Công tác tập huấn du lịch cộng đồng cho người dân miền Tây Nghệ An

Thứ hai - 12/08/2019 05:21 0

Trần Thị Thủy

NCS Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển - ĐHQGHN

Miền Tây Nghệ An là nơi có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, vừa là địa bàn sinh sống từ lâu đời của các dân tộc thiểu số với những nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Trong những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở miền Tây Nghệ An. Để đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển loại hình du lịch này, một bộ phận cộng đồng miền Tây Nghệ An đã được tập huấn về du lịch cộng đồng thông qua các chương trình, dự án khác nhau. Tuy nhiên công tác tập huấn mới chỉ dừng lại ở những khóa đào tạo ngắn hạn và những đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm, hơn nữa số lượng người dân tham gia mới chỉ là một bộ phận rất nhỏ.

Upload

 

Miền Tây xứ Nghệ nơi hội tụ các nền văn hóa các dân tộc thiểu số

 

  1. Đặt vấn đề

Theo Niên giám Thống kê của tỉnh Nghệ An năm 2007, miền Tây Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên là 13.709,01km2, dân số chiếm 36,93% với 1.131.717 người, bao gồm các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và thị xã Thái Hòa. Là vùng có quỹ đất rộng, rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nổi bật phải kể đến Vườn quốc gia Pù Mát với diện tích hơn 91.000 ha và hai Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Đây là nơi có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài động vật đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam hiện đang được bảo vệ tốt. Ngoài ra, nằm trên địa hình nhiều dãy núi đá vôi, kết nối nhau có đỉnh cao trên 2.700m do vậy miền Tây Nghệ An có nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như thác Khe Kèm ở Con Cuông; thác Xao Va, quần thể Thác 7 tầng ở Quế Phong…Với địa bàn chủ yếu là đồi núi và trung du, miền Tây Nghệ An là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng như hang Thẩm Ồm, hang Bua cùng với những con sông lớn như: sông Hiếu, sông Cả, sông Con…cùng các hồ thủy điện đã tạo nên những bức tranh thủy nên thơ.

Upload

Vẻ đẹp của thác Bảy tầng huyện Quế Phong

Ngoài những tiềm năng du lịch tự nhiên, miền Tây Nghệ An là địa bàn sinh sống từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Thái, Thổ, Hmông, Khơ mú, Ơ đu... Trong quá trình sinh sống, các dân tộc đã chinh phục, cải tạo tự nhiên cùng nhau dựng bản, lập mường tạo dựng nên những vùng đất đai trù phú. Từ đó, hình thành nên những đặc trưng văn hoá mang đậm bản sắc tộc người. Nhận thấy tiềm năng du lịch từ các tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như tài nguyên du lịch nhân văn, trong những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở các huyện miền Tây Nghệ An.

Qua thời gian thực hiện du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An đã có những khởi sắc, tuy nhiên những kết quả phát triển du lịch cộng đồng ở đây còn rất khiêm tốn, mờ nhạt, số lượng khách đến chưa nhiều, doanh thu còn thấp, thời gian lưu trú không dài, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể tới như sản phẩm đơn điệu, dịch vụ thấp kém, quãng bá chưa tốt... nhưng nguyên nhân đầu tiên phải kể tới đó là sự non yếu của nguồn nhân lực. Từ đây cũng đặt ra một vấn đề rất mấu chốt cần quan tâm là yếu tố năng lực của cộng đồng đối với loại hình du lịch này. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch, thời gian qua ở một số huyện miền Tây Nghệ An đã có những lớp tập huấn, những đợt đi tham quan học hỏi mô hình cho người dân địa phương. Mặc dù đã có một số tín hiệu đáng mừng như các nhà quản lý bước đầu đã được tiếp cận với du lịch cộng đồng, người dân một số địa phương đã nâng cao nhận thức và tập huấn tay nghề nhưng đây mới chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Vấn đề đào tạo, tập huấn vẫn là một trong những vấn đề tiên quyết khi triển khai các mô hình du lịch cộng đồng ở các huyện miền Tây Nghệ An.

  1. Thực trạng công tác tập huấn du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An trong thời gian qua

Thời gian qua, tại các huyện Con Cuông, Quế Phong đã có các lớp tập huấn ngắn hạn để đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền, nâng hiểu biết cho người dân thông qua các chương trình, dự án khác nhau.

Upload

Người dân bản Xiềng (xã Môn Sơn)  làm việc nhóm tại lớp tập huấn

 Đợt tập huấn đầu tiên về du lịch cộng đồng được tiến hành ở miền Tây được triển khai vào năm 2011 tại địa bàn một số xã thuộc huyện Con Cuông. Tháng 6/2011, Vườn quốc gia Pù Mát đã ký Thỏa thuận với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam về vai trò và nhiệm vụ của đối tác thực hiện dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê-Yên Khê-Lục Dạ-Môn Sơn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”. Bên canh các hoạt động như thành lập các nhóm nòng cốt, xây dựng tuyến điểm, biển báo du lịch...nhóm thực hiện dự án đã tổ chức tập huấn và tham quan học hỏi kinh nghiệm cho các nhóm nòng cốt và người dân địa phương các bản được lựa chọn. Thông qua dự án này bà con các bản làng đã được tham dự các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, lớp dạy nghề truyền thống cùng các chuyên gia và có cơ hội được tham quan mô hình du lịch tại Mai Châu, Hòa Bình. Dự án đã tạo nên diện mạo mới cho những hoạt động du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông, đó không còn là hoạt động tự phát nữa mà đã là hoạt động có tổ chức, có bộ máy quản lý, điều hành.

Upload

Bà con bản Na Xai, xã Hạnh Dịch, huyện Quế phong tham gia tập huấn

Bắt đầu từ tháng 10/2015 - 2018, tổ chức JICA hỗ trợ Nghệ An trong việc phát triển du lịch gắn với đa dạng hóa sinh kế nông lâm ngư nghiệp Nghệ An. Ban dự án đã tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm; tổ chức Hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển một số sản phẩm địa phương phục vụ du lịch cộng đồng; triển khai thành lập các nhóm quản lý du lịch cộng đồng; điều tra khảo sát vị trí lắp đặt xây dựng nhà vệ sinh công cộng, lựa chọn hộ gia đình để đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng và nhà tắm; Đào tạo về dịch vụ homestay cho các hộ kinh doanh cùng các hoạt động phát triển dịch vụ homestay tại huyện Con Cuông[1]. Thông qua chương trình này, những người dân tại các bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) đã được tập huấn các chuyên gia du lịch trong và ngoài nước.

Upload

Tập huấn viên, Giảng viên Ngành Du lịch Đại học Vinh Trần Thị Thủy tại lớp tập huấn tại bản Khe Rạn (Bồng Khê), Con Cuông

Gần đây nhất, Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An đã tiến hành dự án Phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An gắn với xóa đói giảm nghèo, trong đó dự án đã chọn bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), huyện Con Cuông và bản Na Xai, xã Hạnh Dịch huyện Quế phong để tiến hành xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động khác thì dự án đã tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực làm du lịch cho bà con người Thái ở hai bản này. Các nội dung được tập huấn bao gồm các kiến thức về du lịch cộng đồng như các khái niệm cơ bản, các điều kiện, nguyên tắc phát triển, tổ chức xây dựng, quản lý mô hình du lịch cộng đồng, các kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch....Bằng cách đan xen giữa việc dạy lý thuyết là các phần thảo luận và thực hành, kết hợp giữa chuyên gia và giáo viên địa phương, các lớp tập huấn diễn ra sôi nổi, bà con tham dự nhiệt tình, đông đủ và đạt được hiểu quả cao. Bà con không nghe một cách thụ động về lý thuyết mà đã tham gia thảo luận sôi nổi thông qua các hoạt động nhóm.

Kết quả khảo sát sau một khóa tập huấn du lịch cộng đồng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho thấy tính hiệu quả của những đợt tập huấn tại địa phương. Có 100% người dân được tập huấn cho biết họ đã có những hiểu biết ở mức độ cơ bản về du lịch cộng đồng, gần 20% học viên cho biết họ đã nắm được thành thạo, 99% học viên cho biết họ hài lòng ở mức độ cao nhất về kiến thức chuyên môn của tâp huấn viên, về các phương pháp mà tập huấn viên đã sử dụng cũng như thái độ của tập huấn viên, 100% học viên cho biết họ hoàn toàn có thể áp dụng những kiến thong thực tiễn[2].

Upload

Phụ nữ bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) tham gia hoạt động tập huấn thực hành nấu ăn phục vụ khách du lịch

Như vậy, công tác tập huấn về du lich cộng đồng đã được triển khai ở một số địa bàn thuộc miền Tây Nghệ An. Qua các lớp tập huấn, người dân địa phương đã được làm quen với du lịch cộng đồng, tại một số địa bàn người dân đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng và bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.Lượng khách du lịch đến miền Tây Nghệ An thời gian qua có sự gia tăng nhanh chóng, theo số liệu của sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An năm 2014 lượng khách đến các huyện miền núi Nghệ An khoảng 400.000 lượt. Trong những năm gần đây, huyện Con Cuông là huyện thu hút lượng khách du lịch đông nhất. Trong năm 2017, Con Cuông đón 31.800 lượt khách, trong đó khách quốc tế có 720 lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2016, doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng[3]. Tuy nhiên, lượng khách DLCĐ thì chưa có số liệu thống kê cụ thể.Chị Lô Thị Hoa, chủ hộ homestay Hoa Thụ ở bản Nưa cho biết năm 2011, gia đình chị mới chỉ đón 24 khách du lịch đến tham quan và sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú nhưng 5 năm sau, năm 2016 đã có 960 lượt khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 107 triệu và đến hết quý II năm 2017 lượng khách đã đạt 1.130 khách và doanh thu đạt 137 triệu đồng. Đây là những con số còn khiêm tốn, tuy vậy, những năm qua hoạt động du lịch cộng đồng đã mang lại ít nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương.

  1. Một vài nhận xét và đề xuất về công tác tập huấn du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An trong thời gian tới

Cho đến nay, công tác tập huấn về du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An đã được được tiến hành ở 2 huyện là Con Cuông và Quế phong, trong đó riêng huyện Con Cuông, bà con đã được tham dự bốn chương trình tập huấn khác nhau, còn ở huyện Quế Phong mới chỉ có 1 lớp tập huấn. Thông qua các lớp tập huấn này, bà con đã được trang bị phần nào những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. Cũng qua các lớp tập huấn bà con bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm cũng như nguyện vọng được tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng.

Để các lớp tập huấn đạt kết quả cao, nhiệm vụ đầu tiên của các tập huấn viên là phải tạo ra được niềm hứng khởi, sự tự tin cũng như lòng tự hào về quê hương, làng bản cho người dân địa phương. Một đặc điểm tâm lý phổ biến của cộng đồng địa phương ở miền núi là họ chỉ làm khi họ thấy điều đó là đúng và họ chỉ làm khi họ thực sự thích. Nếu không có sự tự tin, lòng tự hào và niềm hứng khởi bà con tham sẽ chỉ tham gia tập huấn một cách bắt buộc và sau tập huấn họ lại trở về với những công việc trước đó mà không mảy may quan tâm đến du lịch cộng đồng nữa. Do vậy, tâp huấn viên phải là người vừa gần gũi, vừa hiểu biết văn hóa địa phương, hiểu biết về tài nguyên du lịch tại địa phương và chính tập huấn viên phải là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân địa phương.

Các lớp tâp huấn ngắn hạn, được tổ chức ngay tại địa bàn là hình thức đào tạo nguồn nhân lực phù hợp nhất khi tiến hành xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên để các lớp tập huấn đạt được hiệu quả cao cần kết hợp giữa việc dạy lý thuyết, thực hành và thảo luận nhóm. Chương trình tập huấn của dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (gọi tắt là dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam) và dự án Phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An gắn với xóa đói giảm nghèo do Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng thu được kết quả như mong đợi là vì đã kết hợp giữa việc dạy lý thuyết, thảo luận nhóm và làm việc nhóm, xen lẫn giữa việc học lý thuyết là các hoạt động thực hành nấu ăn, đón tiếp khách và hướng dẫn du lịch. Các hoạt động thực hành này được tiến hành theo từng nhóm chuyên môn và cuối cùng là những nhận xét, góp ý từ các chuyên gia và các thành viên tham dự. Cách thức tập huấn như vậy đã tạo cho học viên sự hứng khởi, nhiệt tình cũng như phát huy tính sáng tạo, tri thức bản địa của bà con.

Tuy nhiên, bộ phận được tập huấn là một bộ phận người dân rất nhỏ, công tác tập huấn được tiến hành ở hai huyện do vậy lực lượng lao động địa phương vẫn còn rất hạn chế. Phần lớm họ chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc do chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có thói quen và tác phong nghề nghiệp, hơn nữa trình độ ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, cần tiến hành thêm các hình thức đào tạo khác để nâng cao năng lực cho người dân địa phương trong công tác phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An.

 

Chú thích

[1] Xem Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý dự án Đa dạng hóa sinh kế, “Báo cáo hoạt động của Dự án trong 6 tháng đầu năm 2016”. 

[2] Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Báo cáo Kết quả tập huấn Du lịch cộng đồng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An, năm 2017.

[3] Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An, Bản tin du lịch số 12/2017, tr.15

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Hồ Thị Diệu Ánh (2011), Báo cáo tổng kết đề tài Khoa học & Công nghệ cấp Bộ “Các giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn ở một số huyện miền Tây Nghệ An”, Mã số: B2010 - 27 - 88, Vinh.

2. Hoàng Đức Chung (17/12/2015), "Phát triển du lịch dựa trên bảo tồn văn hóa dân tộc Thái", Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 của Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam do Ủy Ban MAB việt Nam tổ chức.

3. Khu dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An (2012), Báo cáo Tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình DLCĐ tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn, huyện Con Cuông - tỉnh Nghệ An”.

4. Nguyễn Hữu Nhân (2004), Phát triển cộng đồng, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội

5. Võ Quế (2006), Du lịch cộng đồng - lý thuyết và vận dụng, Nxb Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

6. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý dự án Đa dạng hóa sinh kế, “Báo cáo hoạt động của Dự án trong 6 tháng đầu năm 2016”.

7. Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Báo cáo Kết quả tập huấn Du lịch cộng đồng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An, năm 2017.

8. Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn, Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An (2014), Báo cáo tổng kết đề tài “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An”.

9. Trung tâm Xúc tiến Du lịch Nghệ An, Bản tin du lịch số 12/2017.

 

 

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây