Đôi điều cảm nhận về Thơ xuân Việt Nam thời trung đại

Thứ sáu - 02/03/2018 04:21 0

Phạm Tuấn Vũ

Con người định vị sự tồn tại của mình trong các quan hệ thuộc cõi nhân sinh và quan hệ với thế giới tự nhiên, với mức độ vô thức và ý thức khác nhau. Ngay trong một đời người thì cảm thức về cùng một mùa thì mỗi năm mỗi khác. Trong vô vàn sự khác biệt đó vẫn có thể khẳng định được rằng mùa xuân là mùa gợi cho người ta nhiều cảm xúc nhất.

Thời Lý là thời cực thịnh của Phật giáo ở Việt Nam. Đây cũng là những năm tháng độc lập của đất nước ta sau ngàn năm Bắc thuộc ngột ngạt đen tối. Những điều này khiến cho thơ xuân của các Phật tử đương thời có ý vị riêng. Tiêu biểu trong số đó là Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư Lý Trường (1052 - 1096):            

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Cáo bệnh với mọi người

Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân lại tới và trăm hoa sẽ lại nở.

Sự vật đuổi nhau qua trước mắt,

Cái già sùng sục tới trên đầu.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một cành mai).

Đây vốn là một bài kệ, một thể văn vần của nhà chùa. Kệ kết thúc chương kinh hay lời thuyết pháp của các vị cao tăng, nhằm tóm lược nội dung trước đó. Khác với đặc điểm phổ biến của các bài kệ là tính khẩu ngữ, bài kệ này nổi trội tính chất của thơ bác học thời trung đại.

Trong hoàn cảnh chất xuân đang thấm đẫm cả thời gian và không gian, Thiền sư Mãn Giác bộc lộ những suy tư xúc cảm về lẽ luân hồi trong cõi tự nhiên và cõi nhân sinh. Ngôn từ và phương pháp thuyết lý đều thấm nhuần chính đạo, nhưng cả triết học tự nhiên và triết học nhân sinh đều có điểm độc sáng: có một cành mai không theo lẽ thường của muôn loài cây, vẫn khoe sắc khi xuân đã tàn. Tư tưởng nhân sinh mà ngài muốn cho mọi người thụ đắc là người tu hành đến độ viên mãn sẽ thoát khỏi vòng luân hồi. Đạo cao, tâm sáng đã khiến cho vị cao tăng này lĩnh hội được tinh thần khai phóng chân chính của đạo Phật. Hơn nữa mùa xuân của đất trời hòa điệu với mùa xuân phục hưng của dân tộc đã khiến cho tình cảnh riêng (già yếu, bệnh tật) không còn mấy ý nghĩa. Chưa tìm thấy tác phẩm nào khác của Mãn Giác Thiền sư Lý Trường nhưng chỉ cần những dòng xuất khẩu thành chương ngắn ngủi đó, ông đã đủ tư cách một tác giả văn học. Bài kệ - thơ này là một cứ liệu sáng giá trong việc nghiên cứu tư tưởng Phật học ở Việt Nam cũng như đời sống tinh thần dân tộc thời trung đại.  

Trong một ngày xuân dạo vườn thượng uyển, cảnh như cũ gợi nhớ người xưa vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290) dạt dào cảm xúc, hạ bút thành một bài thơ chan chứa tình người. Đó là bài Cung viên xuân nhật hoài cựu:

Môn không trần yểm kính sinh đài,

Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.

Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,

Xuân hoa như hứa vị thùy khai?

(Ngày xuân ở vườn trong cung nhớ người cũ

Cửa vắng bụi bao phủ, đường đầy rêu,

Chính giữa ban ngày mà chìm lặng, ít người đi lại.

Nghìn hồng muôn tía luống những đua tươi,

Không biết những hoa xuân kia vì ai mà nở?).

Bài thơ không có những từ ngữ cho biết “người cũ” cụ thể là ai nhưng chúng ta hình dung được người đó thuộc phái đẹp vì rằng hoa xuân muôn hồng nghìn tía gợi đến nàng. Xưa kia bao quanh vua chúa có biết bao nhiêu là người đẹp. Vua chúa sở hữu họ do quyền lợi, do nghĩa vụ, do tình cảm và vì vô vàn lý do khác. Ta không biết người cũ mà nhà vua đang nói đến là hậu, là phi, là tần hay thuộc thân phận khác. Dù ai đi nữa, đó cũng là người may mắn vì người đó là đấng quân vương có tình cảm sâu sắc, vì vắng nàng nhà vua thấy vườn trong cung u tịch như vườn của Thiền viện. Theo lẽ tự nhiên mỗi độ xuân về vườn trong cung ngàn hoa đua nở, vậy mà nhà vua thấy điều đó dường như lạc điệu vì không còn dung nhan kiều diễm của một người cùng hòa điệu khoe sắc.

Trần Nhân Tông (tức Trần Khâm 1258 - 1308) là một vị vua yêu nước và anh hùng, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của đất nước ta. Ông còn sáng lập ra dòng Thiền Trúc lâm ở Việt Nam. Trần Nhân Tông có nhiều bài thơ viết trong ngày xuân: Xuân nhật yết Chiêu Lăng, Xuân hiểu, Xuân cảnh, Xuân vãn…

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài và oanh liệt của dân tộc ta, mãi mãi sáng ngời hào khí Đông A. Trong Hán tự, chữ Đông và bộ A là chiết tự chữ Trần. Hào khí Đông A là hào khí của quân dân ta đời Trần. Hào khí đó thấm nhập cả trong thơ xuân của vua Trần Nhân Tông, tiêu biểu ở bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng:

Tì hổ thiên muôn túc,

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

(Ngày xuân thăm Chiêu Lăng

Quân thị vệ như hùm gấu, trước nghìn cửa đứng nghiêm túc,

Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm.

Người lính già đầu bạc,

Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong).

Chiêu Lăng là lăng vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần. Nhà vua đã lãnh đạo quân dân ta đương thời đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông (năm 1257) và có công trên nhiều lĩnh vực để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

Bài thơ không lấy cảm hứng từ thiên nhiên trong mùa xuân - mùa đẹp nhất trong năm - mà lấy cảm hứng từ một việc làm có ý nghĩa long trọng của người đứng đầu triều đình là bái yếu lăng mộ tiền nhân trong dịp mùa xuân. Lăng mộ thường gợi cho người ta những ý tưởng và cảm xúc về quá khứ và về cõi chết, vì thế thường có vẻ lạnh lẽo. Những điều đó hầu như không thấy ở đây. Sự oai nghiêm của quân thị vệ hòa điệu với sự rộn ràng của đông đảo các quan văn võ theo hầu nhà vua (những điều này là tất yếu, trong các hoạt động tương tự đều có). Năm Nguyên Phong thứ 7 (1258) quân dân ta chiến thắng giặc Nguyên lần thứ nhất. Niềm tự hào về võ công oanh liệt bảo vệ Tổ quốc đã thấm nhập đến cả người lính già, trở thành sức mạnh thường trực, khiến cho chuyện nhiều năm trước mà như thời sự. Cả bài thơ chỉ có một chữ xuân ở nhan đề nhưng cảm giác về sự sống nồng ấm thấm đượm toàn bài nhờ sự hòa hợp: hòa hợp giữa đất trời và lòng người, hòa hợp giữa những người ở các giai tầng rất khác nhau trong niềm tự hào về quá khứ giữ nước oanh liệt và niềm kỳ vọng về tương lai tốt đẹp.

Lịch sử Việt Nam kể từ khi mở nước cho đến tận hôm nay việc dựng xây luôn đi đôi với bảo vệ đất nước. Bởi vậy thời trung đại những tác giả gắn bó với số phận của dân tộc, thơ xuân có âm buồn nhiều hơn hẳn. Sớm nhất và tiêu biểu nhất về mặt này là thơ xuân của Lê Cảnh Tuân (? - 1416?).

Hiện vẫn chưa biết năm sinh của Lê Cảnh Tuân, chỉ biết ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ) dưới triều Hồ (năm 1400). Năm 1406 giặc Minh kéo quân sang dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” (giúp đỡ nhà Trần, tiêu diệt nhà Hồ) nhưng thực chất là xâm lược nước ta. Một người bạn của Lê Cảnh Tuân là Bùi Bá Kỳ - vốn là một cựu thần nhà Trần - tin vào nhà Minh, được chúng cho làm quan. Lê Cảnh Tuân viết Vạn ngôn thư (Bức thư vạn chữ) để cảnh tỉnh bạn. Giặc Minh giam ông ở kinh đô Lăng Kim. Ông chết trong ngục sau năm năm bị giam giữ, đày đọa. Đến nay mới biết được mười hai bài thơ của ông, trong đó có hai bài trong nhan đề có chữ xuân, hai bài trong nhan đề có các chữ nguyên nhật (ngày đầu năm). Bốn bài thơ xuân trong số mười hai bài, tỉ lệ ấy hình như xưa nay chưa có. Những bài thơ này đều biểu thị tình cảnh và tâm trạng đau buồn của một chí sĩ khi đất nước đang chìm đắm trong cảnh nô lệ lầm than, bản thân bị đọa đày trên đất kẻ thù. Bài thơ Nguyên nhật (Ngày đầu năm) đã thực sự tạo nên nghịch lý: câu chữ thì không thể ngắn gọn hơn, còn những nỗi buồn đau thì chồng chất:

Lữ quán khách nhưng tại,

Khứ niên xuân phục lai.

Quy kỳ hà nhật thị,

Lão tận cố hương mai!

(Vẫn làm khách ở nơi quán trọ,

Mùa xuân năm ngoái lại trở về.

Ngày về biết lúc nào,

Những cây mai nơi vườn cũ đã cỗi hết).

Mỗi khi tết đến xuân về, theo lẽ thường người ta được đoàn tụ ở nơi quê nhà với những người thân thiết. Tác giả thể hiện một cảm thức khác thường về mùa xuân đang về, đó là mùa xuân năm ngoái (khứ niên xuân). “Mùa xuân năm ngoái” không đơn thuần chỉ là một trong bốn mùa của trời đất mà cộng vào đó là cảm thụ của con người. Mùa xuân thì như cũ mà thân phận của tác giả đã khác. Không chỉ mùa xuân này không được đón xuân nơi quê nhà, mà ngay cả việc có còn được gặp lại cố hương hay không cũng không biết. Trong tình thế nhuốm màu tuyệt vọng đó, hình ảnh những cây mai già nơi vườn cũ nối kết tác giả với cố hương, cố quốc và những tháng ngày đã qua. Mai là cây của mùa xuân, là bạn của những thi nhân thời trung đại. Đôi bạn cố tri, giờ kẻ thì phiêu bạt chân trời tính mạng do người ta định đoạt, kẻ thì già cỗi, thật cám cảnh!

Âm điệu buồn đau trong thơ xuân vì nước mất nhà tan, cũng thấy ở thơ Nguyễn Trãi - một người đỗ đồng khoa Thái học sinh với Lê Cảnh Tuân. Ngay cả khi đất nước đã sạch bóng ngoại xâm thì cũng không tìm thấy âm điệu vui vẻ, hứng khởi trong thơ xuân của ông. Bài thơ Trại đầu xuân độ (Bến đò ngày xuân đầu trại) là một ví dụ:

Độ đầu xuân thảo lục như yên,

Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên.

Dã kính hoang lương hành khách thiểu,

Cô chu trấn nhật các sa miên.

(Cỏ xuân ở bến đò đầu trại xanh như khói,

Lại thêm có mưa xuân nước vỗ vào nền trời.

Đường đồng nội vắng tanh, ít người đi lại,

Con thuyền đơn chiếc gác đầu lên bãi cát ngủ suốt ngày).

Trại là vùng đất còn ít được khai phá. Bài thơ của Nguyễn Trãi như một bức tranh đẹp nhưng buồn. Trong không gian rộng rãi khoáng đạt ngày xuân, cỏ cây tràn đầy sức sống. Xanh như khói là một màu xanh động. Dường như cây cỏ từng phút giây lớn lên trước mắt người. Hòa điệu với điều đó là nước sông mùa xuân như vỗ róc rách tận chân trời. Tuy nhiên hoạt động của con người thì ngược lại. Người qua lại ít ỏi càng trở nên thưa vắng trong không gian rộng lớn. Con thuyền vốn là một hình ảnh của sự sống con người, ở nơi đây ít đến độ không thể ít hơn được nữa và suốt ngày nằm ngủ trên bãi cát.

Nguyễn Du có nhiều bài thơ viết trong mùa xuân, chủ yếu để bộc lộ tâm trạng của mình. Những bài thơ trong nhan đề có chữ xuân hoặc những tín hiệu nói về mùa xuân là: Quỳnh Hải nguyên tiêu, Xuân nhật ngẫu hứng, Xuân dạ, Thanh minh ngẫu hứng, Xuân tiêu lữ thứ. Các bài thơ này đều buồn, vì các nguyên cớ khác nhau. Bài Quỳnh Hải nguyên tiêu (Đêm rằm tháng Giêng ở Quỳnh Hải) như sau:

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên, 

Y y bất cải cựu thuyền quyên. 

Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc, 

Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên. 

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán, 

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên. 

Cùng đồ liên nhứ dao tương kiến, 

Giác hải thiên nhai tam thập niên.

(Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời. Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không thay đổi. Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui đêm nay ở đất Quỳnh Châu ngoài muôn dặm này? Còn ta thì ở quê hương Hồng Lĩnh chẳng còn nhà cửa, anh em cũng đều tan tác cả. Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau. Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, tuổi đã ba mươi, đang ở nơi chân trời góc biển, mà trăng vẫn từ xa đến với ta).

Trăng và thi nhân luôn có mối tương giao đặc biệt. Nguyễn Du thấy trăng như một người đàn bà trẻ đẹp (thuyền quyên). Vẻ đẹp mênh mông lộng lẫy của đêm trăng rằm tháng Giêng càng làm nhà thơ thấm thía nghịch cảnh. Có những người được đoàn tụ đón tết Nguyên tiêu vui thưởng trăng đẹp, còn tác giả đang chồng chất nỗi buồn đau vì bản thân ly hương, hướng về cố hương thì nơi đó nhà cửa không còn, anh em ly tán. Nguyễn Du còn có nỗi buồn đau truyền kiếp của thi sĩ vì cuộc đời mình và nhân thế nói chung bất như ý. Trong nghịch cảnh đó thi hào càng quý giá chị Hằng gấp bội vì còn là người chung thủy, bất chấp ngàn trùng đến với cố nhân.

Thơ xuân của các nhà Nho yêu nước chống Pháp có những nội dung và âm hưởng mới trong thụ cảm về tự nhiên và nhân sinh. Bài thơ Xuân nhật của Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889) là một ví dụ:

Vực trung thiên hạ thị thùy gia,

Đồ sử tam quân tác Sở ca.

Viễn tái mã cầu mang bạch phát,

Cao lâu cân trách hý thanh nga.

Đường thần chỉ khả thu Nghi, Bật,

Triệu tướng hà đương đắc Mục, Pha.

Hồi thủ độc liên ca vũ địa,

Thanh thanh sinh quản tạp tiêu già.

(Ngày xuân

Thiên hạ trong cõi này là của nhà ai?

Luống để ba quân hát theo giọng người nước Sở.

Người cưỡi ngựa mặc áo cừu ở chốn ải xa, đầu đã bạc vẫn ruổi rong,

Bọn khăn nịt, đội mũ võ ở trong lầu cao chỉ hú hí với lũ mày ngài.

Quan nhà Đường, cần phải có người như ông Nghi, ông Bật,

Tướng nhà Triệu ước gì được người như ông Bật, ông Pha.

Ngoảnh lại chỉ thương cho cái chốn áo xiêm lễ nhạc,

Tiếng sênh tiếng sáo lại lẫn lộn với tiếng kèn tây).

Bài thơ bộc lộ rõ phong cách của thơ Nguyễn Xuân Ôn là sử dụng nhiều điển cố Trung Hoa. Sử dụng điển cố là cái được nói đến về chuyện người xưa việc cũ nhưng nhằm để bộc lộ những giá trị hiện thời. Điển cố làm cho thơ nói riêng và văn chương nói chung thêm hàm súc vì chỉ cần lượng ngôn từ tối thiểu mà gợi đến một câu chuyện, làm cho nó tham gia vào văn bản, góp phần làm cho thơ văn thêm kín đáo, tế nhị vì đây là lối diễn đạt gián tiếp. Người xưa ưa thích dùng điển cố.

Nguyễn Xuân Ôn nhắc lại chuyện khi Hán Sở tranh hùng, Trương Lương đã sai người hát giọng Sở để lừa Hạng Vũ. Việc này ám chỉ người ta đang đua nhau học tiếng Tây mà quên đi những việc quan trọng và cấp thiết hơn. Nhà thơ còn chỉ ra những cảnh chướng tai gai mắt nữa là trong khi có những người không quản tuổi cao sức yếu, bôn tẩu đường xa tìm nguồn cầu viện để cứu nước thì có những kẻ “khăn nịt, đội mũ võ” tức là những kẻ hưởng lộc để đánh giặc thì chỉ lo hú hí với gái đẹp. Bài thơ này nằm trong cảm hứng nhất quán của thơ Nguyễn Xuân Ôn cho rằng đánh Pháp cứu nước là thước đo đúng sai, xấu đẹp, vinh nhục. Nhan đề là Xuân nhật nhưng cả tám câu của bài thơ không lấy cảm hứng từ mùa này. Nhan đề đó chỉ như một tín hiệu thời gian thông thường.   

Thơ xuân của các thi sĩ Việt Nam thời trung đại nhiều và có những nét tương đồng, nổi bật là không đặt chủ tâm vào thể hiện mùa xuân mà quan tâm trước hết đến những vấn đề của đời sống bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó mỗi nhà thơ lớn lại có những đóng góp riêng về nội dung và nghệ thuật.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây