Văn hóa vật thể và các hình thức văn hóa vật thể tiêu biểu

Thứ tư - 28/04/2021 05:21 0

     Nguyễn Hồng - Hồ Thủy

  1. Văn hóa vật thể và các khái niệm

Dựa vào đối tượng nghiên cứu, lịch sử hình thành, quá trình du nhập và phát triển… văn hóa được chia thành nhiều loại hình khác nhau: Văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất, văn hóa dân gian, văn hóa bác học, văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây… Tuy nhiên, sự chia tách này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế các loại hình văn hóa có sự ảnh hưởng và tiếp xúc qua lại lẫn nhau.

Khoảng thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, trên cơ sở những khác biệt lớn lao đến mức tương phản tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ vật chất đến tinh thần, từ sinh hoạt tôn giáo đến tín ngưỡng, hay các hoạt động và tiềm lực về kinh tế tài chính, các nhà khoa học đã có sự phân biệt, chia tách các nền văn hóa trên thế giới thành hai nhóm: văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.

Văn hóa phương Tây: bao gồm các nền văn hóa Hi Lạp, La Mã và những nền văn minh kế thừa trực tiếp chúng đang ngự trị ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ.

Văn hóa phương Đông: bao gồm nền văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai cập cổ….

Trong quá trình phát triển, giữa văn hóa Phương Đông và văn hóa Phương Tây luôn diễn ra các cuộc tiếp xúc và trao đổi qua lại. Ngày nay, những thành tựu to lớn của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang đưa hai nền văn hóa xích lại gần nhau đến mức khó phân biệt đâu là giới hạn của nó và các khái niệm văn hóa Phương Đông, văn hóa Phương Tây chỉ được dùng với ý nghĩa thuần túy là về mặt vị trí địa lý.

Văn hóa bác học: Trong văn chương, nghệ thuật, trong văn hóa nói chung, người ta thường hay phân biệt ra hình thức Dân Gian và thể đối lập của nó là Chính Thống hay Thống Trị, Bác Học v.v...

Ở nước ta, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin, mỗi khi đề cập đến vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, được coi là cốt lõi của văn chương, nghệ thuật, văn hóa, các nhà nghiên cứu trong nước thường xuyên trích dẫn ít nhất là hai luận điểm, một của Mác: "Ý thức hệ thống trị một thời đại là ý thức hệ của giai cấp thống trị", và một của Lênin: "Trong một nền văn hóa dân tộc, có hai nền văn hóa, nền văn hóa của giai cấp thống trị và nền văn hóa dân gian". Có thể hiểu rằng: văn hóa bác học là những biểu hiện văn hóa không thuộc về dân gian, do các nhà nghiên cứu văn hóa nghiên cứu, đúc kết mà thành.

Văn hóa dân gian: Văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thống hình thành và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của nền văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì Văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển văn hóa cũng như xã hội Việt Nam nhất là đối với quần chúng lao động.

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian) thì: “Truyền thống và lịch sử Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đó là văn hóa làng xóm trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành cái trục của hệ ý thức Việt Nam, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa Việt Nam”.

Thiết nghĩ, sự phân biệt văn hóa dân gian và văn hóa bác học cũng chỉ mang tính chất tạm thời hay tương đối bởi sự tác động qua lại của hai hình thức văn hóa này. Văn hóa bác học hình thành và phát triển trên cơ sở, nền tảng là văn hóa dân gian còn văn hóa dân gian, trong quá trình phát triển cũng có sự pha trộn các biểu hiện của văn hóa bác học.

Văn hóa tinh thần: Văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hóa phi vật chất là những ý niệm, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị, chuẩn mực,... tạo nên một hệ thống. Hệ thống đó bị chi phối bởi trình độ của các giá trị, đôi khi có thể phân biệt một giá trị bản chất. Chính giá trị này mang lại cho văn hóa sự thống nhất và khả năng tiến hóa nội tại của nó.

Văn hóa vật chất: Ngoài các yếu tố phi vật chất như giá trị, tiêu chuẩn,... nền văn hóa còn bao gồm tất cả những sáng tạo hữu hình của con người mà trong xã hội học gọi chung là “đồ tạo tác”[1].  Những con đường, tòa cao ốc, đền đài, phương tiện giao thông, máy móc thiết bị... đều là đồ tạo tác.

Trong một số trường hợp rất khó tách bạch đâu là văn hóa vật chất, đâu là văn hóa tinh thần bởi sự liên quan chặt chẽ của hai loại hình văn hóa này. Văn hóa vật chất bao hàm cái tinh thần, văn hóa tinh thần  phải được biểu thị bằng những dấu hiệu vật chất. Khảo sát một nền văn hóa có thể thấy văn hóa vật chất phản ánh những giá trị văn hóa mà nền văn hóa đó coi là quan trọng.

Phân biệt các loại hình văn hóa để thấy được rằng sự phân biệt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng chỉ dừng lại ở tính chất tương đối. Trên thực tế, ở một số trường hợp rất khó có thể phân biệt rạch ròi đâu là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều lọai hình văn hóa vừa là vật thể lại vừa là phi vật thể.

Ví dụ:

Có một số nhà nghiên cứu kiên quyết phủ nhận giá trị văn hóa phi vật thể trong văn hóa ẩm thực và nghề thủ công truyền thống. Yếu tố vật thể trong văn hóa ẩm thực và nghề thủ công truyền thống được nhìn rõ trước hết là ở nhu cầu “ăn cho no bụng” hoặc “sử dụng sao cho thật tiện ích”... còn yếu tố phi vật thể, những giá trị văn hóa vô hình không dễ nắm bắt bằng mắt thường là ở nhu cầu thưởng thức cái “ngon”, cái “đẹp”.

Trong cả hai loại hình di sản văn hóa nói trên bên cạnh những giá trị thẩm mỹ hiển hiện ra bên ngoài như các vị mặn, nhạt, chua cay hay khối lượng, kích thước độ dài, to nhỏ.... bao giờ cũng có yếu tố bí quyết nghề nghiệp, như: Các cách pha chế gia vị, chế biến, bày biện món ăn cho đẹp về màu sắc và mùi vị, thậm chí cả âm thanh, mà những bí quyết như thế chỉ có thể truyền dạy, “cầm tay chỉ việc” và tích lũy trong quá trình thực tập tay nghề chứ không thể nói bằng lời, viết ra sách hoặc dựa vào sự mô tả mà làm được.

Để tránh sự chồng chéo giữa yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất giữa các biểu thị văn hóa, Unesco đã thảo luận và đi đến dùng thuật ngữ văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Hiện nay trên thế giới thuật ngữ văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trở thành một thuật ngữ khoa học và được sử dụng rất phổ biến.

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Thắng (Viện văn hóa thông tin – Việt Nam) cặp khái niệm này được đưa ra để khắc phục sự đối lập giữa 2 phạm trù: Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, tức muốn nhấn mạnh vào chỗ đã là văn hóa dù ở dạng vật thể hay phi vật thể đều mang tính tinh thần. Ở đây, Unesco và các nhà khoa học đã căn cứ vào đặc trưng của hình thái tồn tại để phân loại: Một (văn hóa vật thể) nhấn mạnh đến đặc trưng không gian của hình thái tồn tại, mặt khác (văn hóa phi vật thể) lại nhấn mạnh vào đặc trưng thời gian của hình thái tồn tại.

Cũng theo tiến sĩ Bùi Quang Thắng, cặp khái niệm này có thể được hiểu như sau: Văn hóa vật thể là những hình thái biểu trưng, tồn tại ổn định trong không gian và thường trực theo thời gian (có nghĩa là văn hóa sau khi được sáng tạo ra tồn tại ổn định cùng với thời gian và khách quan đối với chủ thể đã sáng tạo ra nó). Văn hóa phi vật thể thì tiềm ẩn trong trí nhớ của con người, chỉ khi nó được khách thể hóa (thông qua các hoạt động của con người xã hội trong một khoảng thời gian nhất định) thì người ta mới nhận biết được các hình thái biểu trưng của nó.

  1. Các hình thức văn hóa vật thể tiêu biểu

2.1. Nhà ở

Qua hàng nghìn năm lịch sử của người Việt Nam, với sự phát triển từ thấp đến cao, con người đã sống qua những hình thái xã hội như bầy đàn, công xã, thị tộc,… nhưng cao hơn cả và vẫn còn tồn tại, duy trì cho đến ngày nay là đơn vị hành chính nhỏ được gọi là “làng”. Nhưng làng lại được lập lên từ tập hợp các gia đình, nhiều có tới vài nghìn hộ, ít cũng phải trên chục hộ gia đình và mỗi gia đình sống độc lập trong mỗi khuôn viên riêng. Dù ở giai đoạn nào thì mỗi gia đình đều tìm cho mình thế ứng xử trong cách sống để phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội và đặc biệt là phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp lúa nước đó chính là xây dựng cho gia đình những ngôi nhà.

Nhà là công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, có cửa ra vào dùng để ở, sinh hoạt văn hoá, xã hội hoặc cất giữ vật chất, phục vụ cho các hoạt động cá nhân và tập thể của con người, và có tác dụng bảo vệ cho các hoạt động đó.

Nhà là nơi sống, làm việc, sinh hoạt của gia đình, nên nhà có ý nghĩa rất cao cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Về mặt tinh thần nhà được xem là chốn trú ngụ yên ổn chở che, nâng đỡ tâm hồn con người. Khi con người thoát khỏi cuộc sống bầy đàn và trở thành sinh vật có thói quen, trạng thái nhà của một người được biết đến nhiều hơn về mặt tâm lý có thể ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc, và toàn bộ sức khoẻ tinh thần. Vì thế mới hình thành tâm trạng nhớ nhà khi con người rời khỏi ngôi nhà thân yêu của họ trong một khoảng thời gian nhất định.

Thực tế ngày nay, nhiều người còn xem nhà là của cải vật chất (bất động sản) và là thước đo chất lượng cuộc sống. Nhà ở được coi là một hình thức tiêu biểu của văn hóa vật thể trước hết là về mặt kiến trúc.

Quá trình phát triển nền kiến trúc Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Thưở ban sơ, con người đã biết sử dụng những vật liệu có sẵn như tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá... để làm cho mình ngôi nhà che mưa che nắng, hay để tránh thú dữ, cất giữ và bảo quản lương thực. Sau này, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ... xuất hiện, bổ sung vào sự đa dạng của vật liệu xây dựng.

Nhà ở Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ, kết hợp với các vật liệu bổ trợ khác như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre... Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỷ lệ. Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia nhiều về kết cấu của các thể loại công trình khác nhau. Dựa trên những đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu, vật liệu mà kiến trúc nhà ở Việt Nam không tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác.

Về phân loại, có thể chia nhà ở Việt Nam thành rất nhiều loại hình như nhà trệt, nhà cao tầng, nhà tranh, nhà ngói, nhà mái bằng, nhà mái ngói, nhà ống, nhà biệt thự... nhưng tựu chung lại, theo tiến trình lịch sử phát triển nhà ở Việt Nam, nhà ở có thể được chia thành hai loại hình chính: Nhà ở dân gian và nhà ở hiện đại.

2.2. Trang phục

Đối với con người, sau ăn thì đến mặc là cái quan trọng, nó giúp cho con người đối phó được với cái nóng, cái rét của thời tiết, khí hậu. Trang phục là những đồ để mặc như quần, áo, váy,... để đội như mũ, nón, khăn,... và để đi như giầy, dép, ủng,... Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm thắt lưng, găng tay, đồ trang sức,...Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể, tiếp nữa mới đến chức năng thẩm mỹ, làm đẹp cho con người.

Trang phục là một trong những biểu hiện của văn hoá. Điều này thể hiện rất rõ khi chúng ta tiếp cận với các nền văn hoá khác nhau. Thông qua trang phục, người ta sẽ có những thông tin quan trọng để phân biệt tộc người này với tộc người khác, các giai tầng trong xã hội, trình độ văn hoá và sở thích của cá nhân.

Nhìn lại quá trình phát triển của trang phục, có thể thấy sự xuất hiện của trang phục đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức của con người. Mới đầu là nhu cầu bảo vệ cơ thể, che nóng che lạnh, dần dần trang phục trở thành nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu làm đẹp của con người.

Trang phục thể hiện nghề nghiệp, đẳng cấp, phong tục, tập quán. Trang phục liên quan đến điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử và môi trường văn hoá.

Ngoài ra, trong lĩnh vực tinh thần, trang phục thể hiện cụ thể trình độ và thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân, mỗi thời đại.

Cũng như các loại hình văn hóa khác, văn hóa trang phục có bước chuyển mình từ trang phục truyền thống đến trang phục hiện đại. Trước đây, trang phục nặng về phục sức còn ngày nay, yếu tố thực dụng với nhu cầu che thân, bảo vệ cơ thể nhiều khi đã bị yếu tố thời thượng - thời trang làm cho lu mờ đi. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong xã hội hiện đại, nhất là với lớp trẻ - những người yêu thích cái mới và luôn muốn khẳng định mình.

2.3. Sản xuất nông nghiệp

Các nền văn hóa trên thế giới rất phong phú và đa dạng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng nhưng tựa chung lại khoa học đã thừa nhận trên thế giới hình thành hai loại hình văn hóa chính: Văn hóa gốc nông nghiệp và Văn hóa gốc du mục.

Văn hóa gốc nông nghiệp tồn tại chủ yếu ở phương Đông, văn hóa gốc du mục tồn tại ở phương Tây.  Sự khác biệt của hai loại hình văn hóa gốc xuất phát từ sự khác biệt về môi trường sống. Môi trường sống của cư dân phương Đông là xứ nóng, mưa nhiều, bên cạnh những con sông lớn với những vùng đồng bằng trù phú. Còn phương Tây là xứ lạnh, khí hậu khô, không thích hợp cho động vật sinh trưởng, có chăng chỉ là những vùng đồng cỏ mênh mông.

Việt Nam là nước thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Người Việt Nam từ xưa tới nay sống dựa nhiều vào thiên nhiên, chan hòa cùng cây cỏ tự nhiên, sống cùng với ruộng đồng gò bãi để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Có phải vì thế mà ở người Việt Nam cứ mong muốn điều gì là nói "lạy trời", "nhờ trời", "ơn trời. Từ vốn sống của mình, từ lối sống hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ mà người Việt đã tích lũy được một kho kinh nghiệm hết sức phong phú về mối quan hệ giữa các hiện tượng thiên nhiên và các hoạt động nông nghiệp: Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa; Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa; Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống; Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa (tục ngữ); Mồng tám tháng tám không mưa, bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi... (ca dao).

Là chủ nhân của nền văn minh lúa nước, người Việt Nam lấy nông nghiệp làm trọng. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Những di cốt trâu, bò nhà, tìm thấy trong cùng một di tích văn hóa Đông Sơn, hình bò khắc hoạ trên mặt trống đồng chứng tỏ từ thời Hùng Vương người dân đã biết sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong nông nghiệp. Đã có một thời, nhắc đến nông nghiệp VN người ta thường nói đến lối sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chậm chạp, nhỏ lẻ với hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Ngày nay, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình với những máy móc hiện đại tiên tiến được nhập từ các nước phương tây.

Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp, nhiều nghề thủ công cũng đã ra đời tại các vùng nông thôn Việt Nam, ban đầu là những công việc phụ tranh thủ làm lúc nông nhàn, để chế tạo những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt, phát triển lên thành nhu cầu trao đổi hàng hóa và tìm kiếm thu nhập ngoài nghề nông.

Làng nghề Việt Nam là một thuật ngữ dùng để chỉ các cộng đồng cư dân, chủ yếu ở các vùng ngoại vi thành phố và nông thôn Việt Nam, có chung truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công cùng chủng loại tại Việt Nam. Làng nghề thường mang tính tập tục truyền thống đặc sắc, đặc trưng, không chỉ có tính chất kinh tế mà còn bao gồm cả tính văn hóa, đặc điểm du lịch tại Việt Nam. Các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định ... Một số ít rải rác ở các vùng cao và châu thổ miền Trung và miền Nam.

Cùng với thời gian, nhiều làng nghề truyền thống đã biến mất. Hiện nay, các con số thống kê cho thấy, Việt Nam còn có gần 2.000 làng nghề thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ,vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá...

2.4. Ẩm thực

Ẩm thực Việt Nam là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung của mọi người Việt trên đất nước Việt Nam. Tuy ít nhiều có sự khác biệt giữa các vùng, miền nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn bao hàm ý nghĩa khái quát nhất để chỉ tất cả những món ăn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc cũng như đã tương đối phổ thông trong cộng đồng người Việt.

Việt Nam là một nước nông nghiệp thuộc về xứ nóng, vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam. Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng - miền. Mỗi vùng miền trên đất nước lại có những món ăn khác nhau và mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng dân tộc. Nó phản ảnh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở từng khu vực.

Tìm hiểu về ẩm thực của một số dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không chỉ để biết về đặc điểm các món ăn mà thông qua đó để hiểu về tín ngưỡng, văn hóa và những nét đặc sắc tiêu biểu của mỗi lớp cư dân.

Trong cuốn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm nhận định, chính những đặc tính như tổng hợp, cộng đồng và mực thước thấy trong nghệ thuật ăn uống mới là những nguyên lý cốt lõi của văn hóa Việt.

          Nói đến văn hóa ẩm thực Việt không thể không nhắc đến bữa ăn gia đình Việt Nam truyền thống. Trong bữa cơm truyền thống của người Việt, mọi người thường ngồi quây quần trên chiếu, chung quanh mâm cơm hình tròn,[2] cùng chấm một bát nước mắm, cùng múc một bát canh, cùng gắp món ăn từ đĩa, cùng một niêu (nồi) cơm, không có chia phần, cũng không có phân loại, như thường thấy trong bữa ăn Âu Mỹ, thêm khách thì thêm bát, thêm đũa, và mọi người đều nhịn một tí để chia cho người khách.

Tuy theo trật tự trên dưới, người dưới đợi người trên, nhưng ngược lại, ta cũng thấy người trên nhường người dưới. Con cháu mời và đợi ông bà, cha mẹ gắp thức ăn, ăn trước. Nhưng ông bà, cha mẹ thường gắp thức ăn cho con cháu trước. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” không có nghĩa là tuân thủ quy luật kẻ ngồi trên. Câu này mang một ý nghĩa tương quan. Ta tuân thủ luật tương quan cộng đồng một quy luật dựa theo sự tương quan giữa mọi người. Do vậy, người Việt không có lễ nghi cố định trong các bữa tiệc, nhưng họ có lễ phép theo tinh thần tôn kính và nhường nhịn. Con kính cha, cha nhường con, cháu mời ông, ông cho cháu. Chủ nhường khách, khách nhường chủ.

2.5. Di tích - danh thắng

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây