Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề”

Thứ tư - 15/11/2023 04:21 0

Tham dự Hội thảo về phía chuyên gia và các đơn vị ngoại tỉnh có TS. Phạm Hùng Tiến - Phó viện trưởng Viện FNF; TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bà Trần Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐQT SunCraft; Ông Đỗ Đức Mạnh - Giám đốc Công ty du lịch Ecotravel Việt Nam; Ông Dương Minh Bình - TGĐ Công ty đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; TS Lộc Thủy - Viện nghiên cứu Châu Mỹ; PGS.TS Nguyễn Trung Dũng - Đại học Thủy lợi; Ông Lại Văn Toàn - PGĐ CTCP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương; TS Triệu Thanh Quang  - Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng; Bà Đinh Thanh Loan - Viện du lịch châu Á; TS Vi Văn An – Nhà dân tộc học; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, đơn vị, các viện nghiên cứu trong cả nước.
Về phía tỉnh Nghệ An ông Võ Văn Dũng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các trường đại học; UBND các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong; các doanh nghiệp, công ty lữ hành, chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong tỉnh.
TS. Phạm Hùng Tiến - Phó viện trưởng Viện FNF; Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đồng chủ trì hội thảo.


Chủ trì hội thảo

Kỳ Sơn là huyện miền núi nằm phía Tây xứ Nghệ. Trong những năm qua huyện đã bước đầu chú trọng hình thành phát triển du lịch, đồng thời ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Kỳ Sơn đặc biệt là du lịch bền vững còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết thấu đáo như cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo; các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập.v.v.
Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đề xuất xây dựng các sản phẩm mới đưa vào phục vụ khách du lịch trong thời gian tới. Qua đó, đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước.


Bà Vi Thị Quyên - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phát biểu tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được 17 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trong đó các tham luận tập trung xoay quanh các vấn đề: Phương pháp khoa học xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn huyện Kỳ Sơn; Kinh nghiệm phát triển Du lịch cộng đồng ở trong và ngoài nước và gợi ý cho huyện Kỳ Sơn; Khai thác các giá trị văn hóa tộc người trong phát triển du lịch cộng đồng ở Kỳ Sơn; Thực trạng và định hướng phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn; Giải pháp tăng cường kết nối các điểm đến du lịch khu vực Tây Nghệ An và giới thiệu một số tour du lịch cung đường Kỳ Sơn - Tây Nghệ và chia sẻ kinh nghiệm ở các điểm du lịch thành công và một số gợi ý cho du lịch huyện Kỳ Sơn…
Tại Hội thảo, bà Vi Thị Quyên - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn mong muốn tỉnh, quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối các địa điểm du lịch, nhất là các tuyến đường du lịch mạo hiểm lên đỉnh Puxailaileng ở xã Na Ngoi; tạo cơ chế, chính sách để huyện có điều kiện phát triển kinh tế du lịch tại các xã vùng biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới; mở các lớp đào tạo, học tập kinh nghiệm, khảo sắt thực tế một số mô hình tương đồng; mời các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, doanh nghiệp khảo sát thực tế tour, tuyến, điểm... 


TS. Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia Viện FNF tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia Viện FNF tại Việt Nam: Chúng ta cần triển khai có hiệu quả các Chương trình, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và địa phương, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

TS. Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo

Nói về vấn đề phát triển kinh tế du lịch, TS. Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh Kỳ Sơn cần tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể cho sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, cần xây dựng hai mô hình điểm về du lịch nông thôn tại hai xã Nậm Cắn và Mường Lống gắn với nông thôn mới.v.v.
Tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu một số nội dung:
Thứ nhất, Công tác quy hoạch và cơ chế chính sách: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch phải xác định ưu tiên tập trung đầu tư vào các hạng mục trọng điểm, khả thi. Gắn kết các điểm du lịch, sản phẩm và hoạt động du lịch vào các quy hoạch như giao thông, nông nghiệp, văn hóa giáo dục, đào tạo nghề mang tính hệ thống; Quy hoạch điểm đến và sản phẩm du lịch phải mang tính tổng thể, bài bản, phù hợp dựa trên văn hoá, bản sắc riêng, tạo sản phẩm đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn, tránh trùng lặp; Nghiên cứu cơ chế đối với khách du lịch nước ngoài về đi lại, lưu trú tại các địa bàn giáp ranh biên giới và việc giải quyết giấy tờ thông quan cho một vài đối tượng du lịch...


Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì kết luận tại hội thảo

Thứ hai, Phát triển cơ sở hạ tầng: Phát triển du lịch, vấn đề quan trọng đầu tiên là hạ tầng: hệ thống đường giao thông, phương tiện đi lại.
Thứ ba, Phát triển các mô hình, điểm du lịch và sản phẩm du lịch: Phối hợp cùng với các chuyên gia, tổ tư vấn xây dựng các tuyến điểm du lịch, các sản phẩm du lịch tại mỗi vùng cho phù hợp với quãng đường di chuyển của du khách giúp thuận tiện cho việc kết nối tua tuyến với các điểm du lịch thế mạnh của địa phương; Có phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy không gian văn hoá nhà cổ, làng nghề, tháp cổ, đình đền chùa có giá trị. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đưa vào phát triển du lịch: nhà sàn, nhà trệt truyền thống; các món ăn truyền thống của các dân tộc; nghề thủ công: nghề dệt, đan lát, rèn, đúc nòng súng; duy trì các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, các đội văn nghệ quần chúng trong các thôn bản. Tổ chức các hoạt động trình diễn và lễ hội với sự tham gia của cộng đồng (Lễ đền Pu Nhạ Thàu, Hội chọi bò, Xăng khan, làm vía, lễ cúng bản, lễ cúng nương, cầu mưa, tung còn, khắc luống…). Tiến hành khai thác hai cung đường du lịch cảnh quan miền núi kỳ vĩ Kỳ sơn có trạm nghỉ check in, cảnh báo bất trắc, cung cấp thông tin và dịch vụ đó là: Mường xén - Mường Lống và Mường xén - Na ngoi. Kết nối với các công ty lữ hành mở các tua, tuyến nhằm tạo ra nguồn khách chủ động…
Thứ tư, Đào tạo nguồn nhân lực: Nâng cao năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch; Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên địa phương phục vụ khách tham quan thông thường và đội ngũ hướng dẫn phục vụ các nhóm nghiên cứu chuyên sâu; đội văn nghệ để giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống với du khách; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng, tổ chức các chương trình thăm quan khảo sát thực tiễn các mô hình kinh doanh tiêu biểu cho những hộ dân làm du lịch và các cán bộ quản lý về du lịch. Thuê chuyên gia du lịch, kiến trúc sư nhằm thiết kế và có phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân xây dựng các mô hình du lịch phù hợp với không gian, bản sắc văn hóa không làm phá vỡ quy hoạch chung; Nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; bồi dưỡng kiến thức về an toàn sức khỏe và những kỹ năng để chế biến thực phẩm (đồ ăn, thức uống) sạch, hợp vệ sinh... 
Thứ năm: Công tác quảng bá, truyền thông: Tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm du lịch Kỳ Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chuyến tour thử nghiệm; các lễ hội, triển lãm du lịch… đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các kênh truyền thông, quảng bá thông qua sở, ban ngành hay chính quyền địa phương; Xây dựng và phát hành rộng rãi các phim, tài liệu, ấn phẩm về văn hóa gắn với du lịch cộng đồng như các danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống của địa phương xây dựng bản đồ du lịch; Tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch giữa các huyện miền Tây xứ Nghệ với các tỉnh thành khác trong nước cũng như với nước bạn Lào.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây