Giải mã vùng “tiên sinh họ Hồ” tìm gốc tổ

Thứ năm - 04/11/2021 05:21 0
Giải mã được địa điểm “Tiên Sinh Ồ Ồ” đầu tiên ở đâu thì càng rõ hơn gốc Tổ họ Hồ Việt Nam.

Cái tên (xưng danh) nổi tiếng lâu đời là “làng Tiên Sinh Ồ Ồ” (họ Hồ) phải chăng chứng tỏ Hồ Hưng Dật có công lớn với dân làng và từng có lúc sống ở vùng Nghĩa Đàn chứ không chỉ ở Quỳ Lăng, Kẻ Sừng, Kẻ Cuồi?

 Nhưng lại có nhiều người không hiểu vùng “Tiên Sinh Ồ Ồ” ở Yên Thành! Nên “Tiên Sinh Ồ Ồ” cần được giải mã, vùng đất nào có xưng danh “Tiên Sinh Ồ Ồ”! (Hồ Bá Thâm) (1).

Vùng đất Tiên Sinh họ Hồ là vùng đất của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, là các trang trại các đời con cháu thay nhau là trại chủ (khoảng thời kỳ 10 đời thất truyền) vùng Tiên Sinh kéo dài từ kẻ Sừng, kẻ Cuồi, bàu Đót, kẻ Đót... Thuộc Quỳ Trạch (nay là xã Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), kéo dài đến vùng Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn. Hiện tại còn thôn Tiên Sinh (xã Nghĩa Thuận) và Đội sản xuất Tiên Sinh của Nông trường Đông Hiếu, Nghĩa Đàn (khi nông trường mở rộng lấy 1/2 đất của vùng Tiên Sinh). Vùng đất Tiên Sinh khởi đầu có trước từ vùng đất Quỳ Lăng, Quỳ Trạch, Yên Thành, là vùng đất Tổ họ Hồ đầu tiên. Đó là nơi Lỵ sở Châu Diễn thế kỷ thứ 10, là đại bản doanh - nơi làm việc và nơi ở sinh sống của gia quyến, nơi lập nghiệp của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (vùng đất Tiên Sinh Ồ Ồ là được người dân thường gọi, tức là Tiên Sinh họ Hồ). Sử sách quốc gia và sử sách tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành lưu truyền. Lịch sử các huyện khác không có địa danh nào là Lỵ sở Châu Diễn thời kỳ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật hoạt động và làm quan Thái thú và quan Trấn thủ ở thế kỷ 10 (Hồ Minh Hiệu).

Tên gọi Tiên Sinh Ồ Ồ (hay Ồ Ồ Tiên Sinh) là “Tiên Sinh họ Hồ” là tuyên danh của cụ Trạng nguyên, Tướng công Hồ Hưng Dật (trước hết gắn với công lao của cụ từ vùng Yên Thành) chứ không phải là của tuyên danh cụ Hồ Kha(2) vì vị thế và công lao xã hội của Hồ Kha khó mà được tôn vinh như vậy. Ở một trang khác Hồ Quốc Toản viết: “Tiên Sinh Ồ Ồ”(3) (Tiên Sinh họ Hồ) vốn được các thức giả đương thời tỏ lòng tôn kính dành tặng cho Trạng nguyên Thái thú Diễn Châu Hồ Hưng Dật. Như vậy ngay Hồ Quốc Toản cũng tự mâu thuẫn với mình.  

Nhưng Hồ Quốc Toản (HQT) chỉ thấy Tiên sinh Ồ Ồ là Nghĩa Đàn, không chú ý gì, không hay biết gì về vùng Tiên sinh Ồ Ồ ở Bàu Trạch, Bàu Giang Mã Thành..., Yên Thành.

Hồ Quốc Toản cho rằng Lỵ sở Châu Diễn thời cụ Hồ Hưng Dật là ở vùng Tiên Sinh Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn nay? Ở trang 23 sách Họ Hồ Việt Nam - Cội nguồn và phát triển (HHVNCN &PT) nói rằng Địa danh Tiên Sinh xưa hiện nay được xác định là gồm các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Trung, Đông Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay. Ông dẫn lời cụ Lê Quý Đôn và một nhà nghiên cứu người Pháp... bác bỏ thì bác bỏ ra sao? Đọc lại sách cụ Lê Quý Đôn xem suy luận của HQT có đúng không?

Hồ Quốc Toản (sách Họ Hồ Việt Nam - Cội nguồn và phát triển) thì cho rằng: Về Lỵ sở Diễn Châu: Theo “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn: Lỵ sở Diễn Châu ở các thế kỷ 6, 7, 8 đóng tại Quỳ Trạch (nay là xã Lăng Thành, huyện Yên Thành); từ thế kỷ thứ 9 trở đi dời về Phủ Quỳ, tiếp tục dời đến Tiên Sinh (Tiên Sinh nào? HBT). Vào giữa thế kỷ thứ 10, khi Trạng nguyên Hồ Hưng Dật làm Thái thú Diễn Châu thì Lỵ sở đóng tại Tiên Sinh (Tiên Sinh nào, ở Quỳ Lăng hay Nghĩa Liệt(4)? HBT). Sách “An Tĩnh cổ lục”(5) viết: “Thời An Nam xảy ra loạn 12 sứ quân, Thái thú Diễn Châu lúc đó là Hồ Hưng Dật. Toàn bộ xứ Diễn Châu là lãnh địa của ông ta. Trụ sở đặt tại trại Tiên Sinh, trong vùng đồi núi của phía Tây, vì hồi đó Diễn Châu đại bộ phận còn là vùng biển; Tiên Sinh nằm ở khoảng trung độ giữa ga Yên Lý với huyện Nghĩa Hưng ngày nay”. Nhân dân có tập quán gọi vùng này là “Tiên Sinh Ồ Ồ”(6) (Tiên Sinh họ Hồ) vốn được các thức giả đương thời tỏ lòng tôn kính dành tặng cho Trạng nguyên Thái thú Diễn Châu Hồ Hưng Dật. Địa danh Tiên Sinh xưa được xác định gồm các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Trung, Đông Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay (Câu cuối này là suy luận của HQT).

Trụ sở, lỵ sở ở trại Tiên Sinh nhưng Tiên sinh này ở Nghĩa Đàn nay hay ở Yên Thành? Do vậy phải giải mã trụ sở, lỵ sở ở Trại Tiên Sinh Ồ Ồ là ở đâu? Trại Tiên Sinh Ồ Ồ trước hết ở vùng Quỳ Trạch.

Hồ Minh Hiệu bình luận rằng, sách Họ Hồ Việt Nam - Cội nguồn và phát triển nói nhầm Tiên Sinh ở Nghĩa Đàn. Vì vùng Tiên Sinh xuất xứ từ Quỳ Trạch, Đông Thành, kéo dài đến Nghĩa Liệt, Nghĩa Liệt cũng thuộc Đông Thành tức Yên Thành nay từ năm 1469 (xem trang 11, dòng 7dl, Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn). Hồ Hoàng cũng cho rằng, địa phận Tổng Đường Khê khi lúc xưa còn thuộc huyện Đông Thành.

Theo cuốn “An Tĩnh cổ lục” của tác giả Gippolyte Le Breton, (do Đô Thành Hiếu Cổ xuất bản năm 1936, bản dịch năm 2005 của Nxb Nghệ An và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông - Tây), trang 81, dòng 2 dl: “Toàn bộ xứ Châu Diễn là lãnh địa của Dật (Hồ Hưng Dật). Trụ sở đặt tại Trại Tiên Sinh, trong vùng đồi núi phía Tây, vì hồi đó Châu Diễn đại bộ phận còn là vùng biển. Tiên Sinh nằm ở khoảng trung độ giữa Ga Yên Lý và huyện Nghĩa Hưng ngày nay”.

Vậy thì đúng là vùng Tiên Sinh Quỳ Trạch, Yên Thành (phía Tây), chứ không phải Tiên Sinh ở Nghĩa Đàn, vì Nghĩa Đàn nằm phía Tây Bắc nhưng tác giả cuốn Họ Hồ Việt Nam - Cội nguồn và phát triển suy luận nhầm!

 Hiểu như trên mới khớp với Lịch sử Đảng của huyện Nghĩa Đàn (trang 11, dòng 5 tx), ghi “Châu Diễn đóng lỵ sở ở Quỳ Lăng (nay thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) và cũng khớp với lịch sử tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành, xã Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành (Hồ Minh Hiệu)... Phải chăng hướng điều chỉnh của HQT đưa lỵ sở Châu Diễn lên Nghĩa Đàn nay là nhằm mục đích gắn gốc tổ để trực thuộc Ngọc Sơn và củng cố thế thứ nhà thờ Quỳnh Đôi? (HSN)?

Theo tác giả Trần Minh Siêu Những dấu tích lịch sử trên đất Nghệ An viết: “Quỳ Trạch là thắng địa nên đã được các thế hệ tiền nhân chọn làm Lỵ sở Châu Diễn. Những năm đầu thế kỷ thứ 10 khi Hồ Hưng Dật giữ chức Thái thú Châu Diễn đã đóng Lỵ sở ở đất Kẻ Sừng, nay thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành” (Hồ Quốc Toản chỉ cho là tồn nghi!?).

Dải đất Tiên Sinh họ Hồ từ Lăng Thành - Mã Thành - Thọ Thành - Phú Thành - Đức Thành - Quỳnh Tam - Nghĩa Thuận - Đông Hiếu - Nghĩa Lộc - Nghĩa Khánh - Nghĩa Mỹ - Nghĩa Trung… là dải đất của cụ Hồ Hưng Dật xưa (Hồ Hoàng).

Phải chăng vùng này gắn với Hương Bào Đột xa xưa thời cụ Hồ Hưng Dật hay không? (Hồ Bá Thâm).

Địa danh “Tiên sinh họ Hồ - Tiên sinh Ồ Ồ” là dải đất có nhiều trang trại của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, các đời con cháu thay nhau làm Trại chủ. Trạng nguyên Hồ Hưng Dật là thế lực rất lớn, có rất nhiều trang trại nên cụ được vinh danh là bậc cao quý mới được gọi là Tiên sinh - Tiên sinh họ Hồ. Dù là cụ không trực tiếp ở trang trại, cụ giao con cháu làm trại chủ, nhưng người và địa phương vẫn thường gọi đó là vùng đất của Tiên sinh họ Hồ. Vùng đất Tiên sinh họ Hồ khởi đầu từ vùng đất Tổ “Trang Kẻ Sừng, Trang Kẻ Cuồi... tức Quỳ Trạch xưa, nay là Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành kéo dài lên đến trang Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn. Hiện tại vùng Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành vẫn còn nhiều vùng gọi địa danh là đất Tiên sinh. Hãy hình dung như Mai Linh là của Hồ Huy. Có địa điểm, hoạt động 63 tỉnh, thành. Mặc dù Hồ Huy không trực tiếp ở các tỉnh, nhưng nhà nước hoặc mọi người vẫn gọi Mai Linh là của Hồ Huy. Vậy các trang trại của con cháu cụ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở các nơi, người ta cũng đều gọi là của Tiên sinh Trạng nguyên Hồ Hưng Dật nhất là thời kỳ thịnh hành. Còn sau này các đời xa thế kỷ XII, XIII, XIV... thì các trang trại khác thì không được vinh danh như vậy nữa, như Trang Hoàn Hậu, Thổ Đôi trang...

Thế kỳ thứ 10 Trạng nguyên Hồ Hưng Dật làm việc tại Trị sở Quỳ Lăng, gia quyến ở Quỳ Trạch (Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành). Nhà thờ Tổ họ Hồ thờ Đức Thủy tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật lâu đời nhất của họ Hồ Việt Nam, ngay trên đất Tổ - Tam Công - Thánh địa họ Hồ Việt Nam. Trạng nguyên Hồ Hưng Dật là người có công tích với Đại Việt và bá tính vùng Quỳ Trạch nên mới được lập đình thờ, phong Thần thành hoàng tại đình Sừng “Đệ nhị Thần Hồ Hưng Dật”, cùng thờ với “Đệ nhất thần Cao Sơn”. Lập đền thờ, phong Thánh tại đền Thượng, đền Trung Đẳng thần tại rú Quan, Lăng Thành. Được quốc sử ghi nhận, được Nhà nước ta xếp hạng di tích lịch sử quốc gia! Vậy thử hỏi Việt Nam ở đâu có đền thờ, nhà thờ họ Hồ lâu đời nhất thờ cụ Hồ Hưng Dật như vậy? Nghĩa Đàn có không? Không! Quỳnh Lưu có không? Không! Diễn Châu có không? Không! Lịch sử đã khẳng định rõ như vậy còn gì nữa. (Hồ Minh Hiệu).

Lịch sử huyện Yên Thành cũng ghi rất rõ. Không có thời gian nào Lỵ sở Châu Diễn chuyển lên Nghĩa Đàn ngày nay.

Năm 627 có tên Châu Diễn khi đổi từ Hoan Châu. Từ năm 627 đến năm 1270, lỵ sở Châu Diễn ở Yên Thành. Từ 939 (bắt đầu thời nhà Ngô) đến 980 vẫn chọn Quỳ Lăng là lỵ sở Châu Diễn. Từ 981 đến 1009 chuyển lỵ sở đến Kẻ Dền, Công Trung Thượng (xã Văn Thành), nay là xã Văn Thành và xã Phúc Thành. Từ 1009 đến 1270 vẫn ở Kẻ Dền. Năm 1270 ở Diễn Hồng. Năm 1443 ở Diễn Ngọc(7) (Hồ Hoàng).

Theo Hồ Quốc Toản (HQT): nhiều tư liệu viết trại Tiên Sinh ở tổng Đường Khê (xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn ngày nay) nơi Nguyên tổ làm quan rồi mất ở đó(8)… Thậm chí viết Tiên Sinh là ở huyện Quỳnh Lưu(9) một cách nhập nhằng (Quỳnh Lưu xưa, có lúc bao hàm cả Nghĩa Liệt và Quỳnh Lưu nay thì không như vậy).

Nhưng nếu vậy thì sao gọi vùng Bàu Đột - Ngọc Sơn là đất khởi Tổ, là quê hương thứ hai của cụ Hồ Hưng Dật (sau Chiết Giang), “thánh địa duy nhất họ Hồ Việt Nam” (?) chứ không phải Nghĩa Liệt? Thật là bất nhất! (Hồ Bá Thâm).

Trạng nguyên Hồ Hưng Dật có thể trên đường Thiên Lý đi qua và dừng chân vùng Nghĩa Liệt. Chứ tuyệt nhiên không ở vùng đó, vì lịch sử huyện Nghĩa Đàn không nói gì liên quan đến Trạng nguyên Hồ Hưng Dật kể cả truyền thuyết, giai thoại dân gian. Một vị quan lớn đầu tỉnh - tức Châu Diễn nổi tiếng trong 2 triều giành độc lập cho Đại Việt mà để lại dấu tích lịch sử gì ở vùng Nghĩa Đàn? Tuyệt đối không nên ngộ nhận thuyết cho rằng cụ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật có ở Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn!

Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, (1990) do nhóm biên soạn mà PTS. Ngô Đăng Trí chủ biên, trang 11, dòng 5 ghi: “Châu Diễn đóng Lỵ sở ở Quỳ Lăng (nay thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành), Nghĩa Đàn(10) thuộc lãnh thổ của Châu Diễn” nhưng không có dấu tích lịch sử gì liên quan đến Lỵ sở thời Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.

Vùng Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn có thể một thời là trang trại của cụ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, nhưng các đời con cháu cụ thay nhau làm trại chủ nên vùng Trang Nghĩa Liệt cho nên mới mang danh vùng đất Tiên Sinh họ Hồ, nhưng vùng đất Tổ Quỳ Trạch là vùng đất các trang Tiên sinh đầu tiên, gốc cội là từ đây (Hồ Minh Hiệu).

Nhưng địa chỉ cụ thể làng “Tiên Sinh Ồ Ồ” ở Yên Thành (khá rộng, gồm những xóm làng như Trúc Thượng, Trúc Hạ, hòn Chiềng, hòn Riềng, khe Nai, hòn Rợ, Chân Canh, Thạch Trụ, làng Ghe, làng Ganh, Phú Lộc…) cụ thể hơn ở xã nào hiện nay huyện Yên Thành? Theo Hồ sơ di tích nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (trang 12) thì nó ở xã Thanh Đà - tổng Quỳ Trạch xưa nay là xã Mã Thành, gần khu vực Mả Tổ ở Tân Thành. Còn Bàu Giang nơi 5 khe chảy về và từ đó đổ ra 5 bàu nhỏ và chảy dài hơn về nhiều xã là thuộc xã Đức Thành xưa, nay Tân Thành (Đức Thành xưa nay là Tân Thành và Đức Thành mới) giáp Quỳnh Lưu. Theo Hồ Sỹ Ngoan thì Bàu Trạch, Bàu Cuồi (có nhiều bàu đều chảy về vùng Thọ Thành này) ở trước nhà thờ Tam Công. Phía sau lưng nhà thờ Tam Công là núi Yên Định, có Yên Định quận xưa có từ thời nhà Đường (năm 627-…) thuộc phủ Quỳ Lăng… (Hồ Bá Thâm).

Tóm lại, qua trao đổi ý kiến nói trên chúng ta thấy rằng, vùng Nghĩa Liệt, Nghĩa Đàn (có thời thuộc huyện Quỳnh Lưu xưa), là một vùng gắn liền sâu đậm với lịch sử họ Hồ lâu đời. Lịch sử họ Hồ Nghĩa Đàn, chỉ sau lịch sử họ Hồ vùng Yên Thành, cũng có giai thoại và khá một số mồ mả cổ còn lại gắn với nhân vật lịch sử, danh nhân, các ông Nghè, ông lớn. Có thể cụ Hồ Hưng Dật và Hồ Kha đã từng qua đây, có trang trại ở đây và nhất là các đời hậu duệ… nhưng theo Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn thì không có chứng cứ nào nói lên Lỵ sở Châu Diễn ở đây cả.

 Làng/ vùng Tiên sinh họ Hồ là vùng đất gắn liền với sự nghiệp, cuộc đời Hồ Hưng Dật, tên người thành tên đất tên làng, tên đồi núi suối khe. Đúng là vùng “Tiên Sinh họ Hồ” (theo nghĩa rộng) chạy dài từ khu vực xã Mã Thành nay lên Nghĩa Liệt xưa. Tiên sinh họ Hồ trước hết gắn liến với Ngũ Bàu, Bàu Giang, Bàu Trạch (Yên Thành)… Nếu hiểu là chỉ có làng Tiên Sinh duy nhất ở Nghĩa Liệt là không đúng, gây nhầm lẫn về lỵ sở và gốc tổ Họ Hồ Việt Nam. Ở vùng Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn nay không có Tiên sinh Ồ Ồ, không có Bàu Giang, Bàu Trạch dù có 5 thôn hướng về một lạch/ bàu nhỏ. Không nên nhầm lẫn chỉ có ở Nghĩa Đàn mới có Tiên sinh họ Hồ và cũng như không nên nhầm lẫn Ngũ Bàu, Bàu Giang, Bàu Trạch là ở Quỳnh Lâm - Ngọc Sơn đi đến nhầm nơi phát tích thật sự của họ Hồ Việt Nam!

 Nhưng ngày nay chúng ta đã có một liên hoàn di tích họ Hồ quý giá: vùng Kẻ Sừng, Kẻ Cuồi… xưa đến vùng Nghĩa Liệt đến Bàu Đột Ngọc Sơn (đền Vua Hồ xưa, đền Hồ Hưng Dật nay) rồi xuống Thổ Đôi trang… đúng là một vùng văn hóa lịch sử, tâm linh họ Hồ Việt Nam nổi tiếng ở xứ Nghệ… rất đáng trân quý, tôn vinh, giữ gìn, nâng cấp cho muôn đời con cháu!

Nhân đây đề nghị Hội đồng gia tộc họ Hồ Tam Công và Hội đồng họ Hồ Yên Thành nên bản đồ hóa các di tích, dấu ấn liên quan đến gốc tổ, nơi phát tích họ Hồ Việt Nam, thời Trạng nguyên Hồ Hưng Dật và hậu duệ sau đó ở vùng Yên Thành (ở Nghĩa Đàn thì đã có rồi) để phục vụ cho hội thảo khoa học, và in sách càng trở nên thuyết phục hơn (Hồ Bá Thâm).

Vẽ sơ đồ hệ thống: địa điểm Lỵ sở Châu Diễn, nơi Đại bản doanh làm việc, nơi ở gia quyến ở làng Mộng Sơn (con di tích), đền Thượng, đền Cận, đền Trung Đẳng Thần Hồ Hưng Dật, đình Sừng thờ Đệ nhị Thần Hồ Hưng Dật, nhà thờ họ Hồ (Tam Công và 68 chi 32 xã ở Yên Thành) mộ cổ, khu mộ cổ Lăng Thành, làng Tiên Sinh Ồ Ồ, Yên Định quận, Trang Mộng Sơn, Trang Cuồi, ngũ khe Hồ, ngũ Bàu Hồ, tam trại nhà Hồ (3 bãi tập nhà Hồ), rú Quan, đồi Hồ, đường quan, đường Thiên Lý, cầu quan... Tất cả những chứng tích liên quan đến Trạng nguyên Hồ Hưng Dật từ thế kỷ 10 đến nay có sử sách, chứng cứ, vật chứng, nhân chứng và vẫn còn...

Chú thích

1. Chú thích tên tác giả kiểu này là ý kiến trực tiếp trao đổi thảo luận tại nhóm nghiên cứu Lịch sử họ Hồ Việt Nam
2. Xem Họ Hồ Việt Nam - Cội nguồn và phát triển, tr.399
3. Theo Hồ Quốc Toản: nhiều tư liệu viết trại Tiên Sinh ở tổng Đường Khê (xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn ngày nay) nơi Nguyên tổ làm quan rồi mất ở đó…
4. HBT hiện tại đọc Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn mà chưa thấy có chỗ nào nói về vấn đề này (HQT không trích trang, sách xuất bản năm nào).
5. Theo Hồ Quốc Toản: tác giả là Giáo sư người Pháp: Hippolyte Le BreTon, xem Nxb Văn hóa Thông tin. H.2014. tr.76-77.
6. Theo Hồ Quốc Toản: nhiều tư liệu viết trại Tiên Sinh ở tổng Đường Khê (xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn ngày nay) nơi Nguyên tổ làm quan rồi mất ở đó… rồi Tiên Sinh là thuộc Quỳnh Lưu?
7. Khi đất nước giành được quyền tự chủ, các triều đại Ngô (939-967), (968-980) vẫn chọn Quỳ Lăng làm lỵ sở Châu Diễn. Thời triều Tiền Lê (980-1009), lỵ sở Châu Diễn chuyển về Kẻ Dền Công (Trung Thượng, Văn Thành). Nhà Trần vẫn tiếp tục sai thân vương Trần Quốc Khang vào trấn trị Diễn Châu. Mùa xuân 1270 địch quốc đại vương Trần Quốc Khang (là anh của vua Trần Thánh Tông) được phong làm Vọng Giang…
8. Tôi có nhờ một vị TS ở Viện Lịch sử Việt Nam, ông tra cứu Văn Đài loại ngữ, và TS này trả lời: riêng sách “Vân đài loại ngữ” chỉ thấy có 2 đoạn viết về Diễn Châu, không nhắc đến địa danh Tiên Sinh! A xem bài viết của tác giả có trích dẫn trang nào không? (HBT không thấy tác giả trích trang nào). Rằng, ông ấy nói: Em cũng tra cứu nhưng không thấy Lê Quý Đôn chép về Hồ Hưng Dật trong Vân Đài loại ngữ! (An Tĩnh cổ lục của tác giả Hippolyte Le BreTon người Pháp thì có số trang và nội dung - HBT). Đang kiểm tra tiếp…
9. HHVNCN&PT, tr.52.
10. Huyện Nghĩa Đàn hiện nay, nhất là vùng Nghĩa Liệt xưa có thời kỳ nào thuộc huyện Quỳnh Lưu?

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây