Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường nông thôn từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Kỳ

Thứ sáu - 24/03/2023 04:00 0
Tân Kỳ là huyện miền núi nghèo thuộc miền Tây Nghệ An, nhờ biết khai thác khéo léo ưu đãi từ thiên nhiên cùng chính sách đầu tư của tỉnh mà những năm gần đây, bộ mặt nông thôn Tân Kỳ ngày càng khởi sắc, nhất là sự phát triển đồng bộ và nổi trội của lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn đã có sự chuyển dịch tích cực, không chỉ trong cơ cấu ngành mà còn có chuyển biến rõ rệt trong nội bộ các ngành, thể hiện rõ nét qua việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, Tân Kỳ đặc biệt chú trọng tới việc khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân. Bên cạnh đó, Tân Kỳ chú trọng ưu tiên đầu tư cho phát triển bền vững.
Với mục tiêu hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững. Hội Nông dân huyện Tân Kỳ đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình như mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường nông thôn”.

Các hội viên tham gia sử dụng phân bón hữu cơ được Hội Nông dân hướng dẫn cách sử dụng
Mỗi năm, Việt Nam thải ra 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, cần làm gì để biến khối nguyên liệu khổng lồ này thành tiền. Mặc dù đây là nguồn tài nguyên hữu cơ quý giá nhưng vẫn bị đốt bỏ là chủ yếu. Nếu được cầu tư, chế biến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu được ứng dụng các công nghệ phù hợp thì phụ phẩm này sẽ có giá trị trong chăn nuôi, dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường.
Tân Kỳ là huyện miền núi, với 96% hộ dân là sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, các phụ phẩm nông nghiệp như là rơm rạ, thân lá ngô, rễ cây thường bị nông dân đốt bỏ hoặc vứt bừa bãi trên khắp cánh đồng, đường làng ngõ xóm, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Năm 2009, Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ trình UBND tỉnh Nghệ An đề tài khoa học chế biến phân hữu cơ vi sinh. Hai năm sau, tỉnh chấp nhận, giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thí điểm tại địa phương từ năm 2011 đến nay. Hiện, phong trào sản xuất phân hữu cơ của Tân Kỳ dẫn đầu tỉnh Nghệ An. Để góp phần phát triển bền vững, sử dụng nguồn phế phụ phẩm này phục vụ cho việc sản xuất phân bón hữu cơ. Năm 2021, Hội nông dân huyện Tân Kỳ đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm dự án “Xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Tân Phú. Đây là một phương pháp mới mà tất cả các phế phụ phẩm nông nghiệp được trộn với men vi sinh, loại men này sản xuất từ các chủng vi sinh vật phân giải chất xơ, hợp chất hữu cơ và vi sinh vật phân giải lân. Sau thời gian ủ trên 1 tháng thì cho ra sản phẩm phân hữu cơ được bà con nông dân sử dụng thay thế phân hoá học. Qua 1 thời gian triển khai, đến nay mô hình đã khẳng định được hiệu quả, toàn xã Tân Phú có 128 hộ áp dụng quy trình xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn đã được Hội Nông dân huyện Tân Kỳ trực tiếp chỉ đạo nhân rộng ra 116 chi hội tại 13/22 xã, Thị trấn với 10.000 hội viên nông dân tham gia. Bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn huyện đã sản xuất được hơn 5.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh tại chỗ từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Với giá thành khoảng 3.000 - 3.500 đ/1kg phân vi sinh, thì nông dân Tân Kỳ đã giảm được chi phí mua phân bón từ 15-16 tỷ đồng mỗi năm. Đây là mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con trong thời điểm
Song song, Tân Kỳ còn chỉ đạo các hội cơ sở triển khai mô hình sử dụng chế phẩm Biogreen xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đất nhằm cải tạo đất canh tác, làm tăng độ phì nhiêu trong đất. Từ đó, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất giảm rõ rệt, đất và cây trồng trên đất hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí trong quản lý chất lượng nông sản.

Mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn” của nông dân Tân Kỳ được Hội nông dân tỉnh Nghệ An đánh giá là mô hình hiệu quả nhất trong toàn tỉnh hiện nay. Mô hình đã góp phần làm giảm lượng khí thải ra môi trường và từ phế phụ phẩm qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái, khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Mô hình cũng cho thấy, phụ phẩm nông nghiệp không phải thứ bỏ đi, mà đầu ra của lĩnh vực sản xuất này sẽ là đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn./.
Trần Phước

Nguồn: Sưu tầm

 Tags: tân kỳ

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay188,838
  • Tháng hiện tại1,819,665
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây