Thêm một số tư liệu về họ Khúc trong lịch sử

Thứ sáu - 08/10/2021 05:21 0

- 2. Công trình Tân Ngũ Đại sử, mục Nam Hán Thế gia viết: “Đại Hữu năm thứ 3 (930), [Vua Nam Hán] sai tướng Lý Thủ Dung, Lương Khắc Trinh đánh Giao Chỉ, bắt được Khúc Thừa Mỹ”[2].

- 3. Công trình Việt sử lược trình bày về họ khúc rất ít, Khúc Thừa Dụ đã không được tác giả của sách nhắc tới, mà chỉ có thông tin về Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, sách chép như sau: “Khúc Hạo. Năm đầu niên hiệu Khai Bình nhà Lương (907), làm Tiết lộ sự thay Tổn... Khúc Toàn Mỹ, là em Hạo.... Đời Minh Tông (nhà Hậu Đường) (926 - 930), thay Hạo làm hết độ sứ, sau bị tướng Nam Hải là bọn Lương Khắc Chân bắt nộp cho Nam Hán. Nam Hán lấy Nguyễn (Lý) Tiến thay Toàn Mỹ... Nguyễn (Lý) Tiến. Năm đầu hiệu Trường Hưng đời Minh Tông nhà Hậu Đường (930), chúa Nam Hán là Lưu Nghiêm sai bọn tướng Lương Khác Chân... tới đánh châu ta, bắt Tiết độ sứ Khúc Toàn Mỹ, lấy tướng là Nguyễn (Lý) tiến sang thay”[3].

- 4. Sang thế kỷ XIV, công trình An Nam chí lược của Lê Tắc viết về Khúc Thừa Dụ và cải cách của họ Khúc như sau: “Khúc Hạo: Chiếm cứ Giao Chỉ. Lúc ấy, Lưu Ẩn chiếm cứ Phiên Ngung, Ẩn chết, con là Lưu Nghiễm kế lập, xưng quốc hiệu là Nam Hán. Khúc Hạo khiến con là Thừa Mỹ qua làm khuyến hảo sứ, đến Quảng Châu để dò xét thực hư. Hạo chết, Thừa Mỹ kế ngôi cha năm Kỷ Mão, niên hiệu Trinh Minh nhà Lương năm đầu (915), khiến sứ tiến cống, cầu lãnh tiết việt, nhà Lương thân trao cho. Lưu Nghiễm cả giận, tháng chín năm Đại Hữu thứ 3 (930) đời Ngụy Hán, khiến tướng mạnh là Lương Khắc Chính đem binh đến đánh, bắt Thừa Mỹ đem về. Lý Khắc Chính lưu giữ Giao Chỉ, sau bị Dương Đình Nghệ đuổi ”[4].

- 5. Công trình Đại Việt sử ký tiền biên ghi chép về lịch sử họ Khúc như sau: “Đinh Sửu [917] (Lương Mạt Đế, Hữu Trinh đổi tên là Húc, Trinh Minh năm thứ 3), Nam Hải vương là Lưu Nghiễm lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu là Càn Hanh năm thứ 1, rồi lại đổi quốc hiệu là Hán (tức Nam Hán). Khúc Hạo <1b> sai con là Thừa Mỹ làm hoan hảo sứ đến Quảng Châu dò xét hư thực. Hạo mất, Thừa Mỹ lên nối ngôi.

Kỷ Mão [919] (Lương Trinh Minh năm thứ 5) Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương xin tiết việt, nhà Lương trao cho, rồi cho cai quản 12 châu. Vua Hán nghe tin giận lắm.

Quý Mùi [923] (Lương Lontg Đức năm thứ 3; Đường Trang Tông Lý Tồn Húc, Đồng Qunag năm thứ 1), năm ấy nhà Lương mất. Mùa thu, tháng 7, vua Nam Hán là Nghiễm sai kiêu tướng là Lý Khắc Chính (có bản chép là Lý Thủ Dung, Lương Khắc Trinh cũng có bản chép là Lý Hòa Thuận) lĩnh quân đánh Giao Châu, bắt tiết độ sứ là Thừa Mỹ đem về, cho tướng là Lý Tiến thay. Khắc Chính ở lại giữ châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ, người Ái Châu đánh đuổi. Vua Nam Hán trao tước vị cho Đình Nghệ, lấy Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu, cùng Lý Khắc Chính giữ thành ấy. Vua Nam Hán nói với tả hữu rằng: “Dân Giao Chỉ thích làm loạn, chỉ nên ràng buộc mà thôi”. (Thừa Mỹ đến Nam Hải, Vua Hán là Nghiêm lên lầu Nghi Phượng nhận tù binh và bảo rằng <2a>: “Ngươi đang cho ta là triều đình nguy, nay lại bị trói đưa về đây là sao vậy?”). Thừa Mỹ cúi đầu nhận tội, bèn tha).

Xét thấy dã sử chép họ Khúc là người Hồng Châu, đời đời là dòng họ lớn, ông nội là Thừa Dụ tính khoan hòa, yêu quý người, được mọi người suy tôn mến phục. Tăng Cổn thời Đường bỏ phủ thành chạy. Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ, xin mệnh triều đình. Vua Đường nhân đó trao cho chức ấy. Họ dựa vào cơ nghiệp cũ, giữ La Thành xưng là tiết độ, chia đặt các xứ, lộ, phủ, châu, xã; đặt chức lệnh trưởng chánh và tá, chia thuế ruộng, trừ bỏ việc phu phen, lại làm sổ hộ, ghi họ tên quê quán do giáp trưởng đốc suất làm việc ấy. Chính sự rộng rãi giản dị, dân được yên ổn.

Họ Khúc truyền ba đời, bắt đầu từ năm Canh Tý [820] đến hết năm Canh Dần [930], tổng cộng là 51 năm.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Lưu Nghiễm đương lúc Bắc triều nhiễu   loạn, kế tục nghiệp cũ của anh, xây dựng nước, đặt niên hiệu, tranh nghiệp bá với Khúc Hạo, cuối cùng bắt được Thừa Mĩ, lấy Giao Châu, hùng cứ một phương. Cũng gần ngang với các nước tiếm ngôi ở Bắc triều, cho nên Tiên Ngô Vương trỗi dậy, tuy có giết được con của họ, diệt được quân của họ nhưng cũng không giữ được đất. Quốc thống của họ Lưu kéo dài mãi, đến khi Tống Tổ nổi lên thì đất đai mới thuộc về Nhà Tống.

Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn: Xét gia thế nhà Nam Hán thì ông của Nghiêm là An Nhân, là một nhà buôn ở Nam Hải <2b>. Cha của Nghiêm là Khiêm, anh Nghiễm là Ẩn. Gặp thời có nhiều biến cố, nhiều lần có công với Lĩnh Nam. Thế rồi đánh úp Nam Hải và chiếm giữ được. Khi Nghiễm lên ngôi, các anh hùng ở Lĩnh Nam chia nhau cai quản. Nghiễm đã lấy được đất Dung, đất Ung, lại bắt được Thừa Mỹ ở Giao Châu. Nghiễm tính hay khoác lác, thường tự nói nhà mình vốn ở Hàm Tần, lấy làm xấu hổ vì phải làm vua Man Di; gọi thiên tử nhà Đường là thứ sử Lạc Châu. Đường Trang Tông cũng không thể đưa quân đi đánh được. Cuối cùng truyền cho con là Banh Thận, cháu là Xưởng. Từ khi tiếm hiệu đến khi mất nước là 55 năm.

Những tay bá chủ trong các trấn cuối thời Đường thì Lưu Nghiễm là kẻ ghê gớm hơn cả, thế mà khi xâm lấn phương Nam mới bắt được Thừa Mỹ. Đến trận thứ hai thì bị bại, lại tự dốc chiến mà chết mất đứa con, cuối cùng không thể dòm ngó được Giao Nam nữa.Ý chừng trời cũng chán sự phân tranh, muốn mở ra sự nghiệp thống nhất, cho nên Nghiễm dù cường bạo cũng không bừa bãi được, nên mới như thế chăng?”[5].

- 6. Bộ quốc sử quý giá của Việt Nam thời Trung đại là Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép về họ Khúc đầu thế kỷ X như sau: “Đinh Mão (907) (Đường, Thiên Hựu năm thứ 4, Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, đổi tên là Hoảng, Khai Bình năm thứ 1). Nhà Lương cho Quảng Châu tiết độ sứ là Lưu Ấn kiêm chức Tĩnh hải quân tiết độ sứ, phong Nam Bình Vương. Khi ấy Ấn giữ Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo chiếm giữ nơi Châu trị, xưng là tiết độ sứ, có chí mưu việc. Năm ấy nhà Đường mất.

Tân Mùi (911) (Lương, Càn Hóa năm thứ 1). Nam Bình Vương nhà Lương là Lưu Ấn chết, em là Nham lên nối.

Đinh Sửu (917) (Lương, Mạt Đế Hữu Trinh, đổi tên là Chẩn, Trinh Minh năm thứ 3). Tri Quảng Châu lưu hậu nhà Lương là Lưu Nham đặt quốc hiệu là Hán (tức là Nam Hán), đặt niên hiệu là Càn Hanh năm thứ 1. Khúc Hạo sai con là Thừa Mĩ làm hoan hảo sứ, sang Quảng Châu để xem tình hình (Nam Hán) hư thực thế nào. Hạo chết, Thừa Mĩ nối ngôi.

Kỷ Mão (917) (Lương, Trịnh Minh năm thứ 5). Khúc Thừa Mĩ sai sứ sang nhà Lương xin cho tiết việt. Nhà Lương trao cho. Vua Hán giận lắm. (Vua Hán trước tên là Nham, đổi là Thiệp, lại đổi là Cung, vì có rồng trắng hiện, cho nên đặt tên Cung. Đến đời Tấn năm Thiên Phúc thứ 6, tự cho chữ Cung là không lợi, lại đổi là Yểm).

Quý Mùi (923) (Lương, Lộng Đức năm thứ 3, Đường Trang Tôn Lý Tồn Húc, Đồng Quang năm thứ 1). Năm ấy nhà Lương mất.

Mùa thu, tháng 7, vua Hán sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu, bắt được tiết độ sứ là Thừa Mĩ đem về; cho tướng là Lý Tiến thay Khắc Chính đóng giữ châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ người Ái Châu đánh đuổi. Vua Hán trao cho Đình Nghệ tước vị, cho Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu cùng với Lý Khắc Chính giữ thành. Vua Hán bảo người tả hữu rằng: “Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ nên ràng buộc (ki mi) mà thôi.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Lưu Cung đương lúc Bắc triều nhiễu loạn, nhờ nghiệp cũ của anh, dựng nước đặt niên hiệu, cùng với Khúc Hạo tranh bá, rồi bắt Thừa Mĩ, lấy Giao Châu, hùng cứ một phương, cùng suýt soát với các nước tiếm ngôi ở Bắc triều, cho nên Tiên Ngô Vương trỗi dậy, tuy có giết được con, phá được quân của Cung, mà không thể giữ lấy đất, quốc thống của họ Lưu kéo dài mãi đến khi Tống Tổ nổi lên, đất ấy mới thuộc vào Nhà Tống”[6].

- 7. Đến thế kỷ XVIII, tác giả Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm biên soạn Đại Việt sử ký Tiền biên đã viết: “họ Khúc người Hồng Châu, đời đời là họ lớn, ông nội là Thừa Dụ, tính khoan hòa, mến người, được mọi người suy tôn kính phục. Tang Cổn đời Đường bỏ phủ thành chạy, Thừa Dụ xưng làm Tiết độ sứ, xin mệnh triều đình. Vua Đường nhân đó trao chức ấy. Hạo dựa vào cơ nghiệp cũ, giữ La Thành, cũng xưng làm Tiết độ sứ”[7].

- 8. Công trình Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sỹ chép rằng: “Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã; đặt chức lịnh trưởng chánh và tá, chia đều thuế ruộng, tha không bắt dân làm nhân công; làm sổ hộ, biên ghi họ tên và niên canh, quán chỉ người dân, Giáp trưởng đốc xuất làm sổ ấy. Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn”[8].

- 9. Cuối thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục có ghi những dòng dưới đây về họ Khúc: “Xã Lỗ Xá, huyện Cẩm Giàng, có đền thờ Khúc Tiên Chúa (Khúc Thừa Dụ). Tương truyền Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ quê quán ở đây, nay xã này có nhiều họ Khúc”[9].

Tư liệu về họ khúc thời nhà Nguyễn độc lập tự chủ (1801 - 1884)
- 1. Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn công trình Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết về họ Khúc như sau: “Năm Quý Mùi (923), (Lương năm Long Đức thứ 3; Đường Trang Tông năm Đồng Quang thứ 1), tháng 7, mùa thu, chúa Nam Hán là Lưu Cung sai Lý Khắc Chính sang xâm lấn. Khúc Thừa Mỹ đánh chống lại, không được, bị bắt ”[10].

- 2. Công trình Việt sử cương mục tiết yếu của tác giả Đặng Xuân Bảng có chép: “Quý Mùi, [923] (Lương Long Đức năm thứ 3, Đường Trang Tông, Đồng Quang năm thứ 1). Mùa thu, chúa Nam Hán là Lưu Cung... sai Lý Khắc Chính sang xâm lược. Khúc Thừa Mỹ chống lại, không được, bị bắt”[11].

- 3. Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn công trình đại lý học - lịch sử Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Đền Khúc Tiên Chúa ở xã Lỗ Xá, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đông chép: Tương truyền Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ quê quán ở đây, nay xã này có nhiều họ Khúc”[12].

Tư liệu về họ Khúc thời Pháp thuộc (1885 - 1945)
-1. Đầu thế kỷ XX, Tác giả Trần Trọng Kim biên soạn công trình Việt Nam sử lược chép như sau: “Khúc Thừa Mỹ (917 - 923): Năm Đinh Sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết độ sứ của nhà Lương, chứ không thần phục nhà Nam Hán. Vua nước Nam Hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm Quý Mùi (923) sai là tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ Giao Châu”[13].

4. Tư liệu về họ Khúc sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến hết thế kỷ XX.

-1. Trong công trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Giáo sư Đào Duy Anh nhận xét rằng: “Những cải cách của Khúc Hạo cho phép chúng ta suy đoán rằng trong tình trạng suy yếu của nhà Đường, các hào trưởng địa phương không những đã nhân cơ hội  nổi lên chiếm lại ruộng đất  cua quan lại địa chủ Trung Hoa, mà còn cướp cả ruộng đất của các xã , do đã đã ít nhiều thủ tiêu tàn tích thị tộc, nhất là ở đồng bằng. Họ Khúc đặt ra xã quan là cốt nắm lấy việc hành chính ở cấp xã trước kia vốn vẫn thuộc quyền của tộc trưởng. Cuộc kinh dịch của họ Khúc như thế là đã mở ra một bước phát triển mới cho xã hội phong kiến mà các triều đại tự chủ sau này sẽ thúc đẩy thêm”[14].

- 2. Sách Lịch sử Việt Nam tập I của Ủy ban Khoa học Xã hội có viết: “Năm 930, Nam Hán sai các tướng Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh nước ta, Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi, bị bắt đem về Quảng Châu. Lương Khắc Trinh tiến quân vào miền Hoan, Ái, vượt qua Hoành - Sơn đánh phá Cham - pa, cướp nhiều của báu rồi quay về. Nhà Nam Hán cử Lý Tiến sang làm thứ sử châu Giao, cùng Lương Khắc Trinh đóng quân chiếm giữ Tống - bình”[15].

- 3. Công trình Lịch sử Việt Nam, tập I, của các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh đồng biên soạn viết rằng: “Qua 25 năm khôi phục quyền tự chủ, họ Khúc vẫn chưa có điều kiện đưa nước ta từ một miền đất “xơ xác” do nạn Bắc thuộc kéo dài trở thành một quốc gia độc lập giàu mạnh... Đối đầu với một lực lượng quân sự lớn mạnh cả về thủy và bộ của Nam Hán, tháng 10 năm 930, đội quân mới họp của Khúc Thừa Mỹ bị tan vỡ. Khúc Thừa Mỹ bị bắt sống đem về Quảng Châu, Phủ thành Đại La (Hà Nội) bị địch chiếm”[16].

- 4. Một sử gia nước ngoài thời hiện đại A. B. Poliacốp biên soạn công trình Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV có đoạn viết về họ Khúc như sau: “Năm 923, nhà Lương đổ, và cũng trong năm đó, vua Nam Hán ra lệnh xâm lược Giao Châu, bắt sống Khúc Thừa Mỹ. Quân Nam Hán do Lương Khắc Trinh cầm đầu đánh bại Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ bị bắt đưa về Quảng Châu”[17].

- 5. Tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa biên soạn sách Cải cách Hồ Quí Ly có đề cập đến cải cách thời họ Khúc như sau: “Trong từng thời kỳ lịch sử Việt Nam, những nhà cải cách đã lần lượt xuất hiện. Có những người nắm giữ quyền điều khiển đất nước nên đã có điều kiện thuận lợi tiến hành công cuộc cải cách của mình. Đó là trường hợp của Tiết độ sử Khúc Hạo (907 - 918), của vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497 , của Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ (1788 - 1792)... Cũng có những nhà chính trị có tư tưởng cải cách đem ra kiến nghị với nhà cầm quyền đương thời , cũng như bôn ba vận động , truyền bá tư tưởng cải cách của mình trong quần chúng nhân dân…”[18].

- 6. Nguyễn Văn Tố biên soạn cuốn Đại Nam dật sử sử ta so với sử Tàu chép rằng: “Trong năm Đinh Sửu (917) Khúc Hiệu sai con là Thừa Mỹ sang nhà Hán để kết tình giao hiếu, tiếng là tỏ tình hoan hảo, thực là để dòm xem hư thực (Khâm định, tiền biên, quyển 5, tờ 15b, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, tờ 17b). Cũng năm ấy, Khúc Hiệu mất, con là Thừa Mỹ nối nghiệp”[19].

Tư liệu về họ Khúc 20 năm đầu thế kỷ XXI.
- 1. Công trình Lịch sử Việt Nam giản yếu do các Giáo sư Lương Ninh, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu đồng biên soạn viết về họ Khúc như sau: “Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ thành công vào năm 905, tiếp theo là công cuộc tự cường, cải cách đất nước, xây dựng một nhà nước độc lập tự chủ, thoát dần khỏi ảnh hương của chế độ đô hộ của phương Bắc.

Nhưng kẻ thù phương Bắc vẫn rắp tâm thôn tính nước ta một lần nữa để đặt làm quận huyện, đô hộ và đồng hóa dân tộc ta.  Năm 930, quân Nam Hán đã kéo vào xâm lược , bắt Khúc Thừa Mỹ giải về Trung Quốc, nhưng vẫn không thể nào cai trị nổi các châu quận. Nhân dân ta đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng chống quân Nam Hán đô hộ, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghãi của Dương Đình Nghệ  vào năm 931”[20].

- 2. Giáo sư Trương Hữu Quýnh chủ biên công trình Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I chép về họ Khúc như sau: “1. Những năm đầu độc lập dưới thời họ Khúc

Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ hoàn toàn thắng lợi, chính quyền thống trị của nhà Đường bị lật đổ. Nhà Đường buộc phải phong Khúc Thừa Dụ làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ rồi tiếp đó bạn thêm chức Đồng bình chương tự với mong muốn xem họ Khúc cũng là một quan chức của mình. Nhưng Khúc Thừa Dụ đã không chấp nhận ý tưởng đó, quyết định củng cố những thành quả mà cuộc khởi nghĩa đã giành được.

Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con ông là Khúc Hạo lên kế vị, tiếp tục sự nghiệp và tinh thần tự chủ của cha mình. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, Khúc Hạo đã thực hiện một cuộc cải cách về nhiều mặt nhàm xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, thoát dần ảnh hưởng và sự khống chế của các thế lực thống trị phương Bắc. Sử liệu ít ỏi còn lại chỉ cho biết một vài nét khái quát về cuộc cải cách đó:

Về chính trị, Khúc Hạo bãi bỏ bộ máy hành chính đô hộ cũ của nhà Đường để thành lập một bộ máy quản lý đất nước riêng của mình. Các hương bên dưới được tổ chức lại và đổi gọi là Giáp. Theo An Nam chí của Cao Hùng Trưng (Trung Quốc - thế kỉ XVII, Khúc Hạo đặt thêm hơn 150 giáp, cộng với số giáp đã có trước, thành 314 giáp. Lãnh thổ thuộc quyền cai quản của chính quyền mới được mở rộng hơn trước. Ở các giáp, Khúc Hạo cho đặt các chức chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng và giáp trưởng trông coi nhằm tăng cường sự quản lí trực tiếp của chính quyền trung ương đối với các đơn vị hành chính cơ sở, đồng thời xác lập quyền tự chủ của đất nước.

Tiếp đó, để nắm được số dân trong nước, Khúc Hạo đã cho lập số hộ khẩu, bắt dân đinh phải “kê rõ họ tên, quê quán” và giao cho giáp trưởng coi giữ. Như sử cũ đã ghi, bấy giờ “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui”. Sau nhiều thế kỉ sống dưới ách kìm kẹp, bóc lột nặng nề của chế độ đô hộ, sự “khoan dung, giản dị” của chính quyền họ Khúc không chỉ góp phần tạo nên sự “yên vui” của nhân dân mà còn thể hiện rõ tinh thần của một đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ nghìn năm.

Về tài chính, Khúc Hạo chủ trương sửa đổi lại chế độ tô thuế. Trong những thế kỉ thuộc Đường, ngoài cống nạp, nhân dân ta còn phải chịu hàng loạt bất công về chế độ tô thuế và chịu một chế độ lao dịch nặng nề. Như sử cũ đã ghi, Khúc Hạo đã xoá bỏ sự bất công và áp bức nặng nề đó bằng chính sách “quận bình thuế ruộng” và “tha bỏ lực dịch”. Nỗi khổ của ách nô dịch không còn nữa, dù rằng người dân vẫn giữ nghĩa vụ đóng góp sức mình cho nhà nước.

Những cải cách của Khúc Hạo đã tạo điều kiện cho chính quyền trung ương có khả năng kiểm soát được một cách trực tiếp các địa phương trong nước, góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất lãnh thổ, bước đầu xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức nặng nề của chính quyền đô hộ, tạo điều kiện cho nhân dân ta sống và sản xuất “yên vui”, ổn định, tránh được mọi sự hạch sách, cưỡng bức của bọn quan lại đô hộ trước đây, đồng thời cũng tạo cơ sở thuận lợi cho nhân dân ta gia tăng sức lao động sáng tạo, nâng cao dần cuộc sống của mình. Những cải cách của Khúc Hạo tuy dựa trên những thiết chế đã có của thời thuộc Đường, nhưng đã vượt qua những hạn chế của nó, thể hiện rõ tinh thần của một quốc gia độc lập, có quyền tự chủ của mình. Những cải cách đó cũng nhận được sự ủng hộ của nhân dân và thực sự đáp ứng được những mong muốn của nhân dân khi đã giành lại được độc lập.

Năm 917, khi được tin nhà Nam Hán thành lập ở Hoa Nam (vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), Khúc Hạo đã cử con là Khúc Thừa Mỹ sang làm “hoan hảo sứ” và như sử cũ nhận xét: “mượn tiếng là kết mối hòa hào để dò xét tình hình hư thực thế nào”.

Cũng năm đó, Khúc Hạo chết. Khúc Thừa Mỹ trở về nước, thay cha nắm chính quyền. Biết được ý đồ của nhà Nam Hán, Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương (thay nhà Đường với tư cách một triều đại ở trung ương Trung Quốc) xin lĩnh “tiết việt” với ý nghĩa thần phục. Đất nước tiếp tục yên bình”[21].

- 3. Công trình Việt sử giai thoại, tập 1 tác giả Nguyễn Khắc Thuần có viết: “Năm 905, lợi dụng sự đổ nát của nhà Đường, Khúc Thừa Dụ (một hào trưởng quê ở Hồng Châu, nay thuộc Hải Dương) đã khôn khéo thành lập một hệ thống chính quyền độc lập, tự chủ và thống nhất. Từ đó, kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất bắt đầu được thiết lập.Trong kỉ nguyên lớn này, giai đoạn từ năm 905 đến hết thời Tiền Lê (1009) là giai đoạn đầu, giai đoạn có ý nghĩa xây dựng và từng bước khẳng định, gồm các triều đại sau đây:

Họ Khúc (905 - 930)
- Cuối năm 905, lợi dụng khi chính quyền đô hộ của nhà Đường trên đất nước ta bị tan rã, Khúc Thừa Dụ xưng là Tiết độ sứ (tên chức danh của quan đô hộ Trung Quốc đối với nước ta lúc bấy giờ). Ngày 7 tháng 2 năm 906, nhà Đường buộc phải thừa nhận chức tước của Khúc Thừa Dụ, đồng thời, còn gia phong cho Khúc Thừa Dụ hàm Đồng bình chương sự.

- Sau Khúc Thừa Dụ, con và cháu của ông vẫn tiếp tục giữ vững chính sách ứng xử khôn khéo với nhà Đường. Như vậy, tuy chưa xưng đế hoặc xưng vương, thậm chí còn tự coi là quan lại của Trung Quốc; tuy chưa đặt quốc hiệu và niên họ... nhưng, họ Khúc thực sự đã có công đặt nền tảng căn bản đầu tiên cho kỉ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất của nước nhà.

Họ Khúc nốI truyền được ba đời, gồm:

Khúc Thừa Dụ: 905 - 907

Khúc Hạo: 907 - 917

Khúc Thừa Mỹ: 917 - 930

Họ Dương (931 - 937)
- Năm 930,Nam Hán (tên một nước nhỏ của Trung Quốc trong thời kì Ngũ Đại Thập Quốc) đem quân sang xâm lược nước ta. Khúc Thừa Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân Nam Hán xâm lược.

- Họ Khúc tuy thất bại nhưng lực lượng của họ Khúc vẫn còn. Năm 931, một bộ tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ (nhiều chỗ chép là Dương Diên Nghệ) đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi.

- Năm 931, sau khi đã đánh đuổi được quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ đã thành lập và đứng đầu chính quyền độc lập, tự chủ và thống nhất ở nước ta. Cũng như họ Khúc, Dương Đình Nghệ không xưng đế hay xưng vương cũng không đặt quốc hiệu và niên hiệu. Tuy nhiên trong thực tế, Dương Đình Nghệ là ngườI đã có công tiếp tục khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ và thống nhất vốn đã xuất hiện một cách âm thầm nhưng rất mãnh liệt dưới thời họ Khúc”[22].

- 4. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chủ biên cuốn Tiến trình Lịch sử Việt Nam viết về họ Khúc như sau: “Vào cuối thế kỷ IX, triều đình nhà Đường đổ nát. Nạn cát cứ của tập ở đoàn phong kiến phương Bắc phát triển. Phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào (874 - 884 ) đã làm lung lay đến tận gốc rễ nền thống trị của nhà Đường. Nội tình Trung Quốc bị phân liệt thành cục diện “Ngũ đại Thập quốc” ( 907 - 960 ). Đây chính là những điều kiện khách quan thuận lợi cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Năm 905, nhân cơ hội chính quyền trung ương nhà Đường đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, Khúc Thừa Dụ được sự ủng hộ của dân chúng đã nổi dạy lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường, tự xưng là Tiết độ sứ.

Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu một dòng họ lớn, lâu đời ở Hồng Châu (Cúc BỔ, Ninh Giang, Hải Dương), một hào trường có nhiều uy thế lực mạnh tại một vùng trọng yếu của đất nước. Phất cao ngọn cờ tự chủ trong điều kiện đặc biệt này, Khúc Thừa Dụ nhanh chóng trở thành một trung tâm tập hợp mọi lực lượng dân tộc.

Mặc dù chỉ xưng là Tiết độ sứ, nghĩa là về danh nghĩa vẫn coi mình như là một đại diện của chính quyền nhà Đường, nhưng thực chất Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ. Triều đình nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ và gia phong cho ông tước Đồng bình chương sự.

Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đến đây đã giành thắng lợi căn bản. Khúc Thừa Dụ vừa là người có công thúc đẩy sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng dân tộc, vừa là người đặt nền móng vững vàng cho cuộc đấu tranh tiến tới độc lập hoàn toàn.

Năm 907, Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai ông là Khúc Hạo nối nghiệp, cũng tự xưng là Tiết độ sứ.

Khúc Hạo thi hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân và chăm lo xây dựng nền độc lập dân tộc. Ông tiến hành chia lại các đơn vị hành chính, tổ chức lại chính quyền, sửa đổi lại chế độ tô thuế, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân. Việt sử thông giám cương mục nhận xét: “Dưới thời Khúc Hạo chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui”. Khúc Hạo được tôn xưng là bậc “Chúa hiền nước Việt”.

Lúc đó, ở Trung Quốc tình hình chính trị hết sức phức tạp. Năm 907, Chu Ôn cướp ngôi nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương thống trị vùng Trung nguyên. Cùng lúc đó, họ Mã lập ra nước Sở, họ Cao lập ra nước Kinh Nam, họ Tiền lập ra nước Ngô Việt... Họ Lưu cát cứ ở Quảng Châu thế lực cũng rất mạnh.

Năm 908, nhà Hậu Lương phong cho Lưu ẩn, người đứng đầu lực lượng cát cứ ở Quảng Châu làm Tiết độ sứ Quảng Châu, kiêm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ với ý định buộc nước ta phụ thuộc vào chính quyền họ Lưu. Năm 911, Lưu Ẩn chết, em là Lưu Cung lên thay. Năm 917, Lưu Cung tự xưng là Hoàng đế và đổi niên hiệu Hán. Đây là 1 trong 10 nước cát cứ thời “Ngũ đại Thập quốc”.

Năm 928 , Nam Hán đánh bại được cuộc tấn công của nước Sở, bảo an toàn vùng biên giới phía bắc. Khi đã có thế lực mạnh, lại tạm yên mặt bắc, Lưu Cung bắt đầu thực hiện âm mưu bành trướng xuống phía nam, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất chính là vùng đất nước ta.

Năm 930, Nam Hán nhân cớ Khúc Thừa Mỹ (là con nối ngôi Khúc Hạo) thần phục nhà Hậu Lương và có ý chống lại Nam Hán, đã sai Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh Giao Châu. Khúc Thừa Mỹ do chưa thực tin vào sức mạnh của dân tộc, không đoàn kết được toàn dân để đánh giặc giữ nước, lại muốn dựa vào nhà Hậu Lương để chống quân Nam Hán nên cuộc kháng chiến thất bại nhanh chóng. Nước ta lại bị rơi vào tay nhà Nam Hán.

Năm 931, Dương Đình Nghệ là tướng cũ của Khúc Hạo, người đứng đầu dòng họ Dương có thế lực mạnh ở vùng châu Ái (Thanh Hoá) tổ chức lực lượng tiến quân ra châu Giao. Thứ sử Lý Tiến chống cự không nổi phải bỏ chạy về nước. Dương Đình Nghệ nhanh chóng củng cố thành Đại La, huy động lực lượng và nhanh chóng đánh tan cuộc hành quân tiếp viện của Nam Hán do Thừa chỉ Trần Bảo chỉ huy.

Dẹp xong quân giặc, Dương Đình Nghệ vẫn tự xưng là Tiết độ sứ để giữ quan hệ hòa hiếu với phong kiến phương Bắc. Ông tiếp tục công cuộc tự chủ của họ Khúc, lo củng cố chính quyền vừa mới giành lại được, phát triển lực lượng dân tộc”[23].

- 5. Tác giả Tạ Chí Đại Trường nhận xét về họ Khúc: “Nền tự trị này không có dáng gì là vĩnh viễn. Họ Khúc phải chọn thế dựa trong các lực lượng đang tranh chấp ở Trung Quốc và vì lầm lạc theo nguyên tắc chính thống mà cơ đồ sụp đổ (923): chọn nhà Lương để xin thần phục (917) nhưng Nam Hán ở sát bên là mối đe dọa cụ thể hơn”[24].

- 6. Giáo sư Phan Huy Lê  biên soạn công trình Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận đánh giá: “Trong hơn nửa thế kỉ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, chủ yếu là lịch sử Việt Nam thời cổ đại và trung đại, tôi luôn luôn tự nhủ và tự răn mình là phải cố gắng giữ ngòi bút cho ngay thẳng, phải ra thức thu thập tư liệu, mở rộng các nguồn sử liệu và giám định, xử lí thật nghiêm túc để phục dựng lại những trang sử khách quan, trung thực theo khả năng cao nhất của mình…. Chỉ trên cơ sở lịch sử được nhận thức một cách khách quan, trung thực thì mới có thể đưa ra những phân tích, đánh giá có cơ sở khoa học và rút ra những bài học có giá trị thực tiễn cao. Trên con đường lao động và phấn đấu vì chức năng và nhiệm vụ của khoa học lịch sử, kết quả tìm tòi, khám phá của mỗi nhà sử học chỉ là những viên gạch, những hòn đá lát đường tiến tới chân lý lịch sử”.

Theo khảo cứu của Giáo sư Phan Huy Lê thì Khúc Hạo cải cách chế độ điền tô, thuế khóa, lực dịch nặng nề thời Bắc thuộc bằng chính sách “Quân bình thuế ruộng” và “tha bỏ lực dịch”. Những chính sách này thể hiện sự “chấp nhận và tôn trọng quyền sở hữu trên ruộng đất của các công xã, quyền phân phối ruộng đất bình đẳng của công xã cho các gia đình, và trên cơ sở đó, mỗi hội đóng một khoản thuế đồng đều cho nhà nước thông qua công xã. Nội dung thực sự của chính sách “Quân bình thuế ruộng” là ở chỗ đó. Bằng chính sách ấy chính quyền họ Khúc đã khôi phục lại vai trò và truyền thống công xã, thực hiện một phương thức bóc lột phù hợp với kết cấu kinh tế - xã hội thực sự của nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp thỏa đáng giữa Nhà nước và Công xã, tức giữa Nước và Làng”[25].

Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng “Họ Khúc nổi dậy trong bối cảnh suy sụp và cát cứ cuối đời Đường. Nhưng khác với những thế lực cát cứ ở Trung Quốc chỉ nhằm hùng cứ một phương, rồi bị lôi cuốn vào cuộc tranh bá đồ vương, cuộc nổi dậy giành chính quyền của họ Khúc mang tính chất cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Trong điều kiện lực lượng của chính quyền mới còn non trẻ, họ Khúc chưa xưng vương, xưng đế mà tự xưng Tiết độ sứ là một giải pháp chính trị ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo để tránh sự đối đầu với các vương triều phong kiến phương bắc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng”[26]. Tác gải khẳng định tầm quan trọng của họ Khúc, đây là dòng họ đã có công rất lớn kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc với nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất mà dấu ấn lớn nhất là công lao của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo. Khởi nghĩa Dương Đình Nghệ sau đó và chiến công của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống, nền tảng mà họ Khúc đã để lại, GS Phan Huy Lê nhận xét họ Khúc đã: “tập hợp được lực lượng yêu nước dưới ngọn cờ cứu nước của họ Khúc”[27].

- 7. Giáo sư Lê Thành Khôi biên soạn công trình Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XX năm 2014 nhận xét: “Sự khô khan của các sử biên niên khi ghi lại sự kiện này không thể khiến chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng của việc cai trị của Khúc Hạo. Các biện pháp ông dùng cho thấy quyền uy của nhà Đường đã biến mất hoàn toàn và nên hành chính mới của Việt Nam bao trùm toàn bộ đất nước và xuống tận cấp xã vốn nằm ngoài tầm với của người Trung Quốc cho tới lúc này… Từ mảnh vỡ của đế chế Trung Hoa, một quốc gia mới ra đời”[28].

- 8. Sách Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam có viết: “Tổ tiên họ Khúc ở Khúc Ốc nước Tấn thời Chiến Quốc, đã có nhiều kinh nghiệm trị quốc an dân. Từ ngày sang Việt Nam, tất nhiên con cháu họ Khúc còn mang sang xứ sở mới cả một kho kinh nghiệm đấu tranh giữ nước và dựng nước vào thời kỳ tam hùng của nước Tấn xưa”[29].

- 9. Tác giả Vũ Duy Mền biên soạn cuốn Lịch sử Việt Nam, tập 1: Từ khởi thủy tới thế kỷ X viết rằng: “Trải qua nhiều thế kỷ, vì những lý do khác nhau, họ Khúc đã từ Cúc Bồ phải lánh đi nơi xa lập nghiệp hoặc đổi sang một họ khác. Tổ tiên của họ Khúc từ đâu đến? Các tài liệu lịch sử cũng không ghi chép rõ ràng. Chỉ biết trong các gia phả họ Khúc có nhắc đến ấp Khúc Ốc, nay ở phía đông bắc huyện Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc và một nhân vật Khúc Hoàn, người đã từng giữ chức Tiết Độ Sứ tại Giao Châu, nhưng chưa rõ tiểu sử cùng hành trạng, và trong các bộ chính sử Việt nam cũng không thấy ghi chép”[30].

- 10. Tác giả Cao Văn Liên biên soạn công trình Thủy hải chiến Việt Nam có đoạn viết về họ Khúc đầu thế kỷ X như sau: “Năm 906 trong sự đổ nát của nhà Đường, một hào trưởng người đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết Độ sứ, chức quan đứng đầu An Nam đô hộ phủ. Năm 907 nhà Đường phải thừa nhận chức vụ này của họ Khúc. Họ Khúc thực sự là người khai sinh ra nền tự chủ cho nước nhà. Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha, rồi Khúc Thừa Mỹ là cháu nối nghiệp ông. Nhưng năm 923 Khúc Thừa Mỹ bị tướng Lý Khắc Chung của nhà Nam Hán tiến đánh. Khúc Thừa Mỹ Thất bại và bị bắt. Nhà Nam Hán thống trị nước ta. Năm 931 Dương Đình Nghệ, một tùy tướng của dòng họ Khúc đã đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Những năm 937 Dương Đình Nghệ bị một tùy tướng thân cận là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và nay năm 938 là ngày giỗ đầu của Dương Đình Nghệ”[31].

- 11. Tác giả Hồ Sỹ Tăng trong công trình Hiểu về họ Hồ Việt Nam viết về họ Khúc như sau: “Ở nước ta, nhân lúc các triều đại phong kiến Trung Quốc lâm vào cảnh nhiễu nhương, năm 905 , Khúc Thừa Dụ nổi binh đánh chiếm thành Đại La, lật đổ ách thống trị của nhà Đường, làm chủ đất An Nam. Nhà Đường buộc phải phong Khúc Thừa Dụ chức Tỉnh hải quân tiết độ sứ với mong muốn xem họ Khúc là một quan chức của mình. Tuy nhiên, Khúc Thừa Dụ không chấp nhận sắc phong. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân và quyền lực kiểm soát đất nước trong thực tế, ông cùng người con kế vị của mình là Khúc Thừa Hạo, và sau đó là Khúc Thừa Mỹ (con của Khúc Thừa Hạo), tiến hành các cải cách về chính trị h tế nhằm xây dụng một quốc gia độc lập, tự chủ, thoát dần ảnh hưởng và sự khống chế của các thế lực thống trị phương Bắc .

Trạng nguyên Hồ Hưng Dật được cử sang làm quan Thái thú Hoan Diễn trong bối cảnh họ Khúc đang kiểm soát tình hình đất nước, quyền lực của thế lực phong kiến Trung Quốc chỉ còn trên danh nghĩa”[32]

- 12. Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hồng chủ biên cuốn Giáo trình Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại viết về họ Khúc như sau: “5.1.1. Họ Khúc giành quyền tự chủ , xây dựng , phát triển đất nước (905 - 930).

Từ nửa sau thế kỷ thứ IX, nhà Đường ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội nghiêm trọng. Bộ máy thống trị nhà Đường thiết lập ở nước ta cũng rơi vào tình trạng chung đó. Chớp thời cơ lợi, năm 905, Khúc Thừa Dụ, từ đất Hồng Châu, dựa vào sự ủng hộ của quý tộc, hào trường người Việt và đông đảo nhân dân, đánh chiếm La Thành, lật đổ nền thống trị của nhà Đường, tự xưng là Tiết độ sứ. Khúc Thừa Dụ gấp rút xây dựng bộ máy chính quyền độc lập tự chủ. Nhà Đường buộc phải công nhận bộ máy chính quyền do Khúc Thừa Dụ xây dựng và sắc phong cho Ông là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ. Đến năm 906, nhà Đường phong thêm cho Khúc Thừa Dụ tước Đồng bình chương sự. Khúc Thừa Dụ chính thức chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm của dân tộc (179TCN - 905), mở ra thời kỳ xây dựng, bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ thống nhất. Năm 907  Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên nối nghiệp cha, xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục đóng đô ở La Thành (Hà Nội).

Nhằm xây dựng và phát triển đất nước lâu dài, ngay trong năm 907, Khúc Hạo tiến hành một cuộc cải cách lớn: “Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ, giữ lấy La Thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia đặt các lộ, phủ, châu và xã ở các xứ; đặt ra chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch; lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui”.

5.1.1.1. Về chính trị - xã hội

Khúc Hạo quyết định chia đặt lại tất cả các đơn vị hành chính trong cả nước thay toàn bộ các châu, huyện do nhà Đường thành lập trước đây thành những đơn vị hành chính mới gọi là : lộ , phủ , chậu , giáp , xã. Các hương bên dưới đổi thành giáp. Khúc Hạo sắp đặt thêm 159 giáp, đưa tổng số giáp ở nước ta thành 314 giáp. Đặc biệt, Khúc Hạo đặt chức Giáp trưởng và Phó Tri giáp để trông coi các giáp; riêng các xã thì đặt chức Lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng. Khúc Hạo giao cho các Giáp trưởng, Lệnh trưởng, Tá lệnh trưởng lập số khai hộ khẩu, kể rõ họ tên, quê quán tất cả mọi người dân trong giáp, trong xã. Khúc Hạo còn quyết định thực thi một số biện pháp táo bạo, mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân là: “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch”. Thông qua các biện pháp kiên quyết và đúng đắn đó, Khúc Hạo nhanh chóng tăng cường sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương đối với các đơn vị hành chính địa phương, quản lý chặt chẽ nhân khẩu trong cả nước, củng có một bước quyền độc lập tự chủ của dân tộc. Các chính sách, biện pháp mà Khúc Hạo tiến hành để quản lý, xây dựng, phát triển đất nước đều hướng tới sự khoan dung, giản dị, mang lại cuộc sống yên vui cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, đời sống chính trị - xã hội ở nước ta có nhiều thay đổi, chuyển biến, tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ, tự cường dân tộc không ngừng được nâng cao.

5.1.1.2. Về kinh tế

Song song với việc thực thi chính sách: “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch”, Khúc Hạo cho sửa lại chế độ điền tô và xóa bỏ chế độ phu phen, tạp dịch mà bộ máy thống trị nhà Đường đã áp đặt ở nước ta trước đó. Khúc Hạo chính thức xóa bỏ được chế độ bóc lột nặng nề bằng tô, thuế của bộ máy thống trị nhà Đường áp đặt trước đó mang lại lợi ích cho muôn dân. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp phát triển, nông dân làng xã tích cực cày cấy, khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Các ngành nghề thủ công như: mộc, nề, dệt vải, dệt chiếu, làm gốm, sứ... phát triển, góp phần mang lại cuộc sống no đủ cho mọi tầng lớp cư dân trong xã hội.

Cải cách mà Khúc Hạo thực thi phù hợp với kết cấu kinh tế - xã hội nước ta thời bấy giờ, tạo nên sự dung hòa cần thiết giữa bộ máy nhà nước của quý tộc, hào trưởng người Việt vừa mới được xây dựng với mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Cải cách về kinh tế còn có tác dụng thúc đầy quyền sở hữu về ruộng đất của nhà nước trong xã hội, từ đó, từng bước mở đường cho quá trình xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền ở nước ta trong giai đoạn sau.

5.1.1.3. Chính sách đối ngoại

Năm 917, Khúc Hạo cho con là Khúc Thừa Mỹ sang đặt quan hệ ngoại giao với nhà Nam Hán. Sử cũ chép: “Khúc Hạo sai Thừa Mỹ sang Nam Hán kết mối hòa hảo. Thực ra, đó là mượn tiếng hòa hảo để dò xét tình hình hư thực”.

Năm 917, Khúc Hạo mất, con Khúc Thừa Mỹ nối nghiệp, sai sứ nhà Lương đặt quan hệ ngoại giao, nhà Lương phong cho Khúc Thừa Mỹ chức Tiết độ sứ. Năm 930, vua Nam Hán là Lưu Củng, lấy cớ Khúc Thừa Mỹ thần phục nhà Hậu Lương, có ý chống lại Nam Hán, sai Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh dẫn quân sang xâm chiếm nước ta. Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi, bị bắt. Cơ nghiệp nhà họ Khúc chấm dứt sau 4 thế kỷ tồn tại (905 - 930). Như vậy, ngay khi giành lại độc lập, bắt tay xây dựng nhà nước tự chủ, thống nhất họ Khúc đã chính thức xác lập quan hệ ngoại giao với các thế lực phong kiến phương Bắc. Những nỗ lực nhằm xây dựng, phát triển đất nước lâu dài của họ Khúc thể hiện khát vọng độc lập tự chủ của cả dân tộc.

Nhà sử học Lê Tung, ở thế kỷ XVI, đánh giá cao công lao và những đóng góp của họ Khúc đối với dân tộc: “Khúc Tiên chúa (Khúc Thừa Dụ), mấy đời là hào tộc, mạnh sáng trí lực, nhân nhà Đường mất, lòng người yêu mến, suy tôn làm chúa, dựng đô La Thành, dân yên nước trị, công đức truyền mãi, nhưng hưởng tuổi không dài. Khúc Trung Chúa (Khúc Hạo), nối cơ nghiệp trước, khoan hòa, có phong thái trù mưu định kế quyết thắng, ngoài ý mọi người, chống chọi với các nước Bắc triều, là bậc chúa hiền của nước Việt”. Từ cuối thế kỷ XX đến nay các nhà sử học trong nước nhất trí chọn mốc năm 905 họ Khúc giành lại nền tự chủ, mở đầu cho thời kỳ lịch sử trung đại Việt Nam”[33].

- 13. Cuốn Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam của Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam có đoạn viết về họ Khúc như sau: “Thời tự chủ từ khi Khúc Thừa Dụ nổi dậy đến khi Ngô Quyền xưng vương nhưng bề ngoài vẫn còn thời kỳ Bắc thuộc (Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân bắt đầu là người Việt, trước là người Trung Quốc, vẫn do bên Trung Quốc phong hay thừa nhận, từ khi Khúc Thừa Du lên ngôi). Khúc Thừa Mỹ là đời cuối họ Khúc đứng đầu Tĩnh Hải quân (917 - 930) kết thân nhà Lương, chống Nam Hán. Nam Hán đánh Tĩnh Hải quân, Khúc Thừa Mỹ thua trận và vua Nam Hán cử Lý Tiến làm Tiết độ sứ cai quản Tĩnh Hải quân... Dương Đình Nghệ có sách như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ (874 - 937), người Ái châu, làm tướng cho Khúc Hạo. Đời Hậu Lương, Lưu Nghiễm của nước Nam Hán tiếm hiệu vua ở đất Quảng Châu, lấy cớ Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Châu, sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ bị bắt. Dương Đình Nghệ dấy binh đánh bại Lý Khắc Chính. Vua Nam Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu, Dương Đình Nghệ lại vây hãm. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến, Dương Đình Nghệ đón đánh, chém Trần Bảo, giữ thành, xưng là Tiết độ sứ. Được tám năm, Dương Định Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản, giết chết lên thay”[34].

DANH MỤC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐỀ CẬP ĐẾN HỌ KHÚC

Stt

Tạp chí

Số

Tên bài

Tác giả

Trang

1

Lịch sử Quân sự

1 (133)

2/2002

Lịch sử Quân sự tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ 179 TCN đến năm 938)

Trần Đình Nghiêm

44 - 46

2

Xưa & Nay

125 (173)

10/2002

Dương Đình Nghệ đã ba lần đánh đuổi quân Nam Hán?

Đỗ Trọng Bình

29 - 30

3

Xưa & Nay

143 (191)

7/2003

Làng Cúc Bồ quê hương của Khúc Thừa Dụ

Nguyễn Tường Minh

23 - 26

4

Xưa & Nay

143 (191)

7/2003

Vai trò Dương Đình Nghệ trong cuộc đấu tranh giành độc lập thế kỷ X

Dương Văn Dật, Bùi Văn Tam

27 - 28

5

Nghiên cứu Lịch sử

5 (306)

10/1999

Nên đưa ba họ Khúc - Dương - Ngô vào vị trí mở đầu cho kỳ “độc lập dân tộc”

Văn Tạo

79 - 81

6

Nghiên cứu Lịch sử

6 (313)

12/2000

Hành trình lịch sử Cổ Loa - Hoa Lư - Thăng
Long

Nguyễn Danh Phiệt

10 - 16

7

Nghiên cứu Lịch sử

10 (402)

2009

Bàn thêm về quê hương họ Khúc trên đất Hồng Châu

Đỗ Danh Huân

16 - 28

8

Nghiên cứu Lịch sử

12 (500)

2017

Đinh Tiên Hòng và quan hệ đối ngoại thời Đinh

Nguyễn Văn Kim

3 -13

9

Nghiên cứu Lịch sử

4 (504)

2018

Nhà nước Đại Cồ Việt trong bối cảnh lịch sử, chính trị Đông Nam Á thế kỷ X

Nguyễn Văn Kim

18 - 28

10

Nghiên cứu Lịch sử

5 (529)

2020

Năm 905: Kết thúc thời kỳ “Ngàn năm Bắc thuộc”

Trần Thuận

16 - 27

11

Thông báo Hán Nôm học

Năm 2008

Thông tin thêm về Khúc Hoàn, một nhân vật lịch sử đời Đường thế kỷ VIII

Nguyễn Hữu Tâm

834- 839

Thay lời kết
Như vậy, nguồn sử liệu ghi chép về họ Khúc, đặc biệt về Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ đến nay được đề cập ở khá nhiều công trình, sách chuyên khảo, tạp chí… Điểm lại những tài liệu ghi chép về “Khúc Tam Chúa” (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) trong lịch sử Việt Nam, tác giả nhận thấy một số điểm căn bản như sau:

- Thứ nhất: Ba vị chúa đứng đầu họ Khúc đầu thế kỷ X đều được đề cập ở phần lớn các công trình sử học quý giá của Đại Việt thời trung đại. Tiêu biểu là các công trình: Tư trị thông giám, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Kiến văn tiểu lục…

Đến thời nhà Nguyễn, lịch sử và vai trò của họ Khúc đối với sự nghiệp giành độc lập tự chủ tiếp tục được đề cập đến trong nhiều bộ Quốc sử. Tiêu biểu là các công trình: Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và cuốn Việt sử cương mục tiết yếu của tác giả Đặng Xuân Bảng.

Giai đoạn thực dân Pháp tấn công xâm lược và cai trị ở Việt Nam (1858 - 1945), do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên lịch sử họ Khúc ít được nhắc đến trong các công trình sử học, sách, báo, tạp chí…

Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi năm 1945 đến hết thế kỷ XX, sử liệu về họ Khúc bắt đầu được đề cập nhiều hơn trong các công trính sử học ở Việt Nam. Sự nghiệp khôi phục độc lập tự chủ và phục hưng đất nước của ba vị “Khúc Tam chúa” còn được sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu của các sử gia, nhà khoa học nước ngoài.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, việc nghiên cứu, ghi chép về họ Khúc ngày càng được được đề cập nhiều hơn trong các công trình sử học, sách chuyên khảo, tạp chí khoa học, báo chí trong và ngoài nước.

- Thứ hai: Sự nghiệp giành lấy và xây dựng, bảo vệ nền độc lập tử chủ của ba vị chúa đứng đầu họ Khúc được ghi chép bằng nhiều ngôn ngữ, chữ viết khác nhau như chữ Hán, chữ Nôm, Tiếng Việt, chữ Latinh… với số lượng công trình tuy chưa đồ sộ về khối lượng nhưng khá đa dạng về thể loại, tác giả, tác phẩm.

- Thứ ba: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đa số các công trình và tác giả chủ yếu đề cập về cuộc chiến giữa Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ đối với quân Nam Hán. Riêng về thân thế, sự nghiệp của Khúc Thừa Dụ và công cuộc cải cách của Khúc Hạo ít được nhắc đến.

Sau ngày đất nước độc lập, thống nhất, các nhà sử học giành sự khảo cứu công phu, chu đáo hơn về sự nghiệp của ba vị “Khúc Tam Chúa”. Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các công trình sử học làmiệc tỉ mỉ và đạt nhiều kết quả lớn khi nghiên cứu về họ Khúc trong lịch sử. Đến nay, một số vấn đề quan trọng về họ Khúc như: thân thế ba vị chúa học Khúc, quá trình Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ cho dân tộc ta, cải cách của Khúc Hạo, nguyên nhân thất bạo của Khúc Thừa Mỹ trong cuộc chiến chống quân Nam Hán xâm lược trở lại… bước đầu được làm sáng tỏ.

- Thứ tư: Kết quả nghiên cứu, khảo cứu về họ Khúc 20 năm đầu thế kỷ XXI đa số đều thống nhất về sự kiện Khúc Thừa Dụ xưng là Tiết Độ sứ, thực thi nhiều chính sách mới từ năm 905 là mốc đánh dấu đất nước ta bước sang thời kỳ mới: Thời kỳ độc lập tự chử, kết thúc hươn 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc Thuộc.

Bên cạnh đó, một số công trình sử học ở Việt Nam thời trung cận đại có những ý kiến khác nhau về sự kiện năm 905 của Khúc Thừa Dụ hay sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ… 

 

CHÚ THÍCH

1]. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[2].  Khuyết danh (1993), Đại Việt sử lược (Nguyễn Gia Tường dịch, Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh

[3]. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (dịch), Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, Tr. 37.

[4]. Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, Tr. 224 - 225.

[5]. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1997, Tr. 137 - 138.

[6]. Đại Việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại, H. 2013, Tr. 117 - 118.

[7]. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[8]. Ngô Thì Sỹ (1991), Việt Sử tiêu án, Hội nghiên cứu văn hóa Á Châu dịch năm 1960, bản điện tử. 

[9]. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977, Tr. 444.

[10]. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, H. 1998, Tr. 219.

[11]. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, (Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải), Nxb Khoa học Xã hội, H. 2000, Tr. 57.

[12]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3,Nxb Thuận hóa - Huế, 1992, Tr. 375.

[13]. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, Tr. 65.

[14]. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, H. 2013.

[15]. Ủy ban Khoa học Xã hội  Việt Nam, Lịch sử Việt Nam tập I, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1971, Tr. 137.

[16]. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985, Tr. 322 - 323.

[17]. A. B. Poliacốp, Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV, Nxb Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H. 1996, Tr. 24.

[18]. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Cải cách Hồ Quí Ly, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1996, Tr. 5.

[19]. Nguyễn Văn Tố, Đại Nam dật sử sử ta so với sử Tàu, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H. 1997, Tr. 167 - 170.

[20]. Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, Tr. 80.

[21]. Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, H. 2001, Tr. 103 - 105.

[22]. Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006, Tr. 120 - 121

[23]. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. 2007, Tr. 57 - 59.

[24]. Tạ Chí Đại Trường, Việt Nam ở thế kỷ X, trong Những bài dã sử Việt, Nxb Tri thức, H. 2009, Tr. 140 -141.

[25]. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[26]. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[27]. Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[28]. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XX, Nxb Thế giới, H. 2014, Tr. 139.

[29]. Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam, Nxb Thế giới,2015, Tr. 71 - 72.

[30]. Vũ Duy Mền, Lịch sử Việt Nam, tập 1: Từ khởi thủy tới thế kỷ X, Nxb Khoa học xã hội, 2017, Tr. 383.

[31]. Cao Văn Liên, Thủy hải chiến Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2017, Tr. 9.

[32]. Hồ Sỹ Tăng, Hiểu về họ Hồ Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, Tr. 20.

[33]. Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Giáo trình Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại, Nxb Đại học Vinh, 2019, Tr. 150 - 152.

[34]. Hồ Duy Diệm, Hồ Minh Châu, Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2019, Tr. 32 - 33.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 - Tài liệu gốc:

Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, (Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải), Nxb Khoa học Xã hội, H. 2000.
Đại Việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại, H. 2013.
Lê Quý Đôn, toàn tập, tập 2: Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977.
Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
Ngô Thì Sỹ, Việt Sử tiêu án, Hội nghiên cứu văn hóa Á Châu dịch năm 1960, bản điện tử.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3,Nxb Thuận hóa - Huế, 1992.
Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, H. 1998.
Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội.
Nguyễn Gia Tường, Nguyễn Khắc Thuần (dịch và hiệu đính), Đại Việt sử lược, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
Trần Quốc Vượng (dịch), Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 200
- Tài liệu đương đại:

A. B. Poliacốp, Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV, Nxb Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H. 1996.
Đào Duy Anh (2013), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, H. 2013.
Hồ Duy Diệm, Hồ Minh Châu, Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Giáo trình Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại, Nxb Đại học Vinh, 2019.
Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XX, Nxb Thế giới, H. 2014.
Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, H. 2012.
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.
Cao Văn Liên, Thủy hải chiến Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2017.
Vũ Duy Mền, Lịch sử Việt Nam, tập 1: Từ khởi thủy tới thế kỷ X, Nxb Khoa học xã hội, 2017.
Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000.
Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. 2007.
Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, H. 2001.
Hồ Sỹ Tăng, Hiểu về họ Hồ Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Cải cách Hồ Quí Ly, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1996.
Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006.
Nguyễn Văn Tố, Đại Nam dật sử sử ta so với sử Tàu, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H. 1997.
Tạ Chí Đại Trường, Việt Nam ở thế kỷ X, trong Những bài dã sử Việt, Nxb Tri thức, H. 2009.
Tư liệu lịch sử họ Khúc Việt Nam, Nxb Thế giới, 2015.
Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam tập I, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1971.
MỘT SỐ TƯ LIỆU VIẾT VỀ HỌ KHÚC

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây