Bàn thêm về một vài địa danh liên quan đến gốc tổ họ Hồ

Thứ bảy - 12/03/2022 04:21 0

Núi Mồng Gà, Ngũ Bàu là gắn với Bào Đột - Ngọc Sơn?

Gần đây ông Chu Trọng Huyến có viết bài về Ngũ Bàu, Cầu Giát, sông Thai, và bài núi Mồng Gà trên Báo Nghệ An (bài sau không thấy tên tác giả) mà lại nói liên quan tới Bào Đột - Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu. Ông Ngô Đức Tiến (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành, một cán bộ lão thành nghiên cứu lịch sử địa phương, một nhà văn hóa xứ Nghệ có uy tín, am hiểu sâu sắc) cho biết, núi Mồng Gà ở Lăng Thành trong sâu đất Yên Thành kia mà sao lại nằm giáp 3 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu?

Trên Báo Nghệ An, thấy có bài viết “Núi Mồng Gà - nơi phát tích nhiều chuyện lạ”, có mấy ý lưu tâm như: xác định chung chung rằng thời trung đại (từ thế kỷ thứ 10 đến hết thế kỷ 19 - HBT) lỵ sở Châu Diễn ở Lăng Thành.

“Thời xưa, triều đình cũng đã từng nghĩ, nên chọn Đông Thành là nơi cư dân ít gặp cảnh đói kém mà cho đặt cơ quan cai trị, nên thời cổ và trung đại, đất Quy Lăng - Yên Mã đã là lỵ sở của phủ Diễn Châu - (HBT nhấn mạnh). Đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), triều Nguyễn mới trích một phần đất từ phủ Đông Thành mà đặt là huyện Yên Thành. Song cũng từ đó, tên của huyện mới này vẫn mang hồn cốt của địa danh “Đông Thành”(1).

“Đến thời trung đại của lịch sử thì có thêm một dòng tộc đến đây cư ngụ mà ông tổ mang họ Hồ. Trần Trọng Kim viết trong sách “Việt Nam sử lược” rằng: Hồ Quý Ly dòng dõi (Bách Việt - HBT) từ Chiết Giang bên Tàu, tổ tiên là Hồ Hưng Dật, đời Ngũ Quý (thế kỷ X) sang nước ta, ở Bàu Đột, huyện Quỳnh Lưu (như trên đã nói theo Ngô Đức Tiến không có đoạn nói Bàu Đột, huyện Quỳnh Lưu… trong Việt Nam Sử lược - HBT). Từ ý thức tầm nguyên đó mà vào đầu thế kỷ X, sau khi thay ngôi vua của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã cử con trai là Hồ Hán Thương vào Bàu Đột xây đền thờ cho tông tộc mình. Cơ sở ấy nay vẫn còn dấu tích. Phía Đông Bắc của vùng núi Mồng Gà cũng là một miền dân cư sớm sầm uất. Cùng đổ về Đông, các mạch nước, ngọn khe từ Bàu Đột tụ lại, tìm lối đi ra biển. Đất đỡ chân người và cư dân ở đây khai sáng ra cách vượt những trở lực để đi tới.

Chú ý câu sai: “Từ ý thức tầm nguyên đó mà vào đầu thế kỷ X, sau khi thay ngôi vua của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã cử con trai là Hồ Hán Thương vào Bàu Đột xây đền thờ cho tông tộc mình”. Sao lại đầu thế kỷ thứ 10? Năm 1403 mới xây miếu thờ Tổ tiên và miếu chứ không phải đền thờ.

Bài Ngũ Bàu, Cầu Giát, sông Thai(2): Lại nói: Đông - Nam dãy Mồng Gà, khối núi có cả 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu là sao?

Rằng “Cũng trong Nghệ An ký, tác giả họ Bùi viết: “Núi Mồng Gà, tên chữ là “Kê Quan” ở xã Quy Lăng, huyện Đông Thành, là núi có tiếng ở trong huyện. Thời cổ gọi là núi Phi Liêm. Phía Tây mọc lên núi Động Đình, phía Nam mọc lên núi Yên Ngựa, núi này đứng giữa, cao lớn, um tùm, làm vị tổ của các núi”. Về phía Tây Bắc, núi Mồng Gà là chỗ phát nguyên nguồn đầu tiên của con sông Giát đổ ra cửa Thơi (Quỳnh Lưu). Còn về phía Đông Nam, rộng lớn và thâm nghiêm hơn, núi Mồng Gà dồn nước về miền Chợ Sở (đất Diễn Châu) rồi tuôn xuống sông Bùng, đổ vào Lạch Vạn mà đi ra bể”.

“Con sông Giát phát nguyên từ chân phía Đông - Nam dãy Mồng Gà, khối núi có cả 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu (ông Ngô Đức Tiến nói không phải khối núi này có giáp cả ba huyện(3)… họ cố viết thế để làm gì? - HBT). Về phía Đông Bắc nơi ấy, núi và đất tạo nên một vùng trũng, gọi là Bàu Đột (chỉ vùng Ngọc Sơn chăng?- HBT). Từ đó, một số ngòi nước, ngọn khe tụ lại thành con sông Giát. Sông theo hướng Đông Bắc mà đổ ra biển. Sách xưa gọi đó là nguồn Thai nên cư dân nơi cuối dòng được gọi theo tiếng địa phương, là Kẻ Thơi. Và trải qua bao đời, con người sống trên lưu vực của mạch sông này đã làm cho đất đai mình nổi tên tuổi”.

Chúng ta xem lại địa lý núi Mồng Gà (Lăng Thành) và tạo vị trí Bàu Đột (Ngũ Bàu?) ở Quỳnh Lưu có đúng không? Ngũ Bàu - Bàu Đột này ở Yên Thành hay Quỳnh Lưu?

Núi Mồng Gà và Ngũ Bàu là thuộc về Yên Thành chứ không phải giáp ba huyện, dù có con bàu chảy qua 3 huyện

Hồ Hoàng cũng cho rằng núi Mồng Gà giáp ba huyện và không biết rằng Ngũ Bàu thuộc Yên Thành là không đúng. Vì thứ nhất là động Mồng Gà, thứ hai hòn Nhọn, thứ ba hòn Sường. Ba động này đều thuộc đất các xã Lăng Thành, Mã Thành của huyện Yên Thành. Làm gì dãy núi/ khối đá/ Mồng Gà mà giáp ba huyện (Hồ Hoàng)(4). Ở đây gắn liền với Ngũ Bàu (5 con bàu lớn là ở Yên Thành mà ở trên ông Ngô Đức Tiến đã có nói tới). Còn Ngũ Bào vùng Ngọc Sơn là 5 thôn trở mặt ra một con bào nhỏ (5 thôn bào/ bàu) chứ không phải 5 (ngũ) bàu. Không rõ tác giả Chu Trọng Huyến có biết điều này không?

Ngô Đức Tiến nói rõ hơn như sau: Ở Yên Thành có Ngũ Bàu nằm ở phía Bắc huyện. Các bàu này bắt nguồn từ ngàn Đại Vạc, trong đó có núi Mồng Gà, tên chữ là Kê Quan Sơn. Các bàu nước này đều châu về lị sở Quỳ Lăng, đây là đoạn suối phình to ra khi chảy xuống đồng bằng, có nơi rộng cả trăm mét, có nhiều cá. Các bàu này xưa truyền lại có tạnh và thuồng luồng nổi. Khi chưa có đường bộ phát triển thì đây là đường giao thông nối Quỳ Lăng với sông Bùng đi ra cửa Vạn, cửa Hiền. Các bàu đó là: 1) Bàu Ác, còn gọi là Diêu Ốc, bàu này có đền Đức Hoàng nổi tiếng; 2) Bàu Sừng của làng Kẻ Sừng Quỳ Lăng, chảy sát phía Nam Đình Sừng, Bàu này có nhiều cá chép, làng Sừng mỗi năm có một ngày mở hội bắt cá bầu Sừng, có câu ca: Muốn ăn cá chép nấu gừng/ Thì em cắp nón về Kẻ Sừng với anh; 3) Bầu Canh, phía Đông bàu Sừng, bàu Canh gắn với sự tích Ông độc bàu Canh, ông Lành bầu Ác với huyền thoại người nông dân với hai con rắn thần. Nay cạnh bầu Canh có đền Canh thờ thần rắn, nổi tiếng linh thiêng; 4) Bàu Sàng nằm ở phía Đông bàu Canh, phía ngoài làng Kẻ Sàng, một làng cổ có chợ thóc gạo lớn ở Yên Thành gắn với câu ca: Gỗ chợ Mõ, ló (lúa) chợ Sàng (dị bản: gỗ Kẻ Mõ, ló kẻ Cuồi - tên cổ của làng Tam Công); 5) Bàu Dú nằm ở phía Đông bàu Sàng, bầu này rất rộng. Các bầu này nay vẫn còn nhưng từ khi công trình dẫn thủy nhập điền thủy nông Bắc được xây dựng (1932-1937) rồi hàng chục hồ nước được ngăn đắp phía Nam ngàn Đại Vạc thì các bàu này thu hẹp chỉ còn là dãy ao hồ phình to giữa các dòng sông tự nhiên của các làng, riêng bàu Diệu Ốc vẫn còn nhiều sen, xưa đây là một trong bát cẩm tú của Đông Yên nhị huyện, nay vẫn là cảnh đẹp du lịch tâm linh ở Yên Thành (Diệu Ốc liên đàm - có thơ vịnh của Giám sinh Ngô Trí Hợp cách nay hơn 400 năm)/NĐT.

Thế là quá rõ về núi Mồng Gà và Ngũ Bàu - Yên Thành chứ làm gì phát sinh Bào Đột phía Tây Bắc núi Mồng Gà, nhập nhằng Ngũ Bào - Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu với Ngũ Bàu - Yên Thành như bài viết của Chu Trọng Huyến nói trên, lại hoàn toàn không nhắc tới Ngũ Bàu, Yên Thành (ý nói Ngũ Bàu là Bào Đột, Ngọc Sơn?).

Trong cuốn Lịch sử hình thành và phát triển nhà thờ Trạng nguyện Hồ Tông Thốc (tr.15) ghi: lúc “khởi đầu loạn 12 sứ quân Hồ Hưng Dật lập ấp ở vùng Tiên Sinh tức Bàu Giang còn gọi là Bàu Trạch thuộc Tổng Quy Trạch nay là Tân Thành, Mã Thành - Yên Thành, và còn dấu tích ba Bãi tập”.

Vùng Ngũ Bàu - Yên Thành là vùng từ chân núi thung lũng của núi/ động Mồng Gà (ở vùng Lăng Thành, Mã Thành). Ở vùng Quỳ Lăng cũng có Ngũ Bàu, hiện các bàu này vẫn còn tuy đã cạn nước do các công trình thủy lợi sau này. Tên Châu Diễn là vùng đất có mạch nước ngầm ở dưới, phần nổi lên là các con sông tự nhiên mà đoạn phình to có nước sâu gọi là bàu. Đây là đường giao thông thủy chính từ Kẻ Sừng - Quỳ Lăng tỏa ra khắp Châu Diễn: bàu Ác, bàu Sừng, bàu Canh, bàu Sàng, bàu Dú. Có câu ca: Muốn ăn cá chép nấu gừng/ Thì em cắp nón về bàu Sừng với anh.

Sách Lịch sử họ Hồ đại tộc Tam Công cội nguồn gốc Tổ họ Hồ Việt Nam (Nxb. Nghệ An, 2020), tr.25-26 ghi: Còn Bàu Giang (Bàu Hồ - Yên Thành) nơi 5 khe chảy về và từ đó đổ ra 5 bàu nhỏ (Ngũ Bàu) và chảy dài hơn về nhiều xã là thuộc xã Đức Thành xưa, nay Tân Thành (Đức Thành xưa nay là Tân Thành và Đức Thành mới) giáp Quỳnh Lưu. Theo Hồ Sỹ Ngoan thì Bàu Trạch, Bàu Cuồi (có nhiều bàu đều chảy về vùng Thọ Thành này) ở trước nhà thờ Tam Công (Tlđd, tr.12).

Vùng này cũng có Bàu Đót và Ngũ Bàu. Có lẽ vì vậy đã nhầm là ở Quỳnh Lưu nay coi như duy nhất “Ngũ Bào”- Bào Đột ở vùng xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) nay? Sự nhầm lẫn này cũng giống như địa danh Đường Lâm gắn với Ngô Quyền gây tranh cãi trong lịch sử Việt Nam, nay mới rõ, dù trước đó GS. Trần Quốc Vượng đã chốt là đường Lâm ở Sơn Tây mà nhiều người thường hiểu vậy, mà thực ra Đường Lâm xa xưa ở Nghệ Tĩnh sau này mới có ở Sơn Tây(5).

Tại sao tác giả Chu Trọng Huyến khi viết về núi Mồng Gà (Yên Thành) và Ngũ Bàu lại hầu như không biết hay không viết gì về Ngũ Bàu - Yên Thành và hương Bàu Đột xưa (như một tổng) gồm những đâu như thế nào mà chỉ lái về Bàu (Bào) Đột ở Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu nay là sao? Hầu như nói về Ngũ Bàu hay Bào Đột là chỉ ở Ngọc Sơn!

Trong sách Họ Hồ Việt Nam cội nguồn và phát triển (Nxb KHXH, 2019, tr.26) Hồ Quốc Toản cũng chỉ quan niệm rằng: Hương Bào Đột xưa chỉ là 5 thôn (xã) bàu(6) vùng Ngọc Sơn và một phần Quỳnh Lâm nay. Và hầu hết đều nói Bào Giang hay Bào Trạch là ở vùng Quỳnh Lưu này. Hiểu như vậy là không đầy đủ, rất khiếm khuyết, thậm chí không đúng với lịch sử.

Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nói: Hồ Hưng Dật khi từ quan thì lưu lại (hay về ở) hương Bào Đột châu ta. Rồi là trại chủ. Về sau người ta diễn dịch ra Bào Đột (tức kim Bào Giang, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu), rồi cùng “Ngũ Bào” (diễn dịch từ 5 thôn bào)… thế là từ đó cái sai thành cái “đúng”- đúng sai!

Thành hoàng Hồ Hưng Dật, gốc Tổ Tam Công và nơi thờ Cụ

Ngô Đức Tiến: Tôi có nghiên cứu nhiều Thành hoàng dòng họ nhưng hiếm thấy có công với nhân dân, được nhân dân tôn thờ (mà lại là người Bắc quốc từ xa đến) như Thành hoàng Hồ Hưng Dật của họ Hồ. Từ xưa đến nay ông được dân quý mến thờ phụng nhiều như thế, lâu bền như thế. Tên tuổi cụ được nhân dân và nhà nước xưa công nhận đặt cho nhiều vùng đất như làng Tiên Sinh họ Hồ, bàu Hồ, khe Hồ, bãi tập Hồ, nghĩa trang Hồ, cánh đồng Hồ… vẫn còn mãi tới hôm nay.

Cụ Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn đầu thế kỷ 10 mà phần đất từ cầu Cấm trở ra, chắc cụ đi nhiều nơi. Sau khi mất, phần mộ thật của cụ có ở một nơi bí mật nhưng mộ giả có thể nhiều nơi vì nhiều nơi cụ có công. Miếu thờ tổ tiên ở Bàu Đột do các vua nhà Hồ xây dựng để thờ các vị triệu tổ họ Hồ các đời về trước và sau này vua cha là điều đúng đắn.

Năm 1986, khi cùng nhà thơ Trần Hữu Thung và ông Lê Quốc Ân, nhà nghiên cứu Hán Nôm, có vợ là cháu ngoại Tiến sỹ Trần Đình Phong, khi gặp ông Trần Đình Cư chắt nội trực hệ của cụ Nghè, ông Cư cho biết kho sách 5 gian của quan Tế tửu Quốc Tử Giám đã bị Đoàn ủy cải cách đốt trong 3 tháng trời khi Đoàn ủy cải cách chọn nơi này làm trụ sở vào đầu 1955. Con cháu còn dấu được 3 quyển của cụ: Thanh Khê xã chí, Quỳ Trạch khoa lục và Trần tộc gia phả. Tôi đã nhờ cụ Lê Quốc Ân dịch cả 3 quyển. Sau này chúng tôi dựa vào đây để viết phần các vị đại khoa trong Lịch sử Yên Thành xuất bản 1990, Lịch sử Mã Thành xuất bản năm 1999, Khoa bảng Yên Thành bản chép tay. Trong các tài liệu này không có chỗ nào nói cụ Hồ Hưng Dật ở đâu, chỉ nói con cháu họ Hồ Tam Công có gốc tổ là Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn.

Tôi cho rằng khi cụ Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn thì nơi làm việc chính của cụ là lỵ sở Quỳ Lăng, ngoài ra cụ còn đi kinh lý, xây dựng phát triển làng xã ở nhiều nơi khác trong vùng trị nhậm của cụ, kể cả Bàu Đột và vùng núi Phủ Quỳ - Nghĩa Đàn. Bàu Đột là nơi thờ hai vua Quý Ly và Hán Thương, có thể thờ vọng triệu tổ Hưng Dật nhưng xem đây là lỵ sở Châu Diễn, là đền thờ Hồ Hưng Dật thì chưa trúng với chính sử.

Duy nhất ở nước ta có làng Kẻ Sừng - Quỳ Lăng là lỵ sở Châu Diễn suốt nghìn năm Bắc thuộc, và đình làng Quỳ Lăng là nơi duy nhất thờ Hồ Hưng Dật là thần Thành hoàng của làng. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều binh lính, quan lại quanh châu lỵ nên nhiều dòng họ có gốc tích từ phía Bắc như họ Hồ, họ Hà, họ Lưu, họ Cung, họ Trần. Làng này còn giữ được khu rừng lim nghìn năm tuổi quý giá.

Với Hồ Hưng Dật cần chú ý những nơi như: i) Lỵ sở châu Diễn ở Yên Thành từ năm 627 đến cuối đời Trần mới về Thành Trai là có thật; ii) Đình làng Kẻ Sừng - Quỳ Lăng thờ cụ Hồ Hưng Dật là Thành hoàng làng cũng là có thật; iii) Đập Mả Tổ ở phía Bắc Kẻ Sừng, nay vẫn còn (Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao và tôi cho rằng ở đây có mả Tổ họ Hồ, không rõ đời nào nhưng rất cổ); iv) Đền Trung Đẳng thần Hồ Hưng Dật (tuy đã bị dỡ nhưng chính tôi với ông Trần Hữu Thung, Lê Quốc Ân - nhà nho đã vào thăm đền này khi còn nguyên chưa bị dỡ bỏ). Bây giờ người ta lãng quên!

Địa chí Diễn Châu do cụ Trần Hữu Thung và Ninh Viết Giao viết và Địa chí Nghi Xuân bản chữ Hán đã biên dịch viết về họ Hồ vẫn còn đó... nhưng chưa thấy đưa vào các quyển Lịch sử họ Hồ gần đây.

Việc họ thường phức tạp, đôi khi không phụ thuộc vào SỰ THẬT lịch sử mà phụ thuôc vào người chủ trì, người có kinh phí ở thời điểm viết sử. Có họ Bạch ở Mã Thành, quê hương và nơi sinh thành Trạng nguyên Bạch Liêu nhưng khi xếp hạng di tích lại xếp ở Hưng Phú nơi có ông quan to của tỉnh. Họ mượn bằng sắc ở quê gốc xếp hạng cho nhánh thứ. Tôi viết sử Yên Thành cũng không can được. Sau ông quan to ấy có ra cung tiến họ Mã Thành một ít tiền và có về thăm trường Bạch Liêu.

Lỵ sở Châu Diễn, Hồ Hưng Dật, Quỳ Lăng, Ngũ Bàu, dấu ấn họ Hồ xưa

Có ý kiến rằng ông Ngô Đức Tiến (trong Báo Nghệ An số 2493 ngày 5/3/2000) đã viết: “Khi Trạng nguyên Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú ở Châu Diễn năm 627, đã chọn Khe Sừng Quỳ Lăng làm châu trị của Châu Diễn là có làng Qùy Lăng…”.

Ông Ngô Đức Tiến: Lỵ sở Châu Diễn ở làng Quỳ Lăng từ năm 627 (chứ không phải đó là năm Trạng nguyên Hồ Hưng Dật sang lầm Thái thú Châu Diễn đã hiểu lầm(8), ai lại ngây ngô viết như vậy), và tên Châu Diễn hay Diễn Châu có từ thời đó (627). Các triều đại sau Tiền Lê, Lý, Trần đều đóng phủ lỵ tại Yên Thành nhưng hướng theo dòng sông, hướng về đồng bằng như Thành Dền của Lê Long Ngân ở Công Trung, Thành Vọng Giang ở Công Trung Tràng Thành.

Còn cụ Hồ Hưng Dật sang làm Thái thú Châu Diễn là khoảng giữa đầu thế kỷ thứ 10 sau khi mất được dân làng thờ cúng.

Sách Diễn Châu địa chí và làng xã viết trước các quyển lịch sử họ Hồ và việc xây miếu thờ họ Hồ ở hương Bào Đột, đều viết rằng, Mộ tổ họ Hồ ở cạnh khe Ồ Ồ, dân gian thường gọi là Tiên sinh Ồ Ồ... con khe lớn ở gần Quỳ Lăng, có đập lớn ngăn dòng khe Ồ Ồ gọi là đập Mả Tổ.

Hậu cung đình Quỳ Lăng thờ các vị Thành hoàng trong đó có triệu tổ họ Hồ Hưng Dật. Việc một ngôi làng Việt lớn nhất thôn, nhất xã (xưa bằng tre nứa sau này mới bằng gỗ khang trang) thờ một vị thái thú rất hiếm, phải có dấu vết lịch sử sâu đậm mới có chuyện này.

Xung quanh Quỳ Lăng có Ngũ Bàu, nay vẫn còn, đây là những đoạn sông tự nhiên phình to ra thành những hồ nước lớn, có nước chảy thông thương bao quanh phía Đông Nam làng Quỳ Lăng: Bàu Ác, bàu Sùng, bàu Sàng, bàu Dú, bàu Dền...

Ở Yên Thành ngoài 5 bàu gần Quỳ Lăng còn có bàu Dinh, bàu Dền, bàu Đót, các bàu này ở phía dưới 5 bàu trên và bên cạnh các bàu đều có các làng cổ như Kẻ Dền, Kẻ Đót, làng Kẻ Dền sau đổi là Công Trung là lỵ sở Vua Dền Lê Long Ngân thời Tiền Lê, thời Lý và đầu đời Trần. Còn làng Kẻ Đót ở phía dưới Quỳ Lăng, Yên Mã, phía Đông làng Tam Thọ. Tên gọi Kẻ Đót không biết có phải xưa có nhiều cây đót hay không nhưng nếu bàu Đót, kẻ Đót là do gọi trệch Bàu Đột thì tôi thấy không có cơ sở khoa học và có phần suy diễn.

Sách Địa chí huyện Nghi Xuân xuất bản trước Cách mạng tháng 8 viết họ Hồ ở Nghi Xuân gốc từ Thọ Thành vào (có liên quan tới họ Hồ ở Hưng Nguyên - gốc Hồ Thơm - Quang Trung - Nguyễn Huệ). Trong đó cũng có viết họ Hồ ở Quỳnh Lưu từ Thọ Thành ra.

Cụ Hồ Hưng Dật làm Thái thú của Châu Diễn tất nhiên thời gian chính đóng ở Kẻ Sừng, Quỳ Lăng (nơi này khởi đầu từ năm 627 đến nhà Tiền Lê khoảng năm 1000 thì Phủ lỵ mới dời về Kẻ Dền, Yên Thành, đến cuối đời Trần dời về Thành Trài Diễn Châu). Thời gian cụ ở đây chắc sẽ đi nhiều nơi, để lại dấu ấn là những nơi có hậu duệ họ Hồ và nơi có đền thờ cụ.

Ở Yên Thành như đã nói là có 3 nơi đáng chú ý nhất: (1) Hậu cung đình Sừng của làng Kẻ Sừng, tên chữ là Quỳ Lăng thờ Thành hoàng Hồ Hưng Dật. Đây là hiện tượng hiếm có ở nước ta một vị Thái thú được tôn làm Thành hoàng làng; (2) Di tích nhà thờ Tam Công thờ Tổ tiên từ Hồ Hưng Dật… và sau này thờ cả 3 trạng nguyên ở Tam Thọ; (3) Đập Mả Tổ, phía Bắc đình Sừng, nơi xưa kia có khe Ồ Ồ, có Mả Tổ họ Hồ. Dưới lòng hồ Mả Tổ có âm phần của tổ họ Hồ nhưng của Hồ Hưng Dật nguyên tổ hay của một vị tổ nào trong số 8 vị kế thế còn khuyết phả cũng là một điều còn nhòe mờ.

Đầu những năm 1960 đắp đập giữ nước, khe Ồ Ồ chìm trong nước nhưng tên đập vẫn là đập Mả Tổ (tập sách Địa chí huyện Diễn Châu của 2 tác giả Trần Hữu Thung - Ninh Viết Giao có viết nội dung này).

Hồ Hưng Dật là người có công tích, chắc chắn sẽ có đền thờ nhiều nơi cả ở Quỳ Lăng xưa, Bàu Đột sau này và tất cả những nơi có nhà thờ họ Hồ vì nơi nào cũng thờ vọng vị triệu tổ của mình cả.

Bàn thêm về khu Mả Tổ và miếu thờ ở Bào Đột. Hương Bào (Bàu) Đột là vùng gồm một phần lân cận ba huyện Yên Thành - Quỳnh Lưu và Diễn Châu

Theo Hồ Hoàng, nhiều nội dung ông Ngô Đức Tiến nêu rất đúng nhưng có 2 nội dung cần trao đổi thêm, vì chưa sát lắm, hoặc chưa thật rõ.

 - Khe Ồ Ồ chảy từ Nghĩa Thuận về Đức Thành nơi có Đền Cận qua đất Mả Tổ. Mả Tổ là nơi táng mộ cụ Hồ Kha. Lăng Thành nơi có đền Sừng thờ Thành hoàng làng Hồ Hưng Dật, có ngôi đền Trung Đẳng thần thờ Hồ Hưng Dật người có công với nhà nước Đại Việt. Tại xã Đức Thành, nay địa phận cắt cho Quỳnh Lưu là xã Tân Sơn với ngôi đền Cận thờ Hồ Hưng Dật. Địa phận xã Tân Thành hiện nay có ngôi mộ cụ Hồ Kha vẫn còn nằm trên đồi tràm.

- Bào Đột (Ngọc Sơn) không có dấu tích gì từ thời Hồ Hưng Dật và từ xưa tới trước năm 2014 không có ngôi đền nào thờ Hồ Hưng Dật. Ban Liên lạc họ Hồ Việt Nam chuyển thành Đền các vua Hồ nay thành ĐỀN THỜ HỒ HƯNG DẬT năm 2014 (Hồ Hoàng). Thực ra theo chúng tôi, là trước Miếu thờ tổ tiên nhưng không có nói rõ thờ Hồ Hưng Dật, sau miếu mới đến đền thờ vua Hồ. Và hương Bào (Bàu) Đột theo nghĩa rộng (chứ không chỉ là thôn ở Ngọc Sơn nay). Trước năm 1403 chưa có đền thờ họ Hồ xưa nào ở vùng Ngọc Sơn hay Quỳnh Lâm nay cả.

Ông Ngô Đức Tiến: Gần đây (2021) trong một truyện vừa của Chu Trọng Huyến có nhắc đến rằng trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim nói về việc Hồ Hưng Dật chọn hương Bàu Đột làm nơi tụ cư và xây dựng ở đó. Tôi đọc lại sách ấy không thấy dòng nào như vậy cả. Trong thực tế thì lịch sử thời kỳ cụ Hồ Hưng Dật làm Thái thú Châu Diễn vẫn còn là khoảng mờ (HBT nhấn mạnh).

Xung quanh Quỳ Lăng có Ngũ Bàu, nay vẫn còn, đây là những đoạn sông tự nhiên phình to ra thành những hồ nước lớn, có nước chảy thông thương bao quanh phía Đông Nam làng Quỳ Lăng: Bàu Ác, bàu Sùng, bàu Sàng, bàu Dú, bàu Dền...

Thời Trần khái niệm “hương” rộng lắm nhưng có lẽ hương Bàu Đột chắc không bao hàm cả vùng bắc Yên Thành vì Bàu Đột - Ngọc Sơn ở Tây Bắc Quỳnh Lưu, giáp Nghĩa Đàn, ngăn cách bởi ngàn Đại Vạc, núi non hiểm trở, chỉ có đường núi thượng đạo xưa nối Quỳ Lăng với Bào Đột (Ngô Đức Tiến).

Ý này thế nào? Thọ Thành có thể thuộc về hương Bàu Đột không? Hồ Hoàng cho rằng:

- Vùng Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn cách Đức Thành, Thọ Thành, Đô Thành bao nhiêu cây số? Cách xa nhau xa nhất khoảng 7 - 8 km theo đường chim bay, núi non hiểm trở, đi lại khó khăn. Xưa chỉ có con đường độc đạo đi từ Quỳ Lăng đi sang Mã Thành, đi sang Đức Thành, đi lên Truông Tràng nơi có ngôi đền Cận, đi lên Tuần, Quỳnh Châu, lên Nghĩa Thuận, lên Quế Phong. Không có con đường nào đi đến Bào Đột thời ấy, bởi ngăn cách dãy núi Đại ngàn Đại Vạc.

- Bào Đột nơi nơi núi non hiểm trở. Bào Đột (Ngọc Sơn nay) là một vùng thung lũng lòng chảo thích nghi cho vùng căn cứ địa kháng chiến, nên cụ Hồ Qúy Ly chọn nơi này để chống giặc Minh. Nơi này còn lại các dấu tích như kho lương, kho tiền, miếu thờ... Từ Bào Đột lên Nghĩa Liệt xưa khoảng 15km. Ngày xưa không có đường đi. Khi cụ Hồ Quý Ly lên làm vua mới khai thông đường độc đạo từ Truông Ách (còn gọi là Truông Lá Da) đi lên Thái Hòa), sông Thai. Đưa nước sông Thai về đất Quỳnh Lưu. Nhưng việc không thành vì núi non hiểm trở, đi lại khó khăn, không vượt qua được Truông Ách, phu đài tạp dịch chết nhiều quá!

- Còn đường Thiên Lý thì đi qua… nhưng không gần Quỳnh Lâm mà phải đi qua Tuần (Quỳnh Châu) phía trên Bào Đột. Quỳnh Châu ngày xưa gần xã Đức Thành. Sau năm 1945 cắt chuyển Quỳnh Lưu đó là xã Quỳnh Tam. Năm 1986 cắt thành 2 xã Quỳnh Tam và Tân Sơn… (Hồ Hoàng).

Nhưng vùng Đức Thành, Tân Thành, Lăng Thành, Mã Thành - Yên Thành lại gần với vùng Quỳnh Lâm - Quỳnh Lưu, Diễn Lâm - Diễn Châu, rất có thể cùng chung hương Bào Đột xưa hay không (khoảng cách độ gần nhất 3 km đường chim bay như có lần Hồ Hoàng đã nói)?

Vùng xã Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn có diện tích 5.109 ha có 2/3 là rừng núi. Ngày nay cả xã Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn có 19.377 người (theo số liệu thống kê năm 1997 của huyện Quỳnh Lưu). Vùng này 1/3 đất ít rừng núi có thể làm trang trại được không, nhất là ở thế kỷ 10? Rất khó! (Hồ Hoàng). Hồi xưa người ta chỉ làm trang trại ở vùng đất cao, không có ai lên núi cao làm trang trại. Vùng nước trũng cũng không làm trang trại được.

Sách Lịch sử họ Hồ đại tộc Tam Công (Nxb. Nghệ An, 2020), tr.26 ghi: Theo Sử phồ thì Hồ Hưng Dật sang làm quán tri châu thời Hán Lưu Ẩn 923-938, còn tr.25-26 ghi: “Gia phả họ Hồ Mã Thành chép là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật về ở vùng Ngũ Bàu, Quỳ Lăng, Châu Diễn”(9).

Còn “hương Bàu Đột xưa (khác với thôn/ làng Bào Đột - HBT) là gồm một vùng liên xã trong đó có Quỳnh Lâm (gồm cả Ngọc Sơn nay - HBT), Diễn Lâm, Mã Thành, Lăng Thành, Thọ Thành ngày nay” (phạm vi rộng vậy như giả thuyết chúng tôi có nêu - Bàu Đột một vùng gồm phần lân cận ba huyện Yên Thành - Quỳnh Lưu và Diễn Châu) chứ không phải chỉ là vùng Quỳnh Lâm - Ngọc Sơn nay như một sự hiểu lầm cố hữu… cần phải được sửa lại cho đúng với lịch sử.

Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, ông Ngô Đức Tiến thấy các dòng họ thường không thống nhất về chi trên chi dưới, về nơi phát tích, về mộ tổ... kể cả họ Ngô của chúng tôi cũng vậy. Khi tranh luận về những vấn đề này thường ít căn cứ vào cứ liệu lịch sử mà thường chủ quan, nhất là những nơi có tiềm năng kinh tế, chính trị.

 

Chú thích

1. https://baonghean.vn/nui-mong-ga-noi-phat-tich-nhieu-chuyen-la-294268.html

2. Chu Trọng Huyến, https://baonghean.vn/ngu-bau-cau-giat-song-thai-290143.html
Nhầm với Đại Vạc. Dãy núi Đại Vạc kéo dài từ Nghĩa Đàn - Tân Kỳ qua Yên Thành, phần cuối về đến Yên Lý. Mái phía bắc là Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, mái phía nam là Yên Thành. Trên dãy núi dài này có nhiều ngọn núi, nhiều thung lũng khe suối, nhiều dấu tích lịch sử. Đỉnh núi cao nhất là Mồng Gà, trên 500m, tên chữ là Kê Quan Sơn, trong Nghệ An ký Hoàng giáp Bùi Dương Lịch có viết về hòn núi này và có thơ vịnh. Đứng ở đình Quỳ Lăng nhìn rõ núi này. Đây cũng là ngọn núi cao nhất huyện Yên Thành nên có câu: Nhất cao là động Mồng Gà, thứ nhì động Gám, thứ ba Động Thờ. Đó là đứng giữa đồng bằng Yên Thành thì thấy như vậy còn đứng ở mạn Yên Lý- Diễn Châu thì thấy: Nhất cao là động Mồng Gà, thứ nhì Động Huyết, thứ ba Động Thờ. Động Huyết ở Mã Thành, trên núi có huyết nước tương truyền xưa là nơi táng âm phần của người vợ Đông Thành của thân vương nhà tiền Lê vào trấn trị Phủ Diễn tên là Lê Long Toàn, dân gian gọi là Vua Dền. Có câu thơ cổ: Lèn Kim nhan còn nức tiếng Vua Dền. Núi Bờ Đó còn dấu chân ông Khổng. Phía tây nam Đại Vac còn có thành Động Đình, nơi tướng Đinh Lễ xây thành hội quân kéo xuống đánh giặc Minh ở Thành Trài trong khởi nghĩa Lam Sơn (NĐT).
3.NĐT: Đứng ở Mồng Gà nhìn thấy đồng bằng Yên Thành, Diễn Châu, ngày đẹp trời còn thấy cả núi lưỡi hái ở ngoài khơi Quỳnh Lưu, nên có câu Nhất cao là động Mồng Gà, Thứ nhì Lưỡi Hái, Thứ ba Đông Thờ. Mồng Gà thuộc đất xã Lăng Thành, nay thuộc đất của Tổng đội TNXP 6 giao cho TH. Phía bắc Mồng Gà là xã Quỳnh Tam, trước 1945 là đất cũ Yên Thành, sau 1945 cắt vùng Cận Sượng phía bắc Quỳ Lăng cho Quỳnh Lưu. Bản đồ địa chính mới Mồng Gà thuộc Lăng Thành quản lý (NĐT).
Chu Trọng Huyền, Đất Nghệ - Nơi phát tích của những tài năng, đã luận chứng thuyết phục Đường Lâm châu ở Hoan Châu từ thế kỷ 8, và Ngô Quyền sinh ra ở đây, sau làm quan ở Châu Ái, khi có vợ ở Sơn Tây. Thôn Đường Lâm Sơn Tây sau đó mới có tên này, khi làm vua Ngô Quyền cũng về ờ Sơn Tây nên mới có sự nhầm lẫn, hay không rõ ràng /http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/13969-dat-nghe-noi-phat-tich-cua-nhung-tai-nang).
4.Hương Bào Đột thời đó gồm các xã Bào Ngọc, Bào Đột, Bào An, Bào Trung, Bào Diễm (nay thuộc xã Ngọc Sơn và một phần xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu- HQT, tr.26). Quá hẹp (HBT).
5.Khi phá bỏ đền này thợ địa phương không dám làm phải thuê thợ ở Huế vào!
(Tạp chí Xưa và Nay, số 81, thang 11/2000/ http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Ho-Hung-Dat-nguyen-to-ho-Ho-Viet-Nam-1011).
6.Trong: “Quì trạch đăng khoa lục”, Tiến sỹ Trần Đình Phong, viết năm 1885: “Sau khi thôi quan, Ngài Hồ Hưng Dật về đất Ngũ Bàu: Bàu Gia, Bàu Canh, Bàu Sàng, Bàu Sừng và Bàu Diệu Ốc, là trị sở làm việc của Ngài. Tất cả những nơi này đều có miếu thờ Ngài.... Đặc biệt, ở ngôi Đền Nhà Ông có ngôi Đền Cận được hai tổng kiến thiết để thờ Đức Thành Hoàng của hai tổng. Ngài có công lập ra hai tổng”.




[*] Tiến sĩ

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây