Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An và hiệu quả thu được

Thứ tư - 29/06/2022 23:07 0
Nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp quản lý chu trình nuôi ở 3 khía cạnh chính: Hiệu quả quản lý trại nuôi, kiểm soát chỉ tiêu môi trường nước nuôi, quản lý các thiết bị trong ao nuôi. Đại khái, sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, để ghi nhật ký nuôi tôm, điều khiển thông minh các thiết bị trong ao như máy cho ăn tự động, quạt nước, sục oxy… Từ đó mang lại hiệu quả cuối cùng là tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vừa tăng lợi ích kinh tế cho riêng người nuôi vừa nâng vị thế của tôm Việt Nam khi xuất khẩu. Từ nhiều năm trước, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã mở hướng đầu tư sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Lúc đó, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới được triển khai để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế từ đó nâng cao hiệu quả và giá trị con tôm nuôi.
Nhận thấy cách nuôi mới có hiệu quả, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở một số tỉnh thành phía nam cũng đã chuyển đổi từ các hình thức nuôi cũ sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Với cách nuôi này, người nuôi tôm thu lợi nhuận tăng nhiều lần so với nuôi theo cách truyền thống.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao thường được phát triển dựa trên cơ sở của nuôi thâm canh, siêu thâm canh sẵn có, đa số là thay đổi phương thức canh tác từ từ và sử dụng một phần thiết bị hiện đại, thường gặp nhất là máy cho ăn tự động, tủ điện tự động… Thực chất đây là chỉ mới là hướng đi ứng dụng công nghệ cao chứ chưa phải là mô hình nuôi tôm công nghệ cao hoàn chỉnh.
Đối với hợp tác xã, các mô hình trình diễn, doanh nghiệp thì mô hình thường được áp dụng theo hình thức khép kín hướng thân thiện môi trường. Trong đó, khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: Ao ương dưỡng, ao tôm thương phẩm, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để.
Một số mô hình sẽ xử lý nước thải trong ao nuôi, dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc lưới, phân tôm có kích thước nhỏ nên lọt qua túi lưới đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi được tách hết nước mặn sẽ dùng nước ngọt rửa, pha loãng và sử dụng làm phân bón, thức ăn cho chăn nuôi. 
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi trồng thủy sản đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, tạo nên vòng nuôi tuần hoàn khép kín, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Một số tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng rộng rãi. Tiến sĩ Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Viện đã nghiên cứu và phát triển bộ công cụ quan trắc môi trường nước tự động nhằm đo, giám sát môi trường nước theo thời gian thực. Việc thu thập các thông tin môi trường nước kịp thời, thông báo liên tục cho chủ đầm nuôi tôm sẽ giúp cảnh báo sớm cho người nuôi các chỉ số vượt ngưỡng cho phép trong nước, ảnh hưởng sự sinh tồn của con tôm để có hướng xử lý kịp thời.



Hiện nay, hơn 2.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản ở gần 50 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật này. Năng suất nuôi tăng bình quân 5,6 lần/năm. Kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đang được sử dụng phổ biến ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước. Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, cá cảnh của một số đơn vị như: Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn thủy sản Việt-Úc, Công ty TNHH Hải Thanh...
Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, đến nay, nhiều mô hình nuôi tôm, cá công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Bình Thuận… Điển hình như mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha/năm.
Tại Nghệ An, “Đề án Ứng dụng Khoa học công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản đã được triển khai trên địa bàn được 4 năm. So với nuôi thường, nuôi tôm áp dụng khoa học công nghệ cao đạt năng suất gấp 10 lần, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1.500 tấn. Nhiều địa phương đã áp dụng rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà cao mở rộng, tạo những vùng nuôi lớn để nâng cao năng suất”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  huyện Diễn Châu ông Lê Thế Hiếu cho hay.
Đề án “Ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) cao, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản” được triển khai như luồng gió mới, làm nên cuộc sống đổi thay cho người nuôi tôm ở xã Diễn Trung nói riêng và huyện ven biển Diễn Châu nói chung.
Không còn cách nuôi truyền thống phó mặc cho thời tiết mà gần 100 hộ nuôi tôm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao ươm tôm trong nhà kín. Khi tôm giống mới đưa về được nuôi 25 ngày trong nhà kín cứng cáp với đầy đủ dưỡng chất mới bung ra ao nên tôm không bị dịch bệnh, nên rút ngắn được thời gian nuôi tới 1 tháng, tiết kiệm  khoảng 40 triệu đồng/ha tiền thức ăn, tiền điện. Với cách làm này, đã giúp bà con nuôi ăn chắc 3 vụ tôm/năm.
Tại gia đình anh Nguyễn Cường (trú ở xóm 6, xã Diễn Trung) cùng với việc xây dựng 2 nhà kín với diện tích 1000m² đảm bảo nguồn giống khỏe mạnh cho diện tích 5 ha ao, anh còn áp dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, tạo ra các loại tảo có lợi trong nước vừa làm thức ăn, vừa che mát và tạo ô xi cho tôm. Nguồn nước không bị ô nhiễm nên tôm không phải dùng các loại kháng sinh. Không chỉ ươm tôm giống trong nhà kín mà tới đây anh sẽ đầu tư hàng chục tỷ đồng phủ kín che nắng mưa cho toàn bộ 5 ha, nhằm đảm bảo 3 mục tiêu  tôm tăng trưởng  nhanh, tỷ lệ sống cao và tăng số vụ nuôi.
“Nhà ươm có rồi, ươm xong xả ra hồ thì hồ mình cũng làm nhà luôn. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Làm nhà hồ thì phải đầu tư 3-4 tỷ/ha”, anh Cường cho biết thêm.
Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Diễn Trung cho biết: Tại các hộ nuôi áp dụng theo công nghệ cao chưa xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm bà con có thể nuôi 3 vụ ăn chắc. HTX và tổ chăn nuôi thì chuẩn bị mọi vật tư, tạo điều kiện kể cả con giống đề các hộ này phát triển. Chúng tôi tập huấn và tạo điều kiện cho tất cả các hộ còn lại tham quan mô hình và tạo điều kiện về mặt quy trình kỹ thuật, tiếp tục nhân rộng để đạt hiệu quả cao hơn.
Ô nhiễm môi trường, thời tiết khắc nghiệt khiến cho nghề nuôi tôm ở Diễn Châu ngày càng gặp khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khắc phục khó khăn đó, nhiều hộ nuôi đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đầu tư vốn liếng cho nuôi tôm công nghệ cao. Trong số diện tích hơn 110 ha nuôi ở Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Diễn Vạn, đã có 30 ha đã được áp dụng công nghệ nuôi mới như ươm giống nhà kín, áp dụng công nghệ sinh học, nuôi tôm trong bể nổi. Đây là cơ sở vững chắc để Diễn Châu nhân rộng mô hình và mở rộng diện tích nuôi tôm vùng bãi ngang.



Theo quy trình kỹ thuật mới, công tác quản lý được thực hiện nghiêm ngặt, chủ yếu ứng dụng các thiết bị,  máy móc trong quá trình kiểm tra chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. So với mật độ nuôi thông thường từ 70 - 100 con/m2 thì nuôi 2 giai đoạn cho phép tăng mật độ nuôi lên từ 200 - 400 con/m2. Tôm nuôi được cho ăn bằng máy. Các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày, như về độ kiềm, độ PH, độ cứng, canxi, magie… cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm. Đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất dơ trong ao. Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc và an toàn. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc hóa học. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất ao, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.
Điểm khác biệt nữa của mô hình là với 1ha, người dân không sử dụng hết 1ha mặt nước thả nuôi mà chỉ có thể nuôi 2 ao, diện tích từ 1.000 - 1.200m2/ao. Phần diện tích còn lại sẽ dùng làm ao chứa lắng, ao bùn, ao ương… Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi ao từ 100 - 150 triệu đồng, với thời gian sử dụng từ 3 - 5 năm. Toàn bộ đáy ao được lót bạt, xung quanh dùng tôn hoặc bạt che, bên trên là lưới chống nắng. Quan trọng nhất là diện tích chứa lắng, từ 70 - 80% lượng nước chứa lắng để cung cấp cho mô hình. Ao chứa bùn làm cho môi trường sạch sẽ. Một số trường hợp có thể xử lý chất thải để tái sử dụng nguồn nước.


Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng thường xuyên và thực chất hơn. Điển hình là các doanh nghiệp như: Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Tập đoàn thủy sản Việt - Úc; Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam... đã tạo động lực và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao là rất lớn.
Mặt khác, quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với khoa học - công nghệ…
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học - công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản./.
                       Đức Long
Trung tâm Giống Thủy Sản Nghệ An

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1764
  • Hôm nay86,382
  • Tháng hiện tại1,059,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây