tộc và nhân dân trong tình hình, bối cảnh hiện nay.

          Cũng ngay sau Đại hội XII, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị.

          Ủy ban kiểm tra Trung ương đã đẩy mạnh hoạt động, công khai các kết luận kiểm tra các tổ chức và cá nhân cán bộ mà phần lớn là cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các đại án tham nhũng được đưa ra xét xử công khai và nghiêm minh theo quy định pháp luật.

          Theo thẩm quyền, Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên tiếp xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Thái độ kiên quyết đó đã góp phần rất quan trọng để lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo một xung lực chính trị - tinh thần trong Đảng và trong xã hội để làm trong sạch Đảng, bằng nỗ lực của Đảng và sự hỗ trợ quan trọng của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

          Thực tế đó cho thấy, sự kết hợp chặt chẽ “Ý Đảng - Lòng Dân - Phép Nước” đã đem lại khả năng và sức mạnh để nhiệm vụ quan trọng bậc nhất vào lúc này là xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện có hiệu quả. Mặt khác, cũng từ thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta ngày càng nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt, tính hệ trọng và bức xúc của vấn đề tổ chức và cán bộ, của công tác tổ chức và công tác cán bộ mà trước hết và chủ yếu là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.

          Đã từ lâu, qua nhiều đại hội, Đảng ta đã nhận định: khâu yếu kém nhất là công tác tổ chức cán bộ, đây là khuyết điểm của mọi khuyết điểm. Trong công tác tổ chức và cán bộ thì cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là điểm xung yếu, huyết mạch. Các mục tiêu phát triển được giải quyết như thế nào, đạt kết quả và chất lượng ra sao, tình hình sẽ phát triển tốt đẹp hay không... xét đến cùng đều do tổ chức và cán bộ cấp chiến lược quyết định.

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ điều hệ trọng: cán bộ là dây chuyền của bộ máy, là cầu nối giữa Đảng và Chính phủ với nhân dân. Cán bộ là người đưa đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với nhân dân và cũng đem nguyện vọng, đề nghị của nhân dân đến với Đảng và Chính phủ, từ đó những chủ trương, chính sách được ban hành và thực hiện phù hợp với cuộc sống, đem lại lợi ích cho dân, hợp với lòng dân. Người đòi hỏi, chỉ làm điều lợi cho dân, tránh mọi điều hại tới dân. Không làm điều gì trái ý dân. Muốn được như vậy, mấu chốt là cán bộ phải toàn tâm, toàn ý với dân, phải vì dân. Người cũng nhấn mạnh, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Cán bộ là vốn quý của Đảng, của dân, là tài sản của quốc gia, là tiền vốn của đoàn thể. Cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì phong trào cách mạng sẽ phát triển thuận lợi, tốt đẹp và thắng lợi. Như thế chúng ta có lãi. Ngược lại, cán bộ yếu kém, hư hỏng, làm mất lòng dân, phong trào cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Như thế chúng ta lỗ vốn. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tới phép dùng người. Người không chỉ đề cập tới cán bộ nói chung mà còn quan tâm đặc biệt tới đội ngũ cán bộ cấp cao - cấp chiến lược. “Phép dùng người” thực ra là cả một tổng hợp các vấn đề, từ quan niệm tới hành động, từ phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, đến chính sách và chế độ, đến giám sát, kiểm tra, giáo dục, khen thưởng, kỷ luật... Đó là khoa học và nghệ thuật dùng người sao cho đúng và khéo.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng cả đức và tài trong đánh giá để sử dụng cán bộ, đặc biệt lấy đạo đức làm gốc, làm hàng đầu nhưng không tách rời năng lực. Người nhấn mạnh vào hiệu quả, vào năng lực thực chất cán bộ. Người tin cậy, thương yêu, tôn trọng cán bộ, tạo mọi điều kiện cho cán bộ phát triển năng lực, hoàn thiện đạo đức và nhân cách, đồng thời chú trọng phương pháp khoa học, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá và sử dụng cán bộ.

          Đây không chỉ là những yêu cầu, đòi hỏi của Người đối với cán bộ mà còn là gợi mở những nguyên tắc, phương pháp, phương châm về công tác cán bộ mà giờ đây chúng ta cần tuân thủ, vận dụng sáng tạo nhằm tạo ra những chuyển biến thực chất và đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.

Quan niệm và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược trong tình hình mới

          Cấp chiến lược như bộ não của cơ thể quốc gia. Càng đi sâu vào hội nhập quốc tế với sự biến đổi mau lẹ, phức tạp, đan xen cả thời cơ, vận hội lẫn thách thức, nguy cơ... thì vai trò cấp chiến lược càng nổi bật.

          Cấp chiến lược còn là cấp đòi hỏi năng lực dự báo đúng đắn, đưa ra những quyết sách đúng lúc, kịp thời và sáng suốt để phát triển nhanh và bền vững. Cấp chiến lược thông qua tổ chức và từng cá nhân cụ thể phải tỏ rõ khả năng định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển. Nói theo ngôn ngữ quản lý và quản trị xã hội hiện đại, cấp chiến lược với bộ máy tổ chức tinh xảo, trình độ hoạt động năng động, nhạy bén và sáng tạo, với đội ngũ các chiến lược gia tài giỏi nhất phải thiết kế được các “kịch bản” phát triển tối ưu, lý tưởng nhất, đồng thời chủ động phòng tránh tình huống rơi vào “kịch bản” phát triển tồi tệ nhất.

          Với vị trí, vai trò đó, cấp chiến lược thực sự quyết định “đường đi nước bước” của phát triển, chi phối mạnh nhất xu hướng, tương lai, triển vọng phát triển của đất nước.

          Kinh nghiệm 40 năm cầm quyền trong thể chế của Lý Quang Diệu và những thành công trong chống tham nhũng là một ví dụ, một minh chứng đầy thuyết phục. Ba nhiệm kỳ làm tổng thống, một nhiệm kỳ làm thủ tướng Nga của Vla-đi-mia Pu-tin và hình ảnh một nước Nga đương đại cũng là một minh chứng không thể phủ nhận.

          Nhà lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, nhất là người đứng đầu phải thể hiện mình như một nhà tư tưởng, có chính kiến, có chủ thuyết phát triển, tiêu biểu cho tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh, hành động, sáng tạo, đột phá, là người khởi xướng tư tưởng mới, đồng thời có năng lực tổ chức thực hiện trong thực tiễn, biến khả năng thành hiện thực. Họ thực sự là tinh hoa của dân tộc, của Đảng cầm quyền.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng, là đội ngũ tinh hoa thực thi sứ mệnh được giao phó, ủy thác của cả dân tộc và xã hội để lãnh đạo nhân dân, quản lý đất nước, đưa đất nước tới phát triển bền vững và hiện đại, làm cho “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “ba chủ nghĩa” mà nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên đề xướng và thực hiện. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược kết tinh sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là một tập thể lãnh đạo có sức mạnh đoàn kết, thống nhất, thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bản lĩnh cầm quyền để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện lý tưởng và mục tiêu của cách mạng, của đổi mới - phát triển và hội nhập, được xác định trong Cương lĩnh chính trị, trong đường lối, nghị quyết của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc thông qua. Tập trung tiêu biểu nhất cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược chính là Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

          Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 200 thành viên, tiêu biểu cho 5 triệu đảng viên của toàn Đảng, cho 91 triệu người dân Việt Nam, quyết tâm thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khẳng định thế và lực của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân tộc trong việc giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế thành công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

          Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cũng là kỳ vọng, khát vọng, hoài bão của Người, “dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái”, xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là “một xã hội văn hóa cao”, có một nền kinh tế phú cường, có một nền chính trị đoàn kết và thanh khiết, một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền, và Đảng chân chính cách mạng tiêu biểu cho đạo đức và văn minh, đảng viên và cán bộ là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành, tận tụy của nhân dân.

          Đoạn văn ngắn 57 chữ nói về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bản công bố năm 1969) đã diễn đạt đầy đủ và điển hình nhất yêu cầu đối với lãnh đạo cấp chiến lược và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

          70 năm trước đây, trong sáu điều nói về “Tư cách người công an cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật những phẩm chất, nhân cách cần phải rèn luyện của người công an để xứng đáng “là bạn của dân”, để triết lý “công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” được thực hiện: 

“Đối với tự mình, phải cần kiệm liêm chính

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”

          Sáu điều dạy ấy của Người đã xác định rõ ràng các quan hệ, các chuẩn mực, các yêu cầu mà mỗi cán bộ cách mạng phải thể hiện, phải đạt tới. Ý nghĩa sâu xa, hiệu ứng rộng lớn của những lời dạy này, qua độ lùi 70 năm của thời gian càng làm cho ta thấm thía về những điều cần thiết đối với người cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược thời nay.

          Lại nói về việc học, rộng hơn là giáo dục, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Trong sổ vàng truyền thống của trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) năm mở trường - 1949, Người đã ghi:

“Học để làm việc

Học để làm cán bộ

Học để làm người

Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ giai cấp, dân tộc và nhân loại

Muốn đạt mục đích ấy, trước hết phải cần kiệm liêm chính”.

          Như vậy, theo Người, mục đích, động cơ, lẽ sống của người cách mạng chính là thông qua việc học. Học để rèn nhân cách, tích lũy kiến thức, nâng cao tư tưởng, bồi đắp năng lực, để đạt tới mục đích, động cơ, lẽ sống chân chính vì dân chứ không vì mình, đủ bản lĩnh để suốt đời trung hiếu với Đảng, với dân, suốt đời tận tụy, trung thành, suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - giặc nội xâm nguy hiểm nhất. Đấu tranh với “giặc ở trong lòng” chính là cuộc chiến có không ít đau đớn, đòi hỏi phải có bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, kiên quyết không màng danh lợi, nên cán bộ lãnh đạo trước hết phải cần kiệm liêm chính, đặt đạo đức lên hàng đầu. Đạo đức chỉ dẫn và bảo đảm cho việc học, sâu xa nhất là “học làm người”, quan trọng nhất mà cũng là cao thượng nhất, học để phục vụ dân, vì dân. Học để rèn đạo đức, không có đạo đức thì học cũng vô ích, thậm chí có hại. Chỉ dẫn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tổng kết sâu sắc, là kết quả trải nghiệm một đời, kết tinh cả triết lý nhân sinh “ở đời” và “làm người”, đạt tới tầm minh triết bởi sự thông tuệ và mẫn tiệp của Người. Dẫn ra những điều trên đây từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy sự thống nhất hữu cơ, chỉnh thể, nhuần nhuyễn trong tư tưởng - đạo đức - phong cách của Người.

Phương thức đánh giá, đo lường kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược

          Từ nhận diện thực trạng chất lượng cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt lưu ý một tình huống không bình thường đang diễn ra - một loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp bị xử lý kỷ luật, trong số họ đã có những người phạm tội, phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc, nghiêm minh của pháp luật cho thấy, có những mâu thuẫn và nghịch lý cần phải vượt qua trong công tác cán bộ từ đánh giá, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cho đếngiáo dục, rèn luyện, giám sát và kiểm tra, kiểm soát cán bộ... Qua đó cũng cho thấy, cần phải có một cách nhìn tổng thể, hệ thống và toàn diện để đổi mới căn bản công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới. Đó là phương thức đánh giá, đo lường kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Đây vừa là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, vừa là vấn đề quản lý cán bộ và liên quan trực tiếp đến thể chế, cơ chế, chính sách và giải pháp đối với cán bộ cấp chiến lược. Có thể nhận thấy những mâu thuẫn và nghịch lý trong chất lượng cán bộ ở hầu hết các cấp, các ngành, các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nhấn mạnh, chất lượng thấp của nguồn nhân lực chính là một trong những “điểm nghẽn” căn bản nhất cần phải đột phá để phát triển. 

          Một nghịch lý đang tồn tại hiện nay là tình trạng bằng cấp cao mà chất lượng thấp; học nhiều mà hành rất ít, thậm chí lúng túng, yếu kém trong thực hành, ngay cả đối với những cán bộ thực tâm muốn thực hành nhưng không thực hành đúng và có hiệu quả. Bởi, lý luận tách rời thực tiễn, tri thức không được chuyển hóa để trở thành phương pháp. Học lý luận nhưng khi thực hành trong công việc và trong ứng xử vẫn bị chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng chi phối, lấn át. Tình trạng bằng cấp nhiều nhưng không sử dụng được, “học giả bằng thật”(mua bằng, mua điểm, học thay, học hộ...), “học giả mà bằng cũng giả”, dù đó là “bằng thật” (do học không nghiêm, dạy không đến nơi, quản lý lỏng lẻo, thi cử hình thức, thi mà không có trượt, thi với kết quả xuất sắc và giỏi rất nhiều mà chất lượng thực chất thì rất ít...) không phải là cá biệt mà khá phổ biến, đã được phát hiện nhưng không bị xử lý đúng mức nên không xóa bỏ được mà vẫn tồn tại dai dẳng. Đây không chỉ là bằng chứng của bệnh phù phiếm, hình thức, mà còn là hệ quả của giáo dục bị thương mại hóa, của việc học không vì mục đích đúng đắn, trong sáng mà chỉ được coi là phương tiện, công cụ để tiến thân với những thúc đẩy vụ lợi, vị kỷ, hám danh lợi, chức quyền, địa vị. Những con số thống kê về trình độ, bằng cấp của các đại biểu dự đại hội Đảng hay đội ngũ cán bộ nói chung ở mọi cơ quan, công sở đều rất cao, nhưng thực chất thì lại khác, không có sự tương xứng. Không ít cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp Trung ương, trong đó có cả cán bộ cấp cao đến cán bộ ở địa phương, thậm chí cấp cơ sở cũng chạy theo học vị, học hàm rất nhiều nhưng không thực chất. Chính quan niệm không đúng về tài - đức, về phương thức đánh giá cán bộ còn hình thức, thiên về bằng cấp là mảnh đất thuận lợi nuôi dưỡng căn bệnh này và khiến nó tồn tại dai dẳng.

          Vậy phải thay đổi như thế nào về phương thức đánh giá, đo lường kiến thức và năng lực của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược hiện nay?

          Một thời gian khá dài, trước đổi mới, khi đánh giá cán bộ chúng ta không quan tâm nhiều đến thước đo về bằng cấp, chứng chỉ, trình độ học vấn mà nhấn mạnh đến yếu tố chính trị, lịch sử gia đ&ig

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây