Mô hình trồng cây dược liệu Khôi nhung dưới tán rừng tại huyện Thanh Chương

Thứ năm - 15/12/2022 20:06 0
Phát triển cây dược liệu được Đảng, nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376 /QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thanh Chương là huyện lớn, có diện tích tự nhiên 112.890,65 ha, địa hình phong phú, đa dạng, có đồng bằng bồi tích ven sông, có vùng núi thấp và núi cao; diện tích rừng lớn, độ che phủ cao nên Thanh Chương có tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất cây công nghiệp và cây dược liệu.

Cây Khôi nhung còn được gọi là lá khôi, cây độc lực, đơn tướng quân, khôi tía có tên khoa học Ardisia Silvestris, là một loài thực vật có hoa trong họ anh thảo, cây nhỏ, mọc thẳng đứng, cao chừng 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá cây tập trung ở đầu ngọn, mọc so le, phiến lá nguyên, mép có răng cưa nhỏ và mịn thon dài 15-40 cm, rộng 6-10 cm, mặt trên màu lục sẫm mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới. Hoa mọc thành chùm, dài 10-15m, màu trắng pha hồng tím gồm 5 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ. Lá khôi nhung tía là một bộ phận có chứa các thành phần chính là tanin và glucosid, có tác dụng chống viêm, làm se vết loét, làm liền sẹo và giảm sự gia tăng axit dạ dày.
Cây Khôi thường mọc hoang tại những khu rừng rậm miền thượng du, vùng núi ở độ cao 400 - 1000m, ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh... Hiện nay, cây Khôi được nhân dân các vùng núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…. trồng nhiều do vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang hiệu quả chữa bệnh. Khôi nhung thuộc loại ưa ẩm và bóng mát nên có thể trồng xen với một số loại cây hoặc trồng dưới tán rừng, ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà. Khôi nhung là loài cây ít sâu bệnh nên chăm sóc không khó, chỉ cần thường xuyên vun xới quanh gốc, tưới nước tạo độ ẩm là cây phát triển tốt. Sau mỗi lần thu hoạch lá, chỉ cần phun thuốc phòng trừ nấm, bón phân chuồng hoai mục là cây sinh trưởng tốt.

Việc triển khai mô hình đã tận dụng lợi thế của địa phương có diện tích dưới tán rừng tự nhiện, tán rừng sản xuất lớn, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho một số lao động trên địa bàn, đặc biệt lao động yếu thế… giúp họ có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển và xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm dược liệu. Nhận thấy được những hiệu quả mang lại, UBND huyện Thanh Chương triển khai thực hiện mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng tại xóm Sướn, xã Thanh Đức với quy mô 01ha tại xóm Sướn xã Thanh Đức từ tháng 03/2022-11/2022.
Với mục đích tận dụng diện tích dưới tán rừng tự nhiện, tán rừng sản xuất nâng cao thu nhập góp phần tạo công ăn việc làm cho một số lao động trên địa bàn, đặc biệt lao động yếu thế… giúp họ có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo.  Bảo tồn, phát triển và xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm dược liệu. Xây dựng thành công mô hình trồng cây Khôi nhung, với quy mô 01ha, chiều cao cây đạt 50-70 cm sau 5 tháng trồng.
Mô hình được triển khai theo hình thức phối hợp thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, trong đó 100% tiền giống, cử người theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tổ chức tập huấn kỹ thuật, tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình. Chủ hộ thực hiện mô hình đầu tư công, đất, các loại phân bón, bằng 50% chi phí.
Thời gian triển khai từ tháng 01/2022 đến tháng 03/2022. Kết quả, cây Khôi Nhung được trồng xen dưới tán rừng keo, tiến hành trồng vào vụ xuân, tháng 3 năm 2022, giống cây được đặt mua ở tỉnh Vĩnh Phúc, trên quy mô trồng là 01 ha với mật độ 10.000/ha. Sau 09 tháng trồng, cây phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 90%, chiều cao cây đạt bình quân 80cm. Hiện nay cây đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng ước đạt 02 tấn lá tươi/ha, với giá ổn định 30.000đ/kg lá tươi, sản phẩm được Hợp Tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường huyện Quỳ hợp, tỉnh Nghệ An bao tiêu toàn bộ. Quá trình thực hiện mô hình, các bên liên quan đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để mô hình thực hiện tốt. Hàng tháng có kiểm tra đánh giá, đưa ra các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thích hợp.
Từ thực tiễn của mô hình cho thấy, cây khôi nhung đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng: vừa tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng trồng trên địa bàn, vừa có sản lượng thu hoạch cao, ước đạt 1,2 -2 tấn lá khô/ha/năm, trừ đi chi phí, ước tính thu nhập bình quân 01ha/năm đạt 60 - 80 triệu đồng… Vì vậy, có khả năng nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế cho địa phương.
Với những kết quả mà mô hình đem lại, UBND huyện Thanh Chương đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục cho triển khai nhân rộng mô hình và đưa vào danh mục được ưu tiên thực hiện trong những năm tiếp theo; Tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số chủng loại dược liệu mới, có giá trị kinh tế cao để đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở để nhân rộng mô hình. Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, nhất là các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Lê Đình Thanh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2364
  • Hôm nay144,840
  • Tháng hiện tại1,036,305
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây