Nông dân trồng vải thiều sạch theo chỉ dẫn địa lý Nhật Bản

Thứ ba - 27/04/2021 22:46 0

Cầm cuốn nhật ký, anh Vũ Văn Mến (Lục Ngạn, Bắc Giang) ghi chi tiết ngày bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và cách tưới nước cho cây vải thiều.

Lật từng trang với các bảng được kẻ ô theo đầu mục để theo dõi từng loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, tên thuốc, số lượng, người mua, địa chỉ mua, anh Mến cho biết, tất cả các hộ đăng ký trồng vải để xuất khẩu đi Nhật Bản hoặc GlobalGAP, đều làm như vậy. Từ nước tới phân bón cũng phải làm tương tự, tỉ mỉ từng ngày, khác hẳn với trước đây không phải ghi chép gì. "Chúng tôi ghi như vậy để khi cần phía công ty xuất, nhập khẩu quả vải theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm", anh Mến nói.

 
Anh Mến cắt tỉa bớt chùm hoa nhỏ để cây tập trung nuôi chùm hoa chính giúp quả vải to, mọng. Ảnh: HM.

Anh Mến cắt tỉa bớt chùm hoa nhỏ để cây tập trung nuôi chùm hoa chính giúp quả vải to, mọng. Ảnh: HM.

Anh cho biết, vụ vải năm nay còn đặc biệt hơn khi vải thiều Lục Ngạn đã chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Do đã được "cấp giấy thông hành" ở thị trường khó tính nên các hộ đều cam kết thực hiện nghiêm ngặt. Bây giờ "chúng tôi không phải lo đầu ra, vì đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu tiêu thụ, giá bán lại cao hơn bình thường từ 15-25%, vì thế năm nay nhiều hộ dân ở Quý Sơn, Lục Ngạn chuyển sang trồng vải sạch", anh Mến nói. Chỉ riêng nhóm anh phụ trách có 7 hộ tham gia, tổng diện tích hơn 10 hecta. Toàn xã Quý Sơn có hơn 37 hecta vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Chị Đặng Thị Khuynh, cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn cho biết, để đáp ứng các tiêu chí của thị trường xuất khẩu và được Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, quy trình trồng vải đòi hỏi những yêu cầu và kỹ thuật khắt khe hơn, từ cây giống, đất, nước, phân bón cho đến quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản. Cây vải thiều không được trồng xen với cây khác, không được chăn nuôi trong khu vực.

 
Nhật ký sản xuất được ghi chép chi tiết. Ảnh: HM.

Nhật ký sản xuất được ghi chép chi tiết. Ảnh: HM.

Kể lại con đường để được Nhật Bản cấp chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết "đó là chặng đường gian nan" với thời gian hơn 3 năm, từ khâu chuẩn bị hồ sơ tới việc cung cấp các tài liệu chứng minh vải thiều Lục Ngạn khác biệt. Trong đó cần chứng minh "độ ngọt" của vải thiều Lục Ngạn đậm hơn so với quả vải của các địa phương khác, thể hiện rõ qua số liệu thành phần sinh hóa.

Theo yêu cầu này, Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được chọn để phân tích các thành phần của quả vải thiều Lục Ngạn, so sánh tỷ lệ đường, axit... với quả vải tươi của Thanh Hà (Hải Dương). Tới tháng 8 năm 2020 văn bản này được hoàn thiện và hôm 12/3, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức công bố Văn bằng bảo hộ được cấp trên website của Bộ này. "Dự kiến trong tháng 4 bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn về đến Việt Nam", ông Phí nói.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang cho thấy, năm 2021 diện tích vải thiều toàn tỉnh là 27.700 ha, sản lượng dự kiến là 160.000 tấn. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450 ha, sản lượng trên 120.000 tấn.

Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kỳ vọng việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tới sẽ gia tăng cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Năm 2021, dự kiến xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản trên 1.000 tấn.

Tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm vải thiều. Theo chính sách này, Tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm với mức tối đa 200 triệu đồng trên một sản phẩm; 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng trên một sản phẩm... ).

"Bắc Giang tiếp tục nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm) để nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm vải thiều. Chúng tôi cũng hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị", ông Sơn nói và nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ các hộ sản xuất để duy trì chất lượng chỉ dẫn địa lý của vải thiều Lục Ngạn.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương...).

Hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được liên minh châu âu công nhận trong khuôn khổ các FTA. Trong số này có nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, hoa hồi Lạng Sơn, cafe Buôn Ma Thuột, vải thiều Bắc Giang, chè San tuyết Mộc Châu...

Bích Ngọc

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay195,958
  • Tháng hiện tại1,826,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây