Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW...
Các đường lối, chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa một bước thông qua Chiến lược phát triển phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án KH&CN quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) được ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chiến lược xác định phát triển KHCN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực KT-XH, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ KHCN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.
Định hướng của Chiến lược xác định ưu tiên trong phát triển KHCN&ĐMST; là cầu nối giữa mục tiêu với nhiệm vụ, giải pháp; là cơ sở để phân bổ nguồn lực hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển KHCN&ĐMST. Chiến lược tập trung vào các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng và còn dư địa lớn. Đồng thời, Chiến lược xác định định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN&ĐMST, trong đó đặc biệt nhấn mạnh định hướng KHCN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH bền vững, bao trùm, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp, đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST; bổ sung định hướng hoạt động ĐMST, gồm cả định hướng ĐMST trong các ngành và các vùng KT-XH.
Hoạt động triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Chiến lược, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định phê duyệt Phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ KHCN&ĐMST đến năm 2025 (Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu chiến lược, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
2. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện vai trò trung tâm trong điều phối, liên kết với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội
3. Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các tổ chức khoa học và công nghệ là các chủ thể nghiên cứu KHCN&ĐMST
4. Tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư
5. Hoàn thiện các quy định pháp luật quản lý nhiệm vụ KH&CN để thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST
6. Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN
7. Sở hữu trí tuệ và Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng
8. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST
9. Chuyển đổi số và hiện đại hoá hoạt động quản lý nhà nước, tăng cường truyền thông về KHCN&ĐMST
Chiến lược phát triển một số lĩnh vực khoa học và công nghệ
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 01 năm 2021. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm ĐMST, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Quan điểm của Chiến lược coi TTNT là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của CMCN 4.0, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Chiến lược đề ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Đến năm 2025 là đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT, góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030 đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT. Việt Nam là trung tâm ĐMST, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT mạnh, góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững; Cùng với chuyển đổi số, ứng dụng TTNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.
Định hướng triển khai Chiến lược là: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; Phát triển hệ sinh thái TTNT; Thúc đẩy ứng dụng TTNT; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT.
Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030
Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2021.
Mục tiêu chung của Chiến lược là nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của KH&CN vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt KT-XH và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có.
Về ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ, mục tiêu đặt ra là chủ động, kịp thời giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông, định vị, dẫn đường, cảnh báo dựa trên dữ liệu vệ tinh cho người dân.
Về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ, Chiến lược phấn đấu đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ…
Chiến lược cũng hướng tới nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tiềm năng phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng ĐMST trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; triển khai các hình thức truyền thông phục vụ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nội hàm, tiềm năng của khoa học và công nghệ vũ trụ đối với phát triển KT-XH, bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia.
Sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Các quy định mới trong Luật thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác đã được Quốc hội ban hành gần đây; nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước….
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, các văn bản quy định chi tiết đã được khẩn trương xây dựng để ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 3 Nghị địnhcủa Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, thay thế một số văn bản bảo đảm phù hợp với các quy định mới và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, thi hành.
Các quy định mới được ban hành sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động sở hữu trí tuệ như: Xác định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; thúc đẩy quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; nâng cao sự thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập quốc tế…
Trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương; các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã tập trung xem xét, hỗ trợ cho các nhóm nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các nhà khoa học, tập huấn, nâng cao năng lực xử lý các vụ việc về sở hữu trí tuệ cho cán bộ tư pháp, nghiên cứu xây dựng tài liệu tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Công tác quản lý hoạt động đại diện và giám định sở hữu công nghiệp được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Đến năm 2022, cả nước có 243 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và 372 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (tăng 15 tổ chức và 01 cá nhân so với năm 2021).
NASATI
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc