Nhà ở truyền thống của người Thổ ở Nghệ An

Thứ sáu - 05/02/2021 04:21 0

    1. Cấu trúc ngôi nhà

Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác, nhà ở truyền thống của người Thổ chủ yếu là nhà sàn, tuy nhiên một số nơi làm nhà trệt lợp tranh giống người Kinh. Nhưng do đặc thù sống xen kẽ nên nhà sàn truyền thống của người Thổ mang dáng dấp của ngôi nhà sàn người Thái. Người Thổ gắn bó mật thiết với ngôi nhà chính vì thế, nhìn ngôi nhà có thể đoán biết được mối liên hệ giữa ngôi nhà với chủ nhân, ngôi nhà với điều kiện kinh tế. Mặc dù ảnh hưởng cấu trúc nhà sàn của người Thái nhưng ngôi nhà sàn truyền thống của người Thổ cũng chính là sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc họ.    

Nhà sàn của người Thổ hầu như chỉ có một kiểu là nhà sàn cột chôn (hoặc cột kê) với lối cấu trúc đơn giản. Nhà sàn thường cách mặt đất từ 1,5m - 2m, tầng trên để ở và sinh hoạt, còn tầng dưới dùng để dụng cụ, công cụ sản xuất và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cũng giống như người Thái, đối với người Thổ, làm nhà là một trong những công việc hệ trọng của một đời người, do đó, việc làm nhà được họ chuẩn bị trong nhiều năm. Nguyên liệu bao gồm: gỗ tốt, lâu năm, cây thẳng như lim, táu, lát hoa,…; tre, mét, giang, lá cọ, cỏ tranh,… Tất cả những nguyên liệu trên được gia chủ mang từ rừng về cùng với sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm, những người thân.

Sau khi chuẩn bị xong hết nguyên liệu, gia chủ tiến hành làm nhà. Trước khi dựng nhà, gia chủ bao giờ cũng mời thầy mo về làm lễ chọn đất, cúng xin quẻ âm dương. Sau khi chọn được mảnh đất như ý và tiến hành làm các thủ tục cần thiết, gia chủ mới bắt đầu dựng nhà. Việc đầu tiên là dựng cột nhà, việc dựng cột nhà cũng được gia chủ chọn ngày giờ tốt rất cẩn thận vì người Thổ cho rằng cột chủ là cột quan trọng nhất của cả ngôi nhà, và cột chủ là nơi thờ ma nhà. Giờ tốt đối với người Thổ để dựng cột nhà thường là "Dần rạng sáng, Mão rạng đông", là giờ có thể dựng cột đầu tiên của ngôi nhà được. Các cột còn lại được nối với xà ngang rồi dựng lên, tiếp đến là lắp xà, khứ, kèo, rui và cuối cùng là giòng đóc (còn gọi là thượng ốc hay nóc nhà). Khi đặt giòng đóc cũng phải chọn giờ tốt, người Thổ cho rằng đúng 12 giờ là giờ tốt nhất để đặt giòng đóc, còn trước hay sau giờ đó đều không được, phải đợi qua ngày khác mới đặt. Người Thổ sử dụng các dụng cụ như: cưa, đục, búa,… khi làm nhà nên các bộ phận của ngôi nhà được kết nối với nhau bằng các khớp nối tự tạo. Tiếp đó tiến hành làm sàn nhà, dựng phên nhà,… riêng các bộ phận này được buộc bằng dây giang, lạt. Thông thường sàn và phên nhà người Thổ thường làm bằng tre, nứa, nhà nào có điều kiện hoặc đông anh em hơn thì làm bằng ván, gỗ.

Một trong những khâu quan trọng khi làm nhà của người Thổ đó là việc lợp nhà. Nếu như việc dựng cột nhà đầu tiên được chọn giờ, thì việc lợp mái nhà có quy định rất khắt khe, đó là chủ nhà phải là người đầu tiên đặt tấm tranh (cọ) lên mái nhà, ngay chỗ cột chủ, sau đó các thành viên khác mới tiến hành lợp những phần còn lại. Tấm tranh lợp mái nhà được người Thổ làm từ cỏ tranh, hoặc cây cọ, sau khi được hái từ trên rừng về, tiến hành phơi khô, sau đó dùng dây giang hoặc sợi mây đan và kết thành từng tấm.

  1. Cách bố trí bên trong ngôi nhà

Thông thường ngôi nhà truyền thống của người Thổ được làm 3 gian, và cách bố trí đối với từng gian cũng có những quy định, tập quán riêng khá khắt khe. Theo đó:

Gian thứ nhất, nơi đặt cầu thang lên xuống, người Thổ chỉ dùng một cầu thang duy nhất, không có cầu thang phụ giống như người Thái. Đây cũng là nơi đặt bếp nấu ăn, sưởi ấm cho gia đình và là nơi tiếp khách, nơi ngủ của khách nếu khách ở lại. Bếp của người Thổ được gọi là bùn cụt, gồm bốn thanh gỗ ghép lại với nhau thành hình vuông và có kích thước khoảng 1,2m, trong lòng bếp được nén đất chặt, rồi đặt ba viên gạch (ngày nay người Thổ dùng kiềng ba chân) tạo thành bếp. Phía trên bếp có giàn treo, dùng để phơi, sấy thức ăn hoặc lương thực. Giàn treo có chiều dài khoảng 1,6 m, chiều rộng khoảng 1,4m, được cột bằng 4 sợi dây gai kết đan kết lại rất bền và chắc.

Gian thứ hai, hay còn gọi là gian giữa, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, và nơi ngủ của chủ nhà. Phụ nữ được quy định không tiếp khách, sinh hoạt ở gian này.

Gian thứ ba, gian này là nơi đặt buồng ngủ của các thành viên trong gia đình, được chia làm hai ngăn, một bên là buồng ngủ của ông bà, bố mẹ, một bên là buồng ngủ của con cái. Đây cũng là gian dùng để gia đình sinh hoạt. Giữa các buồng ngủ được ngăn bằng các vách nứa, hoặc tấm vải khá sơ sài.

Do có những đặc thù riêng về các thành phần dân tộc và cư trú nên cấu trúc cũng như bố trí không gian ở của ngôi nhà sàn dân tộc Thổ có nhiều nét khác nhau giữa các vùng, giữa các bộ phận. Trong cấu trúc không gian của ngôi nhà, Người Thổ ở Tân Kỳ không dùng gian đầu tiên của ngôi nhà để đặt bếp nấu ăn mà dùng để thờ cúng và tiếp khách. Gian tiếp đến thì dùng để sinh hoạt gia đình, bố trí buồng ngủ của các thành viên trong gia đình và gian cuối cùng thì đặt bếp nấu ăn, sưởi ấm. Trước đây, người Thổ ở đây còn sử dụng đến 3 bếp, bếp ngoài dùng để tiếp khách, bếp giữa dùng cho sinh hoạt gia đình và bếp trong dành cho vợ chồng mới cưới (nếu trong gia đình chưa có người lấy vợ thì bếp này để không).

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây