Ngày Xuân, lạm bàn về đời sống tâm linh hiện nay

Thứ ba - 09/03/2021 04:21 0

 Trọng Nguyên

Trong dòng chảy của văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh tồn tại như một nhánh của dòng sông cuộc đời. Tâm linh trước hết là niềm tin vào thế giới siêu nhiên, thế giới chưa hiểu hết. Dù khoa học luôn đạt được những bước tiến mới song con người hầu chưa thể tiệm cận với sự bí ẩn của vũ trụ. Và con người cũng luôn tự hỏi ta là ai, ta đi về đâu? Mặt khác, cuộc sống của con người vẫn còn bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố ngẫu nhiên. Đấy là những vấn đề khiến tâm linh vẫn là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Nhân ngày đầu xuân, xin lạm bàn đôi điều về văn hóa tâm linh của người Việt. 

Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt vô cùng phong phú. Có thể nói mỗi một vùng miền, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi dòng họ lại có những phong tục tập quán, lễ hội, những quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Và mỗi quan niệm, ý niệm tâm linh ấy lại thường xuất phát từ thế giới siêu nhiên mà họ ngưỡng vọng. Điểm qua những nét khái quát về đời sống văn hóa tâm linh của một vài dân tộc, vùng miền có thể cho ta cái nhìn toàn cục về một nền văn hóa đặc sắc, giàu sức sống của một dân tộc luôn phải chống chọi với thiên tai, giặc giữ. Với dân tộc Kinh ở hầu hết các vùng miền trong nước, tín ngưỡng dân gian truyền thống là phong tục “thờ cúng tổ tiên”. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ xa xưa gắn với thời đại Hùng Vương. Và ngày nay trải qua bao thăng trầm lịch sử đã được nâng lên thành Quốc lễ. Giỗ tổ Hùng Vương vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều này cho thấy giá trị văn hóa của tín ngưỡng độc đáo này. Một số nhà khoa học cho rằng thờ cúng tổ tiên có thể coi là quốc giáo của người Việt. Bàn thờ gia tiên là nơi trang trọng nhất, thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình, dòng họ. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng gắn với việc thờ cúng các danh nhân, người có công với đất nước. Đó là việc lập đền thờ các anh hùng dân tộc, các Thành hoàng làng, các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Tín ngưỡng này góp phần rất lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Upload

Trong khi đó, các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc hay miền Trung cũng có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm màu sắc thần thoại. Nhìn chung, mỗi một dân tộc thiểu số lại có nghi lễ và cách thức, quan niệm khác nhau trong đời sống tâm linh. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng như các dân tộc thiểu số khác là một yếu tố tâm linh thuần khiết, một biểu hiện sinh động của đời sống văn hóa tâm linh. Và trong tâm thức của người Việt đã thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt khá đặc sắc có tính nhân văn trong đời sống tinh thần của dân tộc, góp phần làm nên bản sắc, diện mạo văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thế giới tâm linh trong ý niệm của họ là Giàng (trời) cùng các vị Thần mặt trời, Thần sông, Thần núi... Từ ý niệm thần linh         ấy mà trong đời sống dân gian luôn gắn liền với những sinh hoạt văn hóa lễ hội đậm chất tâm linh, giàu liên tưởng mà chất phác mộc mạc (lễ bỏ mã, lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng...). Nếu lễ cúng Giàng, lễ cầu mưa, cúng cơm mới,... đậm chất dân gian cùng dấu ấn niềm tin và ước vọng về một cuộc sống bình yên, sức khỏe, ngô lúa đầy bồ thì lễ hội Cồng chiêng hay những đêm kể khan (Sử thi) lại giàu chất suy tưởng, chất nhạc, chất thơ của một vùng văn hóa Sử thi sống động. Tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa - lễ hội đặc sắc, góp phần làm nên bản sắc của nền văn hóa dân tộc.

Upload

Nói đến đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc không thể không nói đến đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân duyên hải các tỉnh Trung bộ vào tới Nam bộ. Với đặc điểm địa lý của một quốc gia có bờ biển dài hơn 3000 km, ngư dân nước ta nói chung và ở các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng vốn có đời sống tâm linh với những lễ hội đặc sắc, sinh động. Biển cả cho họ nhiều cá tôm, sự giàu có nhưng cũng chứa đầy bất trắc, hiểm nguy. Trước biển cả vô tận, con người quả là nhỏ bé. Vì vậy, họ gửi niềm tin, ước vọng yên bình vào tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá voi). Trong tâm thức của ngư dân, cá Ông là con vật thiêng phù trợ, nhất là khi biển động, thuyền chìm. Nó có đặc điểm “...đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc cạn...”[1]. Chính vì thế, càng tin vào sự phù trợ của cá Ông, ngư dân lại càng tổ chức việc thờ cúng trang trọng, thành kính, tạo nên Lễ hội đặc sắc nhất của ngư dân vạn chài, làng biển nước ta, vừa minh chứng cho đời sống văn hóa tinh thần sinh động, vừa thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống yên bình.

Bên cạnh tính tích cực, thuần phong của đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, đã có những biểu hiện tiêu cực, thái quá trái với quan điểm, đường lối xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng. Có thể nói, mặt trái của kinh tế thị trường là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát, thiếu tính thiện... Những nhiễu loạn xã hội, sự giảm sút niềm tin đã khiến người ta đi tìm chỗ dựa ở chốn siêu nhiên. Và điều đó cũng cắt nghĩa phần nào và vì sao ngày càng có nhiều người đi lễ chùa cúng vái; đi xem bói, xem số; thậm chí còn tin vào những điều nhảm nhí mà kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của một số người để trục lợi như chữa bệnh không cần dùng thuốc mà chỉ cần ấn nhẹ vào người hay chỉ uống nước rồi đọc vài câu thần chú...

Một trong những biểu hiện tiêu cực, thái quá trong đời sống tâm linh những năm gần đây là người ta đốt nhiều đồ mã, vàng mã tại các đền chùa miếu mạo, nơi đặt am thờ hoặc trong nhiều gia đình dòng họ, nhất là vào những dịp lễ tết, giỗ chạp, đi chùa đầu năm mới. Có lẽ, trong tâm thức của nhiều người, cúng vái, đốt nhiều vàng mã thì mới có nhiều lộc, càng nhiều hên may... Điều muốn nói, họ biết cầu mong cho riêng mình mà quên đi những tác động xấu tới cộng đồng (mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người,...). Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của tác giả Minh Hạnh Đức trong một bài viết đăng trên báo Giác ngộ số 660 ra ngày 22.9.2012: “Đốt vàng mã là trái với lời Phật dạy”. Bởi lẽ, cũng theo tác giả bài báo trên: “Những người sử dụng đồ mã không tự hỏi: Trên thế giới có 195 quốc gia, nhưng bao nhiêu quốc gia có tập tục dùng đồ mã? Chỉ là con số tính đếm trên đầu ngón tay, trong đó chủ yếu là các quốc gia ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc. Còn nhiều quốc gia khác trên thế giới không có tập tục cúng, đốt đồ vàng mã, vậy chẳng lẽ người thân của họ sau khi chết không có điều kiện sinh hoạt ở cõi âm hay sao? Không có cơ sở, bằng chứng nào cho biết người quá cố có thể sử dụng những đồ mã cúng tế đã bị đốt cháy thành tro bụi hoặc đã bị hoại mục khi chôn theo người chết”.

Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt nhìn chung là lành mạnh, tích cực với những mỹ tục thuần phong thật đáng trân trọng. Chính những mỹ tục thuần phong ấy là căn cốt của đời sống tinh thần, tạo lập nên sức sống dân tộc trong tiến trình lịch sử. Một đời sống văn hóa tâm linh đẹp đẽ luôn là thông điệp gửi tới mỗi một mùa xuân sang. Mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng hãy thực hành một đời sống tâm linh tích cực, lành mạnh để góp phần xây dựng một đời sống văn hóa giàu chất nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc.

 

    Chú thích                                                

[1]  ThS. Nguyễn Duy Trường, Tạp chí Công tác Tôn giáo số 6, tháng  6 – 2011.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây