Thu thập các lời kể dân gian về y phục cưới thời xưa

Thứ sáu - 05/02/2021 04:21 0

Lê Phan

Upload

Trong bài viết trước, người viết có đề cập cô dâu Việt xưa thường mặc áo xanh, dựa theo các sử tịch và hiện vật cổ. Còn ở bài viết này, xin trích dẫn tư liệu truyền miệng từ dân gian. Người viết đã đi thu thập lời kể của các cụ già khoảng trên dưới 90 tuổi ở các địa phương khác nhau của xứ Nghệ, để làm sáng tỏ thêm về trang phục cô dâu Việt Nam xưa nói chung, trang phục cô dâu Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng.

Cụ Đậu Thị Mai, 96 tuổi, hiện sống tại khối An Vinh, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, quê tại Diễn Thành, Diễn Châu, cho biết: cô dâu xưa mặc áo cưới 2, 3 lớp, bên trong là màu đô (cụ còn giải thích màu đô là màu hồng sậm) bên ngoài là màu xanh, màu tím. Riêng cụ, trong ngày cưới cụ mặc áo màu xanh lục, và mặc suốt trong lễ cưới. Cụ nói thêm, cụ cưới cách đây 70 năm, tức là năm 1950.

Cụ ông Đặng Đình Nghĩa, 91 tuổi, sinh sống tại xóm 13 - Xuân Bình, Nghi Đức, thành phố Vinh cho biết: cô dâu xưa ai ưng màu gì thì mặc màu nấy, nhưng thông thường thì dùng màu tím, màu xanh... Cụ còn cho biết thêm, trong đám cưới của cụ với cụ bà, cụ bà cũng mặc áo dài màu xanh rất đẹp.

Cụ bà họ Chu, trên 90 tuổi (quê ở huyện Đô Thành, huyện Trung Thành, Nghệ An, hiện sống tại ngõ B2, khối An Vinh, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh), cho biết: “cô dâu thời xưa mặc áo màu lương. Khi được hỏi màu lương là màu gì, thì cụ nói cụ thể là màu đen hoặc màu xanh. Màu đen có dạng đen tuyền, hơi giống áo the (nhưng không trong như the), còn màu xanh thì giống xanh ngọc nhưng sẫm màu hơn”.

Upload

Tranh thêu miêu tả người đi giữa mặc áo tím đội nón dạng Hôn Lạp, dùng quat che mặt, có thể là cô dâu

* Về “màu lương” mà cụ Chu nói tới, nay tra cứu trong các sách thì không thấy đề cập về thuật ngữ này. Song người viết từng phỏng vấn cụ Thụ, 87 tuổi, cũng trong khối An Vinh về áo cưới cô dâu xưa, thì cụ kể là ngày xưa mẹ cụ có để lại một bộ áo gọi là áo vải lương, có cúc bằng vàng. Người viết cho rằng, có thể “lương” ở đây là vốn chỉ tên một loại vải lụa, gần giống như the nhưng đặc hơn, thường được người xứ Nghệ dùng trong đám cưới, cụ Chu nói đến màu lương ắt hẳn là vì tính chất khác biệt của chất liệu vải mà tạo nên cảm nhận riêng biệt về màu sắc, nên cụ gọi là “màu lương”.

Còn cụ bà tên Hồng (quê Đức Tùng, Đức Thọ, 87 tuổi) cho biết, vải lương xứ cụ cũng từng sản xuất, lấy từ cây bông (theo lời cụ thì cây này khá thấp, cao lắm cũng chỉ tầm 1 m) đánh xơ đi, lấy ruột làm áo. Đánh càng kỹ, càng hết xơ thì vải càng đẹp. Vải này trắng, có độ trong. Vùng bà thường lấy củ nâu nhuộm cho vải có màu nâu, ngoài ra còn có thể nhuộm tím.

Cụ Ngọ, một Phật tử chùa Cần Linh, sinh khoảng năm 1930, cho biết cô dâu xưa thường mặc áo màu xanh hoặc màu tím. Đồng thời nói thêm màu xanh được xem là màu đẹp, trẻ trung, phù hợp với đa số, còn màu tím thì mang ý nghĩa dịu dàng, phù hợp với người có tuổi hoặc tính cách kín đáo ý nhị.

Các cụ bà ở gần nhà thờ tổ họ Phan Huy, tại huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng cho biết cô dâu xưa mặc áo xanh.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong đám cưới xứ Nghệ xưa, cô dâu thường mặc hai màu là xanh và tím. Những tư liệu này cũng góp phần chứng minh cho các ghi chép mà người viết đã thu thập được và đề cập trong bài viết trước, đó là đám cưới truyền thống của người Việt xưa - một cách khá nhất quán - thường cho cô dâu mặc áo xanh. Đây có thể coi là màu áo mang tính biểu tượng cho hôn lễ truyền thống của người Việt.

Upload

Nón cô dâu (hình 1 - chú thích bằng tiếng Pháp là là chapex des brus, nghĩa là nón cô dâu)

Có một điều đáng chú ý, cô dâu Huế cũng mang sắc tím trong đám cưới của mình (ít nhất là cuối thời Nguyễn). Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tản văn “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có kể lại rằng: “Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...”. Có thể rằng, y phục màu tím cho cô dâu mà các cụ xứ Nghệ nhắc tới, cũng có nguyên lý tương tự.

Anh Hậu, thợ may gốc Huế, năm nay hơn 50 tuổi, hiện đang làm việc tại phường Hồng Sơn, Tp Vinh, cũng cho biết cô dâu xưa mặc 2 màu xanh và hồng. Khi tiếp khách cô dâu mặc áo xanh lồng ra ngoài áo hồng. Còn khi làm lễ thì mặc áo hồng ra ngoài áo xanh.

Upload

Tranh vẽ đám cưới chuột cuối thời Nguyễn, mô tả các lễ nghi trong cưới hỏi thời xưa

Như vậy, như là hệ quả của thói quen mặc áo cặp, bên ngoài áo xanh, bên trong áo đỏ (như đã đề cập ở bài viết lần trước), thì trang phục cô dâu xưa có thể mang sắc tím, nếu chất liệu của hai lớp áo có tính chất trong, thưa như sa, lương, the… thì hai màu áo xanh và đỏ sẽ kết hợp với nhau, khiến mắt có cảm giác nhìn thấy màu tím. Màu tím trong văn hoá Việt tượng trưng cho sự thuỷ chung, có lẽ vì thế mà cũng được sử dụng cho đám cưới Việt xưa, bên cạnh màu xanh, màu hồng.

Tuy rằng nước ta trải qua bao cơn binh lửa, đã mất mát đi rất nhiều sử tịch, tư liệu, khiến việc phục dựng những văn hiến cũ gặp nhiều khó khăn, nhưng sử sách thư tịch không phải là đầu nguồn duy nhất để truy về những giá trị văn hóa - lịch sử cổ xưa. Những cụ già cao tuổi với những ký ức, kinh nghiệm phong phú của mình cũng là nguồn thông tin quan trọng và vô giá, bổ khuyết vào những thiếu sót và uẩn khúc của lịch sử, mà sử sách, cổ vật không thể kê cứu hết. Văn hóa nước Việt ta rất coi trọng người cao tuổi, một phần cũng là vì cái lẽ ấy. Hy vọng rằng, không chỉ là chuyện tấm áo manh quần, không chỉ là chuyện cưới xin dâu rể, mà với những thông tin dân gian thu thập được từ các cụ, về sau nhiều khía cạnh khác của văn hóa - lịch sử nước nhà sẽ đều được làm sáng tỏ, để văn hiến cũng như những trang sử vàng của nước Việt sẽ một lần nữa sáng rỡ trong dòng chảy đương đại này.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây