Những biện pháp tăng năng suất lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin

Thứ hai - 14/03/2022 05:21 0

Thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa

Đầu thế kỷ XX, nước Nga đã chuyển lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc nhưng lại mang nhiều tàn tích của chế độ phong kiến. Về nông nghiệp, 30 nghìn địa chủ chiếm 70 triệu đề-xi-a-tin (1 đề-xi-a-tin = 1,09 ha) và bản thân Nga hoàng và gia đình, họ hàng chiếm đến 7 triệu đề-xi-a-tin. Trong khi đó, nông dân Nga chiếm 4/5 dân số, nhưng 65% số hộ ở nông thôn là bần nông, không có ruộng đất. Họ bị Nga hoàng và bọn địa chủ bóc lột nặng nề và tàn bạo. Về công nghiệp, vào năm 1913, dù là một đất nước chiếm 1/6 diện tích thế giới nhưng tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp thế giới và đứng thứ năm trên thế giới, sau các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp chủ yếu của Nga nằm trong tay tư bản nước ngoài và ngay từ năm 1890 tư bản nước ngoài chiếm tới 47% vốn đầu tư ở Nga. Công nhân ở Nga chiếm 10% dân số, năm 1913 là 12 triệu, trong đó 3,1 triệu là công nhân đại công nghiệp nhưng bị giới chủ bóc lột nặng nề nên đời sống hết sức cực khổ. Bởi vậy, V.I.Lênin đã nhận định về kinh tế nước Nga lúc bấy giờ: “một bên là chế độ sở hữu ruộng đất lạc hậu nhất cùng với tình trạng nông thôn dốt nát nhất và một bên là chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tài chính tiên tiến nhất"[2].

Trong bài “Gửi nông dân nghèo” được viết năm 1903, V.I.Lênin khẳng định: “Phương sách duy nhất để làm cho nhân dân lao động hết cùng khổ, là thay đổi, từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt đối với giai cấp công nhân, Người khẳng định: “Đến khi đó, của cải sẽ tăng lên còn rất nhanh chóng hơn nữa, vì công nhân lao động cho bản thân mình, sẽ làm tốt hơn là làm cho bọn tư bản, ngày lao động sẽ ngắn hơn, tình cảnh của công nhân sẽ khá hơn, tất cả đời sống của họ sẽ hoàn toàn thay đổi”.

Ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi. Ngày 8-11-1917, V.I.Lênin được Đại hội Xô viết Nga bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết. Vào ngày 14-11-1917, V.I. Lênin đã ký vào bản “Điều lệ về chế kiểm soát của công nhân”. Theo đó, công nhân được quyền kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất trên mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp đến giao thông vận tải và xí nghiệp hợp tác. Ngày 28-6-1918, Sắc lệnh quốc hữu hoá toàn bộ nền đại công nghiệp cũng được V.I. Lênin ban hành.

Ngày 10-1-1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga Xô viết là một nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người.
Nông thôn Nga trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: tư liệu lịch sử

Thực hiện “Sắc lệnh ruộng đất”

V.I.Lênin nhận định: “Vì muốn cải thiện đời sống của công nhân thì phải có bánh mỳ và nhiên liệu..., chỉ có thể tăng thêm sản xuất và thu hoạch lúa mì, tăng thêm dự trữ và vận tải nhiên liệu bằng cách cải thiện đời sống của nông dân, bằng cách nâng cao lực lượng sản xuất của họ. Phải bắt đầu từ nông dân”[3].

Do đó, từ mùa xuân năm 1918, nước Nga Xô viết đã bắt đầu thực thi “Sắc lệnh ruộng đất”. Nông dân đã nhận được (không phải trả tiền) hơn 150 triệu ha ruộng đất từ gia đình Nga hoàng và giai cấp địa chủ, được xóa 3 tỷ rúp tiền nợ ngân hàng. Từ đó, trung nông phát triển từ 20% lên đến 60% và ngày càng tin tưởng vào cách mạng.

Với kết quả đó, V.I.Lênin đánh giá: “Đến mùa hạ và mùa thu 1918, Cách mạng Tháng Mười của thành thị mới trở thành Cách mạng Tháng Mười thật sự ở nông thôn”[4].
V.I.Lênin rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống của nhân dân lao động

Giảm giờ làm và thi đua trong lao động và sản xuất

Trong chế độ cũ, các tổ chức tư bản độc quyền tăng cường bóc lột giai cấp công nhân Nga để thu lợi nhuận tối đa có thể. Trong đó nổi lên hiện tượng bọn tư bản độc quyền thường kéo dài số giờ làm trong ngày, thường xuyên ra lệnh tăng ca, làm việc liên tục không nghỉ trong tuần. Điều này khiến công nhân kiệt sức nên họ thường ốm đau, bệnh tật và có tuổi thọ thấp. Tuy nhiên, công nhân thường không dám nghỉ việc vì sợ mất việc làm sẽ chết đói dù đồng lương thường ít ỏi. Bởi vậy, ngay từ sau Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917, nước Nga Xô viết cũng đã quy định số giờ làm việc là 8 tiếng mỗi ngày cũng như nhiều phúc lợi xã hội khác cho nhân dân lao động.

Giảm giờ làm để bảo vệ sức lao động nhưng để nâng cao năng suất lao động, V.I.Lênin nhấn mạnh về việc thi đua trong lao động và sản xuất. Trong bài “Tổ chức thi đua như thế nào” được viết năm 1918, V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả nǎng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận, những tài năng mà chủ nghĩa tư bản đã giày xéo, đè nén, bóp nghẹt mất hàng nghìn hàng triệu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua”[5].

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trong “Sáng kiến vĩ đại” được viết năm 1919, V.I.Lênin nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ tư bản) của những công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng kỹ thuật hiện đại”[6].

V.I.Lênin sau đó đã đưa ra một khẳng định nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn”[7].

Thắng lợi ở đây chính là sự thắng lợi của chế độ mới. Bởi theo V.I.Lênin: “Việc đặt nền móng cho sự thực hiện kế hoạch điện khí hóa vĩ đại là cái sẽ cho phép chúng ta khôi phục nền đại công nghiệp và ngành vận tải trên một quy mô và một cơ sở kỹ thuật khiến có thể hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng nạn đói kém, cảnh nghèo cùng”[8].

Do đó, vào năm 1920, Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết do V.I.Lênin đứng đầu quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia Điện khí hóa toàn Nga (GOELRO). Trong đó, vai trò của thủy điện rất quan trọng. Bởi các nhà máy thủy điện là nơi tạo một khối lượng điện năng khổng lồ đủ để cung cấp cho cả một vùng miền rộng lớn nhưng lại có nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, nhà máy thủy điện có tuổi thọ cao (khoảng 100 năm hoặc lớn hơn), các chi phí bảo dưỡng cũng rất ít so với các loại hình khác. Việc sản xuất ra điện năng từ dòng nước không chỉ giúp giá thành rẻ mà còn không gây ô nhiễm không khí, không xả thải những chất độc hại ra môi trường. Hơn nữa các hồ chứa còn lưu trữ được một lượng nước khổng lồ, hoàn toàn có thể vượt qua được mùa khô, đảm bảo luôn cung cấp đủ điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những ưu điểm này giúp cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Nga Xô viết và sau này là Liên Xô trở nên thuận lợi hơn.

Kết quả là, nếu năm 1928, Liên Xô chỉ có 5 tỷ kWh điện thì đến năm 1932 đã đạt 36,2 tỷ kWh điện trong đó nguồn điện từ nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn. Nhờ đó, sau Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932), Liên Xô đã có được nền công nghiệp nặng với kỹ thuật tiên tiến, xây dựng 1500 xí nghiệp, chủ yếu là loại lớn và hiện đại. Năm 1935, Liên Xô đã khởi công giai đoạn đầu tiên của tuyến tàu điện ngầm Moscow với tổng chiều dài 11,2 km, một công trình hiện đại thời bấy giờ và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Bên cạnh đó, Liên Xô cũng là nước có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới vào năm 1954. Đến năm 1965, sản lượng điện của Liên Xô đã đạt 507 tỷ kWh.

Chính sách Kinh tế mới (NEP)

Để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau Nội chiến và can thiệp của 14 nước tư bản chủ nghĩa, V.I.Lênin thay thế “Chính sách cộng sản thời chiến” được áp dựng từ tháng 6-1918 bằng Chính sách Kinh tế mới (NEP) tại Đại hội Đảng Cộng sản (Bolshevik) Nga lần thứ X (1921).

Với nông nghiệp, nhà nước thay thế việc trung thu lương thực bằng việc đóng thuế lương thực. Sau khi nộp thuế, nông dân có toàn quyền mang lương thực dư thừa trao đổi trên thị trường. Với công nghiệp, trả lại cho chủ cũ những xí nghiệp nhỏ đã bị nhà nước tịch thu trước đó. Cho phép các nhà tư bản trong nước và nước ngoài mở các nhà máy và xí nghiệp. Với thương nghiệp, tư nhân được tự do buôn bán, trao đổi. Với tài chính tiền tệ, mở lại Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó là việc cải cách tiền lương, ban hành chế độ tiền thưởng.

“Từ nước Nga của Chính sách Kinh tế mới sẽ nảy sinh nước Nga xã hội chủ nghĩa”[9] - V.I.Lênin nhận định.
Đời sống hạnh phúc của nhân dân lao động Liên Xô

Những thành tựu đạt được

Ngày 30-12-1922, Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết được thành lập. Đại hội đã bầu V.I.Lênin làm Chủ tịch Hội đồng dân uỷ Liên Xô. Liên Xô sau đó gồm 15 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Đó là: Armenia (thủ đô Yerevan), Azerbaijan (thủ đô Baku), Belarus (thủ đô Minsk), Estonia (thủ đô Tallinn), Gruzia (thủ đô Tbilisi), Kazakhstan (thủ đô Alma-Ata), Kyrgyzstan (thủ đô Frunze), Latvia (thủ đô Riga), Litva (thủ đô Vilnius), Moldavia (thủ đô Kishinev), Nga (thủ đô Moscow), Tajikistan (thủ đô Dushanbe), Turkmenia (thủ đô Ashgabat), Ukraina (thủ đô Kiev) và Uzbekistan (Tashkent).

Đời sống nông dân, công nhân tại Liên Xô dần được cải thiện. Qua phân phối thu nhập quốc dân những năm 1925 – 1926 cho thấy 82 % thu nhập quốc dân thuộc công nhân, nông dân.

Đến năm 1937, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới và chiếm 14% sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Trong 13 năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Liên Xô đã xây dựng được 9.000 xí nghiệp lớn, trang bị kỹ thuật hiện đại, nhiều ngành công nghiệp mới quan trọng đã ra đời. So với năm 1913, đến năm 1940 sản lượng đại công nghiệp của Liên Xô tăng hơn 12 lần; tỷ trọng công nghiệp đã chiếm ưu thế trông nền kinh tế quốc dân (hơn 3/4 tổng sản lượng). Trong đó 2/3 thuộc ngành công nghiệp nặng, sản lượng của ngành chế tạo máy tăng 35 lần, sản lượng điện tăng 24 lần (1913: 2 triệu kWh, năm 1940: sản xuất 48 triệu kWh). Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.

Đến những năm 1970, hầu như các nông trang và nông trường Liên Xô đều được điện khí hoá và được cung cấp năng lượng điện từ hệ thống điện quốc gia. Cả Liên Xô lúc đó có 1,9 triệu máy kéo và 600 nghìn máy liên hợp. Mỗi nông trang có trung bình 55 máy kéo và nhiều máy móc khác. Điều này đúng như dự đoán của V.I.Lênin: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp”[10].

Đến năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân cũng tăng 112 lần. Năm 1975, chỉ cần 2 ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1913 (năm cao nhất của Đế quốc Nga cũ). Vào đầu những năm 1980, cứ 5 người lao động ở Liên Xô thì có 1 người tốt nghiệp đại học hoặc các trường kỹ thuật.

Bà Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh giai đoạn 1979-1990, từng nhận định: “Liên Xô là một quốc gia luôn tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho thế giới phương Tây. Tôi không nói về đe dọa quân sự. Không có mối đe dọa quân sự nào hết. Các quốc gia phương Tây được vũ trang tốt, trong đó có cả vũ khí hạt nhân. Tôi đang nói về mối đe dọa kinh tế. Nhờ chính sách kế hoạch hóa, kết hợp với các biện pháp khuyến khích về mặt tinh thần và vật chất, Liên bang Xô viết đã đạt được các chỉ số kinh tế rất cao. Tỷ lệ phần trăm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân đã cao gấp đôi so với các nước chúng ta. Nếu chúng ta tính đến nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Liên Xô, sau đó, cùng với sự quản lý hợp lý của nền kinh tế, Liên Xô có những cơ hội thực sự để loại bỏ chúng ta khỏi thị trường thế giới”.

Nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1973 ca ngợi nền kinh tế Liên Xô vì đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 1930. Nhà Nobel Kinh tế năm 1973 cũng cho rằng Liên Xô đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Bởi thế, đánh giá về V.I.Lênin, Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao nổi tiếng của Liên Xô đã khẳng định: “Có những cá nhân - hiếm thấy trong lịch sử loài người - là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilyich Lenin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới”.


Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Nông thôn Nga trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: tư liệu lịch sử

Ảnh 2: V.I.Lênin rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Ảnh: tư liệu lịch sử.

Ảnh 3, 4, 5: Đời sống hạnh phúc của nhân dân lao động Liên Xô. Ảnh: tư liệu lịch sử.

 
Chú thích

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 25.

[2] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 16, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 530

[3] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 262.

[4] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 37, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva,1977, tr. 37.

[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 234-235

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 25

[7] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980,  tr. 57

[8] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 43, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 266

[9] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva , 1978, tr. 358.

[10] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva , 1978, tr. 11

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây