Chàng thanh niên Nghi Văn - Nghi Lộc thành công với mô hình nuôi gà cho nghe nhạc

Thứ ba - 29/11/2022 22:07 0
Sau khi Nghi Lộc hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất vào năm 2015, đã tạo điều kiện để phát triển trang trại, nhờ đó trang trại ở Nghi Lộc tăng nhanh, cả về số lượng và qui mô. Huyện Nghi Lộc cũng đã có nhiều cách làm để trang trại được nhân rộng, nên đến nay, toàn huyện có 305 trang trại với gần 90 ngàn con gia súc và gần 1,5 triệu con gia cầm. Các trang trại đều được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, hàng năm huyện tạo điều kiện cho các chủ trang trại được gặp nhau, trao đổi thông tin, từ đó kết nối với nhau và tự liên hệ để đảm bảo đầu ra cho trang trại của mình trong cả nước.
Ông Đồng Thanh Bình - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Nghi Lộc dồn sức cho trang trại phát triển cũng có nguyên nhân trồng trọt khó khăn, hạn hán thiên tai thường xuyên đe dọa, trong khi đó, các chủ trang trại khi đã đầu tư lớn đều rất quan tâm bảo vệ sản nghiệp của mình, họ đầu tư chống rét, chống nóng, chăm lo thú y, phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa các trang trại góp phần tạo ra giá trị lớn trong sản xuất nông nghiệp".

Cùng với nhiều cơ chế chính sách ưu tiên của huyện trong phát triển kinh tế trang trại, thì những người nông dân Nghi Lộc đã mạnh dạn với những cách làm giàu đang dần khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bằng sự hình thành của những trang trại cho thu nhập cao. Những ông chủ trang trại, những nông dân tỷ phú đang góp phần tô đẹp thêm bức tranh kinh tế của quê hương Nghi Lộc.
Sau thất bại nuôi lợn với món nợ khoảng 1 tỷ đồng, anh Nguyễn Hữu Thắng đã có quyết định táo bạo khi khởi nghiệp lần 2 với mô hình nuôi gà ác. Với “máu liều” cùng mô hình nuôi gà ác “độc, lạ” bước đầu trang trại của anh đã có doanh thu tốt. Anh Nguyễn Hữu Thắng (SN 1992), trú xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) từng có thời gian đi xuất khẩu lao động. Sau khi trở về nước, như nhiều người khác, anh phải loay hoay để tìm công việc mới. Nhận thấy ngành chăn nuôi còn nhiều cơ hội phát triển vì nhu cầu thực phẩm của người dân luôn cao nên anh quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Nhưng rồi vì thiếu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, lại vướng dịch bệnh, đàn lợn của trang trại anh chết dần, chết mòn. Sau 2 lứa xuống giống nhưng đều thất bại khiến anh Thắng thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Do đó, anh Thắng quyết định dừng việc chăn nuôi lợn.
Sau thời gian tìm hiểu thị trường, anh quyết định chọn gà ác để làm lại. Chia sẻ về lý do nuôi gà ác, anh cho biết, chọn nuôi gà ác lấy trứng vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi quả trứng cao gấp đôi trứng thường. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ còn nhiều bởi các tỉnh phía bắc hầu như chưa có nguồn cung…
Cuối năm 2021, 12.000 con gà giống 1 ngày tuổi được đưa lên máy bay vận chuyển từ miền Nam về Nghệ An. Thời tiết giá lạnh khiến anh phải nhanh chóng vận chuyển gà về trang trại rộng lớn với đầy đủ hệ thống đèn sưởi, giàn mát, máy phun hơi nước…
Loại gà ác này rất hung dữ và hiếu chiến. Chúng thường mổ đồng loại tứa máu, rồi mổ vỡ trứng vừa đẻ ra. Do đó, anh đã lắp đặt hệ thống âm thanh, phát nhạc suốt ngày như một liệu pháp giúp gà ổn định tâm lý, trung hòa tính “máu chiến”. Anh Thắng chia sẻ, “Nhạc được mở lúc gà thức, khi gà ngủ thì chúng tôi sẽ tắt nhạc. Những bản nhạc mở trong trang trại là nhạc nhẹ, ballad… Việc mở nhạc cho gà nghe giúp cho “máu chiến” của gà này giảm đi”.
Bên cạnh đó, nhằm tăng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt miền Trung của gà ác, anh Thắng đã đầu tư thêm hệ thống đèn sưởi vào mùa đông và quạt làm mát vào mùa hè. Với hệ thống làm mát này, nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì từ 22-28 độ C, thấp hơn từ 10-12 độ C so với bên ngoài. Vì là giống gà “khó tính”, vì vậy quá trình chăn nuôi anh Thắng luôn tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, từ kiểm soát chất lượng đầu vào, thức ăn, môi trường và vaccine phòng bệnh.
Sau 7 tháng chăm sóc, đàn gà đã cho thu hoạch trứng. Thời điểm hiện tại, anh cho hay trung bình mỗi ngày trang trại thu 3.000-4.000 quả trứng. Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày, ông chủ trang trại gà ác trẻ tuổi thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía bắc, hiện số trứng của trang trại anh mới chỉ đáp ứng được một phần. Trong thời gian tới, anh đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi để ung ứng cho thị trường. Anh cũng đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP và đưa trứng gà ác của trang trại vào hệ thống siêu thị.
Minh Quang

Nguồn: Sưu tầm

 Tags: hoàn thành

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1077
  • Hôm nay132,763
  • Tháng hiện tại904,122
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây