Một cách nhìn về Nguyễn Huy Thiệp

Thứ tư - 05/05/2021 05:21 0

Đinh Trí Dũng

Upload

Sau khi Nguyễn Huy Thiệp mất, người ta nhận ra một khoảng trống vắng khó thay thế của bức tranh văn học Việt Nam đương đại. Bắt đầu viết văn vào giữa những năm tám mươi thế kỉ XX, bước vào làng văn bằng những truyện ngắn mới lạ như Chút thoáng Xuân Hương, Huyền thoại phố phường và làm rung chuyển văn đàn với Tướng về hưu (1987) và một số truyện ngắn sau đó, Nguyễn Huy Thiệp đã thổi vào nền văn xuôi Việt Nam một luồng gió lạ, mới mẻ, hấp dẫn. Có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, thậm chí đối lập gay gắt, nhưng dù khen hay chê, yêu hay ghét anh thì họ đều phải thừa nhận tài năng đặc biệt của anh. Nguyễn Huy Thiệp mới mẻ từ cách tiếp cận hiện thực, cách nhìn về con người, cách xây dựng nhân vật đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Anh là một tài năng, nhưng cũng phải nói là một tài năng “gặp thời”. Không có bối cảnh đổi mới do Đảng ta phát động năm 1986, không có không khí hồ hởi, nhập cuộc của đông đảo các nhà văn lúc ấy thì không thể có Nguyễn Huy Thiệp. Và ở chiều ngược lại, Nguyễn Huy Thiệp cũng góp phần tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới văn chương nói chung, đổi mới văn xuôi nói riêng.

Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Trong đời văn, tôi cũng tìm hiểu về các văn sĩ trong lịch sử, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm. Tôi nhận ra một điều, cái xuất xứ của nhà văn quan trọng lắm. Mình phải làm sao có mặt đúng lúc, chứ sớm hơn hoặc muộn hơn thì có tài giỏi đến đâu, nhiệt huyết lớn lao đến đâu mà nó lỡ trớn thì cũng bại. Nhiều khi trong viết lách cũng thế, đôi khi tôi cũng lặng im, để tác phẩm của mình vào ngăn kéo. Nhưng nhìn chung, trong 30 năm đổi mới, đường văn của tôi khá thông đồng bén giọt. Có thể nói tôi xuất hiện đúng lúc, đúng năm bắt đầu Đổi mới 1986. Mọi người vẫn gọi Nguyễn Huy Thiệp là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc). Truyện ngắn “Tướng về hưu” ra sớm thì cũng hỏng mà ra muộn thì cũng vớ vẩn. Đấy, tôi được cái thời”(1). Nói về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp không phải là xu hướng phổ quát và tất cả của đổi mới nhưng nó là dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới”(2). Gặp thời, văn chương Nguyễn Huy Thiệp thăng hoa, trở thành “hiện tượng”, được tôn vinh trong nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nhưng cũng chỉ mấy năm sau, sáng tác của anh chững lại, một số tác phẩm vừa ra đời nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Ở đây không phải chỉ là sự xuống sức của nhà văn sau mấy năm như con tằm rút ruột nhả tơ. Ở đây còn có cả không khí thời cuộc đang dần thay đổi. Cái háo hức của buổi đầu đổi mới không còn như trước nữa, tâm thế “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật” trong văn chương dường như vẫn chưa đủ mà cần có thêm những bổ sung khác. Độc giả, sau khi háo hức với những tác phẩm thể hiện cái u ám của xã hội, sự tha hóa cùng cực của con người, lúc này còn mong muốn có thêm nhiều trang văn hướng về cái tốt đẹp, cái thiên lương của con người đang có nguy cơ bị tàn phá bởi cơn lốc của kinh tế thị trường. Và nói như Nam Cao, sẽ lại có những “ngôi sao mới” đến để thay thế những tài năng đã làm trọn vai trò của nó. Lịch sử văn học luôn luôn là con đường thay thế và tiếp nối như thế. 

  1. Một “hiện tượng” văn chương độc đáo, giàu năng lượng thẫm mỹ

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi tập hợp các bài viết về Nguyễn Huy Thiệp in thành sách đã đặt tên là Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001). Đúng là người ta đã đi tìm, đang đi tìm và sẽ phải tiếp tục đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của anh - trước hết là truyện ngắn - quả có một “ma lực” đặc biệt với người đọc. “Ma lực” này là sức hút với nhiều người, nhưng lại gây “rờn rợn”, “e ngại” với người khác. Nói “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” trước hết là vì thế. Nguyễn Huy Thiệp chính là người “chia rẽ độc giả” nhất trong lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam” (chữ dùng của Bùi Việt Thắng). Người ta đua nhau tìm đọc Nguyễn Huy Thiệp. Người ta tìm thấy ở đây một cây bút đã nói hộ cho mình bao nhiêu bức xúc về xã hội, về con người. Lần đầu tiên trong văn chương, con người bị “lột trần” trơ ra nhiều bản năng thú tính. Giới nghiên cứu cũng bị phân hóa. Chỉ trong vòng hai năm (từ 1987 đến 1989) đã có không dưới 70 bài phê bình sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Vương Trí Nhàn viết: “Sự độc đáo kì lạ là một yêu cầu nhất thiết đối với văn học, thế nhưng một phong cách như Nguyễn Huy Thiệp hai lần kì lạ, vì nó mang tới cái chất mà lâu nay trong văn học Việt Nam hơi thiếu - chất kiêu bạc, tàn nhẫn, cay đắng”(3). Tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp dường như tập trung vào mấy vấn đề: tâm và tài, lịch sử và quyền hư cấu của nhà văn, cái ác và cái thiện, lòng tin và sự đổ vỡ niềm tin…Người không thích anh thì bảo rằng anh có tài mà thiếu tâm. Người thích anh thì biện hộ rằng không thể tách rời tâm và tài, tài phơi bày những xấu xa bỉ ổi của con người chính là cái “tâm” của nhà văn, là mong muốn con người thay đổi. Có người bảo anh phỉ báng lịch sử, “hạ bệ thần tượng” (Vàng lửa, Phẩm tiết). Ngược lại có người bảo vệ cho anh về quyền hư cấu của nhà văn, kể cả hư cấu về những anh hùng, vĩ nhân vì họ cũng có mặt đời thường, mặt khuất lấp. Nhiều lúc các tranh luận đã đi ra ngoài quỹ đạo văn chương, lồng gài các vấn đề chính trị nhạy cảm. Các tranh luận này, kể cả đến thời điểm hôm nay cũng khó tìm được tiếng nói chung vì mỗi người đứng trên những góc nhìn, những quan điểm rất khác nhau. Vì thế, muốn đọc Nguyễn Huy Thiệp, người đọc trước hết phải tự thoát ra khỏi cách tiếp nhận truyền thống, chấp nhận kiểu nhìn trần trụi về thế giới và con người, chấp nhận cách nhìn dân chủ, bình đẳng giữa các hạng người, chấp nhận một thứ “triết luận về lịch sử” kiểu Nguyễn Huy Thiệp, chấp nhận kiểu trần thuật mà ở đó giọng văn gần như đã bị tước hết cảm xúc, không còn sự đánh giá, khen chê để nhường chỗ cho quyền của độc giả.

Nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến quả là chính xác, chỉ ra cái “thần” của văn chương Nguyễn Huy Thiệp: “Ngòi bút trào phúng của Nguyễn Huy Thiệp vừa tàn nhẫn, vừa xót xa. Tàn nhẫn có nghĩa là “không được thương con người”, đấy là mệnh lệnh của lương tâm và tác giả đã đi đến cùng, phơi bày sự đốn mạt của con người. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ xót xa, “không thể không thương con người”. Ngay ở những nhân vật đốn mạt nhất, Nguyễn Huy Thiệp không tuyệt vọng ở họ(4). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử phát hiện ra hệ quy chiếu trong truyện Nguyễn Huy Thiệp là “con người”, triết lí về con người, bản tính người, cách làm người, trạng thái ứng xử xã hội lịch sử của con người.

Tuy nhiên, tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp cũng cần nhận rõ những thành công và cả những hạn chế trong sáng tác của nhà văn. Phần hạn chế dễ thấy nhất là cái nhìn hư vô, có màu sắc vô chính phủ, sự đề cao quá mức bản năng con người trong nhiều trang viết.

  1. Một bước tiến lớn trong tiếp cận và đổi mới ngôn ngữ văn xuôi

Văn học nói chung, văn xuôi nói riêng không thể có bước phát triển nếu không có những cách tân về ngôn ngữ. Tự lực văn đoàn là một cách tạo dựng ngôn ngữ mới - trong sáng, trau chuốt, nghệ thuật hơn - so với ngôn ngữ vụng về kiểu khẩu ngữ của các nhà văn Nam bộ trước đó. Các cây bút hiện thực phê phán (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…) lại tạo ra một kiểu ngôn ngữ mới đa dạng, phong phú, gần gũi đời sống, sinh động hơn hẳn khi so sánh với Tự lực văn đoàn. Trong văn xuôi Việt Nam sau 1986, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một kiểu trần thuật mới, với cách sử dụng ngôn từ phá cách, nhiều khi phá bỏ những chuẩn mực thông thường. Có người gọi ông là “phù thủy ngôn từ”. Có người cho rằng ông đã “phá bỏ các kỵ húy” tồn tại lâu nay trong văn xuôi tiếng Việt. Ngôn từ Nguyễn Huy Thiệp có sự pha trộn độc đáo giữa bút pháp truyền thống (truyền kỳ, dã sử, sử ký) với bút pháp của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp dùng lối kể bề ngoài rất cổ điển, theo trình tự thời gian, những câu văn ngắn, súc tích, bị tước hết các tính từ, hình dung từ, tưởng như đơn giản, cộc lốc nhưng lại nén chứa sức nặng của thông tin, của một sự bùng nổ. Nguyễn Huy Thiệp vì thế rất chuộng dùng câu đơn. Riêng câu ghép, các vế cũng được tách ra rạch ròi. Thủ pháp liệt kê là khá phổ biến. Những câu văn này là điển hình của Nguyễn Huy Thiệp: “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…” (Tướng về hưu); hay: “Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông” (Không có vua)... Những câu văn sắc lạnh, trần trụi như thế có mặt khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều lúc ông phối hợp cả ba lối hành văn (văn xuôi, thơ, biền văn). Nguyễn Huy Thiệp thường kết hợp linh hoạt kiểu trần thuật ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Tuy nhiên, dường như những truyện hay nhất của ông được kể từ ngôi thứ nhất, xưng tôi, kiểu như: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn” (Những bài học nông thôn); “Nhà tôi làm ruộng, đào đá ong và làm thêm nghề lột giang đan mũ” (Con gái thủy thần), “Ít năm trước đây, tôi theo một toán thợ xẻ lên miền ngược kiếm ăn” (Những người thợ xẻ)…Thỉnh thoảng người trần thuật hoặc nhân vật ném ra những triết lý như “chọc tức”, như cố tình để tạo ra tranh cãi. Và người đọc cứ như bị tác giả dẫn lối, kéo họ nhập vào thế giới nghệ thuật của ông, một thế giới rất quen thuộc nhưng cũng đầy kỳ bí, nhiều cạm bẫy. Ông dẫn họ vào đó, nhưng ông không chỉ cho họ lối ra. Ông không thích là người dẫn đường. Ông buộc họ phải mày mò tìm đường, suy tư, dằn vặt, tự đối diện với chính mình, đối diện với phần tăm tối, bản năng nhất của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng lạnh lùng, tàn nhẫn. Giọng văn của ông thường chùng xuống, đầy cảm xúc khi nói đến con người. Trong Tướng về hưu ông Bổng khóc oà: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuấn gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Một nhân vật trong Cún nói: “Cả cuộc đời ngắn ngủi của cha tôi chỉ có độc một khát vọng làm người mà không được”. Thắm trong Chảy đi sông ơi nói: “Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường”…

Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn nổi danh của những năm đầu đổi mới, nhưng nhiều giá trị trong truyện ngắn của ông thì vẫn mãi trường tồn. Tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Ông đã được tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2006), Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nomino của Ý (2008)... Hiện ông đang được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021 (cho hai tập truyện ngắn Tướng về hưuNhững ngọn gió Hua Tát). Sau một thời gian lâm bệnh nặng, trái tim Nguyễn Huy Thiệp đã ngừng đập. Nhưng nhiều trang văn của ông để lại thì sẽ còn sống lâu với thời gian, bởi nó vẫn luôn là những lời thẳng thắn, tâm huyết cảnh tỉnh con người, vì sự tốt đẹp của phẩm giá con người.

 

 Chú thích

  1. Tạp chí Sông Lam, số 9/2021.
  2. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm, biên soạn), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 546.
  3. Phạm Xuân Nguyên, sđd, tr. 405-406.
  4. Phạm Xuân Nguyên, sđd, tr. 14,15.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây