Cam Thiên Sơn - Thương hiệu từ phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ ba - 16/03/2021 22:03 0
Theo báo cáo vào tháng 11-2020 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích và sản lượng cây có múi liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi ở các tỉnh phía Bắc bình quân đạt 10%/năm về diện tích và 12,5%/năm về sản lượng. Trong đó, cây cam tăng bình quân 17,6%/năm về diện tích và 21,3%/năm về sản lượng. Báo cáo cũng ghi ra những hạn chế, trong đó báo động bùng phát lây lan dịch hại, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng chất lượng an toàn thực phẩm. Điều đó khiến cho có nơi, có lúc người tiêu dùng giảm lòng tin, quay lưng với sản phẩm làm cho giá giảm mạnh hoặc không có đầu ra. Nhiều bài học rút ra từ việc cây cam Vinh bị nhiễm bệnh buộc phải chặt bỏ hàng loạt, hay tình trạng không có đầu ra của cây quýt ở Quỳ Hợp.

Trong lúc cây cam Vinh ở nhiều nơi rơi vào tình cảnh lao đao thì một số vườn cam của những chủ nhân có cách làm bài bản, khoa học và chuyên nghiệp vẫn phát triển xanh tốt và cho quả chất lượng, bán được giá cao và luôn luôn “đắt hàng”. Vườn cam của HTX Thiên Sơn và những hộ dân ở Đồng Thành, Yên Thành (Nghệ An) là ví dụ thực tiễn. Tại hệ thống siêu thị AEON, cam Thiên Sơn được đặt ở vị trí bắt mắt với giá bán 79 nghìn đồng/kg. Thông qua AEON, cam Thiên Sơn còn xuất khẩu 20 tấn đầu tiên sang Nhật Bản, CHLB Đức, được người tiêu dùng ưa thích. Cam Xã Đoài hay còn gọi là cam Vinh là một trong những đặc sản của Nghệ An. Tuy nhiên, để cam Xã Đoài thành hàng hóa có thương hiệu đưa ra thị trường mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân thì ai cũng biết đến vai trò của một người con quê lúa. Đó là ông Trịnh Xuân Giáo chủ trang trại cam Thiên Sơn ở Yên Thành.
Qua thực tế ở thủ phủ cam Quỳ Hợp, Yên Thành, Con Cuông, và một vài trang trại cam ở Hòa Bình, nghe tâm sự với các chủ trang trại, cho thấy, muốn trồng cam phát triển bền vững thì trước tiên người trồng phải là những nông dân thông thái. Thực tiễn bế tắc đầu ra cây quýt và chặt bỏ hàng loạt cây cam ở Quỳ Hợp cho thấy, chính vì thiếu thông tin, tri thức khoa học, người nông dân đang đi theo phong trào một cách “tù mù” mà chưa thật sự “làm chủ” công việc của mình. Bí thư Đảng ủy xã Minh Hợp Phạm Xuân Minh cũng thừa nhận, việc trồng cam ồ ạt ngoài quy hoạch, trồng vội vàng thiếu sự nghiên cứu ở tất cả các khâu từ đất-giống-quy trình canh tác-đầu ra tiêu thụ, chế biến… là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Do vậy, việc tập huấn, bồi dưỡng tri thức, công nghệ cho người nông dân là hết sức quan trọng. Và như vậy, cần nhận thức rõ hơn về vai trò của nhà chuyên môn, kỹ sư nông nghiệp… trong chuỗi quy trình sản xuất.

Theo chuyên gia ngành nông nghiệp, người nông dân hiện nay phải đối mặt nhiều nguy cơ: tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm phát sinh như greening. Việc thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác còn tự phát, trình độ và nhận thức, thông tin hạn chế, thị trường rủi ro vì tính cạnh tranh cao. Vì vậy, vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia là hết sức cần thiết. Và quan trọng hơn nữa, cần sự vào cuộc của cơ quan nhà nước trong vai trò quản lý, tổ chức, thông tin, giám sát…
Anh Trịnh Xuân Giáo, trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An là người mang lại thành công cho cam Thiên Sơn . Nhiều năm lao động ở nước ngoài, anh Giáo may mắn được làm việc trong trang trại nông nghiệp sạch. Từ đó anh đã tích lũy kinh nghiệm, tri thức, và khi về nước năm 2004, anh Giáo chọn vùng đồi ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành để “khởi nghiệp” trồng cam. Bước đầu tiên, anh lấy mẫu đất, thuê cơ quan chuyên môn xét nghiệm phân tích chất đất, rồi khâu chọn giống, chọn thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sử dụng cũng đều được nghiên cứu kỹ.  Những vườn cam của anh trồng từ năm 2004, 2005 đến nay vẫn phát triển tốt, cho đều quả và chất lượng cao. Cam ngon, có nguồn gốc rõ ràng, quy trình sản xuất sạch, do đó nhanh chóng có vị trí ở thị trường trong nước. Để hướng tới xuất khẩu, anh Giáo mời chuyên gia tập huấn cách trồng cam theo tiêu chuẩn Globalgap - là chứng chỉ uy tín nhất trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Tháng 11 năm 2020, 25ha cam của HTX Thiên Sơn được công nhận đạt tiêu chuẩn Globalgap. Đây là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An đạt tiêu chuẩn toàn cầu này. Từ mô hình trang trại cam ông Giáo cho thu nhập cao trên địa bàn, người dân xã Đồng Thành học hỏi được kỹ thuật trồng cam, nhiều hộ đã đầu tư trồng cam trong vườn nhà cũng có thu nhập cao. Ông Giáo và các cộng sự đã tận tình hướng dẫn cho người dân, tạo thành những người cộng tác trồng cam trong vùng mang lại thương hiệu cam Yên Thành. 

Quy trình trồng cam sạch cũng đồng nghĩa với việc thay đổi tận gốc phương thức canh tác, từ kinh nghiệm chủ nghĩa sang thuần khoa học, từ canh tác hoá chất sang canh tác thuận tự nhiên, từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sang sử dụng vi sinh và thiên địch, từ trồng độc canh sang trồng tương hỗ năng lượng là cách làm của cam Thiên Sơn. Ngoài ra, muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì trước hết phải có người nông dân chuyên nghiệp. Thời gian qua một bộ phận nông dân đã nhận thức phải phát triển nông nghiệp sạch, bởi nếu không sẽ rủi ro về mặt thị trường. Không thể đánh giá tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, thậm chí là mất đi uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam. Như vậy, cho thấy nếu chỉ nói đến sự thông thái, chủ động của người nông dân thôi chưa đủ. Người nông dân trong thời đại 4.0 này cũng không thể “làm tất ăn cả" mà cần có sự liên kết của nhiều nhà trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Và trong chuỗi giá trị đó, ai cũng phải có lợi ích để gắn liền với trách nhiệm của mình.
Theo Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang, người nông dân cần sản xuất dưới một mô hình có tổ chức như là HTX; có hướng dẫn bài bản từ khâu trồng, chăm sóc theo quy trình sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, người nông dân có sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, bao tiêu đầu ra, được kết nối với hệ thống tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Như vậy sẽ không diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “mạnh ai nấy bán”. Và muốn thực hiện được mô hình ấy, thì những người không trực tiếp sản xuất như nhà quản lý, tổ chức, nhà khoa học, tư vấn, khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm đều cần phải được cân bằng về lợi ích. Tình trạng cây cam và cây quýt ở Quỳ Hợp cũng là bài học cảnh báo sớm cho các vùng cây ăn quả có múi khác trong cả nước như ở Tuyên Quang, Hòa Bình, khi hiện đang có những dấu hiệu suy thoái, nguy cơ chặt bỏ các vườn cam do dịch bệnh không chỉ đang diễn ra ở Nghệ An…
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, để phát triển cây cam có tính bền vững cần có các giải pháp bài bản từ nhiều phía. Nghệ An cần phải tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; nhất là tại cấp xã. Các vùng không nằm trong vùng quy hoạch thì tuyên truyền, định hướng người dân không trồng tràn lan gây tổn thất và lãng phí lớn cho người dân và xã hội, nhà nước. Kế đến công tác quản lý vật tư đầu vào sản xuất, trong đó làm tốt công tác quản lý giống và quản lý vật tư phân bón, thuốc BVTV. Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong quản lý dịch hại trên cây có múi, trong đó có cây cam. Ở các vùng dịch bệnh, đất bị thoái hóa, các địa phương và ngành chức năng phải giám sát chặt chẽ và kịp thời khuyến cáo người dân không trồng mới để tránh tổn hại về kinh tế, lãng phí đất đai...
Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Đức đề xuất: Rất mong Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ Nghệ An trong khâu sản xuất giống, đặc biệt là xây dựng vườn ươm, phục tráng giống cam Xã Đoài. Có chính sách kêu gọi đầu tư về bảo quản, chế biến sản phẩm cam và các loại cây ăn quả khác nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn về rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện cho sản phẩm cam xuất khẩu và có chính sách đầu tư phát triển ngành hàng cây ăn quả nhiều hơn, trong đó có cây cam trong những năm sắp tới. Cần có danh mục phân bón chuyên dùng, thuốc bảo vệ thực vật dành cho cây ăn quả, trong đó có cây cam, quýt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ những thực trạng thời gian qua, Cục Trồng trọt đưa ra giải pháp để định hướng phát triển cây có múi cho những năm tới, trong đó nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý trong các khâu: quản lý quy mô sản xuất, giống và cơ cấu giống, quản lý chất lượng giống, nêu cao vai trò của kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất-tiêu thụ, thông tin, dự báo và nâng cao năng lực, phát triển thị trường và ban hành các cơ chế chính sách. Hy vọng, những giải pháp này sẽ được cụ thể hóa bằng hành động để sớm đưa vào đời sống, giúp người nông dân trong thời đại 4.0 sẽ thực sự được chuyên nghiệp hóa và hoàn toàn đủ tri thức và sức mạnh kết nối để làm chủ trong hoạt động nông nghiệp của mình.
Thời gian tới, hy vọng tỉnh nghệ An cùng các ngành và địa phương liên quan liên quan đẩy mạnh việc hỗ trợ người trồng cam, quýt ở Nghệ An xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng; dán tem nhãn nhận diện, và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là sự hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến làm nước quýt, bột quýt. Tỉnh cần có chủ trương khuyến khích hai doanh nghiệp đang có dây chuyền chế biến hoa quả trên địa bàn đó là Nhà máy chế biến chanh leo, dứa cô đặc của Công ty CP Nafoods và Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên của Tập đoàn TH cùng tham gia thu mua, chế biến quýt. Cùng với đó, người trồng cần phải tiếp tục tuân thủ quy trình theo đúng tiêu chuẩn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; năng động cùng liên kết với các tổ chức, cá nhân… để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thành Châu
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1476
  • Hôm nay90,575
  • Tháng hiện tại1,063,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây