Phát triển nhiên liệu phản lực hoàn toàn từ phân người

Thứ năm - 25/01/2024 21:09 0

Nhóm nghiên cứu tại công ty Nhiên liệu xanh Firefly có trụ sở ở Anh đã sử dụng phân người để sản xuất nhiên liệu dùng cho máy bay phản lực. Về mặt hóa học, nhiên liệu sinh học này giống nhiên liệu phản lực, nhưng thải ít CO2 hơn 92%. Trong bối cảnh ngành hàng không gây phát thải 2% CO2 trên toàn cầu, công nghệ này sẽ giúp cắt giảm phần nào nguồn gây ô nhiễm lớn.

Để sản xuất nhiên liệu có thể sử dụng được từ chất thải của con người, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp hóa lỏng thủy nhiệt. Quá trình này kết hợp giữa áp suất cao và nhiệt để chuyển đổi “chất rắn sinh học”, dạng nước thải được xử lý cuối cùng, thành than sinh học và dầu thô giàu cacbon.

Dầu thô sinh học này trông rất giống dầu và thậm chí có hoạt động hóa học tương tự, nghĩa là các nhà khoa học có thể chiết xuất dầu hỏa từ nhiên liệu bằng cách chưng cất phân đoạn. Điều này liên quan đến việc làm bay hơi dầu và thu gom phần ngưng tụ ở nhiệt độ nhất định.

Các thử nghiệm ban đầu về dầu hỏa được chiết xuất cho thấy nó có thành phần hóa học gần giống nhiên liệu phản lực A1. Dầu hỏa sinh học hiện đang được thử nghiệm tại Viện Công nghệ đốt DLR tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức và dự kiến sau đó sẽ được thử nghiệm tại Anh.

Nhiên liệu sinh học từ phân người được các tác giả gọi là “nhiên liệu không hóa thạch” vì nó không được sản xuất từ dầu thô, giống như nhiên liệu phản lực thông thường. Mặc dù CO2 vẫn được thải ra khi đốt cháy nhiên liệu, nhưng lượng phát thải cacbon ròng nhỏ hơn.

Theo ước tính của công ty Nhiên liệu xanh Firefly, mỗi năm, một người bài tiết lượng chất thải đủ để sản xuất từ 4 đến 5 lít nhiên liệu máy bay. Để một máy bay chở khách bay chặng từ London đến New York trong tám giờ, sẽ tiêu tốn lượng nước thải hàng năm của khoảng 10.000 người. Như vậy, nếu chất thải của toàn bộ người dân Anh được chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học, sẽ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu nhiên liệu hàng không của cả nước. Mặc dù đây không phải là tỷ lệ lớn nhưng James Hygate, Tổng giám đốc công ty Firefly vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của công nghệ mới.

N.P.D (NASATI), theo Dailymai, 1/2024

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay376,859
  • Tháng hiện tại1,338,486
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây