Cuộc lễ khánh thành nông giang về khu Bắc tỉnh Nghệ An (Trung Hòa nhật báo số ra ngày 10/6/1937)

Thứ tư - 03/01/2024 04:21 0
Bài báo “Cuộc lễ khánh thành nông giang về khu Bắc Nghệ An”, đăng trên Trung Hòa nhật báo, số ra ngày 10/6/1937 đã phản ánh chân thực và rất sinh động về sự kiện này. Nhận thấy bài báo có nhiều thông tin bổ ích và khá lý thú, liên quan đến hai hệ thống thủy nông quan trọng bậc nhất của Nghệ An thời điểm đó cũng như hiện nay, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An xin được giới thiệu với bạn đọc.
Trước khi tường thuật lễ khánh thành, tôi xin phép chư độc giả kể qua về:
Công cuộc dẫn thủy nhập điền
Công cuộc đào nông giang ở tỉnh Nghệ bắt đầu từ năm 1931, nhằm vào lúc dân gian đang mắc cơ cận. Điều ích lợi lớn lao trước tiên, là dân có công việc làm ăn cho đỡ đói. Các sông nông giang chia làm hai khu:
1. Khu phía Bắc, gọi là khu Đô Lương, lấy nước vào 35.000 mẫu tây ruộng ở 4 phủ huyện: Anh Sơn(2), Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu. Việc làm ở đấy tốn gần 6 triệu đồng và nay đã hoàn thành. Ngọn sông chính bắt đầu từ làng Trường Thịnh (Đô Lương), chỗ này có đắp một cái đập chắn qua sông Cả, dài 345 thước tây, tốn 20.000 thước khối xi măng cốt sắt, 19.000 thước khối đá kẻ, 700 tấn gang, và 9.700.000 nhân công. Nguyên số tiền giả công cho phu đã lên đến 2.150.000 $.
2. Khu phía Nam (Réseau Vinh-sud) lấy nước vào 17.200 mẫu tây ruộng ở hai phủ huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Khu nầy lấy nước ở Sa Nam, gồm có một cái cống lấy nước ở Sa Nam (ouvrage de prise), một cái đê giữ nước (ouvrage de garde) và cống cho thuyền bè đi qua (écluse de navigation) ở Bến Thủy, 59 cây số kênh lớn, 94 cây số tiểu khê và 25 chỗ bơm nước (postes de pompage). Công cuộc làm khu này hiện đang tiến hành, chừng 3 năm nữa mới hoàn thành. Số tiền chi phí đã định là 2.137.000$.
Đi dự lễ khánh thành
Ban tổ chức do ông Arnoux, chánh kỹ sư sở Nông giang phía Bắc Trung kỳ đứng đầu đã dự định tổ chức lễ khánh thành vào ngày 2/6/1937. Muốn cho cuộc lễ cực kỳ long trọng, ông Trưởng ban đã thỉnh quan Toàn quyền Đông Dương vào chủ tịch và đức Đại Nam Hoàng đế ra chứng kiến, lại đạt giấy mời quan Khâm sứ Trung kỳ, mấy quan Thượng thư Nam triều có chức vụ về cuộc dân sinh, các vị thượng quan ở hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh, hết thảy các quan chức đứng đầu các công sở trong tỉnh, các vị hội viên ở Thượng Hội đồng, các ông dân biểu trong ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, các nhà báo ở khắp ba kỳ, các hưu quan, các vị hội viên và điền chủ trong tỉnh. 
Về phần Hà Sơn tôi, đại diện cho Báo Trung Hòa, hôm 2/6/1937 phải thức dậy thật sớm để ra cửa Tòa sứ(3) mà đáp ô tô nhà nước đi Đô Lương. Đúng 5 giờ sáng tới đó, đã thấy một đoàn ô tô có chữ số nối đuôi nhau dài dằng dặc, tính có hơn 50 chiếc đã chực sẵn. 
Mãi cuối cùng, sừng sững một chiếc ô tô ca to tướng sơn màu bạc của hãng Samanal, ở phía trước có căng tấm vải đề chữ “La Presse”(4). Mở cửa trông vào, chỉ thấy mình ông Thái Nam Vân, đại diện cho tờ Renaissance, đã chễm chệ ngồi ở hàng ghế trước. Tự nghĩ rằng: Mình đi nối đuôi thì lẽ tất nhiên là tới nơi sẽ chậm trễ, khó lòng mà lo tròn phận sự, tôi mới rủ ông cùng nhau đi tìm ông tây xếp đoàn ô tô để xin cho được đi trước, thì ông trả lời rằng: Việc ấy khó lòng, vì ông chỉ theo như ban tổ chức đã sắp đặt…
5 giờ rưỡi, đoàn ô tô khởi hành. Chiếc ô tô khổng lồ của hai chúng tôi đi, ban đầu còn lẽo đẽo theo kịp, rồi dần bỏ quãng xa, xa mãi. Muốn cho khuây khỏa nỗi phẫn uất, tôi bỏ mặc ông bạn Sài Gòn ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, mà nhìn ra phía ngoài. Hai bên đường cờ cắm theo quãng đều đặn, dân sự chen lấn nhau đứng chăm chú nhìn xem. Thỉnh thoảng lại có những thể môn(5) cài hoa kết lá, ở giữa bày hương án bái vọng, hai bên thì những ông chức dịch, khăn áo chỉnh tề, đứng vòng tay một cách nghiêm trang. 
Ô tô chúng tôi chạy qua, họ cũng thi nhau vái thật sâu. Ý chừng họ tưởng lầm chúng tôi là những vị thượng quan!
Ra tới Phủ Diễn
Đoàn ô tô hồi nãy đã dừng lại ở đó. Thì ra Đức Đại Nam Hoàng đế cùng với Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil, các quan hộ giá, tùy tùng và khách đường trong đã đáp chuyến xe lửa riêng ra tới nơi từ trước(6); Quan Toàn quyền, các quan và khách đường ngoài cũng đã đáp chuyến xe lửa riêng từ Hà Nội vào. Ô tô chúng tôi vừa dừng thì, một số đông người từ ga đi lại, đó là các bạn đồng nghiệp ngoài Bắc và trong Nam.
Đoàn ô tô lại bắt đầu chạy. Lần này chúng tôi được cái hân hạnh đi trước những 4 xe! Vì suốt ngày hôm trước giời mưa to nên đoạn đường gần chợ Vẹo, phía trên Bảo Nham, bị ngập nhiều chỗ, tới đó xe phải hãm lại rất chậm. Lên tới gần Đô Lương giời lại mưa phùn. 
Tới làng Trường Thịnh, là chỗ cử hành lễ khánh thành, ô tô dừng lại.
Đứng trên bờ đê cao, ném tầm con mắt ra giữa dòng nước bạc đã thấy một cái đập kiên cố chắn ngang khúc sông. Nước dưng lên tràn qua bờ đập, đổ xuống phía dưới ào ào. Cái đập này khác đập ở Bái Thượng (Thanh Hóa) vì có xây thêm nhiều cái trụ vừa dài vừa rộng, khiến bờ đập thêm vẻ vững chắc hơn. Nom xuống chân đê, một đám đất bằng phẳng rộng thênh thang, ở giữa dựng một cái rạp quay mặt ra phía đập. Chung quanh rạp một hàng rào người chen nhau như kiến cỏ, chăm chú nhìn vào. Cái rạp này làm bằng phên nứa; các cột đều quấn rạ(7) trông có vẻ ngoạn mục mà chắc chắn. Trên các bức phên trát vôi bằng phẳng, có treo những bản đồ các nông giang, và các kiểu mẫu rành mạch về cái đập.
Bước lên trên bục cao ở giữa rạp, len lỏi mãi tôi mới tìm được chỗ ngồi, thì lúc ấy ông dân biểu Trần Bá Vinh, đứng bên cái bàn phủ khăn, trên bày la liệt những huy chương Nam Triều vưới 2 bó hoa, và đang đọc câu cuối cùng bài diễn văn của ông. Rõ ràng anh em nhà báo chúng tôi vì được đi cái xe chậm đặc biệt mà tới trễ! Phải hỏi han mãi tôi mới biết rõ công cuộc từ lúc khởi sự cuộc lễ.
Hai giờ nghe diễn văn
Khi Hoàng thượng và quan Toàn quyền Brévié đã ngự vào ghế giải nệm gấm và các quan khách đã an tọa, thì hai cô thiếu nữ lễ phép tới dâng Hoàng thượng và quan Toàn quyền hai bó hoa. Đoạn, quan Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil đứng ra đọc diễn văn, có máy truyền thanh ra tứ phía. Kế đó cụ Nguyễn Khoa Kỳ, Thượng thư Bộ Xã dân Kinh tế ra đọc bài diễn văn nữa. Nhưng cụ và được một đoạn đầu bài thì ông Dân biểu Trần Bá Vinh tới nhắc lại cùng quan Công sứ Jeanmin rằng: Theo chương trình thì sau quan Khâm sứ là đến lượt ông đọc diễn văn và xin quan Công sứ cho ông đọc trước cụ Thượng, vì chương trình đã do quan Toàn quyền ký chuẩn, không thể thay đổi được. Quan Công sứ Jeanmin buộc lòng nhã nhặn bước ra bày tỏ, thì cụ Thượng cũng đành nhường. Đối với việc xẩy ra đáng tiếc nầy, nhiều khách quan vì chưa hiểu rõ nên lấy làm phân vân và có mấy vị quan Nam Triều lộ vẻ bất bình. Ông Trần Bá Vinh đọc xong thì cụ Thượng Nguyễn Khoa Kỳ lại ra đọc, rồi đến lượt ông Gassier, thanh tra các sở công chính Trung kỳ. Sau cùng là bài của Toàn quyền dài lắm, phải đọc đến 45 phút mới hết.

Ảnh của báo Mai, ngày 12/6/1937

  Ngồi trong rạp, ở hàng ghế đầu có đức Hoàng thượng và quan Toàn quyền ngự chính giữa, hai bên là quan Phó Toàn quyền Nouailbetas, quan Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil, quan Thống sứ Bắc kỳ Châtel, cụ Thượng thư Bộ Giáo dục Phạm Quỳnh, cụ Thượng thư Bộ Xã dân Kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, cụ Thượng thư Bộ Công tác(8) Hồ Đắc Khải, ông Thanh tra các Sở Công chính Trung kỳ Gassier. Phía sau là các quan Công sứ, các quan tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, cha chính Tân (R.P. Dalaine) chủ nhiệm báo Đường Ngay(9), cha Delalex ở Cầu Rầm, các quan hộ giá, các quan tùy tùng, các quan chánh các công sở, các nhà báo, các ông hội viên Thượng Hội đồng, dân biểu và phủ huyện. Ở phía rạp bên hữu là các hội viên hàng tỉnh, các cai phó tổng và các điền chủ; ở phía rạp bên tả thì có các hưu quan thấp phẩm hàm và các chức vị sắp được thưởng huy chương.
Sau các bài diễn văn
Hoàng thượng và quan Toàn quyền gắn huy chương cho các ông kỹ sư Sở Nông giang, các ông phủ huyện sở tại, các nhân viên Sở Nông giang. Tính ra có đến 40 người được cái ân huệ ấy. Kế đó ông Bố chánh Vương Xuân Mai xướng danh những người được thưởng về kỳ thi luận văn về công cuộc nông giang ở tỉnh Nghệ An(10), để Hoàng thượng và quan Toàn quyền phát phần thưởng (Kết quả cuộc thi này đăng riêng). Thế là cuộc khánh thành bế mạc, Hoàng thượng và quan Toàn quyền ngự xem các bản đồ treo trong rạp và ra xem đập rồi ngự lên ô tô. 

Ảnh của báo Mai, ngày 12/6/1937

Khi đoàn ô tô đi khỏi đập chừng 2 cây số, tới bến phà thì Hoàng thượng cùng quan Toàn quyền dừng lại để ngự qua sông xem khúc sông đào rẽ quanh, tránh cái đập để cho thuyền bè đi lại. Khúc sông này có một đoạn đào xuyên qua núi Cóc. Hoàng thượng và quan Toàn quyền ngự tới đó xem ngắm kỹ càng.
Một phần đông ô tô chở các quan khách về Vinh trước, còn mấy cái xe Ngài ngự thì mãi hơn 12 giờ trưa mới về tới nơi. Lúc về gần tới nơi thì hai đội lính tây và khố xanh cử bài quốc ca và bồng súng chào, Hoàng thượng và quan Toàn quyền xuống duyệt binh rồi mới ngự vào Tòa sứ. Một chốc Hoàng thượng, quan Toàn quyền và các vị thượng quan dự đại yến tọa Tòa sứ, còn các vị quan khách khác và các nhà báo thì dự tiệc tại nhà Grand Hotel. 
Thăm cống giữ nước Bến Thủy
Ba giờ rưỡi chiều, Hoàng thượng và quan Tòa quyền ngự ô tô đi xem cái đập chắn nước ở Thanh Thủy. Đập này không thuộc về Sở Nông giang, mà chỉ là một cái đập đắp ngang cái khe để lấy nước cho đồng ruộng ở xã Thanh Thủy thôi. Cái đập này dài hơn 100 thước tây và tổn phí do ngân sách hàng tỉnh chịu. Lúc giờ về Hoàng thượng và quan Toàn quyền lại ngự xem cống lấy nước Sa Nam rồi thẳng đường xuống Bến Thủy.

Ông Chánh Kỹ sư Sở Nông giang đang cắt nghĩa về cái đập giữ nước ở Bến Thủy, từ trái sang phải: Quan toàn quyền Brevie, Đức Hoàng thượng, quan Phó Toàn quyền Nouailhetas, cha chính Tân (địa phận Vinh), ông Arnoux, chánh kỹ sư Sở Nông giang (đang cắt nghĩa), ông Creyssac, chánh phòng báo chí phủ Toàn quyền và ông Gaissier Thanh tra Công chính Trung kỳ (Ảnh của hiệu ảnh Bình An, ở Vinh, đăng trong bài báo này)

Anh em làm báo không được hân hạnh đi Thanh Thủy, nhưng lần này ô tô lại chở chúng tôi xuống Bến Thủy trước để khỏi phải tới chậm trễ như hồi sáng nữa!
Tại cống giữ nước (ouvrage de garde) ở Bến Thủy cũng trần thiết hẳn hoi: Ngay con đường chỗ xuống cống có dựng thể môn và bày hương án bái vọng, các chức dịch cũng ứng trực để nghênh giá. Kề ngay bên cống có dựng rạp cài hoa, kết lá, ghế sắp hàng lớp lang phía trong. Trong khi Hoàng thượng và quan Toàn quyền ngự xem đập thì ông Arnoux, chánh kỹ sư sở nông giang, cắt nghĩa rất rành mạch về cách thức giữ nước, tháo nước, lấy mực nước lên, nước xuống. Kế đó lại phát huy chương cho 20 nhân viên có công lao trong việc xây đắp cái cống đang làm dở này, rồi Hoàng thượng cùng các quan hộ giá lên ô tô ngự thẳng về Hành Cung, còn quan Toàn quyền, quan Khâm sứ và các quan tùy hành thỉ giở về Tòa sứ. 
Những bữa tiệc sau cùng 
Bảy giờ tối có thiết tiệc sâm banh lại nhà xéc thành phố, có quan Toàn quyền, rất đông khách quan và các nhà báo tới dự. 8 giờ tối, hàng tỉnh lại dâng đại tiệc tại Hành Cung, dự tiệc có cả quan Toàn quyền, quan Khâm sứ, các vị thượng quan và các ông dân biểu. Còn các quan phủ huyện thì dự tiệc tại dinh quan Tổng đốc. 
9 giờ rưỡi Hoàng thượng, quan Toàn quyền, quan Khâm sứ, các quan hộ giá và tùy hành, và khác đường trong đáp tàu riêng vào Huế và Sài Gòn. Còn các vị quan khách đường ngoài cũng đáp xe lửa riêng về Bắc hồi 10 giờ đêm. 
Qua ngày hôm sau quang cảnh tỉnh Vinh đã trở lại như ngày thường…
Phạm Xuân Cần (sưu tầm, giới thiệu)

Chú thích
 1. Trung Hòa nhật báo là tờ báo của Công giáo, xuất bản ở Hà Nội, từ năm 1923, đến năm 1945. 
  2. Thời điểm đó bao gồm cả Đô Lương.
  3. Tòa Công sứ Pháp ở Vinh.
 4. Báo chí.
  5. Cổng chào.
  6. Ga Phủ Diễn thời điểm đó ở vị trí giao nhau giữa đường sắt và đường Quốc lộ 7 hiện nay.
  7. Theo dân gian truyền lại, các cột này đều quấn những bó lúa, thể hiện được mùa, no đủ.
 8. Có lẽ là “thượng thư bộ Công” mới đúng.
  9. Là tờ báo của Tòa Giám mục Vinh, xuất bản ở Vinh.
10. Đây là cuộc thi do bộ Xã dân Kinh tế tổ chức, viết về công cuộc dẫn thủy nhập điền ở Nghệ An. Các bài thi viết bằng tiếng Pháp, chữ Hán và Quốc ngữ. Đã thu hút 140 bài dự thi (11 bài viết bằng tiếng Pháp, 32 bài chữ Hán và 97 bài viết bằng Quốc ngữ). Tại buổi lễ đã trao giải cho 4 người, giải cao nhất trị giá 60 đồng; thấp nhất 40 đồng. Trước đó, năm 1933 báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn cũng đã tổ chức cuộc thi “Nông giang thi” viết về nông giang, thu hút hơn 300 người dự thi.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây