Vấn đề nước sạch ở Vinh thời Pháp thuộc qua góc nhìn báo chí

Thứ tư - 07/06/2023 05:21 0

Trên báo chí những năm 1920 có rất nhiều bài báo viết về nạn khan hiếm nước ăn ở Vinh. 
Ngày 11/5/1922, Thực nghiệp Dân báo đăng bài về nạn khan hiếm nước ở Bến Thủy. Bài báo cho rằng những năm gần đó, Bến Thủy phát triển rất nhanh, rất hữu tình và nhộn nhịp, “như một bức tranh thiên tạo, chỉ hiềm nước ăn không có. Cả mấy dãy phố chỉ có mỗi một cái giếng ở trước cửa nhà thờ là dùng được, còn mấy cái giếng khác thì nước vừa đục vừa bẩn, không ai dám gánh về ăn, thành thử trong mùa hè là một mùa cần nước ăn nhất mà nước lại hiếm, có khi giếng cạn tranh nhau cả ngày, đập chắc vỡ đầu mà không giành được nước ăn, có nhà phải cho đầy tớ đi từ gà gáy mới gánh được gánh nước, nhà nào có bể hứng nước mưa thì chỉ để dùng riêng trong nhà thôi, dẫu có thừa cũng không bán, xin cũng không cho, có khi hàng phố phải gánh nước biển về ăn, mặn như pha muối, uống vào đã khát lại càng khát thêm. Vậy những nhà ngụ cơ ở Bến Thủy mong rằng nhà nước sẽ làm cho dân thành phố, vừa người quý quốc, vừa người bản quốc và người Trung Hoa có nước sạch mà ăn cho khỏi hại vệ sinh”(1).
Tháp nước Bệnh viện Vinh (Ảnh Trần Đình Quán)

Tháng 8 năm đó, cũng báo này lại gióng lên hồi chuông báo động “Bến Thủy đại hạn”.
Ngày 27/9/1924 Thực nghiệp Dân báo có bài  “Vinh - Một sự ước ao”, nói về nạn khan hiếm nước ở Vinh.
Bài báo cũng bắt đầu bằng sự phát triển nhanh chóng của Vinh - Bến Thủy, sau đó là sự than phiền: “Nhưng hiềm một nỗi nước nôi không được rồi rào, dân cư nhiều khi phải ta thán, mùa mưa còn khá, chứ đến “Nam” gió to nắng lửa, cây cối héo hon, trời đã nung nấu, nước lại khô khan, thật là khó chịu. Dân cư trong hàng tỉnh thường ăn nước giếng, vậy mà giếng cạn mạch khô, lấy được gánh nước tranh nhau hết sức hết hơi, chầu chực hết ngày, hết buổi. Cái cơ cực ấy kể sao cho xiết, nói sao cho cùng vả lại thảm thay cho những người nghèo khó, làm suốt ngày đầu tắt mặt tối, về tới nhà nước cũng không có, chạy đi quẩy thì giếng nước trong không lấy được, gần đâu lấy đấy, nước đục lờ mờ, mùi tanh lờm lợm, quý hồ được việc thì thôi, chớ nào có quản chi đến sự vệ sinh.
Mong sao mấy nhời này thấu đến tai quan trên trông xuống cho dân sự ở dưới bóng cờ ba sắc được nhờ, mà kíp làm nhà máy nước ngay, mỗi ngã ba một cái như các tỉnh lớn, thì thật là dân tỉnh Vinh được đội ơn vô cùng. Mong lắm thay!”.
Mặc dù hai mặt là sông, nhưng ngặt nỗi do gần biển, cả sông Lam và sông Vinh đều nhiễm mặn, không phải lúc nào cũng múc gánh về dùng được. Cho nên vấn nạn khan hiếm nước vẫn là nỗi ám ảnh của cư dân Vinh. Ngay ở bệnh viện Vinh, suốt hàng chục năm trời vấn đề nước sạch vẫn là nỗi đau đầu cho các nhà quản lý.
Phải đến cuối những năm 1920 thành phố mới có nước máy, mà đầu tiên là ở Bệnh viện Vinh. Sau đó mới xây dựng thêm một nhà máy ở phía sau trường Quốc học Vinh. Hệ thống đường ống được lắp đặt đến các phố trung tâm. Bức ảnh chụp phố Destenay đã thấy có người đang cúi xuống máy nước ở vỉa hè. 
Nhưng, đến năm 1928 tình hình vẫn chưa được cải thiện. “Trong tỉnh Nghệ cũng có đèn điện cũng có máy nước, đèn điện cũng như Hà Nội, còn máy nước tuy làm đã lâu nhưng nước chỉ dùng để tắm giặt. Vậy thì phải ăn nước giếng. Như nhà chú tham nó thì Quan sứ cho giấy phép mỗi ngày mỗi buổi sáng, người nhà vào gánh một gánh. Còn dân phố ăn nước ở đâu? Phần nhiều nhà phải xây bể to chứa nước mưa ăn quanh năm. Vậy thì cái nước ăn ở tỉnh Nghệ cũng đáng ngại lắm”(2).

Báo TNTTV, ngày 9/6/1933 đưa tin đào thêm giếng ở trong thành Nghệ An

Mùa hè năm 1934, Báo Sao Mai vẫn phải kêu lên “Khát nước”(3). “Quanh ba mùa xuân, thu, đông, nước ăn kín ở giếng ngoại ô và giếng các sở công. Tỷ như trong thành có ba cái ngon nhất là: giếng trong Dinh Quan Bố, giếng Hành Cung và một cái nữa. Ai kín được bao nhiêu thì mặc sức, chẳng cấm đoán gì, vì mạch nước giếng ấy dồi dào lắm. Nhưng đến mùa hè, mạch giếng khô khan, thì hình như cái lượng của “các ngài trong thành” cũng theo đó mà bố ra hơi mất cả! Thế mới ác! Chính lúc thấy giọt nước trời là quý, là cần, thì nước giếng lại cạn. Mà trong ba cái giếng đó, cái nhiều nước nhất là giếng Hành Cung lại bị cấm, khi nào cũng có chú lính lệ đứng canh. Dân thành phố thấy cái giếng Hành Cung bị “thiết quân luật” thì đâm lo sợ, mà phàn nàn vô hạn cho cái cuống họng vô phước của mình, cứ gào uống hoài! Chạy ra giếng máy thì nước gạch non không sao kham được. Chạy ra giếng đất ở ngoại ô thì, ô hô, ở đáy giếng chỉ lổng chổng những đá cuội cùng hột cát, mà… cát với đá lại không uống được cơ chứ!”.
Đến năm 1935, theo báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, thì nước ở các máy nước chảy ra vẫn chưa sạch, đang có rỉ sắt và mùi tanh đồng… Bài báo viết:
“Mùa viêm nhiệt đã đến, vấn đề nước uống tưởng nên nói đến trước hết. Thành phố hiện nay có nhiều máy nước dùng để lấy nước rửa thì được, chứ dùng để ăn thì chưa.
Là vì lầu nước lọc (chateaux d’eau) ở Vinh có hai cái, một cái ở sau nhà thương, một cái ở sau trường Cao đẳng Tiểu học. Nước ở đó ăn thông với các máy nước thành phố. Mà sự thiết lập máy nước ở Vinh là một công việc mới đây, nên các ống dẫn nước chưa được sạch sẽ, thành thử nước gánh về có vị chát, có nhiều bụi tanh đồng, không thể dùng làm nước để uống được. Dân trong thành phố nhà nào có đào giếng ở trong nhà (một số rất ít) thì mới khỏi lo cái nạn thiếu nước. Thường thường là phải đi rất xa, tìm đến những cái giếng mà nước có tiếng là lành để múc nước về dùng. Như thế thật là bất tiện.
Tôi đã từng được mục kích cảnh đánh nhau tại giếng nước (các giếng ở đền Đức Thánh Quan và ở trong Thành (gần dinh Bố Chánh). Phải đi xa xôi diệu vợi như thế mới lấy được nước về ăn, dân thành phố không lo về mùa nực này sao được.
Số giếng có nước lành ở thành phố đã ít, lại có khi phải xin giấy mới múc về được vài gánh nước, nên có người đã nói ở Vinh hột nước quý bằng hột vàng.
Tôi xin kể cái tỉ dụ: Ngay như ở sở để tàu hỏa (Dêpot dé chemins de fer) chỉ những nhân viên sở Hỏa xa, hoặc bà con thân thích mới xin được tấm các cho vào lấy nước. Hàng ngày trước cửa công sở ấy có đến hàng hai ba chục người đứng chờ đợi. Có khi phải mất tiền cho tên gác cổng mới được vào lấy nước. Rồi tranh giành nhau bể đầu, xát tai vì một chuyện múc nước.
Lại ở Cửa Tả thành Vinh, hằng ngày một người lính tuần sai đứng canh, hễ ai có giấy mới cho vào gánh nước, mà chiếu lệ chỉ được mỗi ngày hai gánh. Chưa kể có khi vì giếng bắt đầu cạn, có lệnh cấm không cho người có giấy vào múc nước.
Đó là việc lấy nước trong thành phố. Còn ra đến ngoại ô, hay các chỗ cập kề với thành phố vấn đề nước lại cẩu thả hết sức, thôi thì bạ giếng nào cũng đem thùng đến múc. Có khi chỉ lấy được ít nước đục vẩn, lờ đờ, rồi cứ gánh về vo gạo, thổi cơm. Tôi lại từng thấy mấy nhà ở phía Bắc thành phố, chỗ cầu Cửa Tiền, ngay trước tòa Đốc Lý nhìn sang, họ quẩy thùng ra bến, múc nước sông về ăn.


Phố Ga, góc trái có máy nước công cộng

Cũng có nơi dân sự biết tu bổ lại giếng nước để cho hợp đôi chút vệ sinh, thì lại bị các tay đàn anh ức hiếp. Như việc tên bồi sếp bốt Bến Thủy là M. Tịnh, đã tự tiện bỏ phế giếng nước ở phố Đệ Lục mà không cho dân trong phố tu bổ lại để lấy nước uống. Việc này đã nhiều người kêu ca mong thấu đến tai quan trên.
Trước cái cảnh dân thành phố thiếu nước uống, hay uống nước bẩn có hại cho vệ sinh, chúng tôi thiết nghĩ tháng năm sắp sửa đến có bệnh thời khí, nhà nước còn tiêm thuốc cho dân trị bệnh tả, sao không tìm cho dân thứ nước lành. Lập ở Vinh một cái bể lọc nước lớn như ở Huế (filtration centrale) e tốn kém quá.
Vậy thiết nghĩ nhà nước nên giao việc khám xét lại chất nước lấy ở các máy nước trong thành phố cho các nhà chuyên môn xem đã có thể dùng ăn được chưa và công bố cho thành phố biết.
Những chỗ nào có nước tốt, cho phép dân thành phố đến xin nước, bất luận là có quen hay không với những người làm trong sở ấy. Các chỗ có giếng nước ăn được, nên phái người đào sâu thêm xuống, che đậy kỹ lưỡng, và trừng trị các tay đàn anh ỷ mạnh bắt hiếp các con em không cho múc nước.
Ngăn ngừa các bệnh thời khí, theo ý chúng tôi là phải lo cho thành phố có thứ nước uống đã”(4).
Như vậy, có thể nói, mặc dù đô thị Vinh - Bến Thủy đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng dưới thời thuộc Pháp. Rất nhiều lĩnh vực như hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại, giáo dục… xứng đáng bậc nhất Trung kỳ. Nhưng, riêng về giải quyết vấn đề nước sạch cho dân thì chính quyền hầu như vẫn bất lực.q

Chú thích
1. Thực nghiệp Dân báo 11/5/1922.
2. “Từ Sơn, Ba ngày ở tỉnh Nghệ  An (Vinh)”, Thực nghiệp Dân báo, số ra ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1928.
3. Sao Mai, số 16, ngày 4/5/1934.
4. Song Vân, “Vấn đề nước uống”, Thanh Nghệ Tĩnh, số ra ngày 14/6/1935.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây