Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An và Những khuyến nghị

Thứ sáu - 05/01/2024 04:21 0
1. Tổng quan nghiên cứu
FDI luôn thu hút sự quan tâm của nhiều học giả với các cách tiếp cận khác nhau. Các kết quả nghiên cứu có thể không hoàn toàn thống nhất nhưng điểm chung là FDI có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Ali và Hussain (2017) khẳng định trên lý thuyết rằng FDI được coi là động lực chính của hội nhập kinh tế toàn cầu. Kết quả cho thấy FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Pakistan. 
Với chuỗi số liệu giai đoạn 2006-2016, Sokang đã chứng minh tác động tích cực của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Sokang cho rằng, FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia nhờ chuyển giao công nghệ hiện đại, thúc đẩy học tập thông qua thực hành và đào tạo lao động. 
Marobhe (2015) cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế của Tanzania giai đoạn 1970-2014. Kết quả cho thấy, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Marobhe đánh giá cao vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển như Tanzania. Thông qua FDI, các nước đang phát triển được tiếp nhận công nghệ, vốn và có điều kiện nâng cao tay nghề cho người lao động. Ông đề nghị chính phủ Tanzania ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút FDI như ưu đãi về thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, ổn định chính trị và nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động.
Mustafa (2019) đã kiểm tra sự đóng góp của FDI và doanh thu từ du lịch vào GDP của Sri Lanka trong giai đoạn 1978-2016. Sử dụng phần mềm kinh tế lượng Eviews 10, tác giả kết luận rằng 2 biến bao gồm FDI và doanh thu từ du lịch có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến GDP của Sri Lanka về lâu dài.
Lý thuyết về sự luân chuyển vốn là giải thích sớm nhất cho FDI, vốn được xem như là một phần của các khoản đầu tư theo danh mục đầu tư. Đóng góp mang tính đột phá của Hymer’s (1960) là lời giải thích đầu tiên về FDI trong truyền thống tổ chức công nghiệp. Hymer coi FDI như một phương tiện chuyển giao kiến thức và các tài sản doanh nghiệp khác để tổ chức sản xuất ở nước ngoài. Không giống như các khoản đầu tư theo danh mục đầu tư, việc chuyển nhượng như vậy không liên quan đến quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát bị từ bỏ. 
Trong khi, Caves (1971) và Dunning (1958) coi FDI là một cách để khai thác lợi thế về quyền sở hữu, Rugman (1979) lại coi đây là sự đa dạng hóa rủi ro và là tài sản tổ chức và chuyển giao kiến thức của Kogut (1983). Hơn nữa, trong khi Buckley và Casson (1976) và Hennart (1982) giải thích logic cho việc nội bộ hóa các giao dịch trong MNE (doanh nghiệp đa quốc gia), Knickerbocker (1973) cho rằng các MNE thể hiện hiệu ứng vòng tròn khi họ theo chân các đối thủ của mình vào các thị trường mới như một phản ứng chiến lược đối với sự cạnh tranh độc quyền.
Mô hình chiết trung (Dunning, 1980, 1993) cung cấp một khuôn khổ dựa trên lợi thế về quyền sở hữu, vị trí và nội bộ (OLI) để phân tích tại sao và ở đâu, các MNE sẽ đầu tư ra nước ngoài. Những hình thức đầu tư như vậy có thể là: tìm kiếm tài nguyên (tự nhiên), tìm kiếm thị trường, tìm kiếm hiệu quả hoặc tìm kiếm tài sản chiến lược. Mô hình Upsaala (Johanson và Vahlne, 1977) cho rằng, các MNE tham gia tăng dần vào FDI. Ban đầu họ chỉ đầu tư nhỏ vào các quốc gia gần nhau về mặt địa lý và văn hóa, nhưng sau đó, khi kinh nghiệm tích lũy được nhiều hơn, các khoản đầu tư lớn hơn được thực hiện vào các quốc gia xa nhau về cả 2 mặt trên.
Những phát triển lý thuyết tiếp theo giải thích sự phát triển năng động của lợi thế sở hữu và cách các MNE chuyển chúng thông qua FDI. Chúng bao gồm cách tiếp cận dựa trên nguồn lực (Conner, 1991; Wernerfelt, 1984), quan điểm tiến hóa (Nelson và Winter, 1982; Teece và cộng sự, 1997) và cách tiếp cận quản lý tổ chức của Prahalad và Doz (1987), Bartlett và Ghoshal (1989) và Sethi và Guisinger (2002). Động lực chính của những lý thuyết này là kiến thức và kỹ năng của một công ty tạo thành lợi thế sở hữu ngầm. Các MNE, với khả năng thiết lập và quản lý các cơ cấu tổ chức phức tạp, duy trì những lợi thế này bằng cách tận dụng chúng thông qua các khoản đầu tư trên toàn thế giới.
Như vậy, có thể thấy, hầu hết các nghiên cứu này phù hợp hơn với việc gia nhập thị trường ban đầu và không phân tích các xu hướng FDI một cách linh hoạt. Tuy nhiên, nghiên cứu về con đường phát triển đầu tư có yếu tố theo chiều dọc (Dunning, 1981, 1986; Ozawa, 1992; Narula, 1996; Tolentino, 1992; Dunning và Narula, 1996) cho thấy loại hình FDI thay đổi như thế nào theo giai đoạn phát triển kinh tế của nước chủ nhà. Theo đó, các nước kém phát triển hơn thu hút phần lớn vốn FDI tìm kiếm nguồn lực và hiệu quả vào các thị trường sản phẩm hoặc các nhiệm vụ sản xuất sử dụng nhiều lao động. Khi các nước này phát triển và cải thiện nền kinh tế, cơ sở hạ tầng công nghệ và kỹ năng kỹ thuật của lực lượng lao động, họ sẽ thu hút FDI vào các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, chất lượng dòng vốn FDI cao hơn.
2. Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An 
Một trong những địa phương mới nổi trong thu hút FDI là tỉnh Nghệ An. Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI; trong đó có những dự án đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: JuTeng, Luxshare ICT, Goertek, Everwin. Trong 10 tháng năm 2023, Nghệ An đứng thứ tư về thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với 1,01 tỷ USD, chỉ đứng sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Từ chỗ liên tục đứng thứ 20 trở lên trong thu hút đầu tư nước ngoài, 2 năm gần đây, Nghệ An đã vươn lên top đầu với dấu mốc vượt 1 tỷ USD. Trong khi trước đó, năm 2015, Nghệ An vẫn còn đứng vị trí thứ 20 với tổng vốn FDI thu hút được trong năm là 206 triệu USD. Năm 2018, thứ hạng này còn thấp hơn nhiều khi tỉnh xếp thứ 45, chỉ với 25,68 triệu USD. Năm 2020, Nghệ An thu hút được 169,4 triệu USD, đứng thứ 25. Năm 2021, địa phương thu hút được 318,5 triệu USD và vẫn đứng thứ 20. Năm 2022 đánh dấu thay đổi thứ hạng nhanh chóng của Nghệ An khi tỉnh này vươn lên thứ 11 trong số các địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 890,6 triệu USD. Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nghệ An năm 2023 đã đạt 1,58 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và lọt vào tốp 10 các tỉnh, thành phố có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Như vậy, liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023, Nghệ An đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng tốp 10 cả nước trong thu hút đầu tư FDI(1).

Thứ hạng FDI Nghệ An trong những năm gần đây

Điểm đáng chú ý của dòng vốn đầu tư vào Nghệ An trong vài năm gần đây là chất lượng của nguồn vốn. 4 dự án đầu tư lớn đều thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến đầu tư kinh doanh phải kể đến nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology      Singapore PTE.LTD (Tập đoàn Foxconn) - đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple. Tháng 6/2023, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, đang trong quá trình điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Nhà máy của dự án có công suất thiết kế gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm. 
Ngày 20/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FDI có số vốn 120 triệu USD. Đây là Dự án do nhà đầu tư Radiant Opto - Electronics Corporation (Đài Loan) đầu tư xây dựng Nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Dự án có công suất thiết kế sản phẩm linh kiện điện tử, bao gồm mô đun đèn nền (BLU), tấm dẫn hướng ánh sáng (LGP), phim tăng cường độ sáng (BEF), đúc khung nhựa (M/F forming) giai đoạn 1 là 35 triệu sản phẩm/năm, tương đương 2.100 tấn sản phẩm/năm; giai đoạn 2 tăng thêm 10 triệu sản phẩm/năm, tương đương 600 tấn sản phẩm/năm. Nhà đầu tư còn tiến hành xây dựng các dịch vụ cho thuê nhà xưởng, nhà kho với diện tích khoảng 45.000m2; cơ sở cho thuê lưu trú công nhân, chuyên gia làm việc ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, diện tích hơn 14 nghìn m2 cùng với dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa sản phẩm do nhà đầu tư sản xuất tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An.  
Đây là dự án FDI thứ 17 mà tỉnh Nghệ An đã thu hút được trong năm 2023. Với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tư cho dự án của nhà đầu tư với số vốn 120 triệu USD vào những ngày cuối năm này, năm 2023 Nghệ An đã thu hút được 1,58 tỷ USD vốn FDI.

Top 10 địa phương thu hút mới FDI 10 tháng năm 2023

Tổng vốn đầu tư xã hội của Nghệ An giai đoạn 2011-2020 đạt 472,029 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 12,33%/năm; tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP tăng dần từ 47,52% năm 2011 lên 54,14% năm 2020. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước và giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước (vốn Nhà nước năm 2020 đạt 16.397 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,85% (năm 2011 là 28,28%); vốn ngoài Nhà nước năm 2020 đạt 59.764 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,03% (năm 2011 là 70,19%); năm 2020 vốn FDI chiếm 3,1% (năm 2011 là 1,53%). Vốn FDI có xu hướng tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thời gian qua, kết quả thu hút đầu tư đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên các dự án đầu tư trong nước vẫn là chủ yếu, các dự án FDI vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Xét về tổng thể, số lượng dự án tăng nhiều qua các năm nhưng quy mô vốn bình quân/dự án có xu hướng giảm. 
Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã thu hút được 495 dự án với số vốn 185.782,8 tỷ đồng, bình quân 375,32 tỷ đồng/dự án trong đó có nhiều dự án lớn, công nghệ cao như dự án của Tập đoàn Masan - Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan tại KCN Nam Cấm với diện tích 6,33 ha; vốn 1200 tỷ đồng.
Sang giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đã thu hút được 639 dự án với số vốn 85.460,1 tỷ đồng, bình quân 133,74 tỷ đồng/dự án (so với giai đoạn 2011-2015, số lượng dự án tăng 29%; vốn đăng ký giảm 54%), đến nay số dự án đang còn hiệu lực là 620 dự án với tổng số vốn 75.950,67 tỷ đồng. 
So với giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 thu hút đầu tư của tỉnh tuy tăng về số dự án nhưng giảm về quy mô vốn. Các dự án FDI có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn (6,61%) và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh (cả về số dự án và về vốn đầu tư). Ngay đối với đầu tư trong nước cũng chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có tính động lực cao; đa số các dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh có quy mô vừa và nhỏ (có 518/620 dự án có tổng vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng, chiếm 83,54%); số lượng dự án quy mô lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức, công nghệ cao còn rất khiêm tốn.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư. Nhưng trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, nhà ở. Các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao và các dự án hạ tầng công nghiệp còn ít, đặc biệt là giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế và du lịch. 

Khu Công nghiệp Hoàng Mai (Ảnh Thành Cường)

Số lượng dự án đầu tư vào KKT và các KCN còn chưa đáp ứng yêu cầu (hàng năm chiếm 15-30% số lượng dự án toàn tỉnh). Chưa thu hút được các dự án vệ tinh, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các dự án đầu tư hạ tầng KKT, KCN (như đầu tư khu nhà ở cho chuyên gia, nhà ở xã hội cho công nhân, khu cung cấp dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia, người lao động trong các KCN, CCN…). Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài. 
Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án nước ngoài vào khu công nghiệp còn tồn tại nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, hệ thống cảng biển chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, lực lượng lao động có tay nghề cao, có ngoại ngữ chưa nhiều, hoạt động xuất khẩu lao động phát triển sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình tuyển dụng. 
3. Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nghệ An
3.1. Vị trí đầu tư
Mô hình chiết trung của Dunning nói chung là một doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) đầu tư vào vị trí thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các quyết định về vị trí của các MNE khác nhau thì “vị trí” có thể có nội hàm khu vực rộng hơn. Các MNE thường đánh giá các điểm đến có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiềm năng trên cơ sở khu vực, thay vì một quốc gia. Các quốc gia tiếp giáp địa lý thường có nền văn hóa, hệ thống chính trị, kinh tế và trình độ phát triển tương tự. Các quốc gia như vậy thường tạo thành một nhóm kinh tế khu vực, với sự đồng nhất đáng kể trong các chính sách thương mại và đầu tư của họ.
Nghệ An ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ với diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư cả nước có điều kiện tự nhiên phong phú, hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông. Thông qua các hệ thống giao thông huyết mạch Bắc - Nam hiện có (Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc - Nam) và trong tương lai (thêm 02 tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, đường sắt tốc độ cao) gắn với các hành lang kinh tế được dự báo phát triển mạnh giai đoạn tới sẽ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa được sản xuất tại Nghệ An đến các thị trường trong cả nước. 
Tuy nhiên khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn: nền kinh tế quy mô nhỏ, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, mô hình tăng trưởng vùng chủ yếu theo chiều rộng; trình độ phát triển giữa các tỉnh, tiểu vùng của các tỉnh còn có sự chênh lệch (nhất là sự chênh lệch ở khu vực phía Đông - Tây), điều kiện tự nhiên khắc nghiệt gây ra nhiều hiện tượng thiên tai và khí hậu cực đoan… Thêm vào đó, nhiều nguồn lực đầu vào mang tính động lực còn hạn chế, đặc biệt là hạn chế kết cấu hạ tầng (bao gồm cả phần cứng và phần mềm), nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn… là những lực cản cho sự phát triển của Nghệ An nói riêng và các tỉnh khác trong vùng nói chung.
Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị và văn hoá truyền thống trên tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá của quốc gia và vùng, mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước trên thế giới, là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39; Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Số liệu trên cho thấy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả tỉnh, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 ở Nghệ An đạt được kết quả khá. Vai trò của tỉnh còn thể hiện không chỉ đối với vùng, quốc gia mà còn có những thuận lợi trong phát triển kinh tế với Lào. Tuy nhiên giao lưu kinh tế thương mại của tỉnh với nước bạn Lào còn ở mức khiêm tốn, do điều kiện kinh tế xã hội của cả 2 bên (tỉnh Nghệ An và các tỉnh biên giới của Lào)(2). Bên cạnh đó, Nghệ An hiện có 4 lối mở chủ yếu dành cho cư dân biên giới hai bên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt suốt thời gian qua. Đến nay, ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư khá bài bản, khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa Nghệ An và nước bạn Lào còn nhiều hạn chế. Chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động thương mại biên giới với hàng hoá nhỏ lẻ, mang tính chất thương vụ, chưa mang tính lâu dài.
3.2. Môi trường đầu tư 
Các biện pháp tự do hóa của Việt Nam không chỉ nhằm giảm chi phí thương mại, mà còn nhằm thúc đẩy cải cách trong nước, đạt được mở cửa chất lượng cao và tạo ra một chuỗi công nghiệp đa dạng và bền vững. Về đầu tư, tình hình chính trị của Việt Nam ổn định và phạm vi đầu tư được phép rộng. Theo Chỉ số hạn chế FDI năm 2019 do OECD tổng hợp, Việt Nam cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Trung Quốc, chỉ đứng sau Singapore và Myanmar trong khối ASEAN. Dù có những tín hiệu sáng sủa về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng Nghệ An sẽ phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, Nghệ An vẫn đứng ở vị trí thứ 23/63 tỉnh thành phố. Dù tăng 7 bậc so với năm 2021 nhưng so với năm 2021, 2020 thì chỉ số này lại tụt bậc. Trong 4 chỉ số bị tụt hạng của Nghệ An, có 2 chỉ số bị tụt hạng sâu nhất là chỉ số gia nhập thị trường (từ vị trí thứ 29 xuống vị trí thứ 46) và chỉ số đào tạo lao động (từ vị trí thứ 31 xuống vị trí 48). Chỉ số tiếp theo là chi phí thời gian từ 30 xuống 42; chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục giảm từ 40 xuống 45.
3.3. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải
Nghệ An có mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý, bao gồm đầy đủ 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và đường biển. Đường sắt, hàng không, cảng biển do trung ương quản lý cả về quy hoạch và khai thác. Đường bộ, đường thuỷ nội địa do trung ương và tỉnh phân chia quản lý theo quy định pháp luật.
Đánh giá sự liên kết, tính đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng logistics trong tỉnh với vùng, cả nước và quốc tế và với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh; Cơ bản hệ thống giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đã có sự kết nối giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, cảng biển; Kết nối giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Thanh Hóa, khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Nam cơ bản tốt bằng hệ thống quốc lộ, vận tải thủy ven biển và kết nối hàng không; Kết nối giữa hệ thống giao thông của trung ương trên địa bàn với hệ thống giao thông địa phương cơ bản đảm bảo; Kết nối giữa giao thông tỉnh Nghệ An với giao thông nước bạn Lào bằng hệ thống quốc lộ cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình giao thông, chưa thực hiện được các mục tiêu quy hoạch trước đây đã đề ra như chưa hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhiều tuyến đường huyện, đường xã chưa được nâng cấp lên đường tỉnh, một số mục tiêu quy hoạch phát triển hệ thống bến bãi chưa đạt được. 
3.4. Cơ sở hạ tầng thương mại
(1) Thực trạng hệ thống kho bãi, logistic
a) Hệ thống kho, bãi hàng hóa, trung tâm logistic
Đến nay Nghệ An mới chỉ có khoảng 50 kho và hệ thống các kho, bãi hàng hóa thuộc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cảng biển, với diện tích 726.000m2 (không tính hệ thống kho xăng, dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng). Hệ thống kho bãi tập trung chủ yếu ở khu vực Tp. Vinh, các thị xã, huyện ven biển và đồng bằng phục vụ nhu cầu cất trữ và phân phối hàng hóa nông sản, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, trang thiết bị... chưa có trung tâm logistic được đầu tư xây dựng, chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ kho vận riêng lẻ.

Xếp hạng chỉ số FDI của Nghệ An những năm gần đây

b) Hệ thống kho xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 06 kho xăng dầu với tổng sức chứa khoảng 175.420 m3, bao gồm 02 kho đầu mối, 01 kho sân bay và 03 kho tuyến sau và 02 kho khí dầu mỏ hóa lỏng đang hoạt động với tổng dung tích khoảng 6.390 m3.
Toàn tỉnh 08 trạm chiết nạp LPG của 06 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng theo nhu cầu thị trường. Số lượng cơ sở kinh doanh LPG có xu hướng phát triển nhanh do nhu cầu sử dụng nhiên liệu đốt của nhân dân, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 605 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động.
(2) Hạ tầng trung tâm thương mại
Trên địa bàn tỉnh có 27 trung tâm thương mại, chủ yếu tập trung tại Tp. Vinh và một số trung tâm như huyện Diễn Châu, Con Cuông, Tx. Thái Hòa, Hoàng Mai… Trong đó, thành phố Vinh có 10 trung tâm thương mại với tổng diện tích 33,6 nghìn m2 với một số trung tâm thương mại đạt hạng 1,2; huyện Thanh Chương có 2 trung tâm thương mại với diện tích 3,2 nghìn m2; huyện Nam Đàn có 02 trung tâm thương mại với diện tích 3,5 nghìn m2… Sự phát triển của hệ thống trung tâm thương mại với phương thức hoạt động văn minh, hiện đại đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo về kiến trúc thương mại đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ấn nút Khởi công VSIP Nghệ An II

Cơ sở vật chất, kỹ thuật (kiến trúc và diện tích) các trung tâm thương mại  còn chưa đồng bộ, cơ bản các trung tâm thương mại có cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo quy định và hoạt động quản lý, tổ chức kinh doanh mang tính chuyên nghiệp cao. Về kiến trúc, các trung tâm thương mại có kiến trúc cao tầng, hiện đại, góp phần thay đổi bộ mặt kiến trúc của địa phương.
(3) Hạ tầng thương mại điện tử 
Trong giai đoạn 2016-2020, thương mại điện tử của tỉnh Nghệ An được xếp thứ hạng cao trên cả nước và có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam hằng năm của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (EBI index), Nghệ An liên tục là một trong những tỉnh được xếp hạng ở mức khá cả nước. Cụ thể: Năm 2016 đạt 30,7 điểm đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước được khảo sát, năm 2017 đạt 38 điểm đứng thứ 16, năm 2018-2019 đạt 42,4 điểm xếp thứ 15 cả nước; 2020 đạt 46,3 điểm xếp thứ 12 cả nước.

Hoạt động ngoại giao nước ngoài thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An trong năm 2023
(4) Hạ tầng bưu chính, viễn thông - công nghệ thông tin
Hạ tầng thông tin và truyền thông được Nghệ An xác định là một trong những hạ tầng kỹ thuật quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhất là với sự diễn tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và quan tâm đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông của tỉnh thời gian qua, tuy nhiên một số kết quả còn chưa được như kỳ vọng. Lĩnh vực thông tin truyền thông đã có những bước phát triển không ngừng. Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông của tỉnh đạt mức độ tương đối tốt, cùng với hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đi vào vận hành ổn định nên đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành và giảm thời gian chờ đợi của các dịch vụ công. Nhìn chung, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong kết nối, tiếp cận thông tin và tiết kiệm thời gian và giảm sự bất tiện trong dịch vụ công.
3.5. Các yếu tố, điều kiện quốc tế 
a) Xu thế tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế
Kinh tế Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 thông qua các dòng vốn đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế. Nghệ An sẽ tận dụng được từ xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới về nhu cầu cao các loại nông sản tươi, sạch. Hiệu quả và đầu tư tìm kiếm thị trường của các MNE vào một khu vực sẽ phụ thuộc vào các quốc gia trong khu vực đó áp dụng các chính sách tự do hóa thân thiện với nhà đầu tư.
Toàn cầu hóa và hội nhập vẫn là xu thế nổi bật trong sự phát triển của thế giới những năm tới. Trong tổ chức không gian kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, việc hình thành và phát triển các hình thức khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế và tổ hợp nông, lâm - công nghiệp chịu tác động đáng kể bởi xu thế thương mại thế giới và khu vực do có sự tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu, thành phẩm, đặc biệt là gắn với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. 
b) Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự phát triển của internet có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn mô hình tổ chức sản xuất, cơ cấu ngành/sản phẩm: các mô hình dây chuyền tự động hóa sẽ giảm nhu cầu nhân công ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ảnh hưởng tới quỹ đất để xây dựng nhà xưởng cũng như nhà ở cho công nhân; công nghệ AI, IOT góp phần thúc đẩy phát triển mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch (nhờ đẩy mạnh quảng bá trên internet...); công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội…
Bên cạnh đó, giá điện thoại thông minh tiếp tục giảm mạnh kết hợp với việc mức thu nhập ngày càng tăng tạo điều kiện để tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng tăng vọt. Cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh là khả năng truy cập internet mọi lúc mọi nơi cho mọi tầng lớp trong xã hội. Điều này cho phép các tầng lớp dưới trung lưu và khu vực nông thôn tiếp cận nhiều hơn với các khoá đào tạo, công cụ tài chính và phương tiện truyền thông thông qua mạng internet và thiết bị cầm tay dễ dàng hơn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Nghệ An trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Tiến bộ công nghệ nhanh chóng có thể tạo ra nhu cầu về lao động trình độ cao ở tỉnh Nghệ An, đây cũng là cơ hội để phát huy ưu thế của con người Nghệ An.
c) Xu thế phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Trong những năm gần đây, trước những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân... Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất,...
Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những định hướng phát triển chủ đạo trong những năm tới của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, xét trong bối cảnh phát triển tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới cần đặc biệt chú trọng các vấn đề như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, tăng cường phát huy tính tuần hoàn trong chuỗi hàng hóa đồng thời đặt ra yêu cầu về việc hoạch định kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận công nghệ, và đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh… Kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương khác ở trong và ngoài nước cho thấy, tỉnh Nghệ An cần lựa chọn một số ngành, lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) cũng như phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế… theo mô hình tuần hoàn.
4. Một số khuyến nghị
Trước hết, dòng vốn FDI cần được tập trung thu hút vào các địa bàn trọng điểm có vị trí hạ tầng thuận lợi, ưu tiên 2 khu vực động lực tăng trưởng và 6 trung tâm đô thị đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, biện pháp tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào một số địa phương còn khó khăn như các huyện miền Tây Nghệ An… cần được triển khai để đảm bảo cân đối hài hòa phát triển kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh. Các dự án đầu tư FDI phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển không gian vùng và chức năng vùng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu hấp thụ dòng vốn FDI có chất lượng. Thu hút các dự án công nghệ cao cần có lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Thời kỳ của lợi thế “lao động dồi dào và giá rẻ” đang qua đi, nên cần một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản cả về tri thức lẫn tay nghề và tác phong lao động công nghiệp hiện đại. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đây sẽ là lợi thế so sánh mang tính quyết định trong thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.
Ba là, các doanh nghiệp FDI cần được tăng cường hỗ trợ một cách đồng bộ và hiệu quả: Tỉnh cần có một chính sách liên kết vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI như: Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất - kinh doanh, phối hợp với các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cung cấp mặt bằng sạch để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng; hỗ trợ kết nối đào tạo nghề giữa doanh nghiệp FDI với các trường đại học, cao đẳng nghề trong vùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án như hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp FDI về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp FDI giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh; các tranh chấp pháp lý (nếu có)...
Bốn là, chính sách FDI cần chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm mục tiêu hàng đầu. Nghệ An cần có chính sách ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối toàn cầu giữa chuỗi sản xuất và cung ứng. Kiên trì thực hiện chính sách phát triển kinh tế hướng vào xuất khẩu. Nghệ An cần tiếp tục xác định và đầu tư phát triển các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong quá trình thu hút FDI, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI; Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI có khả năng tạo tác động lan tỏa, tạo ngoại ứng tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghệ An cần hoàn thiện và áp dụng triệt để hơn nữa các quy định kỹ thuật, điều kiện tiên quyết về khoa học công nghệ hay tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án FDI bên cạnh các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI mang theo những công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Nghệ An cần chú trọng hơn tới đánh giá tác động của các dự án FDI đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và các vấn đề xã hội khác. 
Cần khẳng định rằng, sự hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế thông qua thu hút FDI không chỉ tạo ra những tác động về kinh tế, môi trường thiên nhiên, mà còn tác động tới môi trường văn hoá ở Nghệ An. Vì vậy, Nghệ An cần có những chính sách quản lý phù hợp với các doanh nghiệp FDI để có thể tiếp nhận những văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, văn minh và hạn chế những tác động tiêu cực về văn hóa - xã hội đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước.
Chú thích
1. https://tapchitaichinh.vn/tong-von-dau-tu-fdi-nam-2023-vao-tinh-nghe-an-dat-gan-1-6-ty-usd.html
2. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 468 km đường biên giới quốc gia trên đất liền với 105 mốc quốc giới, 44 cọc dấu đi qua 6 huyện, 27 xã khu vực biên giới, tiếp giáp 21 bản, 6 huyện thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Tài liệu tham khảo 
1. Ali, N., & Hussain, H. (2017). Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth of Pakistan. American Journal of Economics, 7(4), 163-170.
DOI: 10.5923/j.economics.20170704.01.
2. Boateng, A., Hua, X., Nisar, S, Wu. J., (2015), Examining the Determinants of Inward FDI: Evidence from Norway, Economic Modelling.
3. Kojima K. (1973), A Macroeconomic Approach to Foreign Direct Investment, Hitotsubas Journal of Econometrics.
4. Marobhe, M. (2015). Do Foreign Direct Investment Inflows Cause Economic Growth in Tanzania? The Granger Causality Test Approach. Journal of Economics and Sustainable Development, 6(24), 144-150. Retrieved from https://iiste.org/Journals/index.php/JEDS/article/download/27 913/28630.
5. Nantharath, P., & Kang, E. (2019). The Effects of Foreign Direct Investment and Economic Absorptive Capabilities on the Economic Growth of the Lao People-s Democratic Republic. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 6(3), 151-162. DOI: 10.13106/jafeb.2019.vol6.no3.151.
6. Sokang, K. (2018). The Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth in Cambodia: Empirical Evidence. International Journal of Innovation and Economic Development, 4(5), 31-38. DOI: 10.18775/ijied.1849-7551- 7020.2015.45.2003.
7. Tổng cục Thống kê (2022), Số liệu thống kê, https://pxweb.gso.gov.vn/pxweb/vi/Đầu%20tư/Đầu%20tư/V04.01.px/table/tableViewLayout1/?rxid=233fabd8-1944-4ff7-95c7-d398784412b3.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây