Cháy và phòng, chữa cháy ở Vinh thời Pháp thuộc

Thứ sáu - 30/06/2023 05:21 0

Ra đời mới được bốn năm, mới định hình được mấy con phố buôn bán sầm uất ở khu vực chợ, Vinh đã được ghi nhận xẩy ra một trận cháy kinh hoàng. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Giữa mùa gió Lào năm Mậu Thân (1808) phố chợ ngoại thành Nghệ An thất hỏa, cháy lan ra hơn 280 hộ”. Thời đó mà quanh chợ Vinh cháy đến 280 hộ cũng có nghĩa là khu vực này gần như cháy hết. 
Thời kì đầu, ngoài các công sở là nhà cao tầng, hoặc nhà trệt, tường xây gạch, lợp ngói, hoặc phố Khách được xây bằng đá, hầu hết nhà ở trong thành vẫn còn là nhà tranh, nhà lá, thưng bằng phên nứa. Vì vậy, nếu có hỏa hoạn thì gần như không có cơ hội cứu chữa. 
Báo chí đương thời liên tục đưa tin về nạn cháy nhà ở Vinh. Riêng trên Thực nghiệp Dân báo đã đưa nhiều vụ cháy gây hậu quả lớn:
- Ngày 10/4/1922: Cháy 7, 8  nhà lá ở Cống Đệ Nhị, thiệt hại 3, 4 trăm bạc;
- Tối 5/1/1923 (âm lịch) dãy nhà của công nhân làm ở nhà máy xe lửa Trường Thi phát hỏa, cháy mất hơn 30 nóc nhà. Dịp này đang nghỉ tết 10 ngày, nên công nhân về Bắc ăn tết, khi trở lại thì không còn nhà nữa;
- 25/2/1924: Tối mùng 2 tết cháy 192 nóc nhà, nguyên nhân chưa rõ;
- Tối 22/5/1924: Ở phố Yên Trung, đám thợ trục lúa hút thuốc lào, hồi 3 giờ sáng làm cháy 40 ngôi nhà tranh và một nhà ngói. Sở cảnh sát có đem vòi rồng tới chữa cháy, nhưng vòi rồng không tới lửa. Đồ đạc cháy hết. Thiệt hại hơn vạn bạc;
- Ngày 30/6/1929: “Ở xóm Thập Tứ (còn gọi là xóm Trâu Bò) có một trận hỏa tai dữ dội. Bắt đầu cháy từ nhà tên Cả (nghe nói tên này giận vợ đốt nhà), sau cháy lan sang nhà láng giềng, rồi cháy thẳng một mạch đến cuối xóm. Vì gió nam thổi rất mạnh, ngọn lửa lại nồng nàn, nên khó lòng chạy chữa. Nên cháy hơn 60 nóc nhà vừa gianh vừa ngói. Hiện có 41 người không có nơi ở, lại có người không quần áo mà mặc nữa, tình cảnh xem rất thương tâm!”.
Trước tình hình hỏa hoạn nghiêm trọng, liên tục nhiều năm, ngay từ năm 1925, trong bộ quy chế quản lý các trung tâm đô thị Vinh, Trường Thi, Bến Thủy, Công sứ Vinh đã quy định một số biện pháp phòng và chữa cháy khá chi tiết. Đặc biệt, trong đó có quy định những khu vực ở trung tâm không được làm nhà tranh, lá. 
“Điều 31: Cấm làm nhà bằng tranh lá, bất kể nhà gì, bên trong trung tâm thành phố, trừ trường hợp nó nằm trong các vùng, khu phố quy định theo quyết định riêng của Công sứ.
Ngoài các vùng, khu phố riêng này, các ngôi nhà bằng tranh, lá (đã tồn tại) trong vùng trung tâm sẽ không được phép sửa chữa và phải dỡ bỏ hoàn toàn trong thời hạn 2 năm tính từ ngày nghị định này được chuẩn y.
Những người dân bản xứ sống trong những ngôi nhà lá trong vùng dành riêng cho nhà gạch thì sẽ bị buộc hoặc là mua một chỗ khác gần đó để dựng nhà lá và xây nhà bằng gạch trên nền cũ hoặc chuyển nhà lá sang một vùng đất thay thế dành cho họ nằm ở khu phố khác”.
Để cụ thể Điều 31 trên đây, ngày 3/12/1928 Đốc lý thành phố Vinh - Bến Thủy lại ra Quyết định số 116 không được dựng nhà tranh. 
Theo đó, kể từ ngày 01/1/1929, chính thức cấm nhà tranh (mái nhà lợp bằng rơm rạ) trong các vùng dưới đây:
Trong khu phố Đệ Nhị: nằm ở hướng Bắc của sông Vinh;
Trong khu phố Đệ Tam;
Trong khu phố Đệ Tứ: vị trí từ hướng Đông Tây của đường sắt Vinh - Bến Thủy;
Khu phố Đệ Ngũ: vị trí từ hướng Đông Tây của đường sắt Vinh - Đông Hà;
Cách đường cái quan 100 m;
Cách kè sông Bến Thủy 300m… 
Người dân đang sinh sống trong các ngôi nhà tranh tại các vùng nói trên không được phép sửa chữa nhà kể từ khi quyết định này được ký. Trong thời hạn một năm, nhà tranh phải được thay thế bởi nhà ngói hoặc phải tháo dỡ.
Đốc lý Vinh Bến Thủy có nghĩa vụ phải cấp đất với khoảng đất tương ứng cho người dân đang sinh sống tại những vùng này ở một nơi khác trong trường hợp họ không thay thế được nhà tranh bằng nhà xây. 
Cơ quan hành chính đô thị có trách nhiệm tháo dỡ các văn phòng bằng nhà tranh trong khu vực nêu trên và cấp chi phí để tháo dỡ những ngôi nhà tranh chưa tháo dỡ theo đúng thời gian quy định của quyết định này.
Đáng lưu ý trong quyết định thì Đốc lý Vinh Bến Thủy ra thời hạn một năm kể từ ngày ký quyết định, nhưng trong các công văn trao đổi qua lại giữa Đốc lý và Khâm sứ Trung kỳ thì Khâm sứ có yêu cầu thời gian tháo dỡ chỉ trong vòng 6 tháng(1).
Ngoài các biện pháp mang tính phòng ngừa trên đây, quy chế đô thị 1925 cũng xác định trách nhiệm chữa cháy khá rõ ràng.
“Điều 59: Trong trường hợp có hỏa hoạn, người dân phải có nghĩa vụ tham gia chữa cháy cùng chính quyền; xếp hàng vận chuyển nước, cung cấp thang, xô, bạt… Nói tóm lại làm hết khả năng của mình cả công sức và vật dụng để dập lửa.
Hiệp hội người Hoa phải điều đến ít nhất 30 người Hoa cùng tham gia cứu hỏa.
Điều 60: Những người dân sống gần những nhà bị cháy, khi có trưng dụng, phải mở cửa nhà mình cho lực lượng chức năng sử dụng.
Điều 61: Trưởng khu phố có hỏa hoạn, sau khi đã báo cho cơ quan cảnh sát về thảm họa, sẽ phải có mặt tại chỗ để chỉ đạo những người bản xứ dập lửa theo chỉ đạo của cơ quan chức năng”.
Để góp phần khắc phục hậu quả của nạn cháy có rất nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, do các tổ chức hoặc dân chúng tiến hành, như tổ chức diễn kịch, đá bóng, hoặc kêu gọi lạc quyên để quyên góp tiền của giúp các nạn nhân. 
Cũng có trường hợp như Nhà máy xe lửa Trường Thi, Công sứ Vinh còn có những biện pháp hỗ trợ rất căn bản, như can thiệp chia đất làm nhà, cho chặt gỗ trên rừng về dựng nhà… Báo Đông Pháp số ra ngày 11/8/1940 viết:
“Quan Công sứ Jeannain đã cho chia đất, phát tranh, phát gỗ cho những gia đình bị cháy làm lại nhà ở. Nói đến quan Công sứ Jeannain thì trong đám quần chúng lao động ở đây ai cũng phải công nhận ngài là một ông quan bình dân, giản dị, lúc nào cũng tận tâm săn sóc đến anh em. Một việc gì xảy ra nếu xét thấy có hại cho anh em lao động là ngài can thiệp bằng được. Không những thế, về phương diện tiền tài cũng vậy, lúc nào ngài cũng lo giúp đỡ người nghèo đầy đủ. Tháng trước đây cả một xóm người Bắc kỳ làm việc trong nhà máy Trường Thi bị thần hỏa thiêu hủy cả cơ nghiệp, những thảm trạng cơ cực ấy đã khiến quan Công sứ thấy rõ tình cảnh, nên ngài đã hội thương với ông chánh kỹ sư nhà máy Trường Thi để lo giúp đỡ họ có chỗ ở hẳn hoi, khỏi phải cái vạ chung chạ nhau trong những căn lều xiêu vẹo, chật chội.


Bài trên báo Đông Pháp 11/8/1940

Hôm vừa rồi đã được quan trên chia cho năm mươi thước vuông đất làm nhà. Các nhà phải nhất luật làm theo thành hai dãy và cấm ngặt không cho những người ngoài hoặc buôn bán gì cũng vậy đến ở xen vào. Không những thế, quan Công sứ còn cho mua danh (tranh) nứa phát cho từng gia đình và ngài lại điều đình với sở Kiểm lâm để cho anh em được phép lên các rừng quanh tỉnh Nghệ tự tìm đẵn lấy mỗi người hai thước khối bất cứ gỗ gì cũng được, miễn các thứ thuế, đem về làm nhà. Hiện công việc đang tiến hành rất gấp. Xóm Trường Thi rồi đây sẽ trở nên một xóm sầm uất vui vẻ”.
Tuy nhiên không phải vụ hỏa hoạn nào, người dân nào bị hỏa hoạn cũng nhận được sự quan tâm tận tình của chính quyền như vậy. Hỏa hoạn vẫn luôn là nguy cơ đe dọa, rình rập người dân Vinh.

Chú thích
(1). Nguồn: Tài liệu lưu trữ tại Tung tâm lưu trữ Quốc Gia 4 (Đà Lạt)

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây