Tìm hiểu ý nghĩa của cúng, khấn, vái, lạy

Thứ tư - 26/01/2022 04:21 0

 Cúng, khấn, vái, lạy là những nghi thức không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt Nam ta. Trong những năm gần đây, không ít người (nhất là lớp trẻ) đã không hiểu mà dẫn đến thực hành sai. Nhiều người kính cẩn chắp tay khấn vái liên hồi mà chẳng hiểu mình làm thế để làm gì?... Xin cùng các bạn đọc tìm hiểu về nguyên tắc và ý nghĩa của những tục lệ cúng, khấn, vái, lạy.

Cúng, khấn, vái, lạy là gì?

Cúng là khi có giỗ tết, gia chủ bày hoa quả, nước, rượu, cỗ bàn, chén, bát, đũa lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến, khấn vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn, và cầu phước lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy và vái.

Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa. Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu:

“Lầm rầm khấn vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra”.

Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp cúi xuống, khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người ta vái 2, 3, 4 hay 5 vái.

Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy; mỗi trường hợp đều có mang ý nghĩa khác nhau. Có hai thế lạy: Thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền thống rất có ý nghĩa của người Việt ta. Nó vừa có thành khẩn vừa trang nghiêm trong lúc cúng tổ tiên. Nếu muốn giữ phong tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh niên phải có lòng tự nguyện. Muốn áp dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập luyện lâu mới nhuần nhuyễn được.

Thế lạy của đàn ông:

Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống đưa hai tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống; đồng thời quỳ gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó, cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang đầu gối chân phải đang quỳ để lấy đà đứng dậy, chân phải đang qùi cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy.

Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

Có thể quỳ bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tuỳ theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn bị thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn. Thế lạy phủ phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy, các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tì lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập luyện hàng ngày mỗi khi cúng Phật.

Thế lạy của đàn bà

Thế lạy của các bà có tính cách uyển chuyển tha thướt, tượng trưng cho âm. Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước đùi trái ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chấp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên; đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết. Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy. Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách qùi hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chấp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xoè hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.

 Ý nghĩa của vái, lạy

 Số lần lạy và vái đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là phong tục đặc biệt của Việt Nam ta:

- 3 lạy và 3 vái:

Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác ngộ, sáng suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chính, tức là điều chính đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bẩn nhơ. Đây là nói về nguyên tắc phải theo. Tuy nhiên, còn tuỳ mỗi chùa, mỗi nơi và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.

- 4 lạy và 4 vái

Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (Đông: thuộc dương, Tây thuộc âm, Nam: thuộc dương, và Bắc thuộc âm) và tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái  âm, Thiếu  âm). Nói chung, bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ. Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông, bà, cha mẹ và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.

- 5 lạy và 5 vái

Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ), vua tượng trưng cho Trung cung tức là hành thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc) và Trung ương (nơi nhà vua ngự). Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng Vương là vị vua khai sinh giống nòi Việt. Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì giờ để mỗi người lạy 5 lạy.

Phong tục có được là do thói quen mà mọi người đã chấp nhận, nhiều khi không giải thích được lý do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi. Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, con dân nước Việt chúng ta hãy cố gắng thiết lập một bàn thờ gia tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao.

 Thờ cúng là cách biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương, sự hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì, chọn lọc và phát huy trong thời hiện đại.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây