Bảo tồn các giá trị văn hóa bản sắc nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Thứ tư - 28/04/2021 05:21 0

Th.s Nguyễn Thị Loan

Trường Chính trị Nghệ An

Sau 10 năm nhìn lại phong trào xây dựng Nông thôn mới, chúng ta vẫn khẳng định: Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thêm một chủ trương thể hiện Ý ĐẢNG hợp LÒNG DÂN, phù hợp với xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội. Xây dựng Nông thôn mới trên cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đã đạt được nhiều thành quảquan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hộicó nhiều đổi mới,từng bước phù hợp hơn với xu thế phát triển xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, hợp lý hơn, phát triển nông nghiệp chuyển theo hướng gắn với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Cùng với cả nước, Nông thôn Nghệ An cũng có nhiều thay đổi theo hướng đi lên, đạt được các mục tiêu cơ bản mà cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra. Kết quả từ Ban chỉ đạo điều phối xây dựng nông thôn tỉnh (báo cáo đến 6 tháng đầu năm 2020),toàn tỉnh đã có831 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Trong đó có 694 thôn, bản thuộc các xã miền núi khó khăn; 137 thôn, bản ở các xã chưa được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới); 265 xã được UBND tỉnhcông nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,5%, trong đó có 04 xã thuộc huyện nghèo 30a; 02 xã biên giới; có 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 87 xã có đông đồng bào giáo dân. Có 04 đơn vị cấp huyện: thị xã Thái Hoà, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu ở Kim Liên, Nam Đàn; Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu; Sơn Thành, Yên Thành đã triển khai được nhiều nội dung. Xây dựng vườn chuẩn Nông thôn mới bước đầu đã có những mô hình vườn chuẩn, có quy hoạch và mỹ quan trong một số vườn hộ gia đình.

Trong xây dựng Nông thôn mới,một nội dung mà cấp ủy, chính quyền các cấp luôn phải ghi nhớ để có định hướng đúng là, nông thôn dù mới, dù hiện đại đến đâu vẫn không thể giống đô thị, nghĩa là nông thôn mới, hiện đại nhưng phải phải giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc nông thôn của từng vùng, miền. Điều này yêu cầu các cấplãnh đạo, quản lý trong định hướng và chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới phải có quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội từng vùng, miền, không được rập khuôn, máy móc, cứng nhắc khi áp dụng các tiêu chí cứng trong mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới không thể tách rời nền tảng văn hóa lâu đời của từng địa phương, mà thông qua xây dựng nông thôn mới, từng địa phương càng phải thực hiện tốt việc bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa bởi đó chính là "linh hồn" của làng quê. Ngược lại, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa cũng chính là gìn giữ những nét bản sắc của văn hóa truyền thống nông thôn trong thời kỳ mới.

Xây dựng nông thôn mới ở nước ta nói chung, ở tỉnh Nghệ An nói riêng, đã qua một chặng đường đầy nỗ lực. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc vùng, miền vẫn luôn được chú trọng giữ gìn và phát huy tốt. Bên cạnh những thành tựu có thể quy ra số liệu, so sánh về tỷ lệ… thì việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn có thể ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vô cùng quan trọng trong nội hàm xây dựng Nông thôn mới.Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa cùng những tác động xấu của kinh tế thị trường cũng làm ảnh hưởng đến nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông xưa để lại. Do đó, gìn giữ nét đẹp văn hóa càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn về nguồn gốc, quê hương, làng, bản. Xây dựng Nông thôn mới gắn với giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống là quá trình lâu dài và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, niềm tin, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị. Thực tếcho thấy, trong xây dựng Nông thôn mới ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, bên cạnh những kết quả đạt được, nông thôn mới cũng đang bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất, một số thiết chế văn hóa làng (thôn, bản), xã đang biến đổi nhiều,biểu hiện rõ nhất là sự thay đổi về cảnh quan, môi trường nông thôn. Cảnh quan nông thôn xưa và nay đều gắn liền với đất đai, nguồn nước, cây cối, ruộng vườn, đường sá, nhà cửa và phương thức sinh hoạt của nông dân. Xét về mặt sinh thái, cảnh quan là quần thể của các sinh cảnh, trong đó tập hợp các sinh vật, động vật cư trú, sinh sản, di chuyển, tồn tại và mất đi. Xét về mặt kiến trúc, cảnh quan là quần thể của những công trình xây dựng, các giá trị văn hóa vật thể do con người sáng tạo trong một không gian, môi trường địa lý cụ thể. Như vậy, có thể hiểu, cảnh quan và môi trường nông thôn là nơi ở, nơi sản xuất và lưu giữ văn hóa bản sắc dân tộc, đồng thời truyền cảm hứng, động lực để phát triển nông thôn. Với cách tiếp cận đó, cảnh quan nông thôn bao gồm cảnh quan thiên nhiên (cây cối, sông ngòi, kênh rạch, ao hồ, ruộng đồng...) và nhân tạo (kiểu dáng kiến trúc nhà ở: Nhà, vườn, ngõ, cổng, ao, chuồng; kiểu dáng kiến trúc các công trình công cộng: Đền, chùa, nhà thờ, chợ, nhà văn hóa, mồ mả, nghĩa trang, đường sá đi lại, cổng làng...). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng cảnh quan nông thôn bao gồm điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của từng vùng, miền; yếu tố kinh tế; trình độ dân trí của người dân; tiến trình hội nhập quốc tế.

Những năm gần đây, dưới tác động của công nghiệp hóa và cơ chế thị trường, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, tập quán lối sống của người dân thay đổi cùng với sự gia tăng hoạt động xây dựng dẫn đến thay đổi cơ cấu tổ chức không gian làng, xã truyền thống cũng như biến đổi kiến trúc cảnh quan. Sự phát triển nhà ở về số lượng và các loại hình cũng làm thay đổi kiến trúc cảnh quan nông thôn, đòi hỏi phải có sự định hướng và kiểm soát. Bên cạnh đó, thời gian qua, những nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan nông thôn còn ít được đề cập. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn. Nhiều làng, xã, đặc biệt là những làng, xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống. Do đời sống kinh tế ngày càng phát triển nên hầu hết các mẫu nhà mới xây dựng được du nhập từ các đô thị. Hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải ở khu vực nông thôn đang diễn ra phổ biến. Diện tích ao ngòi, hồ nước và cây xanh giảm dần, đã và đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.Do đó, quy hoạch cảnh quan nông thôn ra sao là bài toán cần được tiếp tục quan tâm định hướng, quy hoạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới.

Thứ hai, cùng với sự thay đổi trong lao động, sản xuất, đời sống vật chất, cảnh quan môi trường nông thôn, đời sống tinh thần của người dân cũng có nhiều đổi thay. Máy móc, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào trong sản xuất đã giải phóng nhiều sức lao động của con người. Lối sống, tư duy, quan niệm xã hội có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, một số giá trị văn hóa truyền thống đang có sự chuyển biến cần phải kiểm soát và định hướng, biểu hiện rõ là tính cộng đồng làng, xã (tình làng, nghĩa xóm), các hoạt động văn hóa cộng đồng như lễ, hội, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ bị mai một…

Nếu như về các vùng quê nông thôn trước đây chúng ta thường gặp những hình ảnh đặc trưng của nông thôn là cây đa, giếng nước, sân đình, hay khi nói đến văn hóa người Xứ Nghệ ta nhớ đến một nét văn hóa “trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”…, đó là biểu tượng về tính cộng đồng làng, xã ở nông thôn xưa, thì hiện nay nét văn hóa truyền thống này đang khó tìm thấy ở các làng quê. Bởi nếu trước đây, người dân nông thôn chỉ có một nghề chủ yếu là làm nông nghiệp thì hiện nay người dân đã làm đa ngành nghề và đi khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước làm ăn, sinh sống. Mặt khác do đời sống kinh tế được nâng lên, người dân đã thay những bờ tre, những hàng dâm bụt bằng những bức tường cao, cổng kín. Nhà cửa được xây dựng khang trang, nhiều gia đình có điều kiện còn lắp đặtcác thiết bị điện tử hiện đại như wifi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... những buổi trưa hè rất ítthấy người qua lại trên ngõ xóm, đường làng. Cũng không còn được bắt gặpthường xuyên cảnh người dân tụ tập đông đúc hàng ngày trước và sau khi đi làm đồng về ở đầu làng, cuối xóm…Trong thời đại thông tin và công nghệ số, mỗi gia đình đều có ti vi, đa số người dân có điện thoại thông minh để nắm bắt thông tin và giải trí, nên nhu cầu gặp gỡ để chuyện trò, giao lưu cũng giảm dần. Hơn nữa, các kênh nghe, nhìn, giải trí ngày càng đa dạng với hình ảnh đẹp, âm thanh tốt và thuận lợi hơn trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân…Ở nhiều vùng quê đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không khác nhiều đô thị. Điều đó, chứng tỏ đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đã được nâng cao. Đócũng là mục tiêu và là quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, các cấp lãnh đạo, quản lý cần phải có định hướng cho người dân giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn như: Truyền thống gắn bó máu thịt với quê hương thể hiện ở tính cộng cộng, đoàn kết, nhân văn, nhân ái. Truyền thống coi trọng và giữ gìn tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau", "bán anh em xa, mua láng giềng gần"... gắn bó với nhau trong hoạn nạn của thiên tai và giặc giã "lá lành đùm lá rách"... bền chặt quan hệ huyết thống và nặng tình họ hàng "máu loãng hơn nước lạnh", "cha chết bấm chân chú, mẹ chết bú vú dì"... suy tôn và trọng vọng người có công với làng, với nước, người giỏi giang, thành đạt; giữ gìn những giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng, miền, từng cộng đồng dân cư…Mặt khác, chúng ta cần phải hiểu đúng rằng, về bản chất, hiện đại hoá là quá trình phát triển toàn diện có kế thừa ở nông thôn, trong đó có sự kế thừa từ văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Để tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới thời gian tới, Nghệ An cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Đối với cấp tỉnh, cấp huyện cần tiếp tục định hướng trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Tổ chức khảo sát thực tế, rà soát các văn bản hiện hành để kịp thời điều chỉnh, ban hành các văn bản mới chỉ đạo trong thời gian tiếp theo. Xây dựng lộ trình trong đầu tư các chương trình, dự án theo hướng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm. Chú ý trong  xây dựng quy hoạch, kế hoạch phải tính đến đặc thù văn hóa từng vùng, miền, định hướng rõ việc cần làm để giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn. Chú trọng quy hoạch về cảnh quan môi trường nông thôn phải kết hợp giữa truyền thống với hiện đại.

Đối với cấp xã, trên cơ sở định hướng của Trung ương, tỉnh, huyện cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, tránh rập khuôn, máy móc, chủ quan, duy ý chí.

Trong xây dựng nông thôn mới, cần tập trung kiến tạo nên những không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao đời sống cho người dân, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình  mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch cảnh quan nông thôn mới, chúng ta cần đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn - phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra, xem xét tác động đến các yếu tố kiến trúc cảnh quan gốc, trên cơ sở đó, đề xuất định hướng, giải pháp phù hợp. Cảnh quan nông thôn mới cần mang hơi thở thời đại, hiện đại, văn minh nhưng vẫn phải đảm bảo bản sắc (nông thôn vùng, miền), môi trường khí hậu trong lành.

Về kiến trúc, đối với các ngôi làng truyền thống có giá trị kiến trúc cảnh quan cần được bảo tồn tổng thể. Những công trình văn hóa truyền thống như đền, chùa, miếu... và công trình về kinh doanh, dịch vụ (chợ làng, buôn bán nhỏ), có thể tập trung ở một khu vực (thường ở vị trí trung tâm, trên đường trục chính làng), hình thành khu trung tâm văn hóa hoặc phân bố rải rác ở các vị trí khác nhau trong làng. Trường hợp tập trung hình thành trung tâm văn hóa làng: khu vực này cần phải được bảo tồn, nâng cấp ở mức cao nhất vì đây có thể nói là nơi lưu giữ nét đặc trưng của làng. Đồng thời, cần thiết lập không gian chuyển tiếp bảo đảm sự hài hòa kiến trúc cảnh quan.

Trên cơ sở cấu trúc truyền thống (ngõ, xóm) tạo thành các nhóm nhà ở, cần đảm bảo mối quan hệ cộng đồng láng giềng. Không gian kiến trúc, nhà ở là không gian mở linh hoạt, có khả năng đáp ứng được sự chuyển đổi của kinh tế lao động và nhân khẩu. Các công trình nhà ở mới được xây dựng xen kẽ trong làng xóm cần đảm bảo về mật độ xây dựng cũng như hình thức kiến trúc, quy mô xây dựng của công trình nhằm đạt được sự hài hòa trong tổng thể cảnh quan.

Cùng với đó, hệ thống hồ, ao, sân bãi, không gian thoáng được kết hợp làm hồ điều hòa, cảnh quan (khai thác kinh tế, làm sân bãi tập kết, đỗ xe và các yêu cầu kỹ thuật hạ tầng khác) và khu vui chơi, giải trí (công viên cây xanh, vườn hoa để tạo cảnh quan, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của dân làng và khách du lịch). Gần đây, một số địa phương đã ý thức được việc tạo dựng cảnh quan bằng cách giữ lại và cải tạo hồ ao, trồng hoa, cây cảnh, tạo nét đẹp trong xây dựng...

Về xử lý ô nhiễm môi trường, trong làng, xã phải đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức không gian cây xanh và vấn đề môi trường. Trồng nhiều cây xanh với từng khu chức năng để chống nóng, ồn, bụi, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Tổ chức không gian xanh cần duy trì cây xanh truyền thống, đặc trưng, tạo cảnh quan đặc hữu của làng như cây gạo, đa, si, khóm tre... kết hợp với các không gian mặt nước và không gian mở. Việc trồng cây xanh ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian qua đã được Hội Nông dân triển khai khá hiệu quả. Cảnh đường làng rộng rãi, sạch, đẹp, ban ngày trăm hoa đua sắc, rực rỡ, đêm đến điện sáng như trăngtrở thành một phong trào lan tỏa khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Thời gian tới tỉnh cần chỉ đạo tiếp tục thực hiện, nhân rộng mô hình. Cùng với việc trồng cây xanh, tỉnh, huyện cần tiếp tục chỉ đạo tốt việc xây dựng vườn mẫu, triển khai nhân rộng khắp các địa phương. Những cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến phát sinh nhiều khói bụi độc hại phải được bố trí cuối hướng gió chủ đạo, xa khu dân cư và có biện pháp trực tiếp giảm bớt ảnh hưởng. Quản lý môi trường nước thải, chất thải rắn, không khí ô nhiễm và tiếng ồn cần có hệ thống phân tách, xử lý tùy mức độ ô nhiễm. Hạn chế tối đa xả thải độc hại ra môi trường.

Đối với các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống nông thôn cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội ở thôn, làng, bản, xã trong việc thường xuyên phát động và duy trì các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, nhảy dân vũ…Đa dạng hóa hình thức tổ chức kỷ niệm các ngày lễ như ngày đại đoàn kết (18/11), ngày tết độc lập (02/9), ngày quốc tế phụ nữ (08/3), ngày truyền thống của làng, xã….Trong các ngày lễ cần chú trọng phục dựng, biểu diễn nét đẹp văn hóa từng vùng, miền, từng cộng đồng dân cư nhưtổ chức lễ, hội, các cuộc thi làm nghề truyền thống…Cần phát huy vai trò của gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng như các già làng, trưởng bản…trong việc giữ gìn nền nếp gia phong, phong tục, tập quán của làng, bản ở từng địa phương…

Về quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện, rà soát các văn bản quy định cũng như hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan môi trường và xây dựng, trên cơ sở đặc thù của từng địa phương; hoàn thiện bổ sung chi tiết hóa hệ thống các quy định, hướng dẫn về quản lý xây dựng; khuyến khích, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư tham gia thực hiện và giám sát quản lý xây dựng, tạo sự đồng thuận, thống nhất. Bên cạnh đó, ban hành quy chế bắt buộc và hướng dẫn tu bổ, cải tạo, xây mới đối với công trình di tích văn hóa lịch sử, công trình có giá trị; hệ thống các không gian công cộng, cảnh quan cần bảo vệ; các khu vực chuyển tiếp, xây dựng xen kẽ, xây dựng mới. Đưa ra hướng dẫn cụ thể về mẫu mã, kích cỡ công trình công cộng, nhà ở để dễ dàng triển khai; xây dựng cơ chế và quy định thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý xây dựng tại địa phương; đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về xây dựng.

Ngoài ra, quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện cần có sự tham gia đồng bộ của Đảng ủy xã, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các tổ chức chính trị - xã hội, các thôn (bản), đảm bảo tính thống nhất, tiến độ triển khai công việc. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đường làng ngõ xóm, nhà cửa... theo hướng dẫn, giữ gìn vệ sinh môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Tổ chức tốt các mô hình tự quản và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại theo đúng quy định.

Tóm lại, văn hóa truyền thống là nền văn hóa gắn chặt với cộng đồng, gia đình, dòng họ, làng xã. Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa đáp ứng yêu cầu mới,các ngành chức năng, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó chú trọng đến xây dựng đời sống văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Trên cơ sở đó, các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) và văn hóa (tiêu chí số 16) trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương cụ thể hóa theo hướng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống trong nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa và lao động, sản xuất của người dân địa phương.

Văn hóa là một dòng chảy lịch sử có sự kế thừa, tiếp biến và phát triển. Xây dựng và phát triển văn hóa cần có sự định hướng, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, của thời đại. Vì vậy, đảm bảo định hướng để giữ gìn bản bản sắc văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và người dân từng địa phương./.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo 10 năm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Nghệ An, của Trung ương.
  2. Báo cáo hàng năm, 6 tháng đầu năm 2020 xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An.

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây