Phát triển bền vững từ vốn văn hóa

Thứ hai - 07/02/2022 04:21 0


Phát triển bền vững là mục tiêu mà con người theo đuổi trong nửa thế kỷ qua. Nhiều chiến lược, chính sách liên quan đã được các tổ chức quốc tế, các chính phủ đưa ra và thực hiện. Nhờ vậy mà môi trường sống cũng được cải thiện đáng kể. Nhưng theo các chuyên gia hàng đầu thì trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững cần được đặt trên nền tảng vốn văn hóa của con người.

Trước hết, vốn văn hóa góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế. Phát triển dựa vào vốn văn hóa sẽ hạn chế dần quá trình phát triển dựa vào nguồn vốn tự nhiên, và dần chuyển từ vốn tự nhiên sang vốn văn hóa. Nhờ vậy mà việc bảo vệ môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Không những vậy, khai thác nguồn vốn văn hóa vào phát triển và ứng dụng vào bảo vệ môi trường được xem là mô hình phát triển ít gây hại cho môi trường hơn so với các mô hình phát triển khác. Bởi văn hóa là sự kết tinh lâu dài trong mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Hầu như mọi cộng đồng đều có những tri thức về bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển, cần khai thác một cách hợp lý những giá trị văn hóa để thúc đẩy sự phát triển bền vững qua việc bảo vệ môi trường.

Thứ hai là khai thác vốn văn hóa có giá trị trong việc kiến tạo sự phát triển hài hòa giữa các nhóm xã hội. Quá trình khai thác nguồn lực tự nhiên chịu ảnh hưởng nhiều của nguồn lực vật chất và tài chính, nên phần lớn bị chi phối bởi các nhóm xã hội có tiềm lực kinh tế và lợi ích cũng rơi vào các nhóm này nhiều hơn trong khi những ảnh hưởng môi trường và tác động trở lại thì những nhóm yếu thế lại phải hứng chịu nhiều hơn. Còn nguồn lực văn hóa lại phân chia theo các cách thức riêng của nó. Mỗi nhóm xã hội đều có những nguồn lực văn hóa riêng và nếu biết vận dụng hợp lý thì sẽ có giá trị trong phát triển kinh tế. Đương nhiên, dù khai thác loại hình nào cũng cần có những sự đầu tư nhất định. Nhưng phát triển từ vốn văn hóa tạo điều kiện cho nhiều nhóm người khác nhau tham gia vào quá trình phát triển hơn. Giúp họ có được những lợi ích nhất định và làm cho quá trình phát triển có tính hài hòa hơn. Xung đột xã hội trong quá trình phát triển là điều không tránh khỏi nhưng phát triển từ vốn văn hóa hạn chế xung đột hơn vì sự phân chia lợi ích hài hòa hơn.

Thứ ba, phát triển từ vốn văn hóa là nhân tố thay đổi tương tác giới, tạo điều kiện để đảm bảo sự bình đẳng giới hơn trong quá trình phát triển. Đàn ông hay phụ nữ đều có những nguồn vốn văn hóa riêng và khi nguồn vốn văn hóa này được vận dụng vào quá trình phát triển sẽ giúp họ cải thiện vị thế của mình trong cuộc sống. Những nghiên cứu từ phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Tây Bắc đã phần nào chứng minh điều đó. Trong khi đàn ông được kế thừa từ bố mẹ những tài sản vật chất như nhà cửa, ruộng, nương, trâu bò, thì phụ nữ lại được kế thừa những nguồn vốn văn hóa như các kỹ năng về dệt may, thêu thổ cẩm, các tri thức về y học cổ truyền hay các kỹ năng quản trị trong gia đình. Và khi kinh tế thị trường phát triển lên đây thì những người phụ nữ dân tộc thiểu số như Hmông, Dao, Giáy, Thái,…. đã vận dụng các nguồn vốn văn hóa này vào phát triển một cách hiệu quả. Do vậy vị thế của họ thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống, người phụ nữ có nhiều quyền lợi cũng như tiếng nói của họ được tôn trọng hơn (Bùi Minh Hào 2021).

Và thứ tư, phát triển kinh tế từ vốn văn hóa tạo điều kiện để phát triển toàn diện con người hơn và qua đó thúc đẩy phát triển bền vững. Quá trình phát triển kinh tế từ vốn văn hóa phải đặt con người vào trung tâm của phát triển, là mục tiêu quan trọng của quá trình phát triển. Vậy nên con người, mà cụ thể là những người chủ thể của quá trình phát triển được trao quyền nhiều hơn trong quá trình phát triển. Họ được tham gia vào quá trình hoạch định con đường phát triển, được quyết định hình thức phát triển, họ chịu trách nhiệm chính cũng như là đối tượng hưởng thụ chính của quá trình phát triển. Có như vậy thì mới khai thác được nguồn vốn văn hóa, hướng đến phát triển bền vững được. Trong quá trình làm chủ sự phát triển kinh tế, con người được rèn dũa, được xã hội hóa một cách toàn diện hơn và dần hoàn thiện các mặt xã hội của mình để trở nên đầy đủ hơn. Nói tóm lại, như UNESCO (2010) đã tổng kết: ““Văn hóa, xét trên mọi khía cạnh, là thành phần cơ bản của phát triển bền vững. Là một lĩnh vực hoạt động, thông qua di sản vật thể và phi vật thể, các ngành công nghiệp sáng tạo và các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, văn hóa là một yếu tố đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế phát triển, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Là một kho kiến thức, ý nghĩa và giá trị thấm nhuần tất cả các khía cạnh của cuộc sống, văn hóa cũng xác định cách con người sống và tương tác cả ở địa phương và quy mô toàn cầu”.

Trong trong gần nửa thế kỷ qua, phát triển bền vững xuất hiện và dần chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong công luận cũng như trong tư duy của các nhà làm chính sách. Phát triển bền vững trở thành thuật ngữ len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực, đi vào hầu hết các chính sách phát triển. Và nó cũng trở thành một thuật ngữ thống soái trên công luận. Ở Việt Nam, phát triển bền vững không chỉ phổ biến trên công luận, trong chính sách mà còn tạo thành các phong trào xã hội. Phát triển bền vững cũng được gắn vào thành khẩu hiệu cho hàng loạt các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Bên cạnh tiếp thu các giá trị tích cực từ quan điểm phát triển bền vững từ Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế, thì phát triển bền vững cũng được phổ biến và thực thi trong một số dự án cụ thể. Nhưng phát triển bền vững khó đạt được mục tiêu khi mà vẫn tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Cái giá phải trả là suy thoái môi trường, xung đột xã hội hay mai một văn hóa cộng đồng…. Vậy nên, gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã phê phán các quan điểm phát triển lấy kinh tế làm trọng tâm mà chuyển qua quan điểm phát triển lấy văn hóa, con người làm trọng tâm. Phát triển bền vững cần được đặt trên nhiều trụ cột khác nhau: bền vững môi trường, bền vững chính trị, bền vững kinh tế, bền vững xã hội, bền vững văn hóa và bền vững con người.

Phát triển bền vững hiện nay cũng gắn với cuộc chuyển đổi nguồn lực phát triển. Quá trình phát triển dựa trên việc khai thác nguồn lực tự nhiên đã ảnh hưởng nặng nền đến môi trường và bắt buộc người ta phải xem xét lại. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất là hữu hạn. Và quá trình tái tạo của nguồn lực tự nhiên cần có những chu trình lâu dài hàng ngàn đến hàng triệu năm. Nên sự khai thác quá mức tự nhiên sẽ đẩy con người vào sự tận diệt. Trong khi đó, nguồn lực văn hóa, dù không vô hạn nhưng cũng rất đa dạng và phong phú, là nguồn lực ngày càng giữ vai trò quan trọng để phát triển kinh tế. So với nguồn lực tự nhiên thì vốn văn hóa tái tạo nhanh hơn, dễ dàng thay đổi và quá trình chuyển đổi cũng nhanh hơn. Người ta có thể tái tạo, hồi phục nguồn vốn văn hóa trong một thời gian ngắn hơn so với khôi phục nguồn lực tự nhiên. Vì vậy mà vốn văn hóa trở thành một nhân tố quan trọng, một điều kiện cốt lõi cho sự phát triển bền vững.

Tóm lại, vốn văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đó cũng là một xu hướng phù hợp khi mà các nguồn lực tự nhiên đang ngày càng bị kiệt quệ, bị thu hẹp. Nguồn lực văn hóa không phải vô hạn, nhưng nó có thể tái tạo nhanh chóng hơn các nguồn lực tự nhiên. Và trong sự phát triển bền vững, nguồn vốn văn hóa càng giữ vai trò quan trọng, bởi đó là những giá trị mà con người tạo ra trong quá trình hàng ngàn năm sinh sống./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây