Tổng thư ký IEC tới thăm và làm việc tại Việt Nam

Thứ sáu - 14/06/2024 04:32 0

Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Ủy ban) đã có buổi tiếp và làm việc với Tổng thư ký IEC Ông Philipp Metzger nhân dịp chuyến công tác chính thức đến Việt Nam vào ngày 5/6/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa IEC và Ủy ban trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đoàn phía IEC bao gồm Tổng thư ký Philipp Metzger và Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Dennis Chew.

Về phía Việt Nam, chủ trì là Thứ trưởng Lê Xuân Định, Quyền Chủ tịch Ủy ban Hà Minh Hiệp và các đại diện đơn vị trực thuộc Bộ và trực thuộc Ủy ban.

Đây là lần đầu tiên kể từ nhiệm kỳ của mình Tổng thư ký IEC đến thăm chính thức Việt Nam, đồng thời là dịp rất tốt để Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Ủy ban trao đổi, thảo luận trực tiếp, đề xuất các hoạt động hợp tác giữa IEC và Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, Ủy ban đại diện Việt Nam vẫn tích cực tham gia các hoạt động của IEC về việc xây dựng, góp ý các tiêu chuẩn quốc tế trong phạm vi được cho phép, tham gia các Hội nghị, Hội thảo quốc tế và khu vực. Việc Tổng thư ký IEC tới thăm và làm việc tại Việt Nam lần này là cơ hội để hai bên có thể mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới việc Việt Nam có thể trở thành thành viên đầy đủ của IEC.

Tổng Thư ký IEC đến thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Xuân Định chào mừng đoàn tới Việt Nam, bày tỏ mong muốn IIEC hỗ trợ, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IEC, Hỗ trợ tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ Việt Nam về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ, tham gia sâu hơn vào các hoạt động, chương trình của IEC.

Ông Philipp Metzger, Tổng Thư ký IEC cho biết, Việt Nam là quốc gia đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là tập trung đúng hướng khi chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, phương tiện giao thông điện… Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn của IEC. Tiêu biểu như các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dây, cáp điện, thiết bị điện, điện tử, thiết bị điện phòng nổ, công nghệ thông tin… được Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của IEC. Nhiều chuyên gia trẻ của Việt Nam đã tham gia và đóng góp hiệu quả vào hoạt động của IEC. Ông Philippe Metzger khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam để trở thành thành viên chính thức của IEC.

Ngoài ra, trong chương trình làm việc, Tổng thư ký IEC và đoàn đã có buổi làm việc tại trụ sở Ủy ban với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Ủy ban, các thành viên ban kỹ thuật, đại diện từ các hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực điện, điện tử. Tại cuộc họp, IEC và Ủy ban đã có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu về các định hướng, hoạt động của IEC nói chung và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, các kế hoạch hợp tác trong tương lai và tình hình chung về hoạt động tiêu chuẩn, chứng nhận trong lĩnh vực điện, điện tử của Việt Nam.

Tổng thư ký IEC và đoàn đã có buổi làm việc tại trụ sở Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

(Được thành lập vào năm 1906, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế IEC là tổ chức hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc tế cho tất cả công nghệ điện, điện tử và các công nghệ liên quan, được gọi chung là “kỹ thuật điện”. IEC phục vụ thị trường và xã hội thế giới thông qua công tác tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp, cung cấp nền tảng cho các công ty, ngành công nghiệp và chính phủ có thể gặp gỡ, thảo luận và xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế mà họ cần, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, khuyến khích phát triển các sản phẩm, hệ thống, dịch vụ an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Tính đến nay IEC có 89 quốc gia thành viên (trong đó: 62 thành viên đầy đủ và 27 thành viên liên kết). Thành viên đầy đủ có quyền tham gia vào tất cả các hoạt động của IEC với quyền biểu quyết bằng lá phiếu có trọng lượng ngang nhau, trong khi đó thành viên liên kết chỉ được tham gia một cách hạn chế vào các hoạt động của IEC và không có quyền biểu quyết. Sự khác nhau giữa hai loại thành viên này còn được thể hiện ở kinh phí đóng góp. Ngoài ra, còn có quy chế “Thành viên tiền liên kết” với mục đích khuyến khích và thúc đẩy các nước thành viên thuộc loại này trở thành thành viên liên kết trong vòng 5 năm.

Tháng 4/2002, Việt Nam đã tham gia IEC với tư cách Thành viên liên kết. Việt Nam là thành viên P (thành viên tham gia) của 03 Ban kỹ thuật IEC:

  1. IEC/TC2, Rotating machinery – Máy điện quay
  2. IEC/TC20, Electric cable – Dây và cáp điện
  3. IEC/TC61, Safety of household and similar electrical appliances – An toàn thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự).

Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập318
  • Hôm nay20,130
  • Tháng hiện tại856,433
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây