Thám hiểm Nghệ An năm 1896-1897

Thứ sáu - 09/09/2022 05:21 0
Trong chuyến đi đến Đông Dương năm 1896, 1897 Barthélemy cùng với những người bạn từ Hạ Long, ghé qua Hải Phòng, Nam Định và đến Bến Thủy bằng đường biển. Từ Bến Thủy, bằng thuyền ông đã đi sang Linh Cảm, sau đó chơi tết ở Vinh. 
Rời Vinh, ngược dòng sông Cả bằng thuyền máy của Tòa Công sứ Vinh, đoàn của ông qua Đô Lương, lên Cây Chanh, nơi ngã ba giữa sông Cả và sông Con (sông Hiếu). Từ đây đoàn thuê thuyền nhỏ của dân bản địa, theo dòng sông Con đi khám phá và săn bắn sang phía Tân Kỳ và Nghĩa Đàn ngày nay. Sau đó, lại trở về Cây Chanh và tiếp tục lên vùng Canh Tráp, Cửa Rào thuộc Phủ Tương (nay là huyện Tương Dương). Từ đây đoàn tiếp tục ngược dòng Nậm Mộ, lên bản Ta Đo (thuộc xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn ngày nay). Sau một tuần ở lại Ta Đo, đoàn sang Lào, tiếp tục cuộc thám hiểm. 
Sau chuyến đi này, Barthélemy đã viết cuốn du ký “En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional” (Ở Đông Dương (Bắc kỳ, Thượng Lào và bắc An Nam), năm 1896 - 1897), xuất bản ở Paris năm 1901. Trong cuốn sách này tác giả đã dành tới 84 trang để viết về quá trình khám phá một số địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhận thấy cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu và thông tin sinh động về thiên nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương hơn 120 năm trước, rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo bạn đọc, Đặc san KHXH&NV Nghệ An sẽ lần lượt đăng tải nội dung viết về Nghệ An trong cuốn sách này trên nhiều số.
Tuy nhiên, đây là một văn bản có tuổi đời trên 120 năm, so với ngày nay văn phong, từ ngữ, địa danh và nhiều vấn đề chính trị, xã hội đều đã thay đổi, nên việc phiên dịch, xác minh và chú thích là hết sức khó khăn. Vì vậy, một số nội dung có thể dịch, xác minh và chú thích chưa chính xác, thậm chí một vài chi tiết còn bỏ ngỏ. Rất mong được độc giả thể tất và góp ý, giúp đỡ để người dịch và người xác minh, biên tập có thể làm tốt hơn công việc của mình.
Vinh - Nghệ An
Vinh, Bến Thủy, Cơ sở kinh doanh của anh em nhà Mange, thăm dinh Tổng đốc và các khu lính khố xanh, thăm thú trong Vinh, thăm đồn Linh Cảm, Tết của người An Nam tại Vinh, cuộc tiếp đón của Tổng đốc, một chuyến đi săn ở sông Con, những chú voi hoang, trở lại Tam Chuông, thượng nguồn sông Cả, người Mường(1), Nậm Mộ, ranh giới của tỉnh Nghệ An.
Ngày 27 tháng 1
Vinh là một chặng đường rất quan trọng trong suốt hành trình du ngoạn ở Đông Dương của đoàn chúng tôi. Chúng tôi khởi hành từ Vinh đi Luang Prabang(2), đó là một chặng đường dài đầy thú vị và có nhiều nghiên cứu bổ ích.
Thật vậy, cần xây dựng một bến cảng ở Vinh để lưu thông thương mại từ cao nguyên  Xiêng - Khoảng (Lào) xuống vùng biển. Tại cảng Bến Thủy, hàng hóa được chuyển đi mọi nơi.


Bìa cuốn sách "En Indo - Chine, 1896 - 1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional"

Ở Bến Thủy có một cảng tự nhiên nằm ở cửa sông Cả, nhưng khó có thể vào được, vì thế những công trình quy mô lớn chỉ có thể thu hút và thực hiện, nếu có những con đường giao thông đi lại chỉn chu hướng sang Lào.
Khi chúng tôi đến tỉnh Nghệ An vừa mới được dẹp yên. Ông Duvillier, Công sứ tỉnh mới triệt hạ một cuộc nổi loạn có quy mô lớn(3).
Quân nổi dậy bắt đầu chiến dịch vào năm 1895, nhiều Thanh tra và Chánh cai (garde principal) chỉ huy độ chừng 1.000 quân lính, với lực lượng như thế đủ để Công sứ bắt băng đảng đe dọa các làng, tước vũ khí của chúng và buộc chúng quy hàng chúng ta.
Ở Nghệ An, trong lúc này không chỉ chống lại giặc cướp thông thường như chúng ta trước giờ vẫn chống. Dưới sự lãnh đạo của phe phái vua Hàm Nghi(4), người ta sợ rằng những người yêu nước trong tỉnh sẽ về phe ông ta.  
Quân nổi dậy được nhen nhóm ở vùng núi, hoạt động bí mật tại khu vực biên giới, nơi có đông người Mường. Công sứ chỉ cho chúng tôi biết rằng trong số các vũ khí thu được của bọn này sau khi chúng đầu hàng, có những khẩu súng giống như súng Gras ở Pháp. Súng này được quân nổi dậy sản xuất khắp nơi. Khóa nòng tự động, giống như khóa nòng của khẩu súng sản suất năm 1886, loại vũ khí này giống với vũ khí của nước Pháp, nhưng chỉ khác là không có nhãn mác và không đăng ký sản xuất!
Kiểm tra kỹ hơn, chúng tôi phát hiện có một lỗi trong cấu tạo của khẩu súng, đó là thiếu một cái rãnh xoắn bên trong nòng súng(5). Chính nhờ có lỗi này mà quân ta đã được cứu sống rất nhiều trong các trận giao đấu. Những kẻ bắt chước làm súng đã chuẩn bị mọi thứ, nhưng thật nực cười khi chúng đã thiếu một chi tiết rất quan trọng. 
Còn về những viên đạn thì đúng chuẩn. Người An Nam đã bắt chước làm những viên đạn rất giỏi. Đó là những gì mà tôi ghi nhận trong suốt quá trình đi thăm viếng vùng đất này.
Công sứ khẳng định với chúng tôi rằng người An Nam không thể tìm thấy gì ngoài đồng ở tại nhà hoặc ở chùa chiền và sắt ở trên núi. Người An Nam sản xuất rập khuôn một khẩu súng Gras đặc biệt và điều khiển như súng hỏa mai của người Trung Quốc, có 2 người bắn và có chĩa giữ súng. Đây là vũ khí cỡ lớn và được trang bị nòng tự động lớn nhất. 
Công ty Lâm nghiệp Vinh(6) nổi tiếng vì đã cung cấp thành công gỗ lát cho Paris, gỗ lát được làm bằng gỗ lim, đó là bằng chứng cho sự phát triển lâu dài và nổi bật của Công ty này. 
Xưởng cưa của anh em nhà Mange nằm ở Bến Thủy, cách Vinh khoảng 12 km. Chúng tôi đến thăm xưởng vào thời điểm cận Tết(7) nên công suất làm việc không cao. 
Xưởng cưa chỉ sản xuất các sản phẩm được làm từ gỗ lim và gỗ sồi, không sản xuất các sản phẩm được làm từ các loại gỗ ít có giá trị.
Việc sản xuất diêm ở đây còn rất sơ sài, các nhà thực dân dùng gỗ của Nhật để sản xuất diêm, nhưng phải gửi qua các nhà máy ở Pais để sấy khô, bởi vì gỗ lấy từ vùng này có độ ẩm cao.
Không xa xưởng cưa anh em nhà Mange, chúng tôi thấy một nhà máy của ông B. chuyên xử lý và chế biến trứng(8). 13.000 quả trứng đã được chuẩn bị trước đó 1 tuần, người ta chọn vùng đất này để làm nhà máy chế biến trứng quả là một lựa chọn sáng suốt, vì gia cầm là thế mạnh của Nghệ An.
Đối với một người du lịch ít máu nghệ sĩ thì không phải mất nhiều thời gian khi đến thăm thành phố Vinh. Thời xưa, thành Vinh rất quan trọng vì nó có nhiều điều thú vị với những bức tường cổ giống như những bức tường của nhiều lâu đài lớn ở nước Pháp. Vì pháo đài ở Vinh là công trình mang phong cách châu Âu, giống đa số các thành trì khác ở xứ An Nam đều được Đại tá Olivier(9) cho quy hoạch và xây dựng khi thế lực của ông ta còn rất mạnh ở Viễn Đông. Giá như không có sự đăng quang tai hại của vua Louis XV và những sự kiện thảm khốc (cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19) thì nước Pháp đã đô hộ xứ An Nam sớm hơn nữa.
Ngày 28 tháng 1
Thăm Tổng Đốc(10) và các khu lính khố xanh
Chúng tôi long trọng đến thăm Tổng đốc. Tiếp đón chúng tôi là một số quan chức chủ chốt trong tỉnh đứng theo thứ bậc(11), nghi thức tiếp đón được thực hiện theo nghi thức của người An Nam.


Chiếc thuyền máy do Tòa Công sứ Nghệ An cho đoàn thám hiểm mượn

Tổng đốc sống ở trong thành. Trước cửa thành bố trí hai lính cơ(12) có trang bị súng trường cũ để canh gác. Tiếng trống vang lên báo hiệu chúng tôi đến. Tổng đốc tiến tới gặp chúng tôi và sau đó chúng tôi bước vào dinh của Tổng đốc. Phòng đón tiếp đã được chuẩn bị trước đó và luôn có những căn phòng dành riêng cho khách. 
Đó là một người đàn ông trạc tuổi 50, có khuôn mặt thông minh và được Hoàng đế An Nam ban tặng phẩm hàm cao, nói một cách chính xác đó là Tổng đốc.
Sau một vài ngày giải quyết việc hành chính, Tổng đốc mời chúng tôi xem kịch do ông ấy sáng tác vào ngày lễ tết, và chúng tôi đáp lại lời mời bằng một nụ cười vui vẻ. 
Những khu lính khố xanh được xây dựng bên cạnh dinh Tổng đốc và xung quanh thành. Một thanh tra hạng nhất(13) chỉ huy chừng 700 lính. Tổ chức lính khố xanh khá hay và chi tiết.
Đội quân này có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tỉnh và truy lùng các băng cướp. Họ là người bản xứ, do người Pháp chỉ huy, thường là những cựu sĩ quan trong quân đội đã từng tham gia phục vụ tại các nước thuộc địa. Cấp bậc cao nhất mà họ đạt được là Thanh tra hạng nhất. Thanh tra hạng nhất ở Vinh là người chỉ huy độ chừng 700 lính khố xanh, có sức mạnh rất lớn.
Thanh tra thường nắm giữ quân đồn trú với một lực lượng quân đội hùng hậu bên cạnh Công sứ, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của ông Công sứ, trong trường hợp cần thiết thì Thanh tra được biệt phái bên trong. 
Chánh Cai hoặc Thanh tra hạng 2 chỉ huy các đồn tùy theo mức độ quan trọng của các đồn. 
Cấp bậc của người bản xứ bao gồm:
Bếp (binh nhất), hưởng lương 5 đồng 25 hào/ 1 tháng tương đương với 13 phrăng 13 cen.
Cai (hạ sĩ) hưởng lương 6 đồng 50 hào/ 1 tháng tương đương với 16 phrăng 25 cen.
Chánh Cai (Hạ sĩ nhất) hưởng lương 7 đồng 50 hào/ 1 tháng tương đương với 18 phrăng 75 cen.
Đội (Trung sĩ) hưởng lương 8 đồng 50 hào/ 1 tháng tương đương 21 phrăng 25 cen.
Chánh Đội (Trung sĩ nhất) hưởng lương 9 đồng/1 tháng tương đương với 22 phrăng 50 cen.
Phó quản: Chức này không còn tồn tại ở Tòa công sứ tại Huế nữa.
Trong toàn cõi Đông Dương, hoạt động, tổ chức lính khố xanh đều như nhau. Trong trường hợp không cần thiết, lính khố xanh được tại gia và hưởng 1/2 lương, mức lương ước tính khoảng 2 đồng 25 hào/1 tháng tương đương 5 phờ răng 63 cen, nhưng khi cần thì họ luôn sẵn sàng phục vụ ngay lần triệu tập đầu tiên.
Chúng ta biết rằng quân đội ở Vinh đã thành công trong cuộc kháng chiến chống quân nổi loạn. Tại một vùng đất đang trong tình hình biến loạn thì chắc rằng hệ thống lính khố xanh tốt hơn là quân viễn chinh. Người ta phải tiêu tốn nhiều tiền cho các sĩ quan mà hiểu biết của họ về đất nước cũng như ngôn ngữ còn hạn chế trong khi đó các thủ lĩnh của lính khố xanh thì hoàn toàn ngược lại. Lính khố xanh rất vinh quang ở Bắc kỳ và Trung kỳ, dù ít nói đến nhưng rất đáng khâm phục. Chánh Cai chỉ thể hiện hành động can đảm của mình trước những người bản địa lạnh lùng và im lặng, họ thường xuyên chịu đựng những cơn sốt, chịu sự cô độc trong lòng với một niềm hy vọng duy nhất từ việc tăng lương ít ỏi sau công việc âm thầm và dai dẳng, cùng với sức mạnh của tấm lòng trung thành của mình đối với lá cờ tổ quốc treo ở trên cửa. Đội quân này vừa nhỏ vừa vinh quang (oanh liệt) nhưng tôi tỏ lòng kính trọng đối với họ(14).
Ngày 30 tháng 1
Thăm thú trong Vinh; Đồn Linh Cảm
Sông Cả chảy vào Vinh, là nơi tàu thuyền qua lại đông đúc, ở đây có một con tàu có độ mớn nước thấp do Công sứ quản lý, là phương tiện giúp Công sứ đi thăm và giám sát các làng trong tỉnh, các trung tâm lớn tại Trung kỳ, đối với người dân ở ven sông, đây là con đường đi lại dễ dàng nhất. 


Xưởng gỗ ở Bến Thủy

Chiếc xuồng máy Samaran vừa mới xuất xưởng tại xưởng của ông Porcher ở Hải Phòng, đây là một phương tiện đặc biệt dùng để đi lại trên sông ở xứ Đông Dương vừa mới được phát minh. Hai chân vịt của phương tiện này được để trong lồng sắt tránh vướng khi di chuyển trên sông và giúp nó đạt được vận tốc từ 8 đến 9 hải lý.
Lên tàu ở Vinh, chúng tôi đi từ sông Cả đến sông La, con sông ngoằn ngoèo đã tưới tiêu cho nhiều ruộng lúa trù phú nhất của hai tỉnh Trung kỳ(15). 
Đi độ chừng hai tiếng rưỡi đồng hồ thì chúng tôi đến cửa sông Ngàn Phố, một trong những chi lưu của sông La, chúng tôi không ngừng đi giữa hai bờ ruộng lúa tươi tốt, chúng tôi liếc nhìn những đàn vịt, ngỗng lướt qua trước mặt, chúng lượn lờ hết bên trái rồi đến bên phải, thường thì chúng tôi gom những con chim săn bởi vì nó không ngừng vướng vào chiếc Samaran, nhiều chim săn vướng vào chân vịt thành một đống sẽ làm mất thời gian di chuyển của chiếc Samaran. Hơn nữa, đáy sông sâu không cho phép chúng đi nhanh được.
Chúng tôi mất độ chừng 1h 30 phút để đi từ cửa sông đến đồn Linh Cảm dù khoảng cách độ chừng 10 dặm nhưng vì có một dòng nước ngược dòng chảy nhẹ làm giảm vận tốc của chúng tôi. 
Tại đây, Công sứ đã lập 1 đồn lính do viên Thanh tra hạng 2 chỉ huy. Đồn cai quản một ngôi làng An Nam quan trọng, mọi hoạt động trong làng tập trung chủ yếu ở chợ. Khi chúng tôi đến đây là thời điểm giáp tết nên người dân của các vùng xung quanh về đây họp chợ, có nhiều tiếng xì xào trả giá, tiếng cười, tiếng pháo nổ và cả cờ bạc. Bằng sự thân tình thẳng thắn của người Đông Dương, viên Thanh tra đã mời chúng tôi vào thăm nơi ở của mình.
Đồn Linh Cảm nhô cao giữa cánh đồng ruộng lúa rộng mênh mông mà chính chúng đã mang lại phồn thịnh cho tỉnh Nghệ An. Đồn được xây dựng trong một ngôi chùa cổ theo kiểu An Nam, không có giá trị lớn về mặt kiến trúc, nhưng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật rất nguyên bản. Đồng bằng nối tiếp vào rừng thiêng đã khiến cho chúng tôi nhớ về một vài nơi ở miền Bô Xơ (nước Pháp), ở đó những người thợ săn dựng lên những nhà kho để săn thú. 
Vào sâu bên trong rừng thiêng chúng tôi luôn có cảm giác thoải mái dễ chịu. Chúng tôi có thể vào bằng hai lối. Ở giữa rừng, có một nơi khá rộng rãi được dọn dẹp gọn gàng cẩn thận, còn có một ngôi chùa nhỏ mọc lên ở đó, là nơi để những người nhà quê cầu nguyện. Người dân chỉ lui tới đây trong những khoảng thời gian hiếm hoi, họ đến chùa là để tham gia vào thực hiện những điều mê tín hơn là để tỏ lòng kính trọng với Thần thánh. Đã từ lâu, những người dân này quên theo nghi lễ Phật giáo, là vì họ thờ ơ với tôn giáo và do tinh thần thực dụng của họ.
Trở lại sông Ngàn Phố, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc thuyền tam bản chất đầy giấy tiền vàng mã và nhang thơm. Theo lời kể của viên Thanh tra, đây là lễ vật mang đi cúng của những thủy thủ ở xứ này dâng lên các thần linh để họ dễ dàng đi qua sông.
Ngày hôm sau, rất cảm động trước sự hiếu khách thân tình của ông L(16), chúng tôi lên chiếc Samara đi Ngàn Sâu. Đi giữa hai bờ sông này quả thật không gì đẹp bằng, chúng tôi cười nhiều hơn, cảnh vật phong phú và đa dạng. Khi thì chúng tôi bắt gặp một khu rừng có những cây cổ thụ to lớn, những dây leo khổng lồ vươn lên trên vòm để lộ ra những thân cây giữa rừng giống như những cây cột của một ngôi đền. Khi thì chúng tôi nhìn thấy những khóm tre được cắt tỉa một cách kỳ lạ, mỗi khóm có một dáng vẻ riêng, khi có làn gió nhẹ thổi vào làm cho thân cây va chạm vào nhau tạo ra tiếng kêu lách tách. Thường thì nơi nào có trồng tre, nơi đó có người sinh sống và chúng tôi cũng nhìn thấy hai bên bờ sông xuất hiện những cái đầu tò mò nhưng đầy lo lắng của những người nhà quê, họ chưa quen nhìn thấy một con tàu hơi nước đi qua.
Làng Chô-Bou(17) là ngôi làng trung tâm quan trọng nhất ở hai bên bờ sông Ngàn Sâu. Đó là một ngày họp chợ, dân chúng tập trung khá đông đúc, chen chúc nhau trên một bãi đất của làng.


Phong cảnh Linh Cảm (Ảnh của Bảo tàng Quai Branly, Pháp)

Theo phong tục nơi đây, sau khi Lý trưởng tặng quà cho chúng tôi thì ông ta lạy(18) 3 cái như thường lệ. Ông ta đề nghị chúng tôi đi săn 1 vòng, nhưng dụng cụ săn bắn của ông ta ít thu hút theo cách săn bắn của chúng tôi. Không săn được một con vật nào, chúng tôi trả lại dụng cụ để quay về vì quá khát nước và muốn đi tắm. Chúng tôi nhận thấy trong chiếc Samaran có hai tiện ích này, chúng thật thú vị.
Ngày mai, chúng tôi trở lại Vinh, chúng tôi đã rất hứng thú với cuộc thám hiểm ngắn ngày này. 

Chú thích
(*) Đầu đề do Ban biên tập đặt.
1. Người Mường: ở đây chỉ người Thái, vì Nghệ An không có dân tộc Mường sinh sống (Chú thích của Ban biên tập (BT)).
2. Luang Prabang: Có nhiều lý do để chúng tôi quyết định chọn đi con đường này. Quả thực đường sông Đen (sông Đà) rất nổi tiếng vì nó dài nhất, chính vì thế mà các quan chức họ chọn đi con đường này nếu như họ không đi bằng đường sông Mê Kông lên Sài Gòn.
Ngoài ra, tuyến đường sông Đen đã được Hoàng tử Henri d’Orléans miêu tả trong quyển sách có nhan đề “Vòng quanh Bắc kỳ” và Khâm sứ Trung kỳ, ông M. Boulloche đã đi đến Lào bằng con đường này và chính ông ta là người chịu trách nhiệm quản lý con đường này.
3. Tác giả muốn nói đến các hoạt động trong phong trào Cần Vương trên các địa phương từ Quảng Trị tới Nghệ An (BT).
4. Hàm Nghi: chúng ta nhận ra ông là người kế vị chính thức của vương quốc An Nam dù rằng ông ấy giả vờ là người hầu trong cung điện. Ông ta đã từng bị giam tại Pháp và Al- giê- ri, với một khoản tiền trợ cấp gần 20.000  Phờ- răng. Ở An Nam, đông đảo người yêu nước khát khao nước nhà được độc lập và nhà vua được trở về. Chúng tôi đã quen biết  nhà vua trẻ tuổi này lúc ở Al- giê- ri. Ông ta là một người thông minh xuất chúng, người có năng khiếu nghệ thuật, tinh tế. Với những đức tính vốn có của ông ta, ông là một kẻ thù rất nguy hiểm của nước Pháp.
5. Đây chính là đường khương tuyến trong nòng súng (BT).
6. Tác giả nhắc đến Công ty của anh em nhà Mange, một trong hai công ty đầu tư sớm nhất vào Bến Thủy, về sau phát triển thành tập đoàn SIFA lớn nhất Trung kỳ (BT).
7.  Tết: Tết âm lịch của người An Nam là thời điểm diễn ra một loạt lễ hội, nghi lễ và đó là nguyên nhân để người dân chi tiêu khủng, ngay cả những người nghèo nhất. Những người có lợi trong việc này thường là các thương nhân người Hoa, họ thu lợi từ các sòng bài và bán nhiều mặt hàng vô giá trị khác.
8. Nhà máy sản xuất trứng của ông M.B: Một người bạn của chúng tôi, ông Herbet đề nghị chúng tôi thăm nhà máy của ông M.B, một thực dân đến từ Bắc kỳ, là người đã tạo ra một ngành công nghiệp rất đặc biệt và có vẻ như mang lại lợi nhuận cao. Người ta nói rằng ngành công nghiệp này được sinh ra ở phương Đông và hiện vẫn còn hoạt động. Người ta  làm những sản phẩm từ trứng gà và vịt để bán hàng ngày. Ông M.B chiết xuất một thành phần đặc biệt từ lòng đỏ của quả trứng để làm chất thuộc da dùng làm găng tay. Với lòng trắng của quả trứng, ông ta thường dùng để làm kem trong các loại bánh quy Olibet, bánh có bơ và một số bánh ngọt khô khác. Người ta biết rằng số lượng gà vịt ở Bắc kỳ và Trung kỳ rất nhiều. Giá bán trong nước không đáng bao nhiêu (từ 5 đến 10 xu), tức là từ 3 đến 5 xu ở Pháp. Đó là giá trứng trước khi nhà máy M.B thành lập, rất rẻ. Thi thoảng, những người phụ nữ xứ An Nam ở nơi xa mang đến nhiều rổ trứng đầy nhưng chỉ bán có vài đồng xu.
Một chiếc máy phát hơi nước được tạo nên từ một lò hơi công nghiệp cũ với công suất 10 mã lực đã mang lại sức sống cho nhà máy. Những người con gái (nguyên văn “con gay”, phiên âm tiếng Việt) đập vỡ những quả trứng, bỏ vỏ rồi sau đó tách lòng đỏ ra khỏi lòng trắng. Lòng trắng và lòng đỏ của trứng bỏ riêng ra và cho vào một máy trộn bằng gỗ, điều khiển bằng máy. Lòng trắng trộn một cách đơn giản, lòng đỏ trong quá trình trộn cho thêm vào một lượng nhỏ muối axít boric để dễ dàng bảo quản. Đây là khâu chuẩn bị duy nhất trước khi đóng thùng chuyển đi. Hạn sử dụng của hỗn hợp này trong vòng 1 năm. Lòng trắng phải được sấy khô, vì điều này nên người ta đã cho nó vào một cái thùng phẳng được làm bằng kẽm, một lò sưởi thô sơ do chính ông M.B chế tạo, cùng với vài viên gạch là khâu chuẩn bị cho lòng trắng hoàn tất. Tiếc là sau đó, ông M.B muốn mở rộng ngành công nghiệp này trên các tỉnh thành lân cận, ông cho thành lập những nhà máy chế biến trứng tại Vinh, Quy Nhơn và Đà Nẵng. Sản phẩm sản xuất ra vượt quá đơn đặt hàng, điều đó có nghĩa là nền công nghiệp của ông M.B ở bên lề phá sản. Nhiều nhà máy được bán đi. Theo tôi, ngành công nghiệp này có thể mang lại kết quả tốt với điều kiện là phát triển chậm lại.
9. Victor Olivier de Puymanel (1768-1799, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Tín) là một sĩ quan công binh và hải quân, một nhà phiêu lưu người Pháp, người có một vai trò khá quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc người Pháp giúp hiện đại hóa lực lượng của Nguyễn Ánh. Ông là người đưa mô hình thành quách kiểu Vauban của Pháp vào xây dựng ở Việt Nam, trong đó có thành Nghệ An (BT).
10. Tổng đốc: về mặt hành chính, Tổng đốc quản lý toàn bộ tỉnh, các Phủ (Tri phủ) chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng đốc. Ở Vinh có 4 phủ gồm khoảng 1.000 ngôi làng, có nghĩa là khoảng 250 làng cho 1 phủ, đứng đầu huyện gọi là Tri huyện, đứng đầu làng gọi là Lý trưởng
11. Đây là thứ bậc quan lại ở An Nam. 
Tất cả những người nằm trong các thứ bậc này đều được miễn thuế.


12. Lính cơ: là lính chính quy của triều đình, mọi chi phí như trang phục, sinh hoạt phí, lương bổng đều do triều đình chi trả. Đây là lính gác trước phủ đường (lính danh dự). Họ thường mặc quân phục màu đỏ, trên mũ có trang trí dây màu xanh.
Lính khố đỏ: dây mũ màu đỏ.
Lính khố xanh: dây mũ màu xanh lam.
Lính khố vàng: dây mũ màu xanh lá cây.
Đây là chú thích theo quan sát của tác giả. Trên thực tế, người dân phân biệt các sắc lính không phải theo màu sắc dải mũ, mà theo màu sắc chiếc khố, tức là mẩu vải thò ra dưới hai tà áo trước. 
13. Cấp bậc thủ lĩnh lính khố xanh:
Thanh tra hạng nhất 
Thanh tra hạng nhì
Chánh Cai đội hạng nhất
Chánh Cai đội hạng nhì.
14. Tuy nhiên, nếu các viên Đội chính (Garde principal) của chúng ta chỉ thể hiện những hành động can đảm của mình trước những người bản địa bình tĩnh và lạnh lùng thì không nên tin rằng những người này hoàn toàn vô cảm trước những hành động nhiệt huyết đó. Chúng ta có thể thấy trong số họ một số người có tính cách tốt. Tôi xin dẫn ra đây tấm gương lịch sử nổi tiếng Phan Thanh Giản mà lịch sử lấy làm gương về tài đức cho nhiều gia đình ở An Nam.
Là con trai của một viên chức nhỏ, thân phụ bị kết án lao động khổ sai khi Phan Thanh Giản mới 12 tuổi, Phan Thanh Giản không muốn rời xa cha. Tấm lòng tận tâm dành cho cha của Phan Thanh Giản đã làm rung động các viên quan, viên quan hỏi thăm về Phan Thanh Giản và quyết định giáo dục cho Phan Thanh Giản. Ông đã thi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa thi Đình ở Huế, là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam kỳ.
Là quan phó Ngự sử, rất sùng đạo, ông không che giấu quan điểm của mình với vua Minh Mạng và không nịnh bợ nhà vua. Chính vì vậy mà ông phải chuốc lấy sự thất sủng của nhà vua. Được đưa vào đội tiên phong của tỉnh Quảng Nam, ông chiến đấu ở hàng đầu như một tên lính quèn, cho là tổ quốc không nên chịu trách nhiệm về những bất công của đấng tối cao, ông ta chưa bao giờ thốt ra một lời nào chống lại nhà vua, quyền lực của nhà vua không thể tách rời khỏi sự vĩ đại của đất nước của người, nhờ vào tâm hồn thư thái mà ông trở thành đối tượng được quân đội tôn trọng. Nhà vua kể lại, Phan Thanh Giản được vua Minh Mạng và những vị vua kế vị đưa lên những chức vụ cao của đất nước.
La Grandière đã viết rằng “kẻ thù của Phan Thanh Giản đánh giá rất cao về ông, mặc dù đội quân của Phan Thanh Giản đã cố gắng hết sức nhưng nước Pháp Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc và Hà Tĩnh, là một vĩ nhân của đất nước, đồng thời là người đứng đầu trong quân đội, ông tự đánh giá mình là đã bị đánh bại, ông nói rằng ông đầu hàng để tránh một cuộc đổ máu vô ích. Ông tự đầu độc mình trong căn nhà tranh nghèo nàn của cha mình, ngôi nhà mà cả đời ông yêu quý để yên nghỉ”.
15.  Như tôi đã nói, Vinh là tỉnh vừa mới được dẹp loạn. Năm 1896,  tỉnh báo cáo nộp vào ngân sách Bắc kỳ 37.000 đồng.
16. Chưa rõ là ông nào (BT).
17. Chưa rõ.
18. Lạy: Theo phong tục của người An Nam, khi có một nhân vật cấp cao đến làng, người ta sẽ  tặng cho vị khách đó một vài món quà gồm có nhiều trứng, chuối và một ít sản vật đặc trưng của vùng, với một số lượng nhỏ. Những món quà này được tặng cho khách kèm theo một nghi lễ đặc biệt, những vị quan lớn trong làng mang quà tới và họ cúi đầu lạy ba lần để thể hiện sự phục tùng. Phong tục này cần phải được gìn giữ một cách nghiêm túc, mà một số nhà báo ít hiểu biết về đất nước này họ coi phong tục này như là một sự thấp hèn và không xứng đáng với một quốc gia văn minh. Đó là biểu hiện sự ưu việt của người Âu châu đối với dân chúng An Nam. Nếu xóa bỏ phong tục này thì trong tâm trí của người nhà quê An Nam thì mình thừa nhận là mình ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn họ. Đừng quên rằng ở châu Á, sự kính trọng hay ngay cả sự sợ sệt về mê tín dị đoan là những điều đảm bảo cho quyền lực của chúng ta. Ngày nào đó mà tất cả những người An Nam biết rằng chúng ta cũng là những con người bình thường như họ, không có gì vượt trội hơn họ thì hoàn cảnh của chúng ta tại đất nước họ không bao lâu nữa sẽ bấp bênh hơn.

Phạm Xuân Cần - (sưu tầm, xác minh, giới thiệu và người dịch)

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây