Nâng cao hiệu quả hoạt động Khoa học và công nghệ cấp huyện

Thứ ba - 25/09/2018 05:21 0

 

Trong 2 ngày 19, 20 tháng 9, Sở KH&CN Nghệ An đã tổ chức chương trình giao ban KHCN cấp huyện thường niên tại huyện Đô Lương nhằm tổng kết, đánh giá kết quả mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN giai đoạn 2013-2017; đánh giá hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2018. Dự giao ban có đồng chí Trần Quốc Thành, Tỉnh ủy viên, GĐ Sở Khoa học & Công nghệ, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở, cán bộ công chức cơ quan văn phòng Sở; chủ tịch hội đồng KH&CN, lãnh đạo phòng Quản lý về KH&CN và cán bộ quản lý KH&CN các huyện, thị các và thành phố Vinh; đại diện một số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh. Về phía huyện Đô Lương là đơn vị sở tại có các đồng chí: Phùng Thành Vinh - Phó Bí thư huyện ủy, Nguyễn Trung Thành - Phó chủ tịch UBND huyện, đại biểu UBND các xã có mô hình tiêu biểu về KHCN và một số doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT. 

Upload

 Đại biểu tham dự Hội thảo

Trong chương trình tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN ngày 19/9, các đại biểu về dự đã được tham quan các mô hình như: Tại xã Xuân Sơn, đoàn đã tham quan mô hình cây thanh long ruột đỏ của ông Đặng Anh Tuấn ở xóm 7, mô hình có diện tích 3000 m2 được trồng 1500 cây. Hiện nay cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch. Mỗi ha có thể cho thu hoạch 150 triệu đồng mỗi năm.

 Upload

 Tham quan mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ

 Giống cây thanh long ruột đỏ ban đầu được ông Tuấn sưu tầm và mua về trồng 700 gốc trên diện tích 1 ha. Để cây thanh long phát triển đảm bảo quy trình, gia đình ông Tuấn đã đầu tư trên 300 triệu đồng để mua giống, vật tư, phân bón và trụ cây. Trên địa bàn huyện Đô Lương, ông Hoàng Anh Tuấn là người đầu tiên trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ.

 Upload

 Giống cây thanh long ruột đỏ trồng tại vườn nhà ông Tuấn

 Dự tính năm 2018, gia đình ông Tuấn sẽ thu hoạch được trên 20 tấn quả tương đương với 600 triệu đồng. Điều đáng nói là mô hình Thanh long ruột đỏ của ông Tuấn là sản phẩm hoàn toàn sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm thanh long của ông được khách hàng sử dụng nhiều. Hiện nay, quả thanh long của gia đình ông Tuấn xuất bán ở thành phố Vinh và Hà Nội. Hiệu quả từ trồng thanh long trên đất cằn sỏi đá, ông Tuấn đang tiếp tục trồng mới 1 ha thanh long theo công nghệ mới với năng suất cao gấp 2 lần so với hiện tại. Việc trồng thành công mô hình Thanh long ruột đỏ không những đem về thu nhập cao cho gia đình ông Tuấn mà còn tạo ra sản phẩm hàng hoá đảm bảo an toàn, đồng thời sử dụng phân hữu cơ để bón. Không chỉ vậy,nhiều năm qua gia đình ông Đặng Anh Tuấn ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương còn nổi tiếng về chăn nuôi lợn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Gia đình ông đã tạo ra một mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín. Đây chính là mô hình đang rất cần nhân rộng ở các địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là vùng đất đồi núi.

 Tại xã Lam Sơn, đoàn đã tham quan mô hình cây gai của hộ gia đình anh Lê Văn Toàn ở xóm 2. Đây là mô hình do UBND huyện phối hợp với Cty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước tổ chức trồng thử nghiệm 1 ha tại trang trại anh Lê Văn Toàn. Sau 8 tháng trồng và chăm sóc, diện tích cây gai phát triển tốt, ít sâu bệnh, hiện tại gia đình anh Toàn đã bắt đầu thu hoạch. Qua thu hoạch 1 ha lần thứ nhất đạt năng suất từ 12 đến 13 tấn cây, bóc được khoảng 6 tấn sợi, với giá thu mua của công ty 1 kg 40 ngàn đồng thì 1 ha cây gai thu về được 24 triệu đồng. Vỏ cây gai dùng làm nguyên liệu sản xuất sợi vải xuất khẩu. Cây gai được trồng có thể thu hoạch trong 10 năm, sau lứa thu hoạch nhất đến 45 ngày sau thì cho thu hoạch lứa tiếp theo, mỗi năm cho thu hoạch từ 4 đến 5 lứa, lứa thứ 2 trở đi có thể cho năng suất 22 đến 24 tấn/ha, mỗi ha cây gai có thể cho thu nhập 150 đồng/ năm.

Upload

 Tham quan mô hình trồng cây gai của hộ gia đình anh Lê Văn Toàn

Cùng ngày, đoàn đã tham quan làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức. Làng Vĩnh Đức gồm 2 làng là Vĩnh Sơn và Đức Mỹ nay thuộc Khối 10 Thị trấn Đô Lương, cách đây gần 300 năm, khi đó làng Vĩnh Đức do đất chật, người đông nên một số người đã đưa nghề sản xuất bánh, bún vào sản xuất. Từ đó trở đi ở đây đã hình thành nên làng sản xuất nhiều loại bánh kẹo, trong đó có bánh đa và kẹo lạc. Từ năm 1960 đến nay làng nghề luôn được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đến nay làng Vĩnh Đức có gần 100 hộ sản xuất bánh đa, kẹo lạc chiếm hơn 50% số hộ của khối, mỗi ngày có hàng trăm ngàn sản phẩm được sản xuất bán trong, ngoài tỉnh  và cả nước ngoài, từ sản xuất làng nghề mỗi năm thu về từ 15 đến 19 tỷ đồng. Làng nghề phát triển, thu nhập ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ khá giàu hơn 70% và không có hộ nghèo. Với những kết quả đạt được, tháng 12/2009 làng Vĩnh Đức huyện Đô lương được UBND Tỉnh công nhận làng nghề SX bánh đa, kẹo lạc. Các sản phẩm của làng nghề đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước.

Upload

 Lãnh đạo Sở tham quan gian hàng trưng bày của các làng nghề

Cả ba mô hình đều được các đại biểu đánh giá cao về tính ứng dụng trên địa bàn, hiệu quả cho thấy cũng như sự áp dụng linh hoạt các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra các sản phẩm chiến lược độc đáo, đem lại năng suất và hiệu quả góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của huyện.

  *Trong chuỗi hoạt động giao ban KHCN cấp huyện, vào ngày 20/9, tại hội trường huyện ủy Đô Lương đã diễn ra Hội thảo KH "Hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2018". Chủ trì Hội nghị là ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở cùng ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở và ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương.

 Upload

Toàn cảnh buổi giao ban

 Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Hội thảo năm nay nhằm đánh giá việc xây dựng các mô hình nhỏ và mô hình nói chung ở các huyện trong thời gian vừa qua; mong muốn các huyện chia sẻ cách thức quản lý và triển khai hiệu quả các mô hình đang được áp dụng tại các địa phương trên nhiều lĩnh vực.

 Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình tại các huyện, thị giai đoạn 2013 - 2017. Trong 5 năm, cấp huyện đã triển khai 1.134 mô hình chủ yếu trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, mô hình chuỗi giá trị...

Các mô hình được đầu tư, hỗ trợ gần 80 tỷ đồng, trong đó, 105 mô hình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách khoa học và 1.029 mô hình được hỗ trợ từ các nguồn khác. Các mô hình đều cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, tỷ lệ thành công mô hình từ từ nguồn KH&CN chiếm 97,9%, còn từ nguồn ngân sách khác là 84%. Về kết quả nhân rộng mô hình từ nguồn ngân sách khác là 42,5%, còn từ nguồn ngân sách KH&CN là 40%.

Tại Đô Lương, có 41 mô hình ứng dụng KH&CN, các mô hình như: Trồng thanh long ruột đỏ, cay gai, nuôi chạch quế, bò sinh sản, lúa chất lượng cao, rau an toàn v.v… tỷ lệ thành công 90,2 % và tỷ lệ nhân rộng đạt 51,2 %.

Upload

Tham luận tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Kết quả thực hiện các mô hình ứng dụng các mô hình các tiến bộ KH&CN thuộc nhiệm vụ thường xuyên; Các mô hình khi thử nghiệm thì thành công, nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn, các cấp cần hỗ trợ về kĩ thuật, đầu ra sản phẩm, liên doanh liên kết, công tác quản lí gặp khó khăn, nguồn vốn ít nên khó cho việc đầu tư phát triển mô hình.

Đại diện phòng Quản lý Công nghệ, ông Phạm Hồng Hải tham luận về nội dung: tình hình phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ là nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể ở Nghệ An. Trong quá trình kiểm tra 50% số sản phẩm đã được đăng bạ về NHTT và NHCN theo quyết định của GĐ Sở KH&CN và nhận được 1 số báo cáo của các huyện, đánh giá thấy nhận thức của các nhà quản lý, chính quyền các cấp, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp đã được nâng cao, nhiều sản phẩm đã được bảo hộ và phát triển sản xuất tốt, một số sản phẩm cũng đã khai thác tốt thương hiệu, sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể thúc đẩy phát triển KTXH của địa bàn đó, thúc đẩy các làng nghề phát triển hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại về mặt kế hoạch triển khai chương trình, vai trò quản lý của chính quyền và cơ quan quản lý, các hoạt động tuyên truyền phổ biến còn hạn chế... Ông Hải đề xuất, các sản phẩm đăng bạ phải có chiến lược phát triển, cần phát triển theo chuỗi, kiện toàn các tổ chức sở hữu, bao bì nhãn mác đúng quy định và cần tuyên truyền quảng bá sản phẩm...

Về phía các địa phương, đại diện các huyện, thành, thị đã phân tích rõ những tồn tại vướng mắc trong hoạt động KH&CN của địa phương mình. Đặc biệt, bàn luận các giải pháp tháo gỡ và đề xuất những hoạt động trong thời gian tới.

Upload

Đ/c Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Quốc Thành, giám đốc Sở KH&CN tỉnh đã đánh giá cao các mô hình áp dụng KH&CN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường và đời sống con người. Chú trọng nhấn mạnh tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện, bắt đầu từ xác định lợi thế tiềm năng của huyện, xác định sản phẩm chính cần ưu tiên trong một giai đoạn, phân tích chuỗi giá trị để hỗ trợ từng khâu, các nguồn lực có tính chất KHCN hãy tập trung nhiều hơn cho các sản phẩm đã chọn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi.  Hiện nay, kinh tế  mở nên vai trò của việc ứng dụng KH&CN là rất quan trọng, không chỉ tăng năng suất, hiệu quả mà phải chú ý chất lượng, đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện khác.

 Tin, Ảnh: Nguyễn Thủy

 

 

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây