Giới thiệu một số sắc phong ở Đền Vưu

Thứ hai - 13/03/2023 05:21 0
1. Lịch sử đền Vưu
1.1. Nhân thần thờ tại đền Vưu
Đền Vưu thờ Lý Nhật Quang, ông sinh năm 998-1057 húy là Lý Hoảng, con trai thứ tám của Lý Công Uẩn, mẹ là Trinh minh Hoàng hậu Lê Thị, ông là anh em cùng cha khác mẹ với Lý Thái Tông. Năm 1041 ông được cử vào làm tri châu vùng biên viễn Hoan Châu lúc bấy giờ, nay là tỉnh Nghệ An, và có nhiều đóng góp về kinh tế - xã hội cho vùng đất này. Theo Phạm Viết Đào thì Lý Nhật Quang nằm trong số ít danh nhân được lập đền thờ nhờ vào công trạng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Lý Nhật Quang được ghi chép trong cuốn Đại Việt sử kí toàn thư - Lê Văn Hưu; Việt điện u linh - Lý Tế Xuyên; Việt Nam sử lược… và cho đến nay, nhân dân địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh lập rất nhiều đền thờ Lý Nhật Quang, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Lý Nhật Quang trong văn hóa cộng đồng. Hàng năm được tổ chức lễ khai hạ vào ngày mồng Bảy tháng Giêng âm lịch, để ghi nhớ công lao của Lý Nhật Quang. 
1.2. Lịch sử đền Vưu
Đền Vưu xây dựng vào năm 1706, do bà con hai làng Thọ Vinh và Quý Vinh (nay thuộc xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) góp công, góp của xây dựng. Tuy nhiên, cảnh vật hữu tình và sự linh thiêng của đền Vưu đã được nhắc đến vào thế kỷ XV. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, lịch sử đền Vưu được xã trưởng xã Thọ Mai (nay là xã Quỳnh Vinh), và xã trưởng xã Hoàng Mai (nay là phường Quỳnh Thiện) ghi chép lại vào năm 1823 (năm Minh Mệnh thứ 3) như sau:
Nguồn gốc về sự tích của một vị thần mà hai xã đang phụng thờ tế tự là Tam tòa đại vương, con thứ tám của Lý Thái Tổ, được phong Uy Minh Vương, ông được cử vào cai quản ở trấn Hoan Châu. Lúc đi kinh ký qua xứ Hoàng Mai, thấy núi non trùng trùng điệp điệp, có sông uốn khúc chảy dài, phong cảnh thật hữu tình, trong vùng có một Bưu đình nổi tiếng linh thiêng, cầu gì tất được, danh này được truyền tụng khắp trong vùng (Do hai xã trưởng Lê Văn Trị (xã Thọ Mai) và Lê Danh Thiện (xã Hoàng Mai) ghi chép lại vào ngày 25 tháng 6 năm 1823)(1).
Vào năm 1841 (năm Minh Mạng 21) lịch sử và danh thắng của đền Vưu do lý trưởng Lê Qũy và Lê Lễ chép lại: Linh thần Tam tòa đại vương là con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, phong là Uy Minh Vương, được cử vào cai quản ở trấn Hoan Châu, lúc đi kinh ký qua Hoàng Mai, thấy núi non trùng điệp, sông dài uốn khúc, phong cảnh hữu tình, trong vùng có một bưu đình nổi tiếng linh thiêng, cầu tất ứng, bà con hai xã phụng thờ, tế tự. Năm 1471 Lê Thánh Tông dẫn quân vào đánh Chiêm Thành, có đi qua đây và làm lễ mật bảo cầu, ngày chiến thắng trở về, vua sắc phong cho thần là thượng đẳng thần. Các triều đại sau có phong thêm Mệnh cung chính sát (do lý trưởng Lê Qũy và Lê Lễ chép lại từ tú tài Trần Tuyền, ngày 11 tháng 3 năm Minh Mạng 21)(2). Qua hai tư liệu trên, cho thấy đền Vưu đã được nhắc đến từ lâu, là nơi “danh bất hư truyền” về sự linh thiêng và cảnh sắc xung quanh. Ngoài ra, đền Vưu gắn liền với sự biến động lịch sử của vùng đất Hoàng Mai nói riêng và cả nước nói chung. Thế kỉ XVIII khi các cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến Việt Nam diễn ra, nhằm tranh giành quyền lực và cát cứ, lúc này, Hoàng Mai là địa phương có vị trí chiến lược quân sự quan trọng đối với các tập đoàn phong kiến trong việc tuyển quân và xây dựng trung tâm quân sự. Sang đầu thế kỉ XIX, khi nhà Nguyễn thống nhất lãnh thổ, lập nên nhà nước phong kiến chuyên chế. Các chính sách quản lí về kinh tế, chính trị, văn hoá của triều Nguyễn đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ. Trong đó, chính sách quản lí văn hoá được thúc đẩy và quan tâm mạnh mẽ như phong tặng sắc phong, trùng tu di tích như đình, đền, chùa... trên phạm vi cả nước. Lúc này, đền Vưu được vua triều Nguyễn (Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định) sắc tặng. Chính sách quản lí văn hoá của triều Nguyễn là một trong những cơ sở để đền Vưu bảo tồn, lưu giữ di tích và tư liệu Hán Nôm cho đến ngày nay. 
Đầu thế kỉ 20, nhân dân xã Quỳnh Vinh nói riêng và Hoàng Mai nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì. Thời kì kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1960-1970), đền Vưu bị tàn phá bởi bom đạn, được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng và trùng tu. 
Hiện nay, trong sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, đền Vưu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, được tổ chức và quản lí khá chặt chẽ. Đền Vưu được chính quyền (xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) cắt cử người trông đền, để hương khói hằng ngày cho thần, vệ sinh quang cảnh của đền, phục vụ người dân và khách thập phương đến dâng hương, hành lễ. Có thể nói, đền Vưu là dấu ấn văn hoá của xã Quỳnh Vinh nói riêng và vùng Hoàng Mai nói chung, bởi đền Vưu chứa đựng giá trị văn hóa sâu đậm về kiến trúc; Tư liệu sắc phong; Các nghi lễ thờ thần. Như vậy, lịch sử hình thành và phát triển của đền Vưu suốt từ thế kỷ XVIII cho đến nay (hơn 300 năm), nhưng được “quan tâm, lưu ý” từ giữa thế kỷ XVI, khi vua Lê Thánh Tông đi chiêm phạt Chiêm Thành và đã ghé nơi đây. Với ý nghĩa về lịch sử và văn hoá, năm 1992 đền Vưu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 
2. Giới thiệu một số sắc phong ở đền Vưu
Khi chúng tôi bắt đầu sưu tầm tư liệu nghiên cứu về đền Vưu, rất vui mừng khi đền vẫn lưu giữ 13 sắc phong bản gốc, được cất rất kĩ trong tráp thờ ở gian hậu hiền. Nhận thấy rằng, đây là tư liệu Hán Nôm vô cùng quí giá, minh chứng cho lịch sử của đền Vưu cũng như lịch sử của xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An từ thế kỉ 18 cho đến nay. Sau khi khảo cứu, chúng tôi tiến hành phiên âm, dịch nghĩa các sắc phong và chúng tôi là người đầu tiên công bố, giới thiệu về các sắc phong ở đền Vưu (vào năm 2011). Số lượng 13 sắc phong cụ thể như sau: 01 sắc phong triều vua Cảnh Thịnh 4 (1795);  01 sắc phong triều Tự Đức 33 (1880); 01 sắc triều Đồng Khánh (1887); 01 sắc triều Thành Thái 2 (1890); 01 sắc triều Duy Tân thứ 3 (1910); 03 sắc triều Khải Định năm thứ 2 (1918); 05 sắc triều  Khải Định năm thứ 5 (1921).

Sắc phong thời Cảnh Thịnh

Về hình thức chung, các sắc phong ở đền Vưu có kích thước 140cm x 54cm, chữ viết chân phương, dễ nhìn, rõ ràng, dễ đọc, số lượng chữ trên các sắc phong từ 80 - 100 chữ, tùy thuộc vào số lượng các mỹ tự phong cho các thần. Tuy nhiên, ở mỗi triều đại thì cách bố cục, bài trí, kết cấu của các sắc phong là khác nhau, thể hiện sự hội tụ hài hòa về tôn quyền cũng như thể chế thịnh trị của người đứng đầu là Vua. Với sắc phong triều Cảnh Thịnh, nền sắc phong được kết hợp tinh tế giữa hình rồng cuộn và các chấm bi nhỏ, có 4 chữ Thọ ở bốn góc của sắc phong, xung quanh có các gợn mây nhỏ. Với các sắc phong triều Nguyễn, nền văn bản sắc phong là hình rồng cuộn cùng với các chấm bi bài trí cân đối, hài hòa, trên thân rồng có các gợn mây nhỏ, tạo cảm giác uy hùng, vững chãi. Điểm đặc biệt của sắc phong triều Nguyễn là có diềm bao xung quanh, “đó là những đường nét phác họa tạo điểm nhấn cho toàn bộ khung văn bản. Các đường nét này không nhất quán với nhau trong tất cả các văn bản sắc phong mà có sự thay đổi linh hoạt trong trang trí, phối hợp với các trang trí khác trong khung văn bản để tạo nên sự hài hòa, nhằm đạt đến một mức độ thẩm mỹ nhất định giữa cảm quan và nhận thức của con người” (Nguyễn Thị Xuân Hiền, 2012). 
Qua việc nghiên cứu, sưu tầm 13 sắc phong tại đền Vưu, có 01 sắc triều Khải Định 5 không phải sắc tặng cho Lý Nhật Quang mà sắc tặng cho Ngọc Tiên công chúa; 02 sắc phong năm Khải Định 2 được sắc tặng cho 2 thần. Lí do trên có thể lí giải theo hướng: Theo ghi chép trong cuốn Địa chí xã Quỳnh Vinh, trước đây xã Quỳnh Vinh có 01 đền Vưu, 01 đình làng và 01 miếu bà. Nhưng vào năm 1965 - 1970, đình và miếu bị phá bỏ nên các sắc phong lưu giữ ở hai di tích này được đem về cất giữ tại đền Vưu. Thậm chí các đồ tế tự ở hai di tích đó cũng bị hủy. Hiện nay, đền Vưu còn lưu giữ 13 sắc phong gốc từ các triều vua Cảnh Thịnh, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định... đây là các sắc phong có giá trị lịch sử, qua nội dung trên sắc phong hiểu rõ nguồn gốc ra đời của di tích, khẳng định chủ quyền làng xã, khẳng định được tính chính thống của nhân vật lịch sử Lý Nhật Quang. Ngoài ra, đền Vưu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng làng xã. 
Trong nghiên cứu này, chúng tôi xin giới thiệu 04 sắc phong: sắc triều Cảnh Thịnh; Tự Đức; Đồng Khánh; Thành Thái; bao gồm hình ảnh sắc phong, chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. 

Sắc phong thời Tự Đức

2.1. Sắc phong thời Cảnh Thịnh
Chữ Hán
敕借聖三痤大王,山川英毓,河海秀鍾,視弗見,散弗聞,盛乎!琪德盛必通,求必應,赫爾,厥靈,既多庇護偉功,盍舉依柔盛典爲皇家扺承丕緒,禮有登秩,應加封美字二字,可加封佐聖三痤忠勇剛毅大王.
故敕!
景盛四年五月二十一日
Phiên âm
Sắc Tá thánh Tam tòa đại vương, sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung, thị phất hiện, tán phất văn, thịnh hồ! Kì đức thịnh tất thông, cầu tất ứng, hách nhĩ, quyết linh, kí đa tí hộ vĩ công, hạp cử y nhu thịnh điển vi hoàng gia chỉ thừa phỉ tự, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong mỹ tự nhị tự, khả gia phong Tá thánh tam tòa Trung dũng cương nghị đại vương. 
Cố sắc!
Cảnh Thịnh tứ niên ngũ nguyệt nhị thập nhất nhật.
Dịch nghĩa
 Sắc cho vị Tá thánh Tam tòa Đại vương. Đại vương được anh khí núi sông, nhìn không hiện, nghe không thấy, thịnh thay!
Đức thịnh thì cảm tất thông, cầu tất ứng, hiển hiện thay!
Sự linh ứng này đã nhiều lần phù giúp, công đức lớn lao, đáng được tôn sùng để nêu cao thịnh điển, Hoàng gia được nối dài mãi mãi. Vì thế gia ban lễ trật, xứng đáng gia phong mỹ tự 2 chữ, phong là Tá thánh tam tòa Trung dũng, cương nghị đại vương. 
Nay sắc.
Ngày 21 tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796).


Sắc phong thời Cảnh Thịnh

2.2. Sắc phong thời Tự Đức
Chữ Hán
旨乂安省,琼璢縣,黄梅社,黄榮村,壽梅社,壽榮村從前奉事,助順扶正匡德光懿乂安歷撫中等神.節經頒给敕封凖其奉事嗣德三十一年正値,朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆豋秩, 特凖許依舊奉事. 用誌國慶而申 祀 典.
欽哉!
嗣德叁拾叁年壹月貳拾肆日.
Phiên âm
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn tòng tiền phụng sự, trợ thuận phù chính khuông đức quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chính trực, trẫm ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự. 
Dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. 
Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên, nhất nguyệt, nhị thập tứ nhật.
Dịch nghĩa
Sắc chỉ cho hai thôn Thọ Vinh, xã Thọ Mai, và thôn Hoàng Vinh xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phụng thờ thần trợ thuận phù chính khuông đức quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần. Nhân dịp đại khánh tiết mừng thọ trẫm 50 tuổi, và theo kỳ ban cấp sắc phong thần năm Tự Đức thứ 31 sắc phong cho thần để phụng thờ, theo đặc chuẩn mà phụng thờ như cũ.
Ghi nhớ ngày vui của đất nước mà mở rộng việc thờ tự. 
Kính thay!
Ngày 24 tháng 1 Tự Đức năm thứ 33 (năm 1880).


Sắc phong thời Đồng Khánh

2.3. Sắc phong thời vua Thành Thái
Chữ Hán
敕李威明王三痤尊神原封助順扶正匡德光懿翊保中興乂安歷位三痤中等神. 護國庇民, 您著靈應.肆今丕膺耿命,缅念神庥,著加封為卓偉上等神.凖乂安省,瓊璢縣,黄梅社, 黄榮村,壽梅社,壽榮村依舊奉事.神其相佑保我棃民.
欽哉!
成泰 貳年貳月拾日.
Phiên âm
Sắc Lý Uy Minh Vương tam tòa tôn thần, nguyên phong trợ thuận phù chính khuông đức quang ý dực bảo trung hưng Nghệ An lịch vị tam tòa Trung đẳng thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, trước gia phong vi Trác Vĩ thượng đẳng thần.
Chuẩn Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn, y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái nhị niên nhị nguyệt nhị thập nhật.
Dịch nghĩa
Sắc cho thần Uy Minh Vương Tam Tòa, nguyên phong trợ thuận phù chính khuông đức quang ý Dực bảo Trung hưng Nghệ An lịch vị tam tòa Trung đẳng thần. Thần đã giúp nước cứu dân rất linh ứng. Nay vâng theo mệnh lớn, và nhớ đến công lao to lớn của thần. Trẫm tuân theo mệnh trời phong thêm cho thần là Trác Vĩ thượng đẳng thần. Chuẩn cho hai thôn là thôn Thọ Vinh, xã Thọ Mai, và thôn Hoàng Vinh, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ và che chở cho dân của ta.
Kính thay!
Ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (1890). 
2.4.  Sắc phong thời vua Đồng Khánh 
Chữ Hán
敕助順扶正匡德光懿乂安歷撫中等神.向來護國庇民,nẫm著靈應,節蒙頒给贈敕亞祀.肆今丕膺耿命,缅念神庥,可加贈翊保中興中等神.仍凖許乂安省,琼璢縣,黃梅社,黄榮村,壽梅社,壽榮村依舊奉事. 神其相佑 保我棃民!
欽哉!
同慶貳年柒月初壹日.
Phiên âm
Sắc trợ thuận phù chính khuông đức quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần. Hướng lai hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc Á tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh, Quỳnh Lưu huyện, Hoàng Mai xã, Hoàng Vinh thôn, Thọ Mai xã, Thọ Vinh thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật.
Dịch nghĩa
Sắc cho trợ thuận phù chính khuông đức quang ý Nghệ An lịch phủ Trung đẳng thần, thần đã có công giúp nước cứu dân rất linh ứng, nhân dịp ban cấp sắc tặng là Á tự. Nay vâng theo mệnh lớn, và xét đến công lao của thần, trẫm sắc tặng cho thần là Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Chuẩn cho hai thôn Thọ Vinh, xã Thọ Mai, thôn Hoàng Vinh, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ và che chở cho dân của ta.
Kính thay!
Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2  (1887).
3. Kết luận
Qua nghiên cứu cho thấy, đền Vưu mang dấu ấn văn hoá và lịch sử của địa phương, bởi kiến trúc, tư liệu sắc phong và là nơi chứng kiến sự biến chuyển của lịch sử. Các giá trị về văn hóa và lịch sử của đền Vưu, minh chứng rằng xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai là vùng đất cổ, có bề dày và truyền thống lịch sử lâu đời. Việc bảo tồn, lưu giữ đền Vưu trong hơn 300 qua, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân địa phương, và đền Vưu là nơi gắn kết, cố kết cộng đồng cao. Mặc dù hình thành hơn 300 năm nhưng đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và là điểm hành hương của khách thập phương. 
Hiện nay, không gian đền bị xâm lấn nhiều, kiến trúc bị xuống cấp, kinh phí dành cho hoạt động đền chưa cao. Thiết nghĩ, cần có những giải pháp hữu hiệu để lưu giữ nét kiến trúc và các tư liệu Hán Nôm của đền Vưu hiện nay và trong tương lai.
Chú thích
1. Nguồn của bản dịch này là từ tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi sưu tầm được tại phòng văn hoá xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An vào năm 2011. Tài liệu này được chép bằng chữ Hán, ghi trên giấy dó, viết bằng chữ Hán, chữ viết chân phương. Sau đó, chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa.
2. Nguồn của bản dịch này, do chúng tôi sưu tầm vào năm 2011 và phiên âm, dịch nghĩa.
Tài liệu tham khảo    
1. Denys Cuche do Lê Minh Tiến dịch. 2020. Khái niệm văn hoá trong khoa học. Nxb: Tri thức. 
2. Huỳnh Ngọc Trảng. 1993. Đình Nam bộ tín ngưỡng và nghi lễ. Nxb: Thành phố Hồ Chí Minh. 
3. Lê Thị Huyền. 2016. Hiện trạng tư liệu Hán Nôm ở một số đình thần quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Quốc tế Văn hoá và Du lịch, số 9/2016.
4. Lê Thị Huyền. 2016. Hiện trạng và giải pháp bảo tồn sắc phong ở đình, đền di tích hiện nay. Hội thảo quốc gia “Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại” - Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức.
5. Lê Thị Huyền. 2020. Đình ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh từ thế kỉ XIX cho đến nay. Tạp chí Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh số 10/2020. 
6. Ninh Viết Giao. 2009. Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu. Hà Nội: Nxb. Văn hóa - Thông tin.           
7. Nguyễn Thị Xuân Hiền. 2012. Luận văn cao học, Sắc phong Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Khoa học Xã hội  và Nhân văn Hà Nội. 
8. Nguyễn Đình Đầu. 1994. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Gia Định (Tp. Hồ Chí Minh). Nxb: Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Nguyễn Đình Đầu. 2007. Địa lý Gia Định - Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh. Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Nxb: Văn hoá Sài Gòn. 
10. Nguyễn Long Thao. 1974. Nghiên cứu một ngôi đình làng miền Nam Phú Nhuận đình. Trường Đại học Văn khoa. 
11. Phạm Viết Đào. 2011. Bài học lịch sử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.      http://phamvietdao2.blogspot.com/2011/07/uy-minh-vuong-ly-nhat-quang.html, thứ Hai, ngày 18/7/2011. 
12. Sơn Nam. 1994. Đình miếu và lễ hội dân gian. Nxb: Đồng Tháp. 
13. Thiều Chửu. 2003. Hán - Việt tự điển. Hà Nội: Nxb. Thanh  niên. 
14. Trần Văn Chánh. 2005. Từ  điển Hán Việt. TPHCM: Nxb. Trẻ. 
15. Trần Nhu (chủ biên). 2000. Thành phố Hồ Chí Minh tự giới thiệu tập 2 - Các quận, huyện trên đường đổi mới và phát triển. Nxb: Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây