Về một bức hình được cho là “ảnh tư liệu” về Cách mạng tháng 8 ở Vinh

Thứ ba - 10/10/2023 05:21 0
Để tiện theo dõi, trong bài này tôi gọi đó là bức hình “Cuộc biểu tình”. Về bố cục và bối cảnh, bức hình này tương tự như bức ảnh tư liệu về sự kiện biểu tình giành chính quyền ở Bắc bộ phủ (Hà Nội) trong Cách mạng tháng Tám. Bức hình hiện vẫn đang được treo tại Nhà Truyền thống thành phố Vinh. Từ hàng chục năm nay, nó đã được in trong các cuốn sách sử chính thống của tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh, như Lịch sử Nghệ An tập I (NXB Chính trị Quốc gia, 2011); Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh (NXB Chính trị Quốc gia, 2010); sách ảnh Thành Vinh xưa và nay, do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Vinh xuất bản năm 2023…
Đồng thời, trên báo chí khi viết về Cách mạng tháng 8 ở Vinh vẫn thường dùng bức hình này để minh họa. Có thể nói bức hình đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, có tính biểu tượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám, năm 1945 ở thành phố Vinh và cũng là của cả tỉnh Nghệ An. Đã hàng chục năm như vậy, hầu như không có ai đặt vấn đề, hay mảy may có suy nghĩ gì.
Thế nhưng, với những tài liệu, thông tin hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề về tính xác thực của bức hình này.
1. So sánh hai bức hình
Bức hình “Cuộc biểu tình” được cho là ảnh chụp sự kiện diễn ra tại Dinh Công sứ Pháp ở Vinh. Dinh Công sứ Pháp là nơi làm việc của Công sứ Pháp ở Vinh. Đây là tòa nhà biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của Pháp đối với vùng đất này. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1897, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Đông Dương, có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp và các yếu tố của kiến trúc cổ Việt Nam. Điều này có thể nhận thấy khá rõ qua kiểu dáng mái ngói doãi ra và những chi tiết giống như đầu đao của đình chùa cong lên. 
Thế nhưng, khi so sánh hai bức hình: Một là ảnh Dinh Công sứ, do Trần Đình Quán chụp những năm 1930; một là bức hình “Cuộc biểu tình”, chúng ta sẽ thấy ngay sự khác biệt. Rõ ràng tòa nhà trong bức hình “Cuộc biểu tình”, hoàn toàn không giống với Dinh Công sứ trong ảnh Trần Đình Quán. Bức hình này không có những nét đặc trưng của kiến trúc Đông Dương trên mái nhà. Mái nhà không doãi ra, không có các chi tiết như đầu đao, hai đầu hồi nhà lại quay ra phía trước, khác hẳn Dinh Công sứ trong ảnh của Trần Đình Quán. Chưa kể, nếu trong ảnh của Trần Đình Quán, mặt trước của tòa nhà có tất cả 11 ô cửa, từ hành lang mở ra ngoài trời, thì trong bức hình “Cuộc biểu tình” chỉ có tất cả 9 ô cửa. Ngoài ra, các chi tiết khác ở cửa số, bậc thềm và hàng hiên ở tầng trệt cũng có sự khác biệt rõ nét. 

Dinh Công sứ Pháp ở Vinh (Ảnh Trần Đình Quán)

Có thể khẳng định rằng: Tòa nhà trong bức hình “Cuộc biểu tình” không phải là Dinh Công sứ Pháp ở Vinh. Vì vậy, bức hình này cũng không thể là ảnh chụp sự kiện diễn ra tại đây, như lâu nay chúng ta vẫn hiểu và tin như vậy. Theo diễn biến của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Vinh, có thể nghĩ đến một tòa nhà quyền lực khác có thể diễn ra sự kiện, đó là Dinh Tổng đốc Nghệ An. Nhưng, Dinh Tổng đốc Nghệ An ở trong thành Nghệ An chỉ là tòa nhà một tầng. Ngoài ra, với thông tin hiện nay được biết, toàn thành phố Vinh, nhất là các cơ quan công quyền không có tòa nhà nào có kiểu dáng kiến trúc như tòa nhà trong bức hình “Cuộc biểu tình”. 
2. Lần theo diễn biến các sự kiện Cách mạng tháng Tám ở Vinh
Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Công sứ Pháp không còn làm việc ở Dinh Công sứ. Trên danh nghĩa, Nhật đã trao quyền độc lập cho chính quyền Nam triều, cho nên Tỉnh trưởng Nghệ An đã chuyển trụ sở từ Dinh Tổng đốc ở trong thành Nghệ An, đến Dinh Công sứ để làm việc. Tại thời điểm diễn ra Cách mạng tháng Tám, tỉnh trưởng Nghệ An là Đặng Văn Hướng, một nhân sỹ yêu nước, được cho là thân Việt Minh. 
Về diễn biến các sự kiện Cách mạng tháng Tám ở Vinh, hầu như các cuốn sách sử của tỉnh và thành phố Vinh đều viết khá giống nhau. Theo đó, sáng ngày 21/8/1945 hàng nghìn quần chúng thành phố Vinh và vùng phụ cận đã đồng loạt tuần hành trên các đường phố lớn, sau đó tập trung về sân vận động thành phố (ở phía ngoài, phía Tây Nam của thành Nghệ An). Cùng lúc đó, Ủy ban khởi nghĩa cử Nguyễn Tài đến gặp Wada, chỉ huy quân đội Nhật, thông báo cho họ biết mục đích của Việt Minh và yêu cầu họ không can thiệp công việc nội bộ của người Việt Nam. Phía Nhật đã chấp nhận các yêu cầu của Việt Minh, thậm chí còn hứa sẽ giúp quân cách mạng 5000 khẩu súng và 10.000 viên đạn. Trên thực tế, quân đội Nhật cũng không có phản ứng gì. Đúng 12 giờ trưa, ngày 21/8/1945 toàn bộ lực lượng dân chúng tập trung bao vây trước Dinh tỉnh trưởng Nghệ An. Tỉnh trưởng Nghệ An là Đặng Văn Hướng giao nộp ấn tín cho cách mạng. Ủy ban lâm thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng. 
Hồi ký của ông Trần Xuân, đội trưởng đội tự vệ chiến đấu, lực lượng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh, đã đưa thêm một thông tin khác. Theo đó, từ chiều ngày 20 tháng 8 năm 1945, đội của ông đã được giao nhiệm vụ bảo vệ một cuộc biểu tình, mục đích là để thăm dò thái độ của bọn Nhật. “Đến chiều 20/8 tôi được lệnh đi dự cuộc biểu tình thăm dò thái độ của Nhật. Tôi làm trưởng ban bảo vệ, cầm súng đi ngoài để bảo vệ anh Nguyễn Tài trưởng đoàn biểu tình. Cuộc biểu tình yên tĩnh, không có sự phản ứng gì”(1). Theo tôi, thông tin này là có cơ sở, vì một cuộc biểu tình để thăm dò thái độ của Nhật trước Tổng khởi nghĩa là rất cần thiết. 
“Và sáng sớm hôm sau 21/8 được lệnh tề tựu ở sân vận động để chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Tại đây, đội của ông Trần Xuân được giao nhiệm vụ là đội chủ lực vào chiếm dinh tỉnh trưởng Đặng Văn Hướng và sở Mật thám. Cả hai nơi này đều không gặp bất kỳ sự chống đối nào.  
Như vậy, trong diễn biến của Cách mạng tháng Tám ở Vinh có diễn ra sự kiện quần chúng bao vây Dinh Tỉnh trưởng. Mà, Dinh Tỉnh trưởng lúc này chính là tòa nhà của Dinh Công sứ Pháp. Bức hình “Cuộc biểu tình…” nói trên có vẻ như muốn mô tả sự kiện này. Thế nhưng, rất tiếc tòa nhà phía sau lại không phải là Dinh Công sứ Pháp ở Vinh, như đã phân tích ở trên. Vì vậy, bức hình này không có giá trị phản ánh sự thật lịch sử.
Theo tôi, có khả năng bức hình “Cuộc biểu tình” không phải là ảnh tư liệu chụp ở đâu đó, mà là ảnh chụp lại từ một bức tranh. Trước yêu cầu truyền thông sau này về Cách mạng tháng Tám ở Vinh, họa sĩ đã vẽ bức tranh này, phỏng theo bố cục và không khí của bức ảnh tài liệu chụp sự kiện giành chính quyền ở Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Tại thời điểm vẽ tranh, Dinh Công sứ đã bị phá trong tiêu thổ kháng chiến năm 1947, ảnh tư liệu thì không có để tham chiếu. Do đó, có thể tác giả đã vẽ theo trí nhớ, hoặc nghe theo lời tả lại của người khác, dẫn đến những sai lạc rất lớn, so với tòa nhà cũ. 
Dù sao, thì cũng không nên sử dụng bức hình này như “ảnh tư liệu”, càng không nên coi đó là bức ảnh có tính biểu tượng về Cách mạng tháng Tám ở Vinh.
3. Gợi ý một sự lựa chọn khác
Tư liệu ảnh về Cách mạng tháng Tám ở Vinh hiện nay hầu như chỉ còn lại một bức ảnh duy nhất. Đó là bức ảnh chụp Đội tự vệ chiến đấu (Sau này là Đội Thanh niên Cứu quốc Phan Đình Phùng) đang diễu hành trên đường phố, trong ngày 21 tháng 8 năm 1945. Trong ảnh, người cầm cờ đi đầu chính là Trần Xuân, đội trưởng. Bức ảnh thể hiện chân thực và sinh động không khí sôi nổi, khí thế hào hùng của nhân dân thành phố Vinh trong ngày tổng khởi nghĩa. Những người đi đầu ở đây cũng là những thanh niên ưu tú, dũng cảm đã tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Minh trong một thời gian dài, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. 


Đội tự vệ chiến đấu diễu hành trên đường phố Vinh trong ngày 21/8/1945 (Người cầm cờ đi đầu là danh thủ bóng đá Trần Xuân, đội trưởng)

Cũng cần nói thêm rằng, Đội tự vệ chiến đấu vốn xuất thân từ đội thanh niên thể thao Vinh, do ông Trần Xuân, cùng với những người bạn như Trần Đăng Lân (công chức ngân hàng); Bảo Nguyên (chủ hiệu vàng); Vũ Công Giáp (dược sĩ, chủ hiệu thuốc) lập ra, do Trần Xuân làm đội trưởng. Đội đã tập hợp được cả trăm thanh niên, nhất là trí thức, học sinh, như anh em Trọng Bằng, Trọng Loan (sau này là hai nhạc sỹ nổi tiếng); Trần Đình Đắc (tức nhà thơ Chính Hữu); Nguyễn Văn Khánh (sau này là thiếu tướng QĐNDVN); Tô Vinh (Sau này là Bí thư Thành ủy Vinh); Nguyễn Đức Thái (tức nhà thơ Minh Huệ)…
Lúc này chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, luật sư Phan Anh được cử làm Bộ trưởng Thanh Niên. Phong trào Thanh  niên Phan Anh phát triển. Đội thanh niên thể thao của Trần Xuân cũng đi theo hướng đó. Họ đã từng diễu hành bằng xe đạp ra tận Quán Hành để đón Bộ trưởng Phan Anh. 
Trước ngày cướp chính quyền mấy tháng, tổ chức Việt Minh đã cử đồng chí Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) đến móc nối với đội Thanh niên Thể thao Vinh. Sau đó, đồng chí Trần Văn Quang phân công ông Mười Uyển trực tiếp sinh hoạt và hướng dẫn đội. Mười Uyển là một nhà cách mạng nổi tiếng ở Vinh - Bến Thủy. Ông đã ba lần bị bắt, lúc này vừa mãn hạn tù 12 năm từ Buôn Ma thuột về. Khác với các nhà cách mạng theo chủ nghĩa khổ hạnh, ở tuổi ngoài ba mươi, lại qua 12 năm tù đày, nhưng Mười Uyển vẫn là một thanh niên hào hoa, được học hành tử tế lại chơi giỏi bóng đá và quyền Anh, đam mê đua xe đạp. Anh cùng chơi với đội thanh niên thể thao, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho họ về Việt Minh, về thuyết Đại Đông Á của phát xít Nhật, huấn luyện cho đội về võ thuật, về leo tường, về cách rải truyền đơn và vận động quần chúng. Từ đó, đội Thanh niên thể thao Vinh đã hoạt động dưới sự chỉ đạo của Việt Minh. Đội chia nhau bí mật đi treo cờ, rải truyền đơn, tuyên truyền ủng hộ Việt Minh. Một hôm, anh Mười Uyển đến gặp Trần Xuân, thông báo mời đội sang truông Hồng Lĩnh để họp. Toàn đội đến điểm hẹn thì thấy không khí rất trang nghiêm, trên có bàn thờ Tổ Quốc, với cờ đỏ sao vàng. Anh Lợi Lù (Nguyễn Văn Lợi, sau là chủ tịch thị xã Vinh) đến dự tuyên bố công nhận đội là đội tự vệ chiến đấu. Anh cũng giao nhiệm vụ cho đội chuẩn bị khí giới đợi lệnh Tổng khởi nghĩa. Đội được cấp một số súng lục và lựu đạn.
  Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đội tự vệ chiến đấu được chuyển thành đội Thanh niên Cứu quốc Phan Đình Phùng(2). 
Theo tôi, vấn đề bức hình “Cuộc biểu tình” đã được sáng tỏ. Tuy nhiên, nêu vấn đề này lên, rất mong những người có trách nhiệm cho nghiên cứu, thẩm định, để định danh cho bức hình này một cách chính xác. Nếu là tranh thì sử dụng như tranh. Không nên dùng nó như một bức "ảnh tư liệu" có tính biểu tượng về Cách mạng Tháng 8 ở Vinh. Nếu cần một bức ảnh tư liệu đóng vai trò biểu tượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám ở Vinh, trong điều kiện tư liệu hiện nay, việc sử dụng bức ảnh Đội Tự vệ chiến đấu diễu hành trên đường phố Vinh, ngày 21/8/1945 là hoàn toàn thỏa đáng. 
Chú thích
(1). (2).  Hồi ký của ông Trần Xuân Hãn, bản viết tay lưu tại gia đình

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây