Phát triển cây gai xanh lấy sợi - hướng chuyển đổi cây trồng mới tại Nghệ An
Cây gai xanh là một loại cây đã có từ ngàn xưa. Tổ tiên chúng ta đã biết dùng sợi gai để bện thừng. Cho tới nay, gai được xếp là loại cây công nghiệp, sản phẩm chính của nó là sợi. Sợi gai có độ bền gấp bảy lần so với sợi tơ tằm và tám lần so với sợi bông.
Nó còn được dùng để đan lưới đánh cá, dệt vải bố, vải tuy thô nhưng rất bền. Vì sợi gai bền, không bị giãn, không truyền điện, tỏa nhiệt nhanh, nên nó được pha trộn với bông, với len để dệt thành vải; làm dù bay, làm bạt che mưa che nắng, làm vải lót lốp xe ô tô; làm bao bọc dây điện v.v.. Lá gai thì được dùng để làm bánh gai, là loại bánh rất đặc biệt của nước ta. Có nơi còn dùng lá gai để làm chè thay cho chè xanh. Nếu có nhiều lá, người ta có thể nấu làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Thân và cành của cây gai được dùng làm nguyên liệu để làm giấy. Rễ của cây gai lại là một vị thuốc để chống viêm, chống động thai và chảy máu… Nhìn chung, cây gai có rất nhiều công dụng. Tuy nhiên, lâu nay cây gai chưa được quan tâm đúng mức, chưa được khai thác hết giá trị của nó. Người ta thường coi đó là loại cây phụ nên chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi hoang ven sông, ven suối.
Tại Nghệ An, cây gai xanh bản địa mọc tự nhiên có tại hầu hết các địa phương của tỉnh, được nhân dân lấy rễ làm thuốc, đặc biệt lá gai được dùng làm bánh tại huyện Anh Sơn, là nghề truyền thống và trở thành đặc sản nổi tiếng “Bánh gai Xứ Dừa”. Bà con đã đưa vào trồng giống gai địa phương với diện tích hơn 4 ha để lấy lá làm bánh, hiện có 17 cơ sở sản xuất bánh gai Xứ Dừa tại huyện Anh Sơn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động.
Đối với trồng gai xanh lấy sợi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã đầu tư nhà máy chế biến sợi tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cũng như mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La…. Năm 2018, công ty đã phối hợp với UBND, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đô Lương xây dựng mô hình trồng cây gai xanh AP1 tại 02 điểm xã Đặng Sơn và xã Lam Sơn (02 ha/điểm); đồng thời công ty cũng hỗ trợ xây dựng mô hình tại hộ ông Đặng Trọng Quán, xóm 7, làng Bui xã Nghĩa Mai huyện Nghĩa Đàn với quy mô 1,5 ha. Đến nay, điểm mô hình tại xã Đặng Sơn, Đô Lương bị ngập lụt và không thành công; điểm mô hình tại xã Lam Sơn Đô Lương vẫn đang cho thu hoạch. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Trọng Quán cho biết: “Cây gai AP1 sinh trưởng, phát triển tốt, dễ trồng, ít sâu bệnh, trồng một năm lưu gốc được nhiều năm, mỗi năm thu hoạch 4 – 5 lứa, cho tổng thu nhập bình quân 100-120 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, có khó khăn là diện tích chưa đủ lớn, sợi gai thu hoạch mỗi lần không đủ một chuyến xe vận chuyển ra nhà máy nên phải chờ gom lại các lần thu hoạch”.
Việc đưa cây gai xanh vào trồng lấy sợi cung cấp cho nhà máy là một hướng đi đúng, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là luân canh đối với những diện tích bị sâu bệnh phá hoại nặng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Nhận định cây gai xanh có thể phát triển thành vùng nguyên liệu tại Nghệ An, năm 2022, Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông khảo sát để xây dựng mô hình trồng cây gai xanh AP1 nhằm chuyển giao, nhân rộng giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất sản xuất kém hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy cây gai xanh AP1 trồng tại Đô Lương và Nghĩa Đàn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và thu nhập cao hơn với nhiều loại cây trồng khác hiện nay đang sản xuất như cây mía, cây sắn...; bên cạnh đó đầu tư trồng gai xanh AP1 lần đầu cũng không cao hơn nhiều so với trồng mía, sắn… nhưng có thể lưu gốc được đến 10 năm, năng suất, thu nhập năm sau cao hơn năm trước; Đầu ra của vỏ cây gai xanh được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước ký hợp đồng thu mua lâu dài đến 10 năm, đảm bảo đầu ra ổn định. Việc rủi ro các bên phá vỡ hợp đồng rất thấp, do sản phẩm chỉ có công ty thu mua.
Tuy nhiên, để phát triển cây gai xanh tại Nghệ An cũng cần lưu ý một số khó khăn như diện tích ruộng đất hiện nay manh mún, khó mở rộng vùng nguyên liệu vì khi trồng cây gai xanh thì mỗi nhà phải chi phí mua một máy tuốt vỏ để đảm bảo chủ động trong khâu thu hoạch, do đó cần đảm bảo diện tích đủ lớn phù hợp cho chi phí và tổ chức sản xuất; mỗi năm thu hoạch 4-5 lứa, cần nhân lực để thu hoạch nhưng lao động hiện nay chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, việc thuê nhân công tại thời điểm thu hoạch rất khó khăn; các phụ phẩm khác từ cây gai xanh chưa được nghiên cứu, sử dụng hết.
Để phát triển cây gai xanh tại Nghệ An trở thành vùng nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất, vận chuyển, chế biến cần phải có quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp và cân đối giữa vùng nguyên liệu này và vùng nguyên liệu khác; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ riêng cho phát triển cây gai xanh để khuyến khích bà con đầu tư ban đầu, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, cũng như có các nghiên cứu về sử dụng các phụ phẩm từ cây gai xanh nhằm tận dụng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.