Tìm hiểu thêm về tác phẩm của Phạm Nguyễn Du

Thứ bảy - 03/12/2022 04:21 0


Huyện Nghi Lộc quê hương của Phạm Nguyễn Du

Phạm Nguyễn Du tên là Phạm Huy Khiêm, tên chữ là Tôn Nhi, hiệu là Dưỡng Hiên, biệt hiệu là Hữu Pha ở thôn Hùng Quần, xã Đặng Điền, huyện Chân Phúc, tổng Đức Quang, trấn Nghệ An (Nay là xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc). Ông sinh năm Canh Thân (1740), mất khoảng năm Đinh Mùi (1787).
Tổ tiên Phạm Nguyễn Du vốn là phú nông, đời ông bắt đầu học chữ nghĩa. Cha của Phạm Nguyễn Du đỗ Hương Cống năm Nhâm Tý (1732), sau đó ông ở nhà dạy học. Ông mất năm Bính Tý thọ 53 tuổi, mẹ ông họ Nguyễn mất năm Quý Tỵ (1773) thọ 60 tuổi. Nhà ông có 3 anh em trai, ông là con cả. Năm 21 tuổi (1760) Phạm Nguyễn Du cưới vợ là bà Nguyễn Thị Đoan Hương người cùng huyện là chị ruột của Nguyễn Hữu Chỉnh. Năm Nhâm Thìn (1772) bà qua đời vì bệnh đậu mùa. Sự kiện này ghi dấu ấn trong thơ văn Phạm Nguyễn Du. Năm Đinh Dậu (1777), từ Phương Nam trở về, ông định cư ở phường Bích Câu, Kinh Đô, Thăng Long. (nay là phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phạm Nguyễn Du là người thông minh từ rất nhỏ. Năm 15 tuổi ông lên Kinh Đô học, sau đó đỗ giải nguyên, nhưng do sự đố kỵ quan chủ khảo nên không tiến lên được “Năm 40 tuổi Phạm Nguyễn Du đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Kỷ Hợi - Cảnh Hưng 1779 - đời Lê Hiển Tông)(1). Nhiều người như Ngô Thì Nhậm, Ngô Trí Tri, Phạm Quý Thích thường xuyên giao du với ông và sáng tác nhiều thơ phú. Do học vấn cao ông được thường xuyên ra vào phủ chúa, rồi được hưởng ân sủng đặc biệt.
Ông trải qua các chức vụ: Tri huyện Thanh Oai, lại bộ Viên ngoại lang, lang trung (1772 - 1774), Cấp sự trung, giám sát ngự sử đạo Hải Dương, quốc sử viện Toản tu (1775), Hàn Lâm viên hiệu thảo, Thiêm sai phủ liệu, Tri thị nội thư tả hình phiên (1776); giám thị trường thi Sơn Tây, rồi làm tán lý xứ Thuận Hóa, Quảng Nam (1776 - 1777). Năm 1780 sau khi đỗ Hoàng Giáp ông được giữ chức Tham sai trị hình phiên, Hàn lâm viện hiệu lý. Khoảng năm 1783 ông giữ chức Đông các Hiệu thư kiêm thự hiến sát đạo Kinh bắc. Năm 1782 sau loạn kiêu binh dẫn đến việc Trịnh Khải lên ngôi chúa, Phạm Nguyễn Du cùng Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm tham gia vào việc luận tội những người theo phái Đặng Thị Huệ, Quận Huy. “Năm 1784 do bị bệnh nên ông được cho về nghỉ tại quê nhà, ông sống cuộc đời bình dị ăn rau cỏ, mặc áo thố, đi dày da, chống gậy trúc, cùng vui với ngư tiểu canh mục”(2). Sau đó ông trở về kinh đô giúp việc cho Chúa Trịnh và được thăng Đông Các Đại Học Sĩ. Năm 1785 trong nước có loạn mưa to, chúa Trịnh Tông xuống chỉ cần câu nói thẳng, ông dẫn khải 4 điều bàn về chấn chỉnh quân đội, quan lại, giáo dục, lễ chế. Bài khải nêu vấn đề lập lại kỷ cương nguyên tắc kính phò vua Lê của các đời Chúa Trịnh làm gương cho bề dưới. Ít lâu sau ông được cử ra làm Đốc Đồng Nghệ An (1785). Năm 1786 - 1787 Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn đường quân Tây Sơn ra Bắc diệt chúa Trịnh, Phạm Nguyễn Du ở Nghệ An đã rút lên huyện Thanh Chương tập hợp quân lính chống lại. “Nhưng thế ít cho nên không dịch được nhiều. Năm Gia Long thứ 3 khâm mệnh cho người con rể được hưởng nhiều ân”(3). Việc chưa thành ông bị bệnh rồi mất. Vị Hoàng Giáp để lại 2 câu thơ thể hiện tâm trạng bị phẫn:
Dĩ hỉ anh hùng vô dụng võ 
Quả nhiên thiên ý táng tự văn 
(Thế là thôi rồi, anh hùng đâu còn nơi dũng võ. Quả nhiên là ý trời, muốn chôn vùi cái văn này). 
Các tác phẩm của Phạm Nguyễn Du để lại cho đời: 
Phạm Nguyễn Du sáng tác khá nhiều các tác phẩm văn học như:
1. Độc sử tuyển ngôn: Sách này đã mất chỉ còn lại bài tựa chép trong sách Thạch động văn sao. Đây là dạng ghi chép nhật ký đọc sách, tác phẩm ghi lại những đoạn văn tâm đắc của Phạm Nguyễn Du.
2. Phụng Thị cung ký thi tập: Sách làm từ năm Đinh Dậu (1777), tác phẩm này được chép trong sách Thạch động tiên sinh thi tập. Đây là tập thơ Thu vịnh ca ngợi cảnh thanh bình, ca ngợi chính sự đàng ngoài lúc bấy giờ, thể hiện , nhiệt tình của Phạm Nguyễn Du đối với thời thế và cũng phản ánh hoan lộ đang rất sáng của ông.
3. Quốc sử tục biên: Soạn cùng với Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn, Nguyên Sa và năm 1775 khi ông đang giữ chức Quốc sử toản tu. Sách này gồm 6 quyển, chép bắt đầu từ việc xảy ra niên hiệu Vĩnh Trị (1676) đời Lê Huy Tông đến đời Vĩnh Hựu (1735 - 1739) đời Lê Ý Tông, hiện ở viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
4. Nam hành ký đắc tập: Quyển sách này do Phạm Nguyễn Du Soạn và đề tựa vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng 1777, sau làm việc ở xứ Thuận Hóa, Quảng Nam trở về (1776 - 1777). Sách gồm 4 quyển: Quyển 1 gồm 8 bài văn về cách dùng người, hình thế, phong tục, xa hoa, tiết kiệm, tiết nghĩa của chính quyền chúa Trịnh ở đàng trong và một bài tổng luận, 1 bài tả về phong thổ nhân vật ở Hà Tiên. Quyển 2: Giới thiệu một số bài thơ của danh sĩ Đàng Trong như Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lâm, Nguyễn Phúc Dực. Quyển này có ý nghĩa về bảo tồn các tác phẩm văn học miền Nam thế kỷ thứ XVIII. Đáng chú ý nhất là quyển 4: Chép 30 bài thơ (Tức cảnh, Cảm hoài) và 2 bài Phú: Xuân Thành đông vũ, Nguyễn Thị Di Cung, tác giả viết trong thời gian làm công vụ ở Đàng Trong, nó ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về dân tình, thế thái, chính sự của chúa Nguyễn.
5. Thạch động văn sao: (hay là Thạch động di lục). Gồm 2 tập dày 318 trang. Sách này chép năm Quý Tỵ Triều Nguyễn. Tác phẩm có 194 bài văn của Phạm Nguyễn Du, trong đó có nhiều bài thể hiện giá trị văn học, sử học. Qua các bức thư trao đổi với bạn bè, bài ký thể hiện cuộc đời con người ông. Nó còn có nhiều giá trị về mặt sử học và phản ánh nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.
6. Độc sử si tưởng: Bao gồm 146 bài thơ của Phạm Nguyễn Du vịnh các nhân vật lịch sử Trung Quốc, từ vua chúa, nghĩa sĩ, đến bọn gian nịnh kéo dài từ Bàn Cổ đến đời Đường. Nhìn chung có thể phỏng đoán rằng các bản chép tay trên đây được in ở Hải Học Đường.
7. Thạch động tiên sinh thi tập: Sách này dày 266 trang, 412 bài thơ của ông. Các bài thơ này sáng tác trong thời gian Phạm Nguyễn Du mới đặt chân tới chốn quan trường. (Tri huyện Thanh Oai khoảng năm 1785 - 1786) phản ánh đầy đủ tâm trạng khoảng 30 năm. Có một số bài vịnh cảnh thiên nhiên, đời sống con người dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam (Huế). Sách viết về Lập thạch quê hương của tác giả và một bài phú.
8. Hầu thạch động thi tập: (bao gồm 120 trang) chép tay không kiêng húy, cho hay tập sách này mới được chép gần đây khoảng đầu thế kỷ XX.
9. Luận ngữ ngu án: Sách soạn vào năm 1778 và hoàn thành vào năm 1780. Phạm Nguyễn Du đã sắp xếp chia lại nguyên bản sách Luận ngữ thành 4 thiên. 4 thiên đó là thánh, học, sĩ, chính, có khoảng 493 chương.
Luận ngữ ngu án là tác phẩm chính thức đầu tiên hiện còn của Việt Nam chuyên diễn giải về sách luận ngữ, kế thừa và mở ra một trào lưu viết sách giải thích về luận ngữ Việt Nam. Sách có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ thứ XVIII.
10. Đoạn trường lục: Tác phẩm này có 86 trang chép tay gồm một số bài tự dẫn của tác giả đề năm Nhâm Thìn 1772 (14 bài văn tế, 49 câu đối, 34 bài thơ. Cái tên Đoạn trường lực có lẽ do người đời sau đặt). Đây là cuốn nhật ký bằng thơ của tác giả, ghi lại những tâm sự, nỗi đau xót, nhớ nhung và hối hận của Phạm Nguyễn Du với tư cách là một người chồng đối với người vợ vừa mới mất. Đây là tác phẩm sáng tác hiếm hoi viết về tình cảm thân thiết của tác giả dành cho vợ. “Hai người sống hạnh phúc ở Thăng Long, bỗng nhiên bà vợ qua đời. Phạm Nguyễn Du làm tang vợ và trực tiếp đưa thi hài bà về quê hương bằng thuyền theo đường sống. “Đoạn trường lục” cho thấy tấm lòng yêu thương phát điện phát dại của tác giả:
Than ôi! ta với nàng đã là một người 
Đã cùng sum họp sao vội chia phôi 
Nàng đem một nửa hương thơm thanh khiết đi rồi 
Còn để lại phần cuồng si là một nửa thân ta”(4).
Phạm Nguyễn Du viết nhiều, khá đa dạng về chủng loại. Có thể thấy hầu hết tác phẩm của ông đều được in, hoặc sao chép đầu đời Nguyễn, do đó có độ tin cậy cao. Việc đặt Phạm Nguyễn Du và các tác phẩm của ông vào bối cảnh thời đại cuối thế kỷ XVII, chắc chắn sẽ đem đến nhiều nhận thức, hiểu biết mới. Có như vậy tên tuổi, sự nghiệp văn chương của Phạm Nguyễn Du mới đến được với đông đảo bạn đọc, góp thêm những nhận định về vị trí, vai trò của ông trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Phạm Nguyễn Du được coi là bông hoa đầu mùa tươi đẹp ở tầm cỡ quốc gia. Trên đất Nghi Lộc đã có một vườn hoa văn chương trăm sắc ngàn hương với đủ thể loại, đáng để người đời, quê hương tự hào về người thi sĩ hào sảng, vị tiến sĩ– Hoàng Giáp tài ba Phạm Nguyễn Du.



Chú thích 
(1) Khoa bang Nghệ An (Đào Tam Tĩnh). NXB Nghệ An năm 2005, trang 217;
(2) Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam), tháng 1/2022 Bài của PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng;
(3) Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (Phó giáo sư Ninh Viết Giao) NXB Nghệ An năm 2000, trang 387;
(4) Địa chi huyện Nghi Lộc (phó giáo sư Ninh Viết Giao chru biên). NXB Nghệ An năm 2014 trang 471.





Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây