Mấy tư liệu về mối tình Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du

Thứ bảy - 03/12/2022 04:21 0
Trên Tạp chí Văn học số 11/1964 học giả Trần Thanh Mại (1911 - 1965) giới thiệu bài thơ Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu 感舊兼呈勤政學士阮侯 (Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân 侯宜春仙田人): Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu (Hầu người Tiên Điền, Nghi Xuân – tức Nguyễn Du) của Hồ Xuân Hương. Bài thơ như sau;
       Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ nhung.
       Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
       Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
       Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
       Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
       Phấn son càng tủi phận long đong.
       Biết còn mảy chút sương đeo mái
       Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
(Câu 7 Gs Hoàng Xuân Hãn phiên âm là: Biết còn mảy chút sương siu mấy & chú thích sương siu nghĩa là bịn rịn) (1)
    Năm 1979 nhà thơ Xuân Diệu bổ sung bài này vào tiểu luận Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm mà ông hoàn thành vào năm 1959. Ông bình luận thật sôi nổi: “Rằng như hẳn có thế thì…vui biết bao! Cái thiên tài của tiếng Việt & cái tinh túy của tâm hồn Việt Nam nở rộ cùng một lúc ra hai tài thơ lớn, mỗi người một vẻ. Truyện Kiều là tác phẩm tuyệt vời của văn học cổ điển, thơ Hồ Xuân Hương là tác phẩm tuyệt vời của nguồn thơ nôm na bình dân…Tự nhiên Hồ Xuân Hương gần lại với chúng ta hơn nữa & trở thành cụ thể hơn…Hồ Xuân Hương bây giờ là đương thời với Nguyễn Du…Và ngược lại Nguyễn Du là đương thời với Hồ Xuân Hương, yếu tố này làm cho khái niệm Nguyễn Du ở trong tâm trí ta được ấm áp thêm” (2)
Dựa vào dòng chú thích của Hồ Xuân Hương trong bài thơ & dựa vào gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Gs Hoàng Xuân Hãn cho rằng bài thơ này làm vào khoảng thời gian sau tháng 2/1813, lúc Nguyễn Du đã được thăng Cần chánh điện học sĩ & được chọn làm chánh sứ đi tuế cống triều Thanh. Cũng theo ông, Nguyễn Du & Hồ Xuân Hương giao du với nhau khoảng từ năm 1792  đến năm 1795, lúc trai từ 27-30 tuổi, gái từ 19 - 22 tuổi.
 Bài thơ hé mở nhiều nét về tâm hồn nữ sĩ. Xuân Hương mừng cho bạn & tủi cho số phận mình. Nàng hy vọng Nguyễn Du vẫn nhớ đến mối tình xưa & biết đâu đó trên đường đi sứ qua Thăng Long, có một ngày chàng ghé bước lại thăm Cổ nguyệt đường, nơi nàng vẫn “năm canh chiếc bóng chong”. Nhưng bấy giờ Nguyễn Du đã 48 tuổi, lại đường đường là một vị chánh sứ “Nghĩ mình phương diện quốc gia”ông khó lòng làm theo ý riêng. Nguyễn Du vốn rất cẩn thận, dè dặt trong quãng đời làm quan với nhà Nguyễn. Không thể đáp mộng Xuân Hương, nhưng biết đâu từ trong sâu thẳm tâm hồn vị chánh sứ đa tình vẫn còn nặng lòng vương vấn với người cũ?
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết:
Xót thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
 Trong Nam trung tạp ngâm (sáng tác rải rác từ 1804 - 1820), Nguyễn Du còn viết 5 bài thơ Mộng đắc thái liên 夢得採蓮 (Chiêm bao thấy hái sen) nhắc đến chuyện ông dan díu với một người con gái ở cạnh Hồ Tây - người con gái mà ông thương cảm vì gặp cảnh ngộ không may. Ông mượn chuyện sen để kín đáo nói đến mối tình quyến luyến giữa hai người. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người con gái Thăng Long đó chính là Hồ Xuân Hương, chứ không phải là ai khác. Xin trích các bài thơ đó:
Bài 1: Khẩn thúc giáp điệp quần, Thái liên trạo tiểu đĩnh. Hồ thủy hà xung dung, Thủy trung hữu nhân ảnh
緊束蛺蝶裙, 採蓮棹小艇. 湖水何浺瀜 ,水中有人影.                       
(Bó chặt quần (thêu) cánh bướm, Chèo thuyền con hái sen. Nước hồ sao mênh mang, Trong nước có bóng người)
Bài 2: Thái thái Tây hồ liên, Hoa thực câu thướng thuyền. Hoa dĩ tặng sở úy,Thực dĩ tặng sở liên.
   ( 採採西湖蓮,花實俱上船。花以贈所畏,實以贈所憐)
 (Hái sen hồ phía Tây, cả hoa lẫn gương đều bỏ lên thuyền. Hoa để cúng người mình sợ, gương để tặng người mình thương)
Bài 3:  Kim thần khứ thái liên, Nãi ước đông lân nữ. Bất tri lai bất lai, Cách hoa văn tiếu ngữ.今晨去採蓮,乃約東鄰女.不知來不知,隔花聞笑語
(Sáng nay đi hái sen, có hẹn với cô hàng xóm. Không rõ có đi hay không? Bỗng cách hoa có tiếng cười nói)
Bài 4: Cộng tri liên liên hoa,Thùy giả liên liên cán. Kỳ trung hữu chân ti, Khiênliênbấtkhảđoạn.共知憐蓮花,誰者憐蓮幹。其中有真絲牽連不可斷。 (Ai cũng thích hoa sen, chẳng ai thích cuống sen. Không biết trong cuống có những sợi tơ bền, vấn vương không dứt ra được) 
Bài 5: Liên diệp hà thanh thanh, Liên hoa kiều doanh doanh   Thái chi vật thương ngẫu, Minh niên bất đắc sinh.
蓮葉何青青, 蓮花嬌盈盈.採之勿傷藕,明年不復生(Lá sen sao quá xanh, Hoa sen đẹp nõn nà. Hái sen chớ làm gẫy ngó sen (mầm sen), Sang năm sen không mọc lại được)(3).
Mấy năm gần đây Phạm Trọng Chánh - Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne tác giả Nguyễn Du Mười năm gió bụi, Khuê Văn .Paris2011; Đi tìm Cổ Nguyệt Đường  và  mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du cùng hàng loạt công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương & Nguyễn Du, tiếp tục làm sáng tỏ nhận định của Gs Hoàng Xuân Hãn. 
Theo Phạm Trọng Chánh “Nguyễn Du sau ba năm(1787-1790) chu du Vân Nam, Trường An, Hàng Châu gặp anh Nguyễn Nể và Đoàn Nguyễn Tuấn tại Hàng Châu, trở về ở Thăng Long ở với anh Nguyễn Nể. Trong bài Mộng đắc thái liên, Nguyễn Du gọi Xuân Hương là lân nữ, cô hàng xóm, và hẹn hò cùng nàng hái sen. Mối tình ba năm (1790-1793) Chữ tình chốc đã ba năm vẹn .Thơ Hồ Xuân Hương bài Cảm Cựu. Kiêm Trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, hầu Nghi Xuân, Tiên Điền nhân… Bài Mộng đắc thái liên, Nguyễn Du làm khoảng năm 1804-1805, sau khi được triệu vào kinh đô Huế thăng chức Đông Các Học Sĩ, chức vụ thân cận vua Gia Long, hàng ngày dâng sách cho vua đọc, bàn luận cùng vua về trị nước, thảo các chiếu biểu cho vua. Nhìn sen hồ Tịnh Tâm, Nguyễn Du không khỏi nhớ đến những ngày mơ mộng hơn mười năm xưa đã cùng nàng cô hàng xóm, hẹn nàng đi hái sen,nàng đã đến trong lòng chàng từ lúc nào, tiếng nàng vọng từ sau khóm hoa. Nguyễn Du kín đáo ví von tình mình như sợi tơ bền vấn vương hoài không dứt. Xắn gọn chiếc quần ống rộng có dây thun phiá dưới, phùng ra như cánh bướm, chèo thuyền đi hái sen, nước hồ lai láng, dưới nước in bóng hai người. Hái sen Hồ Tây, hái hoa và hái gương, hoa tặng người mình kính, gương tặng người mình thương. Hôm ấy đi hái sen, hoa Nguyễn Du tặng cho bà Hà, mẹ của Xuân Hương và anh Nguyễn Nể, và gương có lẽ tặng hết cho Phi Mai để nấu chè hột sen !. Sáng sớm đi hái sen, hẹn với nàng láng giềng, nàng đến không biết tự lúc nào, sau khóm hoa đã nghe nàng cười nói ròn rã.. Ai cũng thích hoa sen, nhưng mấy ai thích thân hoa sen, có những sợi tơ bền, vấn vương không bao giờ dứt. Nguyễn Du đã kín đáo ví lòng mình, mối tình với nàng không bao giờ dứt.. Lá sen màu xanh xanh, hoa sen đẹp xinh xinh, vì đâu ai hái đã làm lìa ngó, mà năm sau chẳng có hoa sen?”.
Qua bài viết Hình bóng Hồ Xuân Hương qua thơ Phạm Đình Hổ ông đã dịch & bình chú 3 bài thơ Phạm Đình Hổ như sau: Bài 1 有所感: Hữu sở cảm. Trường An tiểu nhi nữ,Tiêm thủ quán a hoàn. Thâm khuê bất tri khổ, Do tảo lạc hoa khan./ Trường An tiểu nhi nữ, My đại nguyệt song loan.Vị ái mai hoa khiết, Lâm phong bất giác hàn/Trường An tiểu nhi nữ, Hoa tiền độc ỷ lan. Chỉ phạ đàn lang thính, Hoành cầm tiếu bất đàn.
長安小兒女,纖手綰丫鬟。深閨不知苦,猶掃落花看。
長安小兒女,眉黛月雙彎。為愛梅花潔,臨風不覺寒。
長安小兒女,花前獨倚欄。祇怕檀郎聽,橫琴笑不彈
Phạm Trọng Chánh (Nhất Uyên) dịch thơ: Trường An cô gái nhỏ,Đôi tay vấn tóc thề,Khuê phòng không biết khổ,Quét hoa rụng bay về./Trường An cô gái nhỏ,Mi đen vầng trăng non,Vì yêu mai thanh khiết,Chẳng nề gió lạnh lùng./Trường An cô gái nhỏ,Nhìn hoa tựa bên song.Buông đàn cười chẳng gảy,Sợ làm ai chạnh lòng. Và bình: “… Cô gái kinh đô Thăng Long ngồi nhìn hoa, buông cây đàn cười chẳng gảy, ngại làm ai chạnh lòng. Bài thơ có lẽ làm năm 1784-1785 lúc Phạm Đình Hổ mới, 16, 17 tuổi, mới ra du học tại Thăng Long, học tại Cổ Nguyệt Đường của cụ Đồ Diễn, ngôi nhà hình vuông giữa sân trống có hòn non bộ, lớp học nơi tiền viện, chàng ngồi '  sôi kinh, nấu sử ', thỉnh thoảng liếc mắt ra sân, cô con gái yêu của thầy,13, 14 tuổi đọc sách thơ, phú nơi khuê phòng bên hữu viện, đôi tay thường vấn tóc thề làm dáng, thỉnh thoảng ôm đàn, nhưng chẳng gảy (gảy ồn ào, cha đang giảng kinh sách, bình văn) thỉnh thoảng tỏ sự hiện diện của mình bằng cách 'biểu diễn' ra sân trước, vườn sau quét sân hoa rụng, tỏ ra vẻ mình là gái siêng năng cần mẫn, công dung ngôn hạnh và nghe lén xem cha bình văn đang khen bài của ai ?”.
Bài 2: 少女撒嬌 Thiếu nữ tản kiều. Thiếu tiểu thuỳ gia nữ, Phong tiền mại tiếu trang.Thiển mi chung học liễu, Đinh mấn tảo sơ hương. Niểu niểu sơ lâm kính,Y y tự đoạn trường. Bất tri bồng tất lý,  Áp tuyến chính phùng thường.
少小誰家女,風前賣俏妝。淺眉終學柳,丁鬢早梳香。
裊裊初臨鏡,依依似斷腸。不知蓬蓽裡,壓線正逢裳。
 Dịch nghĩa: Cô bé làm duyên
Con gái nhà ai còn bé,Trước gió trang điểm vụng về. Mày còn thưa học kẻ theo lá liễu. Tóc ngắn đã sớm có chút mùi hương. Thướt tha đến trước gương, Uốn éo như đang đau bụng. Chẳng biết lúc đó cỏ may, Đang đâm cả vào gấu quần
Phạm Trọng Chánh cho rằng: “ Bài thơ hoàn toàn phù hợp với Xuân Hương Hồ Phi Mai những năm 1790-1791, cô gái mới lớn bắt đầu biết yêu, bắt đầu để ý đến nhan sắc của mình, học kẻ lông mày vụng về, đứng trước gương ngắm bóng mình. Câu : Y y tự đoạn trường, uốn éo như đứt ruột cho ta phỏng đoán thêm một chi tiết thú vị, cô gái ấy đang mới yêu một chàng công tử đang diễn nôm truyện " Đoạn trường tân thanh ", chàng trai ấy sau ba năm phiêu bạt giang hồ đi vạn dậm Trung Quốc, mang về quyển Kim Vân Kiều truyện, chàng say mê diễn ca thơ nôm, gặp ai chàng cùng thuyết giảng, kể chuyện về Hồng nhan đa truân. Bạn bè chàng Phạm Quý Thích thì khuyến khích, Đoàn Nguyễn Tuấn bị ảnh hưởng viết cả một bài thơ về Hồng nhan đa truân trong Hải Ông Thi tập, nhưng Phạm Đình Hổ thì chế nhạo, nên nguyên cả tùy bút, thơ văn mình viết về bạn bè đương thời, có cả một bài viết về họ Nguyễn Tiên Điền (trong Vũ Trung tùy bút) một bài viết cho Nguyễn Tiên Điền(trong thơ văn Phạm Đình Hổ) không rõ là cho Nguyễn Nể hay Nguyễn Du, nhưng không hề một chữ nào nhắc đến Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh. Điều này tôi có trao đổi với GS Hoàng Xuân Hãn và GS Nguyễn Tài Cẩn. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phỏng đoán rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều rất sớm từ năm 1790 lúc còn rảnh rỗi vì sau đó khi ra làm quan, Nguyễn Du không có thì giờ để viết một truyện nôm như thế. GS Nguyễn Tài Cẩn, sau mười năm tìm chữ húy trên 10 văn bản cổ nhất Truyện Kiều đã đi đến kết luận, Truyện Kiều được viết trước thời Gia Long (1802) vì có nhiều chữ húy thời Lê Trịnh”.
Bài 3: 懷古 Hoài cổ
Khứ tuế đào hoa phát,Lân nữ sơ học kê.Kim tuế đào hoa phát,Dĩ giá lân gia tây./Khứ tuế đào hoa phát,Xuân phong hà thê thê.Lân nữ đối hoa khấp,Sầu thâm mi chuyển đê/.Kim tuế đào hoa phát,Xuân thảo hà thê thê.Lân nữ đối hoa tiếu,Ngâm thành thủ tự đề.
去歲桃花發,鄰女初學嵇。今歲桃花發,已嫁鄰家西。
去歲桃花發,春風何淒淒。鄰女對花泣,愁深眉轉低。
今歲桃花發,春草何淒淒。. 鄰女對花笑,吟成手自題
Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch thơ:
 Năm ngoái hoa đào nở,
Cô gái học cài trâm.
Năm nay hoa đào nở,
Cô đã đi lấy chồng.
Năm ngoái hoa đào nở,
Gió xuân sao lạnh lùng.
Cô gái nhìn hoa khóc,
Sà mi, lòng não nùng.
Năm nay hoa đào nở,
Cỏ xuân xanh lạ lùng.
Cô gái nhìn hoa cười,
Đề thơ tả nỗi lòng.
Theo Phạm Trọng Chánh: “Bài Hoài Cổ chế nhạo một cô gái được mẹ gả chồng xóm Tây gần, dấu nỗi lòng yêu đương một hình bóng khác nên nhìn hoa mà khóc, bên hoa nàng cười nụ, thổ lộ nỗi lòng trong thơ văn. Bài này phù hợp với tâm tình Hồ Xuân Hương khoảng năm 1795-1796, khi Nguyễn Du ở Hồng Lĩnh toan vượt biên trốn vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh bị Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận bắt giam ba tháng, tin này ra Thăng Long, mẹ Hồ Xuân Hương đã thôi thúc gả nàng cho anh Thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nhại vần thơ Thôi Hộ: Hoa đào năm ngoái… Cô gái biết làm thơ, dấu nỗi lòng yêu một người đã gặp gỡ dưới hoa đào, lẽ ra phải vui khi mẹ gả lấy chồng, nàng lại âm thầm khóc bên hoa thương nhớ người xa, điều này phù hợp với tâm sự Hồ Xuân Hương khi mối tình đầu với Nguyễn Du tan vỡ(3).

 
Chú thích:
(1)  Hoàng Xuân Hãn: Hồ Xuân Hương - Thiên tình sử. Nxb Văn Học. H.1999.
 (2)Xuân Diệu: Các nhà thơ cổ điển Việt Nam Nxb Văn Học. H.1982. Tập II.
(3) Phạm Trọng Chánh - Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne  Hình bóng Hồ Xuân Hương qua thơ Phạm Đình Hổ 
 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây