Nghiên cứu tuyển chọn cây ưu tú nhằm phục hồi và phát triển giống Hồng bản địa Nam Đàn

Thứ tư - 18/08/2021 23:32 0

Nguyễn Quang Huy1, Ngụy Khắc Đức1, Nguyễn Văn Khả1, Ngô Thị Oanh1, Đặng Văn Quát2, Nguyễn Quốc Hiếu3

1Trung tâm ứng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nghệ An
2 Sở khoa học và Công nghệ Nghệ An
3 Viện nghiên cứu Rau Quả
 
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
            Cây hồng (Diospyros kaki L.f.) thuộc họ Thị (Ebenaceae) có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, được du nhập vào Việt Nam trồng chủ yếu làm cây ăn quả, một số bộ phận của cây còn dùng để làm thuốc (Viện dược liệu, 2016). Hiện nay ở nước ta có rất nhiều giống hồng nổi tiếng như hồng Nhân Hậu (Hà Nam), hồng Hạc Trì (Phú Thọ), hồng không hạt Bảo Lâm (Lạng Sơn). Trong đó giống hồng bản địa Nam Đàn (Nghệ An) cũng là giống hồng quý, được xem là giống cây ăn quả đặc sản, không những nổi tiếng ở Nghệ An mà còn trong cả nước (Phạm Văn Côn, 1995).
            Cây hồng Nam Đàn là loài cây bản địa có ở trên đất Nam Đàn từ lâu đời, tập trung chủ yếu ở hai xã Nam Anh và Nam Xuân. Nghề trồng hồng đã trở thành một nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở Nam Anh, Nam Xuân và một vài xã dọc theo dãy Đại Huệ. Do có điều kiện tự nhiên, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên hồng bản địa Nam Đàn có chất lượng tốt, có vị ngọt thanh, thơm mát dịu, rất được ưa chuộng. Ngoài giống hồng bản địa Nam Đàn (thường gọi là hồng Gáo hay hồng Trứng), còn có 5 giống hồng khác là hồng Cậy, hồng Nứa, hồng Tiên, hồng Tròn dài, và hồng Chuột đã được đưa vào trồng trên địa bàn huyện thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, giống hồng Gáo là vẫn là giống đang được trồng phổ biến ở xã Nam Anh, chiếm 53,5 % trong tổng số 60 ha trồng hồng. Năng suất (18-20 tấn/ha), sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế và thị hiếu tiêu dùng của giống hồng Gáo cũng vượt trội các giống hồng còn lại.
            Mặc dù vậy, diện tích trồng hồng ở Nam Đàn đang có xu hướng giảm nhanh. Từ quy mô trên 100 ha trồng hồng trong những năm 1999 - 2000, hiện trên địa bàn toàn huyện chỉ còn 80 ha, nằm rải rác tại 18 xóm thuộc hai xã Nam Anh, Nam Xuân. Một trong những nguyên nhân chính là do giống hồng bản địa bị suy giảm, dẫn đến năng suất và chất lượng giảm, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Vì vậy, cần tuyển chọn cây ưu tú hồng bản địa để nhân giống, ghép cải tạo nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt và phát triển nghề trồng hồng có tính thương mại cao, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và phát triển du lịch ở huyện Nam Đàn. Nghiên cứu này là một phần của dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống hồng bản địa Nam Đàn” của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì thực hiện từ 2018-2020.

II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu nghiên cứu
         Vật liệu nghiên cứu là cây hồng bản địa Nam Đàn (hồng Gáo hay còn gọi là hồng Trứng) đang được trồng tại xã Nam Anh. Thời gian thực hiện từ 2018-2019.

2.2. Phương pháp tuyển chọn cây ưu tú

            Sử dụng kết hợp các phương pháp sau để tuyển chọn cây ưu tú, gồm i) đánh giá hình thái để xác định các cây có đặc điểm điển hình của cây hồng bản địa Nam Đàn, ii) đánh giá về sinh trưởng, năng suất của cây tại thời điểm nghiên cứu và kết hợp với phỏng vấn, thu thập số liệu của các vụ trước, và iii) đánh giá về chất lượng quả. Trên cơ sở kết quả điều tra và đánh giá  kết hợp với tư vấn của chuyên gia, cây hồng ưu tú được tuyển chọn cần đạt một số chỉ tiêu chính sau:
  • Về cây: Sinh trưởng khỏe, không nhiễm một số bệnh nghiêm trọng như chảy mủ gốc, thối gốc. Cây từ 10 tuổi trở lên, năng suất đạt ≥ 140 kg/cây
  • Về quả: khối lượng trung bình quả ≥ 45 g, quả có hình trứng, vai quả to, thuôn về trôn quả, vỏ quả màu vàng. Vị quả không chát, ngọt thanh. Quả không có hạt. Độ Brix ≥ 17, hàm lượng chất khô ≥ 20 %.
Các chỉ tiêu theo dõi: mô tả hình thái cây (chiều cao, chiều rộng tán, chu vi gốc), tuổi cây, mùa vụ ra hoa và thu hoạch; một số chỉ tiêu về năng suất, chất lượng quả (cảm quan và phân tích các chỉ tiêu dinh dưỡng). Các số liệu được xử lý bằng thống kê mô tả trong phần mềm Excel.
 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Một số đặc hình thái và nông sinh học của cây hồng bản địa Nam Đàn
Đặc điểm hình thái: Cây hồng bản địa Nam Đàn  tại xã Nam Anh có hình dạng cây là hình tròn hoặc hình dù, chiều cao cây từ 4 - 15 m, trung bình đạt 7,1 m. Chiều rộng tán từ 4 - 14 m, bình quân chiều rộng tán đạt 9,2 m. Lá đơn, to màu xanh đậm, chiều dài trung bình lá 14,2 cm, chiều rộng trung bình lá 6,8 cm. Ở tuổi cây từ 15 năm trở lên, cây hồng bản địa chủ yếu phát triển theo kiểu phân cành ngang (Hình 1a).
Đặc điểm ra hoa và thời vụ thu hoạch: cây hồng bản địa ra hoa vào trung tuần tháng 2 dương lịch (sau khi nảy lộc từ 30 – 40 ngày), hoa nở rộ, tập trung vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch (thời gian hoa kéo dài từ 20 – 25 ngày). Hoa có màu vàng nhạt, kiểu hoa chum. Thời gian thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 dương lịch (trong vòng khoảng hơn 2 tháng), quả bắt đầu chín vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 dương lịch hàng năm.
Đặc điểm về hình thái quả và năng suất: Quả hồng bản địa có dạng hình trứng hay gần giống các gáo múc nước do vậy người dân gọi là giống hồng Gáo hoặc hồng Trứng (Hình 1b). Màu sắc vỏ khi chín có màu vàng hoặc đỏ, không có hạt. Đặc biệt hương vị thịt quả thơm, ngọt mát. Khối lượng quả dao động từ 17 – 29 quả/kg (bình quân đạt 23,24 quả/kg). Khối lượng quả bình quân đạt 41,35 g/quả.  Năng suất bình quân hiện nay đạt 50 kg/cây (cây có tuổi ≤10 năm), 120 kg/cây (cây có tuổi ≥15 năm).
3.2. Tuyển chọn cây hồng bản địa  ưu tú
3.3.1. Sơ tuyển cây hồng ưu tú
Dựa trên kết quả điều tra, khảo sát sơ bộ, lựa chọn các vườn hồng tốt, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn những cây có nhiều ưu điểm vượt trội từ 38 vườn hồng của các hộ dân thuộc xóm 5, 6, 7, 8 9 ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Kết quả đã sở tuyển được  44 cây có triển vọng, có đặc điểm sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, ít hoặc không có biểu hiện sâu, bệnh hại để tham gia tuyển chọn. Mỗi cây được có được đặt mã số nhận diện.
a
b

 
Hình 1. Hình dạng cây (a) và quả hồng bản địa Nam Đàn (b)
3.3.2. Kết quả đánh giá sinh trưởng phát triển cây dự tuyển có triển vọng
            Kết quả đánh giá 44 cây dự tuyển về đặc điểm hình dạng, sinh trưởng, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 25 cây có ưu điểm nổi bật (tỉ lệ chọn 56,8 %), đáp ứng các tiêu chí về cây tuyển chọn. Cây sinh trưởng khỏe, hình dáng cân đối, kích thước thân cây lớn, không bị sâu bệnh hại. Các cây  có độ tuổi từ 12 đến 100 năm, trung bình là 42,2 năm. Chiều cao cây từ 6,5 đến 16,6 m, tán rộng từ 5,4 đến 12,23 m, chu vi gốc cây từ 0,55 đến 1,7 m. Số cây có độ tuổi từ 12 - 25 năm, 30 -40 năm và 60 đến 100 năm lần lượt là 9, 10 và 6 cây.  
3.3.3. Kết quả đánh giá năng suất, chất lượng quả cây dự tuyển có triển vọng
Từ 25 cây đã được lựa chọn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá năng suất và chất lượng quả (khối lượng trung bình quả, chiều dài, chiều rộng quả, màu sắc quả khi chín, số hạt/quả, cảm quan chất lượng quả). Kết quả đã lựa chọn được 22 cây đạt năng suất cao, khối lượng quả đạt yêu cầu (Bảng 1), quả đồng đều, không có hạt, mã quả đẹp, chất lượng cảm quan ban đầu tốt, đáp ứng tiêu chí đề ra.

Bảng 1. Kết quả đánh giá năng suất và khối lượng quả của 22 cây được tuyển chọn
 
TT Mã số cây Khối lượng quả (g) Năng suất (kg/cây)
1 HNĐ 04 47,62 150
2 HNĐ 05 47,62 200
3 HNĐ 004 50,00 150
4 HNĐ 005 47,62 300
5 HNĐ 13 47,62 600
6 HNĐ 21 50,00 180
7 HNĐ 30 47,62 140
8 HNĐ 35 55,56 230
9 HNĐ 36 50,00 210
10 HNĐ 39 47,62 140
11 HND 42 52,63 160
12 HNĐ 43 58,82 185
13 HNĐ 51 55,56 145
14 HNĐ 52 52,63 150
15 HNĐ 53 52,63 200
16 HNĐ 54 45,45 300
17 HNĐ 55 52,63 150
18 HNĐ 56 45,45 150
19 HNĐ 57 52,63 150
20 HNĐ 58 45,45 145
21 HNĐ 59 47,62 150
22 HNĐ 60 47,62 160
Min   45,45 140
Max   58,82 600
TB   50,02 197,5

Khối lượng của 22 cây được tuyển chọn có khối lượng quả đạt từ 45,45-58,82 g/quả, trung bình đạt 50,02 g/quả. Năng suất đạt từ 140-600 kg/cây, trung bình đạt 197,5 kg/cây. Các chỉ tiêu này đáp ứng chỉ tiêu đề ra và vượt số liệu trung bình về khối lượng quả 13,1 %, về năng suất quả (cây có tuổi ≥ 15 tuổi) là 39,2 % (so sánh với số liệu điều tra ở mục 3.1). Ba cây trong tổng số 25 cây lựa chọn không đạt tiêu chuẩn về năng suất là các cây có mã số HNĐ33; HNĐ45; HNĐ09. Năng suất quả trung bình của ba cây này là 130 - 132 kg/cây, khối lượng trung bình quả chỉ đạt từ 42,48 - 43,46 g/quả, không đáp ứng tiêu chí đề ra.
3.3.4. Kết quả đánh giá chất lượng quả hồng
Đánh giá sâu hơn chất lượng quả hồng của 22 cây đã được tuyển chọn về các chỉ tiêu dinh dưỡng thể hiện ở Bảng 2. Kết quả phân tích cho thấy độ Brix, thể hiện hàm lượng các chất rắn hòa tan bao gồm cả đường, trong quả của 22 cây dao động từ 17,5 -22,6, trung bình đạt 19,8, đáp ứng chỉ tiêu đề ra (≥17). Tương tự, chỉ tiêu chất khô từ 22,4 %, cũng cao hơn chỉ tiêu đề ra (20 %). Bên cạnh đó hàm lượng vitamin C, β-Caroten trong các cây tuyển chọn đều cao, trung bình lần lượt là 20,8 mg/100g, và 17,9 mg/kg.
Bảng 2. Kết quả phân tích sinh hóa giống hồng bản địa Nam Đàn
  Brix Chất khô (%) VTM C
(mg/100g)
Đường tổng số (%) Đường khử (%) Axit
(%)
Tanin
(%)
β-Caroten
(mg/kg)
Min 17,5 22,4 10,8 11,4 10,5 0,11 0,12 10,7
Max 22,6 26,8 20,8 16,8 15,5 0,27 0,35 17,9
TB 19,8 24,6 16,8 14,7 13,6 0,18 0,27 14,0
              Như vậy  22 cây đã lựa chọn đáp ứng các chỉ tiêu đề ra về sinh trưởng, năng suất, chất lượng, đây là 22 cây ưu tú được tuyển chọn.  Mắt ghép từ các cây hồng ưu tú này đã được sử dụng để tiến hành nhân giống, tạo ra hơn 4000 cây giống và sử dụng ghép cải tạo, phục hồi cho 251 cây hồng  trên diện tích hơn 3 ha của 30 hộ dân tham gia dự án. Ở một số địa phương, việc tuyển chọn cây ưu tú, cây đầu dòng của các giống hồng phục vụ phát triển trồng hồng cũng đã được thực hiện thành công như hồng Nhân Hậu ở Lục Ngạn, Bắc Giang(Tăng Văn Huy, 2010), hồng Hạc Trì, Phú Thọ (Hà Văn Thưởng và ctv, 2014).
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
            Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 22 cây hồng bản địa Nam Đàn ưu tú, đáp ứng các chỉ tiêu đề ra từ tổng số 44 cây dự tuyển tại địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Các cá thể hồng ưu tú có năng suất cao, chất lượng tốt, sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh hại. Trong thời gian tới, cần tiến hành làm các thủ tục để công nhận 22 cây hồng bản địa ưu tú này là cây đầu dòng, làm cơ sở cho việc sản xuất giống chất lượng cao và phát triển hồng bản địa Nam Đàn thành sản phẩm OCOP của huyện, có tính thương mại cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hà Quang Thưởng, Hán Thị Hồng Ngân, Đỗ Thế Việt, Hán Thị Hồng Xuân, 2014. Kết quả tuyển chọn cây đầu dòng hồng Hạc Trì – Phú Thọ”. Hội thảo Quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ hai.
  2. Phạm Văn Côn, 1995. Điều tra đánh giá, tuyển chọn một số giống hồng tốt ở các địa phương miền Bắc Việt Nam. Tuyển tập công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp giai đoạn 1990 -1995. Trường Đại học nông nghiệp I Hà Nội.   
  3. Tăng Văn Huy, 2010. Tuyển chọn cây ưu tú và nghiên cứu ghép cải tạo trên giống hồng Nhân Hậu tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Luận văn Thạc sỹ. Trường đại học Nâm Lâm Thái Nguyên.
  4. Viện Dược liệu, 2016. Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 454.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1311
  • Hôm nay63,593
  • Tháng hiện tại965,359
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây