Đoạn văn kết thúc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Thứ năm - 05/10/2017 05:21 0

Lê Thị Sao Chi

  1. Mở đầu

Đầu thế kỷ 21, Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn trẻ nhanh chóng tạo nên sự chú ý của độc giả và giới nghiên cứu, phê bình văn học ngay từ tập truyện ngắn đầu tay Ngọn đèn không tắt (Giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ II, năm 2000). Liên tục sau đó, Nguyễn Ngọc Tư cho ra đời hàng loạt truyện ngắn với một phong cách riêng, trầm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng vẫn mang diện mạo, hơi thở tân tiến của thời đại. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ám ảnh người đọc không chỉ bởi chất “Nam bộ” đặc sệt trong ngôn từ, tính cách nhân vật hay phong cảnh thiên nhiên mà còn là những dư âm, trăn trở không dứt về cuộc sống và con người. Đoạn văn kết thúc tác phẩm chính là một sáng tạo của nhà văn để tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt đó.

  1. Nội dung

Khảo sát 33 truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong 3 tập: Ngọn đèn không tắt, Giao thừaCánh đồng bất tận, chúng tôi nhận thấy đoạn văn kết thúc có những sự lặp lại mang tính hệ thống, tạo nên một dấu ấn đặc thù trong phong cách nghệ thuật của tác giả.

2.1. Về phương diện cấu tạo

Trong 33 truyện ngắn được khảo sát có 28 truyện ngắn kết thúc bằng một đoạn văn bình thường (có từ 02 câu trở lên) và 05 truyện ngắn có cấu tạo đặc biệt (chỉ là một câu hoặc một cụm từ, một từ). Như vậy, xét về số lượng câu, Nguyễn Ngọc Tư vẫn chú trọng vào việc tạo ra những đoạn văn “truyền thống”, chuẩn mực. Là bộ phận khép lại văn bản, đoạn văn kết thúc có thể được nhà văn xây dựng theo nhiều mô hình cấu tạo khác nhau: diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng - phân - hợp… Điểm đặc biệt là trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, mặc dù đoạn văn kết thúc có đầy đủ các kiểu cấu tạo này nhưng kiểu cấu tạo song hành và móc xích vẫn xuất hiện phổ biến nhất.

2.1.1. Đoạn văn kết thúc có cấu tạo song hành

Đặc điểm nổi bật của đoạn văn song hành là các câu có sứ mệnh ngang nhau trong việc biểu đạt nội dung. Mỗi câu có thể diễn đạt một ý nghĩa riêng nhưng đều tập trung làm sáng rõ chủ đề chung của đoạn. Đối với thể loại truyện ngắn, ưu thế của kiểu cấu tạo này là khả năng liệt kê liên tục các sự kiện, hiện tượng trong quan hệ bình đẳng, ngang bằng. Với 08/28 truyện ngắn có đoạn văn kết thúc cấu tạo theo kiểu song hành, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện khá rõ xu hướng ẩn giấu cảm xúc và thái độ của tác giả, chỉ tập trung tường thuật các sự kiện và diễn tiến của sự kiện.

- Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu nầy nhiều khi cũng hơi phiền.

Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi!” (Cải ơi ).                                         

Sử dụng cấu tạo song hành cho đoạn văn kết, Nguyễn Ngọc Tư cũng tạo ra một “áp lực” đáng kể cho người đọc trong việc cảm nhận tác phẩm. Sự dồn nén liên tiếp các sự kiện buộc người đọc phải tư duy, suy nghĩ về câu chuyện đang diễn ra để có thể đi đến những đánh giá, nhận thức đúng đắn về số phận nhân vật và chủ đề tác phẩm.

2.1.2. Đoạn văn kết thúc có cấu tạo móc xích

Trong trường hợp đoạn kết cần huy động những chi tiết có liên quan để đi đến hồi sáng tỏ, Nguyễn Ngọc Tư thường sử dụng đoạn văn theo kiểu móc xích. Khác với đoạn văn song hành, đoạn văn móc xích đòi hỏi các câu văn luôn phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Nội dung của câu trước tạo tiền đề cho sự xuất hiện của câu sau và nội dung của câu sau là sự giải thích, triển khai, làm sáng rõ thêm nội dung của câu trước. Kiểu đoạn văn kết này ở truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chiếm số lượng lớn nhất: 15/28 đoạn. Với cấu trúc móc xích, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ tường thuật liên tiếp các sự kiện mà còn chỉ ra được tính xâu chuỗi logic giữa các sự kiện ấy. Do vậy, việc miêu tả hiện thực được mở rộng đáng kể, gia tăng lượng thông tin về sự kiện và nhân vật.

- “… Có lần, ghé quán cà phê chú Tư Bụng, tôi quen với ông Chín Vũ. Ông Chín người gầy nhom, nhỏ thó, nhưng tốt bụng, xởi lởi. Ông nói với tôi rằng bỏ cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng, bởi vì đời ông thực có ý nghĩa. Lần đầu tiên ông đóng được vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi: “Má ơi!” và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn…”.

(Cuối mùa nhan sắc)

Nội dung các câu trong ví dụ trên “móc nối”, phụ thuộc lẫn nhau tạo cho đoạn văn một cấu trúc nội tại hết sức bền chặt. Đoạn kết móc xích có khả năng xoáy sâu vào kết cục của truyện, đồng thời mở ra những tiến triển mới. Điều này giải thích vì sao, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường có độ nén lớn và tính liên tục của sự kiện trong đoạn văn kết đem đến khả năng tạo nên những bất ngờ, kịch tính ở phần cuối truyện.

2.2. Về phương diện ngôn ngữ

Đoạn văn kết trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có dung lượng không lớn, thường chỉ từ 3 - 5 câu. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong đoạn văn kết lại hết sức đa dạng từ các kiểu câu cho đến các phương tiện từ ngữ được sử dụng.

2.2.1. Các phương tiện từ ngữ trong đoạn văn kết thúc

Mỗi phương tiện từ ngữ trong đoạn văn kết đều có một vai trò nhất định trong việc đem lại giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, hai loại từ ngữ góp phần quan trọng nhất, tạo nên sự đặc trưng, riêng biệt cho đoạn văn kết thúc là từ láy và từ địa phương Nam bộ.

2.2.1.1. Từ láy

Từ láy là loại từ có chức năng miêu tả, gợi hình ảnh và cảm xúc rất nổi bật. Trong  33 truyện ngắn được khảo sát, Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng lớp từ này ở đoạn văn kết thúc của 22 truyện. Bên cạnh khả năng khắc họa đặc điểm, tính chất của sự việc, hiện tượng và con người một cách biểu cảm, số lượt dùng từ láy trong đoạn văn kết thúc còn là một cơ sở quan trọng cho thấy dụng ý nghệ thuật rõ ràng của Nguyễn Ngọc Tư: đời sống hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại, vận hành với những biểu hiện sinh động của chúng.

- Cũng may mà còn giọt nước mắt buồn tủi của cô Thư vì bộ phim mắc dịch đó ngăn trở, còn cái bóng cô ngồi trước cửa để nhớ nhau. Còn cặp mắt bần thần của ông Tư Cự khi chú Sa một mình qua ngõ, còn những ký ức ngọt ngào về tình cảm giữa chú với bà con… Chú Sa đã bắt đầu thấy niềm vui cháy le lói trở lại (Chuyện vui điện ảnh).

Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu sử dụng dạng láy phụ âm đầu và láy vần. So với dạng láy hoàn toàn, hai dạng láy này biểu thị đặc điểm, tính chất của đối tượng ở mức độ cao hơn, mạnh hơn. Do đó, dù chỉ xuất hiện một vài từ, từ láy cũng dễ dàng làm nổi bật đối tượng được miêu tả. Với đặc trưng luyến láy về ngữ âm, từ láy đã tạo nên một âm hưởng dư ba, một ngữ điệu có điểm nhấn rõ ràng cho các đoạn văn kết thúc. Hiệu quả nghệ thuật này khiến cho hình ảnh về sự vật, hiện tượng và con người ở phần cuối truyện luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của người đọc.

2.2.1.2. Từ ngữ địa phương Nam bộ

Có thể thấy, trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, chất Nam bộ được thể hiện “đặc sệt” từ chủ đề, nhân vật, cảnh quan cho đến các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng. Sự xuất hiện của các từ ngữ thuộc phương ngữ Nam bộ trong đoạn văn kết thúc cũng là một cơ sở để khẳng định, làm sáng rõ thêm đặc trưng phong cách ấy của nhà văn.

Trước hết, đó là những từ ngữ gọi tên các địa danh, sản vật Nam bộ như: Mút Cà Tha, Rạch Giồng, Xóm Rạch, Kinh Cụt, Mũi So Le, cua Bún Bò, xuồng, ghe, cà bắp, tôm tích kho quẹt, cây bình bát, trâm bầu

Thứ hai, người đọc cũng dễ dàng bắt gặp trong đoạn văn kết hàng loạt các từ ngữ, cách diễn đạt “rặt ròng” chất Nam bộ như: hôn mậy, y thinh, nghen, ui chao, đi ca, rịt chân, khúc cây, chừng nào lận, nói để làm gì, ta, giả đò, giả bộ, thấy mồ, ba má

Thứ ba, tên riêng các nhân vật cũng giữ nguyên cách gọi của người dân Nam bộ: ông Mười, chú Tư Bụng, ông Chín Vũ, đào Hồng, ông Sáu Đèo,

Phương ngữ Nam bộ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của những người dân nơi đây. Hiệu quả nghệ thuật mà các từ ngữ này mang lại cho truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư rất đặc biệt. Sử dụng phương ngữ Nam bộ trong đoạn văn kết, Nguyễn Ngọc Tư đem lại cho người đọc sự hình dung cụ thể, chính xác, cảm giác thân thuộc, gắn bó với cảnh vật, cuộc sống và con người bản địa. Đồng thời, sự hiện diện của phương ngữ cũng tạo nên tính chân thực, sinh động trong cách kể, giọng kể của tác giả. Do vậy, tuy đoạn văn kết thúc là đoạn văn tháo gỡ các mâu thuẫn, kịch tính cho toàn bộ câu chuyện nhưng giọng điệu trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư lại hết sức tự nhiên, mềm mại. Người đọc có cảm giác, kết cục chuỗi sự kiện và số phận nhân vật diễn ra khách quan, theo đúng quy luật như nó vốn có trong đời sống.

2.2.2. Các kiểu câu trong đoạn văn kết thúc

Trên tổng thể, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng một cách linh hoạt, phối hợp hài hòa nhiều kiểu, loại câu khác nhau trong đoạn văn kết thúc. Xét về mặt cấu tạo, câu đơn, câu ghép và câu đặc biệt đều xuất hiện; xét về mục đích nói, chúng tôi cũng thấy sự hiện diện của câu kể, câu hỏi, câu cảm thán. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào phân tích những kiểu câu có hiệu quả biểu đạt cao nhất đối với tác phẩm.

2.2.2.1. Đoạn văn kết là một câu đặc biệt

Đoạn văn kết là một câu đặc biệt xuất hiện không nhiều. Do câu đặc biệt luôn thiếu vắng một hoặc một số bộ phận cơ bản nên nó không tồn tại độc lập mà phụ thuộc vào đoạn văn trước đó. Sự không hoàn chỉnh về mặt hình thức buộc nó phải liên kết chặt với đơn vị trước để đảm bảo tính rõ ràng về nội dung ngữ nghĩa.

- Tới bây giờ người ta cũng không hiểu ra làm sao hết. Có người đoán con Miên chính là bé Hai thiệt, có người nói nó không phải là bé Hai nhưng những gì thằng kia nói ra làm cho nó tủi thân. Bởi vì tất cả những điều đó nó không có. Nhưng cuối cùng thì cái thằng đó đúng là nhìn ra người quen không hay chỉ là chọc ghẹo cho vui. Bà chua giọng định một ngày nào đó hỏi cho kỹ, nhưng một sáng ra, người ta ơ hơ biết con Miên dọn đi rồi.

  Thì thôi!  

(Cỏ xanh)

Nỗi xót xa, sự hoài niệm, niềm khát khao của nhân vật dồn nén lại chỉ trong một cụm từ: “Thì thôi!” và đó là điểm nhấn cuối cùng của tác phẩm. Thực ra, cụm từ ở đoạn văn trong ví dụ trên có thể dồn lại thành một đoạn nhưng như thế, giá trị biểu cảm và sức diễn tả của nó sẽ phần nào giảm bớt. Như vậy, đoạn kết trong hình thức một câu đặc biệt là sự tách ngắt bất thường, tạo cho đoạn văn kết thúc một nhịp điệu giàu ấn tượng.

2.2.2.2. Đoạn văn kết là một câu đơn bình thường

Câu đơn bình thường là đơn vị có khả năng thông báo một nội dung tương đối đầy đủ. Khi được dùng trong văn bản, có khi nó đứng tách dòng để trở thành một đoạn văn. Câu đơn tự nó làm thành đoạn văn kết thúc truyện ngắn thường mang nội dung tường thuật. Trong nhiều trường hợp, đoạn văn kết thúc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là những câu đơn hết sức ngắn gọn.

- Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

 Ai mà biết.

Mùa thu gió bấc hiu hiu lại về.

(Hiu hiu gió bấc)

Đoạn văn kết thúc truyện ngắn cũng có thể là câu đơn mở rộng thành phần hoặc là câu đơn sử dụng dấu chấm lửng.

- Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

(Dòng nhớ)

Có thể thấy, trong đoạn văn kết thúc, câu đơn vẫn được sử dụng phổ biến nhất. Nó đưa đến cho người đọc khả năng tiếp nhận thông tin nhanh và chính xác. Sự xuất hiện nhiều câu đơn trong đoạn kết là một trong những dấu hiệu cho thấy sự lựa chọn của Nguyễn Ngọc Tư về một kiểu diễn đạt dễ hiểu, giản dị. Sự góp mặt của nhiều câu đơn bình thường trong đoạn còn làm cho mạch văn trong sáng, rõ ràng. Chúng cũng chứng tỏ sự rạch ròi trong tư duy nghệ thuật của nhà văn trước nhu cầu phản ánh một hiện thực khách quan phức tạp. Sự phong phú về hình thức câu đơn đem lại những hiệu quả diễn đạt khác nhau trong truyện ngắn, thể hiện sự vận dụng câu văn một cách thuần thục của Nguyễn Ngọc Tư.

2.2.2.3. Đoạn văn kết là một câu hỏi

Ngoài kiểu kết bằng một câu đơn mang nội dung tường thuật, 08/33 đoạn kết truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn có hình thức một câu hỏi.

- “Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.

    Nhưng nói để làm gì, ta?”     

(Huệ lấy chồng)

Đoạn kết có hình thức một câu hỏi mang đậm màu sắc tu từ. Kiểu câu hỏi ấy không cần sự trả lời mà hướng tới mục đích nhấn mạnh, khắc sâu hoặc hé lộ một thái độ nhất định. Trong những trường hợp cụ thể, nó gợi ở người ta nhiều liên tưởng và những suy tư về cuộc đời. Tuỳ thuộc vào nội dung từng tác phẩm, đoạn kết đặc biệt bằng câu hỏi là một loại dấu hiệu quan trọng giúp người đọc xác định rõ hơn tư tưởng, thái độ của người kể chuyện hoặc tác giả. Chủ đề tư tưởng của truyện vì vậy cũng được bộc lộ rõ hơn.

Bên cạnh nội dung tường minh, những đoạn văn kết như thế luôn mang một giá trị biểu cảm nhất định, hàm ẩn những dụng ý nghệ thuật của tác giả.

2.3. Về phương diện nội dung

Nội dung phản ánh của đoạn văn kết thúc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư bao quát nhiều phạm vi hiện thực khác nhau, phụ thuộc vào chủ đề của tác phẩm. Trên cái nhìn khái quát, đoạn văn kết thúc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư tập trung vào 3 nội dung lớn: miêu tả hành động của nhân vật, tường thuật sự kiện, hiện tượng và miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật.

2.3.1. Đoạn văn kết thúc miêu tả hành động của nhân vật  

Hành động nhân vật là yếu tố thúc đẩy sự vận hành cốt truyện. Trong truyện ngắn, nhân vật thực hiện hàng loạt hành động nối tiếp nhau, từ đó, phạm vi hiện thực đời sống dần dần được tái hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn  Ngọc Tư cũng chọn hành động nhân vật làm chi tiết kết thúc hệ thống sự kiện. Những hành động, việc làm này thường là sự tiếp nối hoặc là kết quả của quá trình nhận thức, suy nghĩ trước đó.

-  Quí im lặng, dừng xe hẳn. Anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh giá của Đậm, rất cần. Khi ấy giao thừa đã đi qua… (Giao thừa).

Đoạn văn trên vừa miêu tả hành động hiện tại (dừng xe) vừa cho biết định hướng hành động tương lai của nhân vật (nắm lấy bàn tay của bạn gái). Như vậy, nội dung đoạn văn kết cho người đọc những tiên liệu chắc chắn về kết cục cuối cùng của câu chuyện. Số phận, cuộc sống của nhân vật được thông báo rõ ràng. Đây là kiểu kết thúc truyền thống và với 05 lần xuất hiện, nó không phải là kiểu kết thúc được ưa thích trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

2.3.2. Đoạn văn kết thúc tường thuật sự kiện, hiện tượng

Dõi theo diễn tiến của truyện, người đọc luôn có tâm lí chờ đợi hồi kết cục. Tuy nhiên, 14/33 truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chỉ đưa ra các sự kiện, hiện tượng chứ không chỉ dẫn cho người đọc kết cục câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào.

- Từ đấy, ông già Sáu Đèo chưa một lần trở lại. Từ đấy, giữa biển người mênh mông, Phi gặp biết bao nhiêu gương mặt, cùng cười đùa với họ, hát cho họ nghe, cùng chạm ly uống đến say… Nhưng không ai nhắc Phi cắt tóc đi, đàn ông đàn ang ai để tóc dài.

Biển người thì mênh mông vậy… (Biển người mênh mông).

Sự kiện, hiện tượng được miêu tả trong đoạn kết trên có sự kế thừa nhưng cũng có sự vận động chứ không chấm dứt hoàn toàn. Phi vẫn hy vọng, vẫn chờ đợi, dù mong manh, về sự xuất hiện trở lại của ông Sáu Đèo. Những đoạn kết có nội dung này vừa thực hiện chức năng khép lại hệ thống sự kiện vừa giúp người đọc xác định được xu hướng phát triển của số phận nhân vật trong tương lai. Đây là một đặc điểm cho thấy, Nguyễn Ngọc Tư có chủ đích kéo dài cuộc sống nhân vật ngay cả khi câu chuyện đã đi đến kết cục cuối cùng.  

2.3.3. Đoạn văn kết thúc miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật

Trong các truyện ngắn được khảo sát, loại đoạn kết có nội dung phản ánh tâm trạng, suy nghĩ, thái độ của nhân vật xuất hiện khá phổ biến (14/33 truyện). Nó có thể là một khúc đoạn trong dòng suy tư triền miên, có thể là những suy nghĩ xuất phát từ sự kiện cốt lõi trong tác phẩm. Song dẫu xuất hiện trong tình huống nào thì đoạn kết này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với phần nội dung trước đó. Trong các đoạn văn kết, Nguyễn Ngọc Tư tỏ ra đặc biệt bén nhạy, tinh tế khi miêu tả tâm trạng, suy nghĩ, thái độ của nhân vật.

- Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại) thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?

(Thương quá rau răm)

Sự thất vọng, đau đớn của nhân vật dường như không thể chấm dứt, không thể giải đáp trong những câu hỏi cuối đoạn văn. Người đọc có cảm giác tâm trạng của nhân vật cứ kéo dài miên man trong không gian và thời gian, tạo nên sự trăn trở khôn nguôi về con người và cuộc sống.

Một số truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư tập trung thể hiện ước mơ, khát vọng, sự chờ đợi của nhân vật. Hướng về tương lai, nội dung đoạn văn kết cho phép người ta liên tưởng đến những diễn biến mới, nằm ngoài phạm vi hiện thực được miêu tả trong tác phẩm.

- Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.

(Cánh đồng bất tận)

Điểm đáng chú ý là trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, các đoạn kết nói về ước mơ, khát vọng của nhân vật đều là những điều tốt đẹp, nhân văn, đem lại cho con người niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống. Ngay cả khi hệ thống sự kiện trong tác phẩm đã chấm dứt, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đợi chờ, hy vọng. Dù ở mức độ, tính chất nào, mong manh hay mạnh mẽ, hiện thực hay vô vọng, những đoạn kết chứa nội dung này luôn chứa đựng sự tin tưởng của nhân vật.

  1. Kết luận

Có thể nói, đoạn văn kết thúc là một điểm nhấn quan trọng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Với sự mẫn cảm, tinh tế riêng của nữ giới, Nguyễn Ngọc Tư đã bắt nhịp, nhận cảm được những suy nghĩ của nhân vật, đặc điểm của phạm vi đời sống được miêu tả, khiến cả nội dung và ngôn ngữ đoạn kết đều được biểu đạt hết sức tự nhiên, nhuần nhị. Bên cạnh chức năng khép lại tác phẩm, đoạn văn kết thúc còn có khả năng mở rộng, kéo dài đời sống hiện thực, tạo ra những dư ba cảm xúc và liên tưởng sâu sắc cho người đọc. Do vậy, qua cách tổ chức và xây dựng đoạn văn kết thúc, Nguyễn Ngọc Tư đã bộc lộ những dấu ấn quan trọng về phong cách tác giả và phẩm chất hiện đại của tác phẩm.

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây