Phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi

Chủ nhật - 29/01/2023 21:26 0
Thực trạng hiện nay phần lớn phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ quá trình có nguồn gốc và được hình thành từ tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, phân, chất thải của gia súc, gia cầm…  chỉ thu gom và xử lý theo phương pháp truyền thống, một số ít các hộ do thiếu phương tiện thu gom hoặc không có giải pháp xử lý sau thu gom nên vứt bỏ ra môi trường, theo dòng chảy gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn nguyên liệu. Để tận dụng nguồn phụ phẩm nhằm tái sử dụng làm phân bón theo chuỗi giá trị góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, chúng tôi giới thiệu Phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi.
Phân hữu cơ là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng các hợp chất hữu cơ, dùng trong canh tác và sản xuất nông nghiệp. Phân hữu cơ có nguồn gốc và được hình thành từ tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, phân, chất thải của gia súc, gia cầm… Việc bón phân hữu cơ sẽ giúp cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất qua việc cung cấp, bổ sung các chất hữu cơ, mùn, vi sinh vật và trả lại lượng hữu cơ cho mặt đất.
Nguyên liệu gồm phế thải có nguồn gốc từ sinh hoạt được thu gom và phân loại trước khi đưa vào ủ. Chọn phế thải có nguồn gốc hữu cơ dễ phân huỷ, các phế thải khác như: túi nilon, cành cây,... phải được loại bỏ; Phế thải có nguồn gốc từ cây xanh: Các loại rác lá, rơm, rạ, ngô, lạc, cây phân xanh, chè, vải, các loại cỏ (trừ cỏ gấu, cỏ tranh)... các loại vỏ như vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ lạc...; Phế thải có nguồn gốc từ động vật: Phân gia súc (trâu, bò, lợn, dê....), gia cầm (gà, vịt, ngan...); Chế phẩm sinh học Compost Maker. Nguyên liệu bổ sung gồm Đam, lân, kali, vôi bột, rỉ đường....
Hiện Trung tâm Ứng dụng TB KH&CN Nghệ An thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An là đơn vị cung cấp chế phẩm sinh học Compost Maker cho bà con để phối trộn với các phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp cho đất, cải tạo đất hiệu quả. Chế phẩm sinh học Compost Maker là loại men ủ tổng hợp sản xuất từ các chủng vi sinh vật phân giải chất xơ, hợp chất hữu cơ và vi sinh vật phân giải lân. Có mật độ vi sinh vật tuyển chọn không nhỏ hơn 108 vsv/gam.
1. Phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt
Nguyên liệu gồm 1000 kg nguyên liệu hữu cơ (800 kg phụ phẩm trồng trọt + 200 kg phân trâu/bò/gà) + 1 kg chế phẩm Compost maker - Bio 02 hoặc chế phẩm có hiệu lực tương đương + 5,0 kg vôi bột.
Chế phẩm chứa các chủng vi sinh vật, bao gồm: vi sinh vật phân giải xenlulo/lignin Trichoderma asperellum VACC 30032, Streptomyces malaysiensis VACC 10025; phân giải phốt phát khó tan Bacillus methylotrophicus VACC 151 và lên men khử mùi Lactobacillus paracasei VACC 627; mật độ vi sinh vật hữu ích của mỗi loại đạt ≥ 108 CFU/gam. Chế phẩm có tác dụng phân hủy nguyên liệu hữu cơ, lên men khử mùi giúp xử lý nhanh phụ phẩm trồng trọt thành phân bón hữu cơ.


https://ngheandost.gov.vn/uploads/news/2022_12/image-20221205101139-1.png
Chọn nơi thuận tiện cho việc sử dụng, trên nền đất trống hoặc xi măng, khô ráo. Rạch rãnh xung quanh cho nước chảy vào hố gom nhỏ tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới ẩm quá. Diện tích nền khoảng 3 m2/1 tấn phân ủ.
Phụ phẩm còn tươi nhanh phân huỷ hơn khi để khô. Nếu phế phụ phẩm ở dạng khô, khó phân hủy (rơm rạ khô, thân lá ngô khô, cành lá khô) nên trộn vôi bột với nguyên liệu hoặc hòa vôi bột với nước sạch tưới đều lên nguyên liệu; đánh đống, ủ trong thời gian 1 - 2 ngày để nguyên liệu hữu cơ mềm ra trước khi phối trộn các nguyên liệu khác. Nếu nguyên liệu quá dài (thân cây ngô, cành cây) nên được băm nhỏ thành đoạn 10 - 15 cm.
Phụ phẩm trồng trọt được trải thành lớp có độ dày 15 - 20 cm; rắc chế phẩm Compost maker – Bio 02 một lớp mỏng lên bề mặt lớp phụ phẩm; tưới nước lên đống nguyên liệu để độ ẩm đạt khoảng 50 - 55%. Tiếp tục làm từng lớp như trên cho đến hết nguyên liệu.
Đống nguyên liệu đảo trộn đều và có độ ẩm đạt 50 - 55% (có thể kiểm tra nhanh bằng dùng tay bóp nhẹ nắm nguyên liệu, thấy có ít nước rỉ qua kẽ tay). Nếu nguyên liệu khô, cần bổ sung thêm nước. Kiểm tra pH của hỗn hợp: Nếu pH hỗn hợp < 7 cần bổ sung vôi bột sao cho pH đạt ≥ 7 - 7,5. Nếu sử dụng ở qui mô công nghiệp: Sử dụng máy xúc, máy trộn để trộn đều nguyên liệu hữu cơ và nguyên liệu bổ sung.
Chuyển nguyên liệu đã được đảo trộn vào vị trí ủ. Chiều cao đống ủ cao từ 1,2 - 1,5 m, rộng 2,0 m và chiều dài phù hợp với vị trí ủ và lượng phân ủ. Lưu ý không nén chặt đống ủ. Che kín bề mặt đống ủ bằng bạt tối màu để đảm bảo nhiệt độ 40 – 50 độ C.
Kiểm tra luống ủ: Luống ủ được coi là đạt yêu cầu khi nhận thấy dấu hiệu hoạt động của vi sinh vật như tạo các lớp màu trắng đồng nhất dạng sợi ngắn trên bề mặt và dưới bề mặt 20 - 30 cm, nhiệt độ khối ủ cao hơn nhiệt độ môi trường ít nhất 20 độ C trước khi đảo trộn lần 1.
Đảo trộn đống ủ sau 7-8 ngày và 15-17 ngày (tưới bổ sung thêm nước nếu đống ủ bị khô).
Thời gian ủ tùy thuộc vào loại nguyên liệu hữu cơ (rơm rạ: 30-35 ngày, thân lá đậu: 35-40 ngày, thân lá ngô: 40-45 ngày, cỏ: 25-30 ngày). Nguyên liệu đạt độ hoai mục khi nhiệt độ của khối nguyên liệu sau khi ủ cao hơn nhiệt độ môi trường tối đa 5 độ C.
Sản phẩm được dỡ ra và đảo trộn, đánh đống và để nguyên 1-2 tuần với mục đích ổn định chất lượng trước khi đưa ra sử dụng. Bảo quản phân ủ hoai mục trong điều kiện nhiệt độ không khí bình thường, khô ráo, thoáng mát và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

https://ttbvtv.lamdong.gov.vn/images/bvtv/RTNN1.jpg
2. Kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi
Nguyên liệu gồm
1000 kg nguyên liệu hữu cơ (800 kg phân trâu/bò/gà) + 200 kg phụ phẩm trồng trọt) + 1 kg chế phẩm VNUA-MiosV hoặc chế phẩm có hiệu lực tương đương + 5,0 kg vôi bột. Chế phẩm chứa các chủng vi sinh vật sống, đã được tuyển chọn, gồm xạ khuẩn phân giải xenlulo, tinh bột, protein Streptomyces murinus; nấm phân giải xenlulo/tinh bột Trichoderma viride; vi khuẩn phân giải xenlulo, tinh bột, protein Bacillus lichenifomisBacillus subtilis, nấm men, vi khuẩn khử mùi Sacharomyces cerevisiaeLactobacillus platarum; mật độ vi sinh vật hữu ích mỗi loại đạt ≥ 108 CFU/g. Chế phẩm có tác dụng phân hủy nguyên liệu hữu cơ, lên men khử mùi giúp xử lý nhanh chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ.
Cách thực hiện tương tự các bước khi ủ phế phụ phẩm cây trồng.
Thời gian ủ phân chuồng: 40 - 45 ngày.
Đảo trộn đống ủ: Sau 12 -15 ngày kể từ khi ủ tiến hành đảo trộn đống ủ (đống ủ được đảo chất lượng phân ủ tốt hơn và thời gian ủ sẽ nhanh hơn). Trong quá trình đảo trộn bổ sung thêm nước vào nếu đống ủ bị khô. Sau khi ủ khoảng 40- 60 ngày kiểm tra đống ủ thấy không nóng hơn so với nhiệt độ bên ngoài, không có mùi khó chịu, phân ủ dễ mủn, tơi và có màu đen hoặc màu nâu sẫm là phân đã đạt độ hoai mục. Đảo trộn đều đống ủ đánh đống sau 1 tuần, tiến hành lẫy mẫu phân kiểm tra, kết quả đạt tiêu chuẩn phân bón có thể sử dụng bón cho cây trồng.
Thời gian ủ dài hay ngắn tuỳ theo loại nguyên liệu và mùa vụ, kéo dài từ 1,5-3 tháng. Khi kiểm tra thấy đống phân màu nâu đen, tơi xốp, có mùi chua nồng của dấm, thọc tay vào đống phân thấy ấm vừa tay là phân đã hoai mục có thể đem sử dụng./.
Minh Long

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1593
  • Hôm nay118,117
  • Tháng hiện tại1,091,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây