Một số tư liệu về hai hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Nghệ An

Thứ năm - 30/03/2023 05:21 0

1. Khởi công và xây dựng
Trước hết, dẫn thủy nhập điền là một chương trình lớn ở Trung kỳ đã được người Pháp quan tâm nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20 và được triển khai xây dựng, bắt đầu bằng việc khảo sát để xây dựng đập Bái Thượng và hệ thống thủy lợi sông Chu ở Thanh Hóa (khảo sát từ năm 1905 - 1915, khởi công 1918, hoàn thành 1928). Sau đó là đập Đồng Cam (Phú Yên), khánh thành năm 1932. 
  Riêng vùng Nghệ - Tĩnh dưới thời Ponyane, giám đốc cơ quan Giao thông công chính Trung kỳ đã xác định cần xây dựng 4 hệ thống thủy nông, bao gồm: Bắc Nghệ An (Vinh Nord); Nam Nghệ An (Vinh sud); Bắc Hà Tĩnh (Hatinh nord) và Nam Hà Tĩnh (Hatinh sud). Đến năm 1930 việc khảo sát, thiết kế đã chuẩn bị xong. 

Vua Bảo Đại nghe giới thiệu về dự án trong chuyến thăm Nghệ An, tháng 11/1932
Theo đó, đến năm 1930, dự án Nam Nghệ An đã hoàn thành nghiên cứu và được trình phê duyệt, có mục tiêu tưới tiêu cho diện tích 16.000 ha. Đây là hệ thống kênh thấp, được tưới bằng máy bơm. Dự án Bắc Nghệ An cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu, thiết kế, có mục tiêu tưới tiêu cho 40.000 ha. Nhưng do địa hình, hệ thống sẽ được tưới bằng trọng lực (nước từ kênh cao chảy xuống thấp) đơn giản hơn(2).
Năm 1930, tại Đại hội đồng kinh tế Đông Dương các đại biểu Trung kỳ, là hai nhà doanh nghiệp ở Vinh, Trần Ngọc Thiện và Trần Bá Vinh đã đề xuất sớm xây dựng hệ thống thủy nông ở Nghệ An và Hà Tĩnh(3). 
Theo báo Đông Pháp, số ra ngày 9/1/1932, để tạo nguồn ngân sách xây dựng công trình, tháng 2 năm 1930 nhà nước đã dự định phát hành trái phiếu. Thế nhưng, sau chuyến thị sát tháng 8 năm 1931, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã quyết định cho khởi công sớm, mà không đợi đợt phát hành trái phiếu. Bài báo viết: 
“Cái chương trình nông giang này do cố giám đốc lục lộ Ponyane dự định từ trước, nhưng chưa định thi hành, còn chờ cuộc công thải do sắc lệnh ngày 22 Fevrier 1930 đã định. Hồi tháng 8 năm ngoái, quan Toàn quyền Pasquier nhận thấy dân tình đói khổ, cần phải khởi công để cho mấy vạn dân đương phấn đấu với con ma đói rét có công việc làm ăn”(4). 

Kiến nghị của hai dân biểu Trần Ngọc Thiện và Trần Bá Vinh

Nguyễn Khoa Kỳ, nguyên Tổng đốc Nghệ An, tại lễ khánh thành hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An, ở Đô Lương, ngày 2/6/1937 cho biết: Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1931, mỗi ngày có hơn tám vạn người được phát chẩn “Cũng trong năm ấy, nhà nước mở cuộc nông giang cho nhân dân trong tỉnh có công việc làm”(5). 
Tràng An báo viết: “Việc dẫn thủy lợi nông nầy khởi công từ năm 1930, là lúc dân tỉnh Nghệ gặp cơn đói khó, tình cảnh rất bức thiết, nhơn chính phủ mở việc đại công tác ấy dân nghèo nhờ đó mà có được việc làm”(6).

Thông báo mời thầu đăng trên báo Thanh Nghệ Tinh tân văn 19/5/1933

Một số báo cũng đưa tin cuối năm 1931, những người ăn xin ở Nghệ An đã được gom về Đô Lương và Nam Đàn để đào sông. Qua đó có tiền công để mua gạo và thức ăn. 
Tháng 9 năm 1931, Thực nghiệp Dân báo đã đăng liên tục ba kỳ bài báo của Nguyễn Trác, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, trong đó mô tả việc đào sông diễn ra ở Diễn Châu, Yên Thành, Nam Đàn. Bài báo cho thấy, đến tháng 8 năm 1931, việc đào sông đã được triển khai ở các địa phương trên và được người dân tham gia, với mục đích là có tiền công để kiếm sống hàng ngày. Ở Nam Đàn, mỗi thước khối đất được trả 14 xu, hai ba ngày đo đất, phát công một lần. Người khỏe mỗi ngày làm được từ một thước rưỡi đến hai thước, người yếu chỉ làm được trên dưới một thước. Như vậy, mỗi ngày đi đào sông cũng có thể kiếm được từ 2 đến 4 cân gạo. Tuy nhiên, các chủ thầu chỉ cần khoảng từ 400 đến 500 người, trong lúc đó nhu cầu việc làm là rất lớn “Có nhiều người đi không về không, muốn làm mà không đủ việc, biết ăn gì mà sống được”(7).

 Toàn quyền Đông Dương Brevie và vua Bảo Đại tham quan đập Đô Lương (Ảnh đăng báo Le Populaire d’Indochine, ngày 5/6/1937)

Tính ra đã có 5 gói thầu được chỉ định trước trong năm 1931, tổng giá trị 111.000đ, có mục đích là tạo việc làm và thu nhập cho dân, góp phần chống đói. Bao gồm: Đô Lương (1 lô), Yên Thành (2 lô) và Yên Lý (2 lô)(8).
Sau 5 gói thầu này, các gói thầu khác đều được đấu thầu công khai rộng rãi, với sự tham gia của các nhà thầu khoán ở Vinh và các tỉnh ở Bắc kỳ, Trung kỳ. Báo chí đương thời đăng rất nhiều thông báo mời thầu thuộc dự án thủy nông Bắc và Nam Nghệ An. Do chủ yếu lao động thủ công, nên đại công trường xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An hàng ngày thu hút khoảng hai vạn người tham gia.
Riêng hệ thống thủy nông Nam Nghệ An (Vinh sud), tuy cũng được bắt đầu xây dựng từ tháng 8 năm 1931, nhưng về mặt kỹ thuật phức tạp, do lòng sông thấp hơn, phải dùng hệ thống máy bơm lớn, nên quá trình thi công chậm hơn. Những công việc quan trọng nhất của Hệ thống Nam là: Xây dựng bara Nam Đàn; đào sông từ Nam Đàn về Vinh, nối với sông Vinh; nắn lại sông Vinh cho thẳng (Nắn thẳng đoạn từ cầu Tân Phượng xuống bara Bến Thủy, bỏ những đoạn gấp khúc qua đền Hoàng Mười) xây dựng bara Bến Thủy và bara Nghi Quang để điều tiết nước và ngăn mặn. Cho đến ngày 2/6/1937, khánh thành Hệ thống Bắc thì bara Nam Đàn và bara Bến Thủy vẫn đang xây dựng. 


Tin tai nạn lao động trên công trường đào sông, đăng báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn ngày 22/5/1933

Trong quá trình thực thi dự án, công tác truyền thông đã được chính quyền đương thời tổ chức rầm rộ. Các báo lớn ở Bắc kỳ và Trung kỳ đều đưa tin thường xuyên về công trình. Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn còn tổ chức một cuộc thi sáng tác phú về Hành Cung và thơ về Nông giang trong hai năm 1932, 1933 thu hút hàng trăm người tham gia. Sau khi rời chức Tổng đốc Nghệ An về Huế nhậm chức Bộ trưởng Xã dân Kinh tế, Nguyễn Khoa Kỳ đã tổ chức cuộc thi viết về công cuộc dẫn thủy nhập điền bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, thu hút hàng trăm bài dự thi. Hệ thống quan chức cơ sở ở tổng, xã cũng được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động dân chúng giao đất cho chính quyền đào sông. Theo gia đình cho biết, tiến sỹ Hoàng Kiêm, nguyên tổng đốc Nam Ngãi, về hưu ở Vinh, cũng được chính quyền nhờ về quê (Diễn Châu) tuyên truyền, vận động dân chúng ủng hộ việc làm thủy nông.
2. Sự kiện khánh thành Hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An ngày 2/6/1937, tại Đô Lương
Do tầm quan trọng đặc biệt cả về kinh tế và chính trị của công trình, nên đương thời chính quyền Nam triều và bảo hộ Pháp đã dành cho hệ thống thủy nông Bắc và Nam Nghệ An sự quan tâm rất lớn. 
Như đã nói ở trên, tháng 8 năm 1931, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã thị sát tình hình Nghệ Tĩnh và quyết định cho khởi công sớm công trình, mà không đợi kết quả phát hành trái phiếu.
Ngay sau khi hồi loan hai tháng, trong chuyến thăm Nghệ An tháng 11 năm 1932, vua Bảo Đại đã đến thăm công trường xây dựng đập Đô Lương và nghe kỹ sư trưởng báo cáo về dự án. Sau đó, kể cả khi Hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An đã khánh thành, vua Bảo Đại vẫn tiếp tục ra thăm, dự khánh thành, hoặc kiểm tra tình hình các dự án thủy nông ở Nam Đàn, Đô Lương, Quỳnh Lưu và Diễn Châu.


Toàn quyền Đông Dương Brevie đọc diễn văn tại buổi lễ (Ảnh đăng báo Le Populaire d’Indochine)

Tháng 4 năm 1936, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil đã kiểm tra công trường xây dựng đập Đô Lương(9).
Ngày 2/6/1937, Hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An đã chính thức khánh thành. Đây được coi là một sự kiện lớn trong lịch sử hiện diện của Pháp ở Đông Dương. Báo chí đương thời đã dành cho sự kiện này sự quan tâm đặc biệt. 
Theo tường thuật của báo Tương lai Bắc kỳ(10) và một số tờ báo khác, hôm đó, Toàn quyền Đông Dương Brévié cùng tùy tùng đi tàu hỏa từ Hà Nội vào. Vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil và các quan chức cao cấp Tây, Nam từ Huế đi tàu ra. Họ gặp nhau tại ga Phủ Diễn vào lúc 5g30, sau lên xe di chuyển đến Đô Lương. Dọc đường, đoàn được dân chúng chào đón rất kính cẩn. Tham dự buổi lễ có mặt đầy đủ các quan chức cao cấp của chính quyền bảo hộ Pháp và Nam triều, từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội, kể cả quan chức ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có hơn 20 tờ báo dự và đưa tin. Sự kiện cũng thu hút trên dưới bốn vạn người dân tham dự.
Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil, là người đầu tiên phát biểu khai mạc buổi lễ. 

Công trường thủy nông Bắc Nghệ An (Ảnh Trần Đình Quán)

Sau đó, ông Trần Bá Vinh, đại biểu thương mại của Nghị viện Trung kỳ phát biểu với tư cách đại diện cho dân chúng Nghệ An.
Tiếp theo, ông Nguyễn Khoa Kỳ, nguyên Tổng đốc Nghệ An, đương kim Bộ trưởng Bộ Xã dân Kinh tế phát biểu.
Ông Gassier, Tổng Thanh tra Giao thông công chính phát biểu, chủ yếu nói rõ những vấn đề về kỹ thuật của công trình. 
Người phát biểu cuối cùng trong buổi lễ là Toàn quyền Đông Dương Brévié. Ông đã đọc một diễn văn rất dài (Tràng An báo, xuất bản ở Huế đã đăng bản dịch bài diễn văn này trong 5 số báo liên tục). Bài diễn văn phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như tầm vóc mà ông cho là “vĩ đại” của Hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An. Đồng thời, cũng đề cập đến chính sách phát triển nông nghiệp của nhà nước bảo hộ đối với Đông Dương, cũng như Trung kỳ, Bắc kỳ và Nam kỳ. 
Toàn quyền Đông Dương J. Brévié trong diễn văn của mình đã cho biết những quan chức và các kỹ sư Pháp có công trong hoạch định chủ trương, khảo sát, thiết kế và tổ chức thi công công trình này “Tôi khen và tôi cám ơn các quan tổng thanh tra công chính Pouyanne, Favier, Lefevre, Gassier các ông chánh kỹ sư chánh sở Bizot, Bauzil, Machefaux và Arnoux, các ông kỹ sư Breure, Audin, Puydebat, Audry, Bouvy, Ladreville, Hanriot, Lang và Revol, các ông phó kỹ sư, đốc công đạo lộ cán sự, các ông công chánh chuyên môn cán sự, các ông trưởng siểng, các ông sếp kíp, các ông thầu khoán, các ông cai thầu và anh em thợ thuyền đã hoàn toàn được công cuộc vĩ đại này”(11).
Bài diễn văn cũng chỉ rõ khối lượng khổng lồ những công việc đã làm:
“Ở trước mắt chúng ta trông thấy một mớ sông và ngòi lạch mới đào kể tất cả dài 228 cây số, lại còn 380 cây số ngòi lạch phụ tòng để dẫn nước mầu mỡ cho nhuần khắp mọi nơi; đã phải xẻ một cái đường hầm thông qua núi ngót 500 thước. Những cái ống nước để lấy nước và tháo nước dài tới 3600 thước tây. Cái dung tích đất phải đào lên để làm sông ngòi, tính tất cả tám triệu rưỡi thước khối và lại phải thêm vào số đó 38 vạn thước khối đất để đào các kênh nhỏ, đã phải dùng 6 vạn 4 nghìn thước khối bê tông và 2 vạn 8 ngàn thước khối đá khô và đá cục để dùng về sự công tác ấy. Lại phải dùng 2 nghìn 272 tấn thép, gỗ cừ đóng xuống lòng sông dài tới 18.740 thước. 
Đến lúc làm xong cái công cuộc này hết 9.700.000 công thợ, món tiền dùng vào công cuộc này hết 4 triệu rưỡi bạc tức là 45 triệu Phật lăng, mà món tiền đó thì dân sự tỉnh này đã lĩnh được 2 triệu mười lăm vạn bạc mặt, tức là 48 phần trăm cái món tiền đã tiêu dùng”.
Bài diễn văn cũng dự tính lợi ích kinh tế từ công trình, cụ thể là diện tích canh tác và sản lượng lúa tăng lên sau khi đưa công trình vào hoạt động. 
“Mỗi giây đồng hồ thì nước sông Cái chảy vào ống hút nước được 37 nghìn lít. Cái hệ số dẫn thủy nhập điền chảy vào trong 35 nghìn 600 mẫu tây là độ một lít nước chảy vào một mẫu tây trong một giây đồng hồ. Rồi một mẫu tây sẽ sinh sản trung bình từ 900 cân tới 1.650 cân thóc. Số thóc sinh sản trong vùng đã dẫn thủy nhập điền sẽ tăng từ 39 nghìn tấn đến 42 nghìn tấn một năm”.
Sau khi kết thúc diễn văn, Toàn quyền Đông Dương cùng vua Bảo Đại đã trao thưởng cho các kỹ sư, các quan chức, nhà thầu đã có công xây dựng công trình. Vua Bảo Đại cũng đã dự lễ xướng danh và trao thưởng cho những người đạt giải trong kỳ thi viết về Chương trình dẫn thủy nhập điền do Bộ Xã dân Kinh tế tổ chức và cuộc thi sáng tác phú về Hành Cung và thơ về nông giang do Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn tổ chức. 
Cuối cùng Toàn quyền Đông Dương và nhà vua cùng các quan chức cao cấp đã đi tham quan đập Đô Lương.
Kết thúc buổi lễ các quan khách và đại biểu đã trở về thành phố Vinh. 
Buổi chiều ngày 2/6/1937 Toàn quyền Đông Dương Brevie cùng vua Bảo Đại tiếp tục thăm công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An (Vinh sud) tại Nam Đàn và Bến Thủy.
Vào lúc 15 giờ 30 phút, đoàn thăm đập Thanh Thủy (Nam Đàn). Kỹ sư Arnoux đã giới thiệu chi tiết cho Toàn quyền Đông Dương và nhà vua nghe.  
Tiếp theo là chuyến thăm công trình Sa Nam (Bara Nam Đàn).
Vào lúc 17h 30 phút, thăm công trường xây dựng bara Bến Thủy. Tại đây, vua Bảo Đại đã trao thưởng cho những người có công.
Sau khi dự tiệc chiêu đãi, vào lúc 21giờ tối, ngày  2/6/1937, Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế và Khâm sứ Trung kỳ cùng đoàn tùy tùng đã lên tàu vào Huế.
Qua những thông tin trên đây có thể nhận thấy: Các dự án thủy nông ở Nghệ An nằm trong chủ trương chiến lược và đã được nghiên cứu, khảo sát, thiết kế từ nhiều năm trước, đã chuẩn bị phát hành trái phiếu để tạo nguồn ngân sách xây dựng. Khi Xô viết Nghệ Tĩnh xảy ra, đặc biệt là tình trạng thiếu đói rất nghiêm trọng do mất mùa liên tiếp mấy vụ, Toàn quyền Đông Dương đã buộc phải cho triển khai sớm, mà không đợi phát hành trái phiếu. Chính người Pháp cũng thừa nhận là triển khai chương trình này quá muộn, nếu làm sớm hơn sẽ có lợi hơn. “Những việc ấy khi xưa rất cần kíp, bây giờ người ta chỉ có thể tiếc rằng những việc ấy đã không làm sớm hơn thôi; ta cũng nên nói điều này: Mãi đến khi nạn đói làm cho những người dân quê Nghệ An nổi loạn và người Pháp chúng ta phải dùng đến súng cối xay và bom để đàn áp, người ta mới quyết định làm những công việc ấy”(12).
  Tuy nhiên, bài báo vừa trích dẫn trên cũng cho biết, chính trong chính giới Pháp đương thời cũng có một số quan điểm cho rằng số tiền đầu tư xây dựng hệ thống thủy nông ở Nghệ Tĩnh, một vùng đất xấu, khí hậu khắc nghiệt, nếu đầu tư ở những nơi khác thuận lợi hơn, phì nhiêu hơn, sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần. Có thể diễn biến khốc liệt của Xô viết Nghệ Tĩnh, đã làm cho những suy tính thuần túy lợi ích kinh tế phải nhường bước cho nhu cầu dân sinh lâu dài và nhu cầu ổn định chính trị cấp thiết ở Nghệ Tĩnh và toàn quốc.
Trải qua ngót 90 năm, cho đến nay Hệ thống thủy nông Bắc và Nam vẫn đang đóng vai trò chủ lực về tưới tiêu, góp phần cực kỳ quan trọng về phát triển nông nghiệp, đảm bảo dân sinh của Nghệ An.

Chú thích
1. Lịch sử Nghệ An, NXB CTQG, 2012, tr. 889
2. Indochine fran-aise. Grand conseil économique et financier. Auteur du texte. Réponses aux voeux émis par le Grand conseildes intérêts économiques et financiers de l'Indochine au cours desa session ordinaire de.... 1930.
3. Indochine fran-aise. Grand conseil économique et financier. Auteur du texte. Réponses aux voeux émis par le Grand conseildes intérêts économiques et financiers de l'Indochine au cours desa session ordinaire de.... 1930.
4. Công việc nông giang ở Nghệ An - Đông Pháp, số ra ngày 9/1/1932. 
5. Báo Điễn tín, ngày 10/6/1937
6. Tràng An báo ngày 4/6/1937
7. Tình hình Nghệ Tĩnh Trong con mắt ông Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, Thực nghiệp Dân báo, các số ra ngày 4,5,6 tháng 9 năm 1931.
8. Annam. Auteur du texte. Rapport d'ensemble sur la situation du protectorat de l'Annam pendant la période comprise entre le ... et le ... / Protectorat de l'Annam. 1933-06-01.
9. OURNÉE DE MONSIEUR LE RÉSIDENT SUPÉRIEUR GRAFFEUIL Les grands travaux d’irrigation (L'Avenir du Tonkin, 6 avril 1936).
10. L’Avenir du Tonkin, 7 juin 1937.
11. Brévié, Jules (1880-1964). Auteur du texte. Bài diên-vn cua quan -ông-Pháp Toàn-Quyên dai thân J. Brévié õ miên B Nghê-an. 1937. 
12. La Revue Franco- Annamite, ngày 16/6/1937.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây