Mô hình trồng cây ăn quả nâng cao đời sống cho bà con nhân dân Nghĩa Đàn

Thứ sáu - 07/07/2023 21:41 0
Để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả chủ lực của địa phương, UBND huyện Nghĩa Đàn đã triển khai đề án “Phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030”. Đây là một đề án quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế cho huyện Nghĩa Đàn.
https://nghiadan.vn/uploads/ANH%202019/15cam.jpg
Để thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND huyện Nghĩa Đàn triển khai một số mô hình điểm tại các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Mai và Nghĩa Hiếu. Một số mô hình như trồng và thâm canh cây Chanh leo với diện tích 1ha, trồng cây gai xanh trên những vùng đất sản xuất kém hiệu quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn Nghĩa Đàn đang tăng nhanh, là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp của địa phương với 3.469,7ha, bằng 30,4% tổng diện tích đất trồng cây lâu năm của huyện. Chủ yếu là các loại quả: Cam, quýt, bưởi, ổi, bơ,.. Thu nhập bình quân mỗi ha từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Thời gian qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai 6 mô hình cây ăn quả bao gồm Chanh leo, Xoài keo, Gai xanh và 2 mô hình về phục tráng cây cam và cây ổi. Hiện các mô hình phát triển tương đối tốt, tạo hướng đi mới cho bà con nông dân để tăng thu nhập. Sản phẩm ăn quả của Nghĩa Đàn sẽ được nâng cao thông qua việc đẩy mạnh quy trình sản xuất, tăng cường kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Song song đó, mô hình trồng cây ăn quả của các hộ dân cũng được ưu tiên hỗ trợ phát triển. Với quyết tâm, dám nghĩ, dám làm cộng với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Thuỷ, sinh năm 1972, nông dân xóm Bình Long, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đã từng bước vươn lên làm giàu với mô hình trồng cây ăn quả. Gia đình ông Thuỷ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở địa phương.


Năm 1996, sau khi lập gia đình, sinh con nhỏ, đời sống kinh tế của gia đình ông Thủy chủ yếu dựa vào làm ruộng nên đời sống càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, vợ chồng ông luôn trăn trở làm thế nào để vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Được đi tham quan mô hình trồng cây ăn quả ở nhiều nơi, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây ổi và cây mít nên vào năm 2017 gia đình ông đã xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Ông Thuỷ đã tâp trung cải tạo vườn tạp, tham gia các lớp tập huấn, lớp nghề do UBND, các đoàn thể địa phương phối hợp tổ chức, vay ngân hàng 200 triệu đồng để trồng 200 gốc mít, 300 gốc ổi trên diện tích 2 ha. 
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên cây phát triển kém, sâu bệnh nhiều. Tuy nhiên, không nản chí trước khó khăn, gia đình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở trong, ngoài địa phương về áp dụng, cho nên mô hình cây ăn quả của gia đình phát triển tốt cho thu hoạch ổn định. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 8 tấn ổi, 14 tấn mít, trừ đi chi phí thu lãi về hơn 200 triệu đồng/năm, gia đình đã xây dựng được nhà của khang trang. 
Năm 2022, gia đình ông đã đăng ký tham gia xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vườn theo quy hoạch, xây dựng đường nội vườn, lắp đặt thêm hệ thống tưới tiêu, hệ thống thoát nước thải, xây dựng lại hệ thống bờ rào, cải tạo vườn rau, nơi trồng hoa quy củ hơn. Toàn bộ vườn được lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, đảm bảo cho sự phát triển của cây trồng. Và trong năm 2022, khu vườn của gia đình ông Thủy được UBND huyện Nghĩa Đàn công nhận đạt vườn chuẩn NTM. 
Bà Hà Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng cho biết, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Thủy đã tạo động lực cho nhiều nông dân trong xã phát triển kinh tế. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục hướng dẫn, vận động hội viên tích cực mở rộng sản xuất khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của địa phương, nhất là trồng cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên. Qua đó góp phần xây dựng NTM nâng cao. 
Để đạt được mục tiêu này, huyện Nghĩa Đàn sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và giám sát sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao về nông nghiệp và công nghệ chế biến.
Đồng thời, huyện Nghĩa Đàn cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, huyện Nghĩa Đàn sẽ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nông dân và nhà nước để xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ, giúp người nông dân tiếp cận được thị trường và tăng thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp.
/.
Lê Phương

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay376,157
  • Tháng hiện tại649,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây