Một số tư liệu về nhân vật Trần Đình Nam

Thứ năm - 04/05/2023 05:21 0

Xin góp thêm một số thông tin, tư liệu, trong đó có một số thông tin, tư liệu chưa có điều kiện kiểm chứng, để mọi người cùng tham khảo.
1. Gia thế và hoạt động của Trần Đình Nam trước khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945)
Trần Đình Nam sinh ngày 11 tháng 8 năm 1896, tức ngày 3 tháng 7 năm Bính Thân. Quê làng Yên Mã, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. 
Trần Đình Nam là con thứ 8 của Tiến sỹ Mã Sơn Trần Đình Phong và bà Nguyễn Thị Uyển. Tiến sĩ Trần Đình Phong (1847 - 1920), đỗ tiến sĩ năm Kỷ Mão 1879, từng làm tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), đốc học Quảng Ngãi, Quảng Nam, và Tế tửu Quốc tử giám. Ông nổi tiếng về thơ văn, đạo đức, đặc biệt là nhà giáo đã góp phần đào tạo những chí sĩ Việt Nam cận đại, như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…


Nhà thờ họ Trần Đình tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Ngoài Trần Đình Nam, các con trai của Trần Đình Phong cũng có nhiều người nổi tiếng trong các phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, như Trần Đình Phiên (Trị sự Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng); Trần Đình Diệm (dân biểu Viện Dân biểu Trung kỳ); Trần Đình Quán, hoạt động trong phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, nghệ sỹ nhiếp ảnh đầu tiên của xứ Nghệ; Trần Đình Chín, một trong những giáo viên người Việt đầu tiên của trường Quốc học Vinh…

Kỷ yếu do Phân bộ Hồng thập tự Đà Năng in sau khi bác sỹ Trần Đình Nam mất

Theo cuốn Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sỹ Trần Đình Nam”, do Phân bộ Hồng Thập tự Đà Nẵng in năm 1974, khi cụ Trần Đình Phong chuyển về Huế giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Trần Đình Nam cũng về theo. Từ đó, ông bỏ chữ Hán và học tại trường Quốc học Huế. Năm 1914, Trần Đình Nam đậu thành chung. Năm 1915 ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Y khoa và đậu bằng y sỹ Đông Dương năm 1918. Ra trường, ông được điều về Bệnh viện Trung ương Huế, giữ chức Trưởng phòng thí nghiệm. Tại đây, ông cùng y sỹ Normet bào chế từ mật ong ra một loại dịch truyền (sérum) mang tên Normet(1).   
Mặc dù là một bác sỹ trẻ, sớm có danh tiếng, nhưng Trần Đình Nam đã có chí hướng trở thành một người hoạt động chính trị, xã hội chuyên nghiệp. “Từ lúc thiếu thời, ông đã tự nguyện không lập gia đình để dồn trọn vẹn thì giờ và nghị lực cho sự nghiệp chính trị”(2). Trong những năm 1920 Trần Đình Nam đã hoạt động tích cực trong các phong trào yêu nước. 


Sách của Trần Đình Nam

Có thông tin cho biết, năm 1924, nhân lễ “Tứ tuần đại khánh” của vua Khải Định, cụ Trương Gia Mô đã ra Huế “hợp với một nhóm nhân sĩ như bác sĩ Trần Đình Nam để ám sát vua Khải Định và tên Toàn quyền Pasquie, nhưng việc không thành vì thiếu phương tiện”(3). Thông tin này hiện không thể kiểm chứng.
Ngày 27/12/1926, tức hai ngày sau khi cụ Phan Bội Châu được đưa về Huế an trí, Trần Đình Nam dẫn đầu một nhóm thanh niên trí thức ở Huế đến thăm cụ Phan. Sau khi trò chuyện, thay mặt nhóm, Trần Đình Nam trao cho cụ Phan một bức thư. Nội dung bức thư thể hiện sự ngưỡng mộ đối với cụ Phan, nhưng cũng tỏ ra lo ngại, sợ Cụ mới ra chưa hiểu rõ tình hình và lòng người, nên xin Cụ: “Cứ theo dư luận thời ở địa vị ông bây giờ, chưa nên ngôn luận, chưa nên hành động, chưa nên giao thiệp vội vàng, hãy nên trí thân ở cuộc ngoại mà dò xét cho đến nơi đến chốn để khi nói ra ai cũng cho là hay, làm ra ai cũng cho là phải, giao thiệp với ai cũng đắc nhơn tâm. Cái cử chỉ của ông bây giờ có quan hệ với hậu vận nước nhà với danh thể ông, với phẩm giá quốc dân, xin ông cẩn thận”(4). 
Sau nhiều tiếp xúc, cụ Phan nhận xét về Trần Đình Nam: “Trong đám thanh niên tân học ngày nay, tôi nhận thấy có anh Trần Đình Nam là một người nhiều nhiệt huyết và trung thực, đáng tin cậy”(5). 
 Không lâu sau ngày yến kiến cụ Phan Bội Châu, Trần Đình Nam bị điều lên Đà Lạt. Tại đây ông kết thân và trở thành người bạn vong niên thân thiết với người thầy cũ của mình ở trường Y, đó chính là bác sĩ, nhà bác học trứ danh Alexandre Yersin (1863 - 1943). Hai năm ngắn ngủi ở đây, Trần Đình Nam cũng nổi tiếng là một bác sỹ giỏi, tận tâm với đồng bào, với người nghèo Kinh cũng như Thượng.
Năm 1928, mãn hạn 10 năm làm việc theo hợp đồng kí với nhà nước khi đi học trường Y, ông xin nghỉ việc, về Đà Nẵng mở phòng mạch tư, tiếp tục chữa bệnh, nghiên cứu và hoạt động xã hội.
Năm 1925, cụ Huỳnh Thúc Kháng đắc cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ và năm 1926 mở Báo Tiếng Dân. Trần Đình Nam đã cộng tác với báo này và thường xuyên viết bài cho mục Y học thường thức. Một số bài viết về vi trùng học của ông trên Báo Tiếng Dân sau đó đã được tập hợp thành sách “Công nghiệp ông Bát-tơ (Ceuvres de Pasteur)”, Nhà in Tiếng Dân, xuất bản năm 1930. 
Trần Đình Nam đã hợp tác với Đào Duy Anh trong việc xây dựng Quan Hải tùng thư. Và, cuốn sách đầu tiên mà Quan Hải tùng thư xuất bản năm 1928 chính là cuốn “Trí khôn (Tâm lý học nhập môn)” của Trần Đình Nam. 
 Trần Đình Nam cũng đã có quan hệ với Võ Nguyên Giáp, khi Võ Nguyên Giáp đang học Quốc học và hoạt động yêu nước ở Huế. Cuốn “Kỷ yếu tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam” cho biết một lần Võ Nguyên Giáp bị mật thám Pháp lùng bắt, đã được Trần Đình Nam và cụ Huỳnh Thúc Kháng che dấu trong tòa soạn Báo Tiếng Dân, sau đó cho tiền ăn học. Khi Đào Duy Anh chuẩn bị xuất bản cuốn Hán Việt từ điển, bà Như Mân, vợ ông đã gửi thư cho Trần Đình Nam (đang ở Đà Lạt) hỏi vay 100 đồng. “In xong bộ Hán Việt từ điển, bà tìm cách hoàn trả lại các món tiền đã mượn của bạn bè. Lúc đó ông Trần Đình Nam đã thôi việc ở Đà Lạt, về Đà Nẵng mở phòng khám bệnh tư. Bà Như Mân đem 100 đồng vào Đà Nẵng gửi trả, ông cười nói rằng, lúc trước ông đưa tiền là có ý giúp hai ông bà chứ không phải cho vay. Tuy nhiên, nếu bà đã đưa trả thì ông sẽ lấy lại để giúp cho người khác. Và sau đó, ông lấy số tiền đó gửi cho ông Võ Nguyên Giáp”(6). 
Năm 1936, khi Tạp chí La Nouvelle revue indochinoise (Đông Dương tân tạp chí) xuất bản ở Vinh, thu hút được nhiều cây bút tên tuổi của Pháp và Việt. Trần Đình Nam đã viết loạt bài “Instantanés philosoph” (tạm dịch “Ống kính triết học”) đăng  nhiều kỳ trên tạp chí này. Trong đó, từ phân tích những hiện tượng, nhân vật cụ thể, ông so sánh, đối chiếu về văn hóa, tư duy giữa phương Đông và phương Tây, với nhiều luận giải đặc sắc.
Trần Đình Nam cũng được cho là đã cùng Hồ Tá Khanh ngăn chặn việc sát hại nhà cách mạng Tạ Thu Thâu tại Quảng Ngãi, nhưng không thành. Hoặc cùng người Nhật giúp đỡ Ngô Đình Diệm trốn thoát khỏi Việt Nam khi ông ta bị mật thám Pháp vây bắt ở Phú Cam (Huế), tháng 7 năm 1944(7). 
2. Trần Đình Nam trong Chính phủ Trần Trọng Kim và sự kiện vua Bảo Đại thoái vị
“Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Nam Triều thể theo nguyện vọng của dân chúng đã cử ông làm đốc lý (tức thị trưởng) thị xã Đà Nẵng”(8). Trên thực tế Trần Đình Nam cũng chỉ giữ chức vụ này trong một thời gian rất ngắn, khoảng hai tháng, để tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim.
Sau khi đảo chính Pháp, người Nhật có hai sự lựa chọn trong việc dựng nên một chính quyền mới cho Việt Nam. Hoặc là sử dụng cặp bài Cường Để - Ngô Đình Diệm; hoặc là tiếp tục sử dụng Bảo Đại. 
Trong cuộc vận động chính trị này, Trần Đình Nam đã đóng một vai trò khá tích cực và chủ động. 
Hồi ký của Phạm Khắc Hòe viết: “Chiều tối 21/3, Trần Đình Nam từ Đà Nẵng ra Huế, ghé ở lại nhà tôi, vì chúng tôi vốn là bạn thân nhau từ lâu. Theo ý Trần Đình Nam thì tình hình thế giới luôn luôn biến chuyển, chưa chắc Nhật đã đứng vững được lâu. Cho nên bây giờ chơi với Nhật thì chỉ nên ra những lá bài thân Nhật, cụ thể là nên giao cho Ngô Đình Diệm thành lập một nội các hẹp, ba, bốn người thôi, không nên đốt cháy những lá bài khác. Tôi hoàn toàn tán thành sáng kiến ấy và đưa Trần Đình Nam vào yết kiến Bảo Đại, thì Bảo Đại cũng đồng ý với Nam”(9).
Thế nhưng, lúc này phương án Cường Để - Ngô Đình Diệm đã không được người Nhật lựa chọn. Và Trần Trọng Kim là người được (Nhật/ Bảo Đại) giao nhiệm vụ đứng ra thành lập một nội các mới. Trong chính phủ đó, Trần Đình Nam được giao giữ một chức vụ rất quan trọng: Bộ trưởng Nội vụ. 
Mặc dù khác nhau về việc coi Chính phủ Trần Trọng Kim là “bù nhìn” hay không phải “bù nhìn” của Nhật, nhưng hầu như các nhà nghiên cứu đều thừa nhận Chính phủ Trần Trọng Kim đã quy tụ được những trí thức trẻ, yêu nước, có tinh thần dân tộc và rất giàu tâm huyết. 
Hồi ký của Bảo Đại viết: “Tất cả những vị này đều là những nhà ái quốc chân thành. Họ không có hận thù gì với nước Pháp. Trẻ tuổi, can đảm, ý thức được nhiệm vụ ngắn ngủi của mình, họ muốn rằng chủ quyền quốc gia được đánh dấu khởi đầu từ họ”(10).
Ông Đặng Văn Việt, người được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4” trong kháng chiến chống Pháp nhận xét: “Chính phủ này tập hợp nên bởi những trí thức yêu nước có xu hướng quốc gia, muốn lợi dụng đồng minh đang thắng thế, lúc phe trục đang xuống dốc, lúc Pháp đang bị hất cẳng khỏi Đông Dương, ra điều hành đất nước, dựa vào Nhật, đợi thời cơ”(11).
Trong thời gian ngắn ngủi giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Trần Trọng Kim, Trần Đình Nam đã có một số đóng góp quan trọng xây dựng bộ máy và đối nội, đối ngoại. Báo Trung Bắc Tân văn nhận xét: “Ông Nội vụ Bộ trưởng Trần Đình Nam rất am hiểu tình thế đó nên đã đề nghị chọn tỉnh trưởng trong các bậc văn thân hàng tỉnh(12). Để minh họa cho nhận định này bài báo nhắc đến một số trường hợp, trong đó có hai nhân vật ở Nghệ An đã được trọng dụng: “cụ Đặng Văn Hướng tuổi ngoài 60 mà còn người ngưỡng vọng; ông Đặng Trần Anh, y sĩ lão thành đương nổi trách nhiệm khó khăn”. 
Tuy nhiên, “sang đầu tháng bảy, phong trào Việt Minh ở ngoài Bắc đã vang dội đến Huế và nội các Trần Trọng Kim bắt đầu lung lay”(13). Vốn không tin tưởng ở Nhật, Trần Đình Nam càng nhận ra chân tướng của họ và tình cảnh của chính phủ Trần Trọng Kim. Trần Đình Nam cho rằng: “Lúc đầu, Nhật cần để cho chúng mình làm được một đôi việc để lấy uy tín với nhân dân, nhưng dần dần nó thắt chặt quyền kiểm soát lại. Quân đội, tiền bạc, phương tiện giao thông vận tải, thông tin.v.v… đều do Nhật nắm cả. Chỉ một việc cung cấp dầu mỡ cho xe của Tổng trưởng nội các và các bộ trưởng mà phải hằng ngày xin Nhật cũng đủ cho chúng ta rõ quyền của chúng ta đến đâu”(14). Đặc biệt, Trần Đình Nam còn nói: “Chúng ta cần cảnh giác đối với cả bọn thân Pháp, cả bọn thân Nhật và nhất là đối với bọn vừa thân Nhật vừa thân Pháp như loại Phạm Quỳnh lại vô cùng nguy hiểm… Rồi Nam hạ giọng nói nhỏ cho biết rằng Nam định bắt giam Phạm Quỳnh, vì Bộ Nội vụ đã có nhiều chứng cứ không những về tội ác của Phạm Quỳnh trong thời thuộc Pháp, mà còn cả về âm mưu của nó hiện thời đang lo lót, chạy vạy với Nhật để hòng lên nắm quyền làm tay sai cho Nhật”(15). 
“Trần Đình Nam chủ trương bắt giam tên phản quốc Phạm Quỳnh, nhưng tối cao cố vấn Nhật Yô-kô-ha-ma can thiệp che chở”(16).
Sự rạn nứt, dẫn tới tan rã của Chính phủ Trần Trọng Kim được đánh dấu rõ nét từ cuộc họp nội các ngày 3/8/1945. Trong cuộc họp này khi bàn đến việc cử người đi Sài Gòn để nhận bàn giao Nam bộ từ tay Nhật, Hồ Tá Khanh là người đầu tiên nêu vấn đề: “Thái độ của các ông Phan Kế Toại và Nguyễn Xuân Chữ càng nói rõ sức mạnh và ảnh hưởng của Việt Minh. Chúng ta phải rút lui để cho họ lên cầm quyền”. “Trách nhiệm của chúng ta lúc này là rút lui, chứ không phải là bám lấy. Bám lấy mới là xấu hổ!”. Ý kiến của Hồ Tá Khanh được Nguyễn Hữu Thí vỗ tay hoan hô. Trần Đình Nam cũng đồng tình với ý kiến hai người nói trên. Ông cho rằng “muốn lấy lại Nam bộ một cách thực sự thì phải có lực lượng của toàn dân và phải chiến đấu lâu dài, gian khổ. Mà huy động và tổ chức toàn dân chiến đấu lâu dài là một công việc vô cùng khó khăn, bọn chúng ta không làm được đâu! Vậy tôi cũng đồng ý là chúng ta nên rút lui nhường chỗ cho Việt Minh càng sớm càng tốt”(17).
“Hai ngày sau, ngày 5 tháng 8, toàn thể nội các dâng lên nhà vua tờ phiếu như sau:
“Vì các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đình Nam, Bộ Kinh tế Hồ Tá Khanh, Bộ Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí xin từ chức vụ và ông Bộ trưởng Y tế - Cứu tế Vũ Ngọc Anh không may bị máy bay Mỹ bắn chết, nội các chúng tôi xét không thể tiếp tục đảm nhận trách nhiệm Hoàng đế đã ủy thác cho chúng tôi nữa. Vậy toàn thể nội các chúng tôi xin Hoàng đế xét cho từ chức”(18).
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tan rã của Chính phủ Trần Trọng Kim, mà Trần Đình Nam cũng là người chính thức lên tiếng đề nghị nội các lâm thời từ chức và Vua Bảo Đại thoái vị. Trong cuộc họp nội các lâm thời do chính Bảo Đại chủ trì, ngày 16/8/1945, như đã bàn bạc với Phạm Khắc Hòe trước đó, Trần Đình Nam đã đề xuất: “Đối nội thì điều quan trọng nhất - Trần Đình Nam nói - là toàn dân thắt chặt đoàn kết chung quanh tổ chức mạnh nhất, hăng hái nhất, tức là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn “chia để trị” ra nữa. Vậy, tôi đề nghị chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền binh cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui”(19).
Một số tài liệu, trong đó có “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”(20) cho rằng Trần Đình Nam cũng là người thảo chiếu thoái vị của Bảo Đại. Về điều này hồi ký của Phạm Khắc Hòe viết: “Tâu, còn một vấn đề nữa - Trần Đình Nam nói - chúng tôi đề nghị Hoàng đế hạ Chiếu kêu gọi động viên toàn dân. Theo ý chúng tôi, thì trong giờ phút nghiêm trọng này… việc nhà vua hiệu triệu cổ vũ toàn thể nhân dân đứng dậy tỏ quyết tâm giữ vững nền độc lập còn quan trọng hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn, lớn lao hơn là những thông điệp gửi cho các cường quốc trên thế giới. Hôm qua tôi đã nêu vấn đề này với ông Hòe và đề nghị ông Hòe nên có bản dự thảo. Nếu ông Hòe đã dự thảo xong thì xin Hoàng đế cho phép được đọc lên để mọi người góp thêm ý kiến. Bảo Đại nhìn tôi nói: “Chắc ông Hòe có dự thảo rồi. Đọc lên đi”. 
Bản dự thảo còn được thông qua lần cuối vào trưa ngày 23/8, dưới sự chủ trì của Bảo Đại. Tại đây, duy nhất Trần Đình Nam có ý kiến. Ông cho rằng “nên bỏ bớt bốn chữ “nồi da nấu thịt”, nói “Nam Bắc phân tranh” là đủ rồi”(21). 
Như vậy, có thể nói Trần Đình Nam không trực tiếp soạn thảo “Chiếu Thoái vị”, nhưng là người có ý tưởng và chắc chắn đã trao đổi rất kỹ về nội dung để Phạm Khắc Hòe chấp bút. 
Phạm Cao Dương đã đưa ra một số tư liệu, để chứng minh rằng có vai trò của Việt Minh, thông qua Tôn Quang Phiệt và Tạ Quang Bửu đằng sau các hành động của Trần Đình Nam và kể cả Phạm Khắc Hòe(22). Phạm Khắc Hòe trong cuốn hồi ký nổi tiếng “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” đã nói rõ mối quan hệ của mình với Tôn Quang Phiệt và Tạ Quang Bửu. Riêng Trần Đình Nam, tuy chưa thể khẳng định, nhưng không loại trừ khả năng có sự tác động của Tôn Quang Phiệt, hay những người khác của Việt Minh. Tuy nhiên, không thể nói Trần Đình Nam là “người của Việt Minh”, hay chịu “sự lãnh đạo” của Việt Minh. Những hoạt động của Trần Đình Nam sau Cách mạng tháng Tám, 1945 đã cho thấy mặc dù yêu nước và có tinh thần dân tộc, quyết chí làm chính trị, nhưng quan điểm chính trị của Trần Đình Nam, ngoài việc giành độc lập cho đất nước, còn lại không giống với quan điểm của Việt Minh, hay chính xác hơn của những người Cộng sản. 


Bút tích thư gửi Ngô Đình Diệm của Trần Đình Nam

3. Từ sau Cách mạng tháng 8/1945
Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam viết: “Cách mạng tháng Tám thành công, ông tích cực tham gia kháng chiến trên cương vị một nhà khoa học, làm bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Dân y tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Geneve ông ở lại miền Nam. Những năm chiến tranh ông sống ở Đà Nẵng, ông là một nhân sĩ yêu nước, sống giản dị, giữ vững tinh thần dân tộc và không a tòng với các thế lực phản động”(23).
Thực tế không hoàn toàn đơn giản như vậy.
Cách mạng tháng Tám thành công, thay vì đi theo kháng chiến như Phạm Khắc Hòe, Phan Anh và một số người khác, Trần Đình Nam trở về Đà Nẵng, tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người. 
Theo cuốn kỷ yếu “Tưởng niệm bác sỹ Trần Đình Nam”, sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Võ Nguyên Giáp về gặp, thuyết phục Trần Đình Nam ra làm việc, nhưng ông đã từ chối. Bên cạnh đó, tài liệu này cũng đưa thông tin “Khi quân đội Trung Hoa qua giải giới quân đội Nhật Bản, các nhà cách mạng Việt Nam đã trở về Hà Nội, ông đã tự ý ra Bắc bằng phương tiện riêng đến tìm gặp ông Nguyễn Tường Tam. Ông đề nghị Nguyễn Tường Tam nhân cơ hội này “đứng ra lãnh đạo quốc dân, một mặt tranh thủ độc lập với thực dân Pháp đang lăm le trở lại đô hộ nước ta một lần nữa, một mặt để ngăn ngừa sự bành trưởng của Cộng sản. Đề nghị của ông đã không được nghe theo”. Những thông tin này rất khó kiểm chứng.
Ba tháng sau ngày Quốc Khánh 2/9/1945, Trần Đình Nam được mời tham gia Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc của Chính phủ Hồ Chí Minh. Báo Cứu Quốc, số ra ngày 2/1/1946 đăng Sắc lệnh ngày 31/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về việc lập Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Ủy ban này có nhiệm vụ “nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn học và thảo ra những dự án kiến thiết đưa lên Chính phủ”. Sắc lệnh cũng đưa ra danh sách thành viên của Ủy ban nghiên cứu, bao gồm nhiều thành phần, như: Phan Anh, Kha Vạng Cân, Bùi Bằng Đoàn, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe, Hồ Tá Khanh, Phạm Khắc Hòe, bà Vĩnh Thụy, Hoàng Đạo Thúy… Trần Đình Nam có tên trong bản danh sách này. Hiện chưa phát hiện thêm thông tin về hoạt động của Ủy ban nghiên cứu, cũng như hoạt động của Trần Đình Nam trong Ủy ban này.
  Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam cho biết: “Sau ngày chiến tranh bùng nổ (19/12/1946), ông tản cư về Quế Sơn, sau đến ở tại Tam Kỳ. Việt Minh nhiều lần mời mọc tham chánh, ông vẫn một mực từ chối”. Thế nhưng, với tư cách bác sỹ, Trần Đình Nam vẫn giúp đỡ cho Dân y viện Cây Sanh, một bệnh viện của kháng chiến: “Cuối năm 1946, chiến tranh bùng nổ, ông tản cư về Quế Sơn, rồi đến ngụ tại Tam Kỳ, mở phòng mạch tư, mỗi ngày giúp không thù lao cho Bệnh viện Cây Sanh vài giờ”(24).



Sắc lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm 18 Giám sát viên (In trong sách Giám sát viện Đệ Nhị cộng hòa", 1970

“20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, ông trở về Đà Nẵng và tại đây ông gặp lại người bạn cũ, nay đã trở thành thủ tướng, rồi tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm. Ông không nhận lời mời ra tham chánh với một chức vụ tổng trưởng, nhưng đề nghị ông Diệm giao phó cho ông đứng ra thành lập một tổ chức chính trị có cơ sở quần chúng thực sự để hỗ trợ cho chính quyền của ông Diệm. Đề nghị này không được gia đình họ Ngô nghe theo vì đã giành vai trò ấy cho hai ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. 
Mặc dù vậy, không hờn giận khi thấy chính quyền nhà Ngô đi lần đến chỗ độc tài bạo tàn xa rời nhân dân, tháng 9/1960, ông đã viết cho người bạn cũ một bức thư như sau:
“Kính thưa Tổng thống
Đã 5,6 năm nay xa chánh trường, lo công việc chuyên môn, không hay đi xa, ngoài mấy giờ gặp mặt khoảng năm 1956, tôi không được nhịp trực tiếp với người bạn hiền buổi trước. Ngày nay nước nhà hữu sự đặc biệt, tôi muốn đem năm ba kinh nghiệm đã thu góp được trong những ngày hòa đời sống mình với nhân dân, thưa cùng Tổng thống. Như Tổng thống đồng ý, xin cho tôi biết ngày giờ được phép yết kiến. 
Nay kính!”
Tiếng nói trung thực của ông không được Ngô triều lưu ý, ông đành gạt bỏ tình bạn riêng và ý thức trách nhiệm với quốc dân, ông cùng các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Tường Tam, Trịnh Thế, Trần Hoàng, các nhân vật thuộc nhóm “Caravelle” Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Hồ Văn Nhật, Nguyễn Lưu Viên… và các nhân sỹ yêu nước thành lập “Mặt trận Quốc dân đoàn kết” chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm”. 
“Mặt trận Quốc dân đoàn kết” đã có vai trò tích cực, ủng hộ cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi, ngày 11/11/1960. Cuộc đảo chính thất bại. Nhiều nhân sĩ, trí thức bị lùng bắt. Mặc dù được tại ngoại, nhưng Nguyễn Tường Tam (tức Nhất Linh) cũng đã tự sát khi nhận trát của tòa án ngày 7/7/1963. Riêng Trần Đình Nam “bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ, tài sản bị sai áp, trương mục bị phong tỏa”. 
“Cuối năm 1963, Chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, theo lời mời của trung tướng Dương Văn Minh, chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng, ông tham gia Hội đồng Nhân sĩ ngày 19/12/1963 và Hội đồng đã bầu ông làm Chủ tịch lâm thời(25). 
Ngày 8/9/1964 ông lại được mời tham gia Thượng hội đồng quốc gia với chức vụ Phó chủ tịch cùng với cụ Nguyễn Xuân Chữ (Chủ tịch là cụ Phan Khắc Sửu)(26). 
Ngày 21 tháng 10/1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sắc lệnh 516/TT-SL, bổ nhiệm Trần Đình Nam cùng 17 người khác làm Giám sát viên trong tổ chức Giám sát viện(27), một cơ cấu Hiến định quan trọng của Việt Nam Cộng hòa đương thời. Theo quy định đương thời, là người cao tuổi nhất (niên trưởng) trong số 18 giám sát viên, Trần Đình Nam là Chủ tịch Giám sát viện. Sau đúng một nhiệm kỳ (1 năm), với tư cách Niên trưởng - Chủ tịch Giám sát viện, ông đệ đơn từ chức và được chấp nhận tại Sắc lệnh ngày 24/10/1969 do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký.
Trước những biến động phức tạp, dồn dập của thời cuộc, ngày 13/12/1972, trong một lá thư gửi bạn ở Sài Gòn, Trần Đình Nam bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi đồng ý với Biên về điểm nầy: Đấu tranh chính trị theo chiều chính quyền hiện tại là đường lối đúng”(28).
“Trong những năm cuối đời sống ở Đà Nẵng, mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn luôn hăng hái hoạt động cho mọi công tác công ích xã hội trên mọi địa hạt. Ông là cố vấn Phân bộ Hồng Thập tự Đà Nẵng, cố vấn Hội Khuyến học, cố vấn Ủy ban phát huy văn hóa và sáng lập viên ủy ban vận động thành lập Viện Đại học Đà Nẵng. Năm 1973, ông đứng ra thành lập Ủy ban bảo trợ làng Thanh Minh Đồng Thành, nhận chức vụ chủ tịch và tích cực cùng các chiến hữu trẻ tuổi trong ủy ban phục vụ đất nước qua công tác cụ thể xây dựng một làng định cư kiểu mẫu thực sự theo quan niệm sản xuất cộng đồng, sinh hoạt dân chủ với một tinh thần xã hội cao độ trong mọi lĩnh vực nhân sinh: Giáo dục, y tế…”(29).
Sinh thời, không chỉ là bác sĩ giỏi, tận tâm, Trần Đình Nam là người có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội. Hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Tại Tourane (Đà Nẵng) tôi là khách của Bác sĩ Trần Đình Nam, người đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Bác sĩ là người rất am tường về Tuồng Cổ, tức là Hát Bộ. Tôi được nghe bác sĩ giảng cho nghe về cụ Đào Tấn và về sau, khi tôi thực hiện cho Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia dưới thời Ngô Đình Diệm một cuốn phim về Hát Bộ Bình Định, thì tôi liên tưởng tới bác sĩ Trần Đình Nam”(30). Ông cũng đam mê nhiếp ảnh và có nhiều tác phẩm có giá trị, cuốn “Kỷ yếu tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam” có đăng một số ảnh do ông chụp.
Ông mất ngày 18/3/1974, tại Đà Nẵng, trong sự kính trọng của các giới chức và dân chúng.
“Tóm tắt” lại cuộc đời của ông, cuốn “Kỷ yếu tưởng niệm bác sỹ Trần Đình Nam” đưa ra “định nghĩa” Trần Đình Nam là: Nhà chính trị tâm huyết, chân thành - Vị bác sỹ của những người nghèo khó - Nghệ sỹ nhiếp ảnh nghiệp dư có biệt tài.
Hiện nay, tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Chú thích
1. Cũng có tài liệu cho rằng người có công cùng Normet bào chế ra loại sérum này là bác sỹ Lê Đình Thám, ở Đà Nẵng.
2. Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam”.
3. Theo tiểu sử của Trương Gia Kỳ Sanh, con trai cụ Trương Gia Mô, Niên giám Hạ nghị viện (Việt Nam Cộng hòa), pháp nhiệm 1967-1971.
4. Sách “Sào Nam Phan Bội Châu tiên sanh - Tấm lòng vì nước” - Thịnh Quang NDR xuất bản, 1926.
5. Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam”.
6. https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/cau-chuyen-hoc-gia-dao-duy-anh-soan-han-viet-tu-dien
7. Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sĩ Trần Đình Nam”.
8.  Kỷ yếu “Tưởng niệm bác sỹ Trần Đình Nam”.
9. Phạm Khắc Hòe: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, NXB Hà Nội, 1983, tr 23.
10. Dẫn theo Phạm Cao Dương: “Trước khi bão lụt tràn tới - Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam”, Truyền thống Việt (USA), 2017, tr. 90.
11.  Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 oai hùng (hồi ức). NXB Trẻ, tp HCM, 2004 (Dẫn theo Phạm Cao Dương, sdd, tr, 92).
12. Trung Bắc tân văn, số 245, ngày 20/5/1945.
13.  Phạm Khắc Hòe, sdd, tr 39.
14. Phạm Khắc Hòe, sdd, tr 40.
15. Phạm Khắc Hòe, sdd, tr. 41.
16. Vương Đình Quang: Hồi ký về Cụ Phan và Cụ Huỳnh, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội - 1992.
17. Phạm Khắc Hòe, sdd, tr. 44.
18. Phạm Khắc Hòe, sdd, tr. 44.
19. Phạm Khắc Hòe, sdd, tr. 57.
20. Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thể: Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn Hóa, 1999.
21.  Phạm Khắc Hòe, sdd, tr. 65.
22. Phạm Khắc Dương, sdd.
23. Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, sdd, trang 859.
24.  Bệnh viện Cây Sanh, tức Dân y viện Cây Sanh, ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Là bệnh viện được kháng chiến thành lập năm 1948.
25. Hội đồng Nhân sĩ là cơ quan cố vấn dân sự cho chính quyền quân sự của Hội đồng Quân nhân Cách mạng sau đảo chính Việt Nam Cộng hòa 1963. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, Hội đồng đã bị tướng Nguyễn Khánh ra quyết định giải tán sau cuộc chỉnh lý đưa ông lên nắm quyền.
26. Thượng Hội đồng Quốc gia là cơ cấu chính quyền dân sự chuyển tiếp, nhằm chuyển dần quyền lực chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ các tướng lĩnh quân nhân sau đảo chính 1963 về tay chính quyền dân sự. Tuy nhiên, Ước pháp trở thành vô giá trị sau ngày 19 tháng 12 năm 1964, khi các tướng lĩnh trong Hội đồng Quân lực thực hiện cuộc binh biến, thu hồi quyền lực vào tay các quân nhân.
27. Giám sát viện là tổ chức có chức năng tương tự như Thanh tra nhà nước, nhưng chỉ có 18 giám sát viên.
28. Kỷ yếu, tài liệu đã dẫn.
29. Kỷ yếu, tài liệu đã dẫn.
30. https://phamduy.com/en/van-nghien-cuu/hoi-ky-2/5599-chuong-4.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây