Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có tác động tích cực đến sản xuất, đời sống, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 16/10/2023 22:52 0
Để Khoa học và công nghệ phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế, cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định cơ chế chính sách. được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương; sự đồng hành của các doanh nghiệp, người dân và sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, cùng với sự tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả của Đảng ủy và Ban Giám đốc, hoạt động KH&CN trong năm 2023 đã góp phần khắc phục các khó khăn và đạt kế hoạch đề ra.
Năm 2023 tiếp tục ưu tiên cho 6 lĩnh vực KH&CN trọng điểm: Lĩnh vực nông nghiệp; Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn; Lĩnh vực y dược; Lĩnh vực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội các huyện, thị, thành trọng điểm tập trung vào chương trình phát triển 100 sản phẩm có tác động của KH&CN; Lĩnh vực công nghệ thông tin; Lĩnh vực môi trường. Trong đó, tập trung tác động KH&CN theo chuỗi giá trị các sản phẩm góp phần thiết thực và thực hiện thành công chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể: Phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT quản lý triển khai thực hiện 9 dự án cấp quốc gia. Triển khai thực hiện 66 đề tài, dự án cấp tỉnh. Kết quả, trong năm 2023 đã giúp các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp và các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển gần 160 quy trình kỹ thuật để giải quyết các vấn đề về: kỹ thuật y học cao trong điều trị bệnh cho nhân dân; Sử dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng sản lượng và tăng thu nhập trên diện tích hiện có tại địa phương; phát triển các sản phẩm lợi thế của Nghệ An như cam Bù Sen, bưởi Cát Ngạn Thanh Chương, bơ, chanh không hạt, gừng Kỳ Sơn, Măng Loi Tân Kỳ, Mít dai...; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa (mía, sắn, chè...); phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; sản xuất giống và nuôi trồng thủy với các đối tượng nuôi mới, các hình thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, sử dụng chế phẩm xử lý môi trường chăn nuôi; cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp; các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y dược; ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh XQ tại các bệnh viện; ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa tỉnh;.... Sau đây là một kết quả nổi bật đã ứng dụng vào thực tiễn trên các lĩnh vực:
1. Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp
Trong xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng. Các kết quả nghiên cứu KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn đã tác động đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng giống mới, giống có phẩm cấp để sản xuất các loại cây trồng chủ lực (Nhãn chính sớm, Bơ, sắn, lạc, khoai tây, Nho,...) năng suất cao, chất lượng tốt; tích cực thúc đẩy liên kết trong sản xuất, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để sản xuất theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị thành công; mở rộng diện tích trồng các loại rau màu hàng hóa cao cấp có giá trị cao, theo yêu cầu thị trường; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sản xuất trong nhà lưới, nhà màng…) để trồng các loại rau củ quả, hoa cây cảnh; tập trung chỉ đạo nâng cao giá trị sản phẩm gỗ trông qua chế biến, chế biến sâu; Ứng dụng TBKHCN quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, chủ động quản lý Môi trường trong mọi thời tiết, đảm bảo năng suất chất lượng và nuôi tôm bền vững... 
Chuyển giao, ứng dụng thành công nghệ các biện pháp kỹ thuật mới và nhân rộng các mô hình đã có vào sản xuất trên diện rộng như: Công nghệ cấp nước tưới bằng năng lượng mặt trời cho cây ăn quả, cây công nghiệp (cam, mía, dứa, chè,…); kỹ thuật luân canh, xen canh bắt buộc đối với canh tác mía, sắn làm tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích và cải tạo đất; Công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Neo - Polymic xử lý môi trường nuôi trồng thủy hải sản; công nghệ sản xuất giống mía 3 cấp; công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm nano phức hợp Ag-Chitosan và Đồng hữu cơ (Organocopper) phòng trị bệnh thán thư, loét hại cam và bệnh thán thư, thối búp hại chè; thiết bị lọc nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình;…
Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đã tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm thành công một số loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm bổ sung và thay thế một số giống trong có cấu giống lạc; giống nho mới (mẫu đơn, NH01-26, NH01-152; giống Nhạn chính sơm.... Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới trong nhân giống cây trồng, sản xuất giống thủy sản nhằm chủ động giống phục vụ cho các vùng nguyên liệu cho các nhà máy, cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Đã tác động hỗ trợ chuỗi giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp và hình thành một số sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín.


Nhiều mô hình kinh tế được phát triển có hiệu quả, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được hình thành và phát triển, góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như vùng nguyên liệu chè; mía; lạc xuất khẩu;  cây dược liệu…
Ứng dụng thành công biện pháp kỹ thuật, ác thành tựu của công nghệ sinh học trong tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: Lúa thuần, lạc, sắn, chè, mía, chanh leo,  lúa Japonica J02, khoai tây, nhãn, bưởi, … tiếp tục được nhân rộng vào sản xuất và đời sống. Một số chế phẩm sinh học như: đệm lót sinh học trong chăn nuôi, chế phẩm Biogreen để xử lý tồn dư hóa chất trên đất trồng rau, chế phẩm composmaker đã được UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục được nhân rộng.
Hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc để nâng cao thương hiệu và giá trị hàng hóa (Thương hiệu Cam Vinh, nhãn hiệu tập thể Chè Nghệ An, Nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Vạn Phần, nhãn hiệu chứng nhận dê Tân Kỳ, thương hiệu tập thể nước mắm Hải Giang 1,…) Đến nay, việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc được mở rộng cho trên 80 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: các loại rau, củ, quả của tập đoàn TH; các sản phẩm nông sản sạch Phủ Quỳ của Hợp tác xã Việt Xanh (huyện Nghĩa Đàn); gà Thanh Chương; nước mắm Vạn Phần; tương Sa Nam, gà Phủ Diễn, dê Tân Kỳ... đã góp phần tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao ý thức của nhà sản xuất về chất lượng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ uy tín, phát triển thương hiệu nông sản Nghệ An.
Các tiến bộ KH&CN ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản đã góp phần đẩy mạnh nuôi trồng, nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến thuỷ sản như: Mô hình nuôi cá theo công nghệ sông trong ao; mô hình nuôi cá trong lồng trên các thủy vực lớn tiếp tục được nhân rộng trong thực tiễn, đến nay đã nhân rộng lên gần 1000 lồng trên địa bàn toàn tỉnh; Mô hình quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn; Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Neo – Polymic xử lý môi trường nuôi trồng thủy hải sản; mô hình sử dụng các chế phẩm  mô hình nuôi trồng tảo xoắn, tảo nano. chuỗi sản xuất cá rô phi lai xa dòng Israel, tôm thẻ chân trắng, cá leo...
Các mô hình chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chuyển dịch các loại vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, nhu cầu thị trường và diễn biễn của dịch bệnh như: sử dụng một số giống bò có khả năng thích nghi tốt với điều kiện miền núi; chăn nuôi lợn an toàn sinh học; sản xuất giống và nuôi thương phẩm Lươn đồng (Monopterus albus Zuiew 1793); đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại, gia trại, giảm dần chăn nuôi hộ gia đình trong dân cư; tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi tiên tiến; triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng; sản xuất công nghệ cao trong chăn nuôi tiếp tục phát huy hiệu quả chăn nuôi lợn an toàn sinh học, tiêu biểu là chăn nuôi gắn với chế biến sữa của tập đoàn TH, chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp của Công ty Masan Miền Bắc…
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong phát triển sản phẩm đặc hữu, vùng miền nhằm tạo ra sản phẩm được thương mại hóa trên thị trường: Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 159 sản phẩm là các cây con đặc sản, chủ lực, có lợi thế cạnh tranh được hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường gắn với thương hiệu Nghệ An, làm cơ sở cho việc triển khai thành công Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Công tác bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen quý hiếm được quan tâm phát triển, đến nay đã bảo tồn được 30 nguồn gen (cấp quốc gia: 6 nguồn gen, gồm 5 nguồn gen động vật (Gà trụi lông cổ; Ngựa Mường Lống, Ngỗng Cỏ, Gà tây Kỳ Sơn; Lơn đen Sao Va) và 1 nguồn gen cây dược liệu cây mú từn). Xác định thêm 8 nguồn gen để đề nghị đưa vào danh sách bảo tồn, gồm 4 nguồn gen động vật (Cá chiên, Ba ba gai sông Quàng, Hải sâm đen, gà tây Kỳ Sơn), 3 nguồn gen cây dược liệu (cây chè dây, cây Huyết đằng, cây Bách bộ) và 1 nguồn gen cây ăn quả là hồng Nghi Ân.
2. Trong lĩnh vực khoa học y dược
Những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y tế từ các kết quả nghiên cứu đã nghiên cứu các mô hình bệnh tật cho cộng đồng làm cơ sở cho các cấp các ngành vận dụng trong chỉ đạo cơ quan quản lý y tế các cấp về công tác dự phòng, nhằm tăng cường sức khỏe, tăng cường chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển, hoàn thiện các kỹ thuật cao trong khám và điều trị cho nhân dân, gắn với đào tạo nguồn nhân lực góp phần đưa TP Vinh trở thành Trung tâm y tế vùng Bắc Trung Bộ.
 Đã ứng dụng thành công và làm chủ được một số kỹ thuật cao, công nghệ sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Tiếp tục duy trì củng cố và phát triển, hoàn thiện các kỹ thuật cao như: ghép thận, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não; các phẫu thuật chuyên sâu trong các chuyên khoa; Nong van hai lá; Tiêm botulinum toxine điều trị co thắt nửa mặt và rối loạn vận động; Định lượng gen với bệnh máu ác tính; giải trình tự gen bằng kỹ thuật sinh học phân tử; Kháng thể kháng nhân (anti ANa); kháng thể kháng ds DNA; Thủ thuật mở thông dạ dày qua da dưới hướng dẫn nội soi; điều trị các khối ung thư phổi không mổ được bằng phương pháp đốt sóng cao tần dưới hướng dẫn rôbốt ; thuật bốc hơi tuyến tiền liệt bằng công nghệ laser; Phẫu thuật dò hạch nách bằng Gamma Probe trong điều trị ung thư vú; Kỹ thuật truyền hóa chất và dưỡng chất bằng buồng tiêm truyền dưới da, …
Nhiều hoạt động, đề tài ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển cây dược liệu được triển khai như nghiên cứu và thực nghiệm về các loài dược liệu có tiềm năng thương mại của Nghệ An. Nghiên cứu tách chiết thành công Chloropyll và điều chế dẫn xuất ChlorinE6 Trimythylester và Chlorin E6 Monomethylester từ tảo Spirulina; công nghệ tách chiết lá diếp cá, đông trùng hạ thảo, tỏi đen..
3. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là cơ sở khoa học và thực tiễn để hoạch định chủ trương, chính sách của tỉnh, mang đến một số nhận thức mới, cách tiếp cận mới, giúp cấp uỷ và chính quyền các cấp, các ngành hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023 tiếp tục đi sâu nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản hán nôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giải pháp phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong phát triển kinh tế, xã hội ở Nghệ An; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh....;  tiếp tục áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn; mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây; giải pháp bảo tồn dân ca xứ Nghệ vào thực tiễn (đưa dân ca vào trường học). Tập trung vào việc xây dựng giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và phục phục công tác giáo dục đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của tỉnh…Đã tư liệu hóa, văn tự hóa những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, nghiên cứu lịch sử truyền thống của địa phương, ngành. Công tác phản biện khoa học đối với các cơ chế chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư trọng điểm, có tầm ảnh hưởng lớn của tỉnh của tỉnh đầu được quan tâm.. Thông qua điều tra xã hội học đã cung cấp số liệu minh chứng, cơ sở khoa học phục vụ công tác giám sát của HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, giúp cơ quan chức năng nhìn nhận đúng, đầy đủ về tính hiệu lực, hiệu quả các chính sách và có những điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, với mục tiêu là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào phát triển bền vững đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức địa phương học góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và thực hành văn hóa cho cán bộ và người dân trên địa bàn các huyện.
4. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh với chủ đề “tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước”, ngay từ đầu năm ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan đơn vị, quan tâm ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành trong quản lý, xử lý công việc. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm thời gian, đơn giản hóa TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Trong lĩnh vực công nghệ thông ti, trí tuệ nhân tạo (AI) đã triển khai nhiều đề tài, dự án nhằm hỗ trợ các ngành, các DN đẩy nhanh chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý như: ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổ số cấp xã trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin số hóa hồ sơ tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức; số hóa cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý tại Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh X-Quang phổi tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh; Ứng dụng mô hình trí tuệ nhân tạo để đánh giá, dự báo xói mòn, sạt lở đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại khu vực miền núi Nghệ An ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật thị giác máy tính hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư vú tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Trong lĩnh vực công nghệ & thị trường công nghệ tập trung thông qua nguồn vốn của doanh nghiệp và quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã tập trung ứng dụng các công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Cách mạng công nghiệp 4.0: Công nghệ thông tin ứng dụng rộng rãi trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội, góp phần thay đổi và tạo phong cách, phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
Các nghiên cứu đã tập trung bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thực vật (cây lương thực, ăn quả, rau màu, cây lâm nghiệp, dược liệu); nguồn gen vật nuôi; nguồn gen thủy sản. Nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm đã được bảo tồn, khai thác và phát triển có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng núi cao. Điều tra tuyển chọn, định loại và xây dựng quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng một số loài nấm lớn có giá ở vùng miền Tây Nghệ An để đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất … Nhằm phục vụ công tác khai thác và phát triển nhanh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, tập trung khai thác các nguồn gen có đặc điểm quý, giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, tạo ra một số sản phẩm đặc thù, chủ lực của từng địa phương phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa…
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có tác động tích cực đến sản xuất, đời sống, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An năm 2023 đã đạt những thành tựu, đã ứng dụng vào thực tiễn trên các lĩnh vực và góp phần khắc phục các khó khăn và đạt kế hoạch đề ra./.
Thái Minh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1332
  • Hôm nay39,565
  • Tháng hiện tại2,762,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây