Đề xuất giải pháp sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ sáu - 09/11/2018 04:21 0

 

Đậu Văn Thanh và cộng sự

 Trên địa bàn tỉnh Nghệ An trừ khối trường học, bệnh viện, trạm y tế tính đến tháng 5/2018 số lượng đơn vị sự nghiệp công lập là 233 đơn vị, với 829 đầu mối phòng, ban và tương đương. Tổng số biên chế công chức, viên chức của 233 đơn vị là 4.070 biên chế và 2.029 hợp đồng lao động. Phân theo cấp quản lý số đơn vị sự nghiệp trực thuộc: UBND tỉnh là 4 đơn vị; sở, ban, ngành là 110 đơn vị; UBND huyện là 99 đơn vị và Đảng, đoàn thể là 20 đơn vị. Phân theo lĩnh vực cụ thể: Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 39 đơn vị; Lĩnh vực tài nguyên môi trường có 29 đơn vị; Lĩnh vực NN&PTNT có 27 đơn vị; Lĩnh vực thông tin, truyền thông và phát thanh, truyền hình có 24 đơn vị; Lĩnh vực Lao động thương binh xã hội, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công có 26 đơn vị; Lĩnh vực giáo dục có 23 đơn vị; Lĩnh vực y tế có 12 đơn vị; Lĩnh vực kinh tế, khoa học và khác có 33 đơn vị và Lĩnh vực đảng, đoàn thể có 20 đơn vị. Phân theo mức độ tự chủ: Có 1 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư; 15 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 157 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 60 đơn vị nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Trong thời gian qua, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Upload

Hội thảo khoa học "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sắp xếp,

tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An"

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy

(1). Quy hoạch mạng lưới tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, còn nhiều đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Chưa nghiên cứu để chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường. 

(2). Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, một số nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành cũng như với các đơn vị của ngành khác còn chồng chéo, trùng lặp, có khi còn bỏ sót nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả dịch vụ còn thấp. Một số đơn vị quy mô nhỏ, khả năng tự chủ thấp. Năng lực quản lý điều hành, quản trị nội bộ yếu kém, hiệu quả hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp còn hạn chế.

(3). Số lượng tổ chức bên trong các đơn vị sự nghiệp chưa tinh gọn, chưa hợp lý với số lượng biên chế được giao.

(4). Đề án vị trí việc làm các đơn vị chưa gắn được việc đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

 (5). Một số nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp để tư nhân, xã hội làm sẽ tốt hơn và mang lại hiệu quả, giảm gánh nặng chi NSNN cho biên chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, về biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức

(1). Việc phân công, bố trí sử dụng biên chế, lao động còn nhiều hạn chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hợp lý, năng suất lao động chưa cao; thiếu giải pháp và chưa quyết liệt trong sắp xếp, tinh giản công chức viên chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

(2). Số lượng và cơ cấu viên trong từng cơ quan chưa hợp lý; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng, trong lúc các đơn vị sự nghiệp yêu cầu bộ phận chuyên môn nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ 65%. Số lượng hợp đồng lao động còn nhiều.

(3). Cơ cấu biên chế chưa cân đối ở một số ngành, lĩnh vực, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa trình độ các chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp. Tỷ lệ viên chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng tăng, nhưng lại thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành ở các lĩnh vực.

(4). Cơ cấu công chức, viên chức còn chưa hợp lý về số lượng, chức danh ngạch, chức danh nghề nghiệp; trình độ, độ tuổi, dân tộc, giới tính, nhất là tương quan cơ cấu giữa các cơ quan, đơn vị; chưa phê duyệt được vị trí việc làm cho từng đơn vị; chưa xác định rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu cung cấp dịch vụ công của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện cơ cấu công chức, viên chức phù hợp.

(5). Việc đánh giá cán bộ, viên chức chưa thực sự khách quan, chính xác. Các tiêu chí đánh giá mới chủ yếu mang tính chất định tính, thiếu tính định lượng, rất khó xác định mức độ cụ thể. Hầu hết, cán bộ, viên chức hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi phẩm chất, năng lực của một bộ phận không nhỏ viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(6). Chưa quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành.

Thứ ba, về cơ chế quản lý

(1). Việc ban hành một số cơ chế, chính sách triển khai thực hiện còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ như: quy định về việc xác định, phê duyệt vị trí việc làm; định mức viên chức, hợp đồng lao động; danh mục dịch vụ sự nghiệp công; hướng dẫn thực hiện tự chủ.

(2). Hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ, một số chính sách là tiền đề quan trọng của việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp như hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành còn chậm, chưa đồng bộ, chưa được hoàn thiện nên khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện. Hiện nay danh mục dịch vụ công của địa phương chưa ban hành; định mức kinh tế - kỹ thuật về giá dịch vụ công cũng chưa đầy đủ.

(3). Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực tài sản, ngân sách, nhân lực của đơn vị cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Một số đơn vị sự nghiệp công lập còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy tích cực tính chủ động, sáng tạo của đơn vị.

(4). Hiện chưa tách bạch rõ chức năng QLNN với chức năng chủ quản đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị trong các ngành chưa phân định rõ dịch vụ công phục vụ QLNN, dịch vụ công thu phí.

(5). Chưa xác định được bước đi cụ thể, phù hợp để triển khai chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chưa phân định rõ chức năng cung cấp dịch vụ công với chức năng quản lý nhà nước của cơ quan chủ quản.

(6). Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm còn chưa kịp thời; chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn lớn.

Trước thực trạng đó, Kế hoạch 111-KH/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” xác định việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung ưu tiên trong tổ chức thực hiện.

Nhằm làm sáng tỏ nội dung trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đề xuất phương án sắp xếp như sau:

  1. Phương án tổ chức lại, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An

1.1. Hợp nhất các đơn vị ở các sở, ngành

Hợp nhấp 4 trung tâm gồm: Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh; Trung tâm Xúc tiến thương mại; Trung tâm Xúc tiến du lịch và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành một Trung tâm với tên gọi là Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ phát triển tỉnh Nghệ An.

Hợp nhất 5 ban quản lý dự án: Ban quản lý Dự án xây dựng dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Ban quản lý Dự án xây dựng công trình văn hoá, thể thao và du lịch; Ban quản lý Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch; Ban quản lý Dự án xây dựng công trình y tế; Ban quản lý Dự án chuyên ngành giáo dục và đào tạo thành 01 Ban Quản lý dự án chung trực thuộc UBND tỉnh với tên gọi Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp và phát triển đô thị tỉnh Nghệ An.

1.2. Đối với các lĩnh vực cụ thể

- Lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch: Hợp nhất 2 đơn vị là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc và Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thành 01 đơn vị là Đoàn Nghệ thuật truyền thống của tỉnh. Hợp nhất 2 đơn vị là Trung tâm Thi đấu và Dịch vụ thể thao và Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao thành một Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao. Hợp nhất 3 đơn vị sự nghiệp cấp huyện gồm Trung tâm văn hóa, Đài truyền thanh - truyền hình và nhà thiếu nhi (Nhà thiếu nhi Việt Đức và Nhà thiếu nhi Quỳ Hợp) thành một đơn vị là Trung tâm văn hóa và truyền thông.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Hợp nhất các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố, thị xã thành một Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên. Sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh vào Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh, đồng thời chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên.

Chuyển 03 đơn vị từ tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên gồm: Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường sau khi sáp nhập với Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trung tâm Công nghệ thông tin và Quỹ Bảo vệ môi trường.

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Sáp nhập Ban quản lý Rừng phòng hộ Quỳ Hợp vào Khu BTTN Pù Huống thành một đơn vị. Sáp nhập 3 Ban quản lý dự án trực thuộc Sở NN&PTNT gồm BQL Dự án ngành NN& PTNT; BQL Dự án NN& PTNT; Ban quản lý Dự án duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi và PCTT ngành thành 1 Ban quản lý Dự án ngành NN&PTNT và thực hiện cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên. Nghiên cứu phương án sáp nhập 10 Ban Quản lý Rừng phòng hộ còn lại thành một Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở NN&PTNT và thực hiện cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên. Hợp nhất các trạm: Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật; Trạm chăn nuôi và thú y; Trạm khuyến nông và các ban phát triển nông thôn miền núi thành Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.

Chuyển 4 đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên đến 2021: Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống chăn nuôi, Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT. Chuyển 04 đơn vị sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên đến 2025: Trung tâm Khuyến nông; Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp; Đoàn Quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi; Ban Quản lý cảng cá. Chuyển công ty cổ phần cho 4 đơn vị đến năm 2025: Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống chăn nuôi, Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT.

- Lĩnh vực thông tin, truyền thông và phát thanh, truyền hình: Hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình và Trung tâm Văn hóa ở cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa và Truyền thông. Nhà xuất bản Nghệ An từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 16 của Chính phủ. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh chuyển đổi thành đơn vị tự chủ chi thường xuyên từ năm 2021.

- Lĩnh vực lao động thương binh xã hội, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công: Sáp nhập Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Sáp nhập Trung tâm công tác xã hội (sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ công tác xã hội cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và đổi lại tên thành Trung tâm Nhân đạo Nghệ An) với Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An. Đối với 4 trường trung cấp nghề thuộc sở và 3 trường trung cấp nghề thuộc huyện quản lý sáp nhập với trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Phấn đấu chỉ còn một đầu mối giáo dục nghề nghiệp công lập, hình thành quy mô theo hướng trường giáo dục nghề nghiệp công lập làm trọng tâm, đặt tại thành phố Vinh và có các vệ tinh ở các vùng Bắc Nghệ An (Quỳnh Lưu), Tây Bắc (Thái Hòa) và Tây Nam (Con Cuông).

Tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng, như: Trung tâm Công tác xã hội; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh; Trung tâm Bảo trợ xã hội; các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng người có công... theo hướng hợp nhất các đơn vị thành đơn vị bảo trợ xã hội, đơn vị chăm sóc người có công với cách mạng với mô hình đơn vị đa chức năng thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Chuyển sang tự chủ chi thường xuyên: Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Vinh; Trung tâm Dịch vụ Việc làm; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xem xét đơn vị có đủ điều kiện để chuyển đổi thành công ty cổ phần: Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Vinh.

-  Lĩnh vực giáo dục: Sáp nhập 07 Trung tâm giáo dục thường xuyên của 07 huyện, thị, thành (Vinh, Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông, Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc) có trường trung cấp nghề trên địa bàn (nhưng không có trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp kỹ thuật tổng hợp) vào trường trung cấp nghề trên địa bàn thành Trường Trung cấp giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện và trực thuộc UBND cấp huyện. Đồng thời chuyển đổi sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên. Sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Nghệ An vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 Nghệ An.

- Lĩnh vực y tế: Hợp nhất 6 trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng tuyến tỉnh gồm: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Sức khoẻ sinh sản; Trung tâm Phòng chống HIV/AISD; Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng; Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe; Trung tâm Tư vấn dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình thành 01 Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Tổ chức lại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành một đơn vị Kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Nâng cấp Trung tâm phòng chống phong da liễu lên Bệnh viện Da liễu tỉnh khi đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

- Lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực khác: Sáp nhập 2 đơn vị là Trung tâm Khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành 01 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An. Sáp nhập Ban quản lý Nghĩa trang thị xã Cửa Lò và Trung tâm Cứu hộ phòng chống thiên tai Cửa Lò thành Trung tâm cứu hộ và quản lý nghĩa trang Cửa Lò. Giải thể Trung tâm Tin học - Công báo.

Chuyển sang hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên các đơn vị: Trung tâm Kiểm định xây dựng; Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng; Trung tâm tư vấn và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số; Đội quản lý trật tự đô thị Vinh; Đội quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò; Trung tâm cứu hộ và quản lý nghĩa trang Cửa Lò; Phòng Công chứng số I và Phòng Công chứng số II. Chuyển sang công ty cổ phần các đơn vị: Ban quản lý Nghĩa trang thành phố Vinh; Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An.

- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp (Công ty cổ phần) từ năm 2021. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên, khi có điều kiện thì chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện cơ chế tự chủ theo lộ trình. Nâng cấp Trung tâm KHXH&NV thành Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội của UBND tỉnh hoặc Viện Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn vùng Bắc Trung bộ.

-  Lĩnh vực đảng, đoàn thể: Hợp nhất Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phúc Sơn và Tổng đội TNXP 5 thành 01 đơn vị là Trung tâm giáo dục lao động xã hội Thanh niên xung phong. Giải thể bàn giao về địa phương Tổng đội TNXP 1. Giải thể chuyển giao vào Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An Tổng đội TNXP 2. Giải thể chuyển giao vào Công ty Cổ phần tư vấn phát triển nguyên liệu TH Tổng đội TNXP 3. Giải thể chuyển giao vào Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH Tổng đội TNXP 6.

Chuyển hình thức tự chủ đối với các đơn vị: Nhà văn hóa lao động: Chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật số 1: Chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Trung tâm dạy nghề nông dân: Chuyển sang tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên.

  1. Một số giải pháp

2.1. Công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập,  nâng cao chất lượng dịch vụ công, qua đó, nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và tạo đồng thuận trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2.2. Giải pháp về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới.

Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%.

Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

2.3. Giải pháp thực hiện tinh giản biên chế

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy (cả tổ chức bên trong) của đơn vị sự nghiệp; rà soát sắp xếp, phân công, tổ chức lại lao động trong đơn vị, đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để tinh giản biên chế.

Xây dựng khung phân loại thống nhất, tầm quan trọng, độ phức tạp, khối lượng công việc; phân loại đơn vị sự nghiệp; xác định cơ cấu viên chức; hoàn thiện, chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh viên chức; xây dựng định mức lao động, định mức sử dụng thời gian làm việc của viên chức.

Xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia xây dựng và thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách hợp lý để thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế (chế độ nghỉ hưu trước tuổi; chế độ cho thôi việc, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức…).

2.4. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường.

Thí điểm thực hiện cơ chế cấp phát ngân sách theo kết quả công việc thay cho cơ chế cấp kinh phí chủ yếu dựa vào chỉ tiêu biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công; tiến tới chuyển đổi cơ chế giao biên chế sang cơ chế giao kinh phí.

Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ.

Minh bạch hoá các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư, nhất là ở các đơn vị thuộc lĩnh vực do Nhà nước cấp phép hoạt động; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.

2.5. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý

Nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.

Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.

Thực hiện kiểm định, đánh giá và xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm t

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây