Covid sinh ra như sự tất yếu của tự nhiên

Thứ hai - 09/05/2022 05:21 0

Con người nghĩ rằng mình là ông chủ của trái đất này và thiên nhiên là công cụ, là đầy tớ phục vụ cuộc sống của con người. Tài nguyên thiên nhiên bị  khai thác cạn kiệt, rừng bị phá hủy, rừng núi bị xới, sông ngòi bị chôn lấp, động vật bị săn bắn...Loài người quên rằng thiên nhiên đã từng là người mẹ hiền vị tha luôn che chở và nuôi dưỡng cho những đứa con của mình.

Cho tới khi người mẹ đó mình đầy những vết thương do con người gây ra:  Đó là những mảnh rừng bị đốt trọc đau đớn, tận sâu trong lòng đất mẹ con người vẫn tiếp tục khoan những mũi khoan, dày xéo đất mẹ để tìm kiếm khoáng sản, bên cạnh đó con người xây dựng những nhà máy, chế tạo nhiều phương tiện máy móc làm cho mẹ thiên nhiên ngạt thở, khó chịu….Mẹ thiên nhiên cảnh báo rất nhiều lần bằng những trận mưa lớn, bằng những trận nặng dài…nhưng loài người vẫn tiếp tục không tỉnh ngộ. Cho tới khi mẹ thiên nhiên  nổi giận thực sự, hàng loạt các trận lũ lớn diễn ra ngày càng nhiều và càng mạnh xảy ra trên địa cầu, là hạn hán xảy ra càng rộng và dài hơn, là thiên tai không lường trước được và  bây giờ là dịch bệnh.

Loài người chúng ta, được xem như loài có tổ chức xã hội cao nhất trên Trái Đất. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã và đang làm chủ được tự nhiên nhờ sự phát triển của Khoa học Kỹ Thuật và Y Tế. Nhưng không, thực tế đã chứng minh, loài người chúng ta không nằm ngoài vòng quay của Trái Đất và quy luật chọn lọc tự nhiên. Có thể coi mỗi quốc gia chính là những quần thể người rất lớn, và hiện tại dưới sự càn quét của virus corona - một nhân tố của tự nhiên, và chúng ta đang phải chịu ảnh hưởng của sự chọn lọc.

Dịch bệnh sinh ra như một sự tất yếu  để điều chỉnh và thanh lọc tự nhiên. Khi con người không tự giác thay đổi hành vi của mình thì thiên nhiên phải làm điều đó để thiết lập một trạng thái cân bằng mới. Thiên nhiên thực hiện đúng chức năng khoa học của mình, chức năng tự tổ chức và  điều chỉnh

Thứ nhất covid giúp điều hoà không khí, giảm ô nhiễm môi trường

Việc yêu cầu mọi người ở nhà để phòng chống dịch bệnh đã có tác dụng đáng kể trong việc điều hoà không khí. Các nhà khoa học dự đoán rằng khí thải nhà kính đạt mức thấp nhất trong vòng một thập kỉ qua ở nhiều nước trên thế giới

Các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Italy khi hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus.

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan, những hạn chế di chuyển đã góp phần giảm 25% lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong bốn tuần bắt đầu vào cuối tháng 1, so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích của Myllyvirta cũng cho thấy các hoạt động công nghiệp đã giảm 15% xuống 40% trong một số lĩnh vực và tiêu thụ than tại các nhà máy điện giảm 36%.

Các vệ tinh theo dõi ô nhiễm do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã quan sát thấy sự sụt giảm lớn về ô nhiễm không khí ở Trung Quốc trong hai tuần vào tháng 2 khi việc kiểm dịch có hiệu lực. Các vệ tinh đã đo nồng độ nitơ dioxide, được phát thải từ ô tô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp, từ ngày 1 đến ngày 20-1 và từ ngày 10 đến 25-2. Sự khác biệt là không thể nhầm lẫn.

Ở New York, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%. Và lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô đã bị cắt giảm một nửa kể từ khi mọi người bắt đầu ở nhà càng nhiều càng tốt.

Ở San Francisco, nồng độ trung bình của các hạt nhỏ (các hạt nhỏ trong không khí nguy hiểm vì chúng có thể được hít sâu vào phổi) thấp hơn gần 40% so với năm trước. Thành phố New York giảm 28% trong cùng khoảng thời gian và Seattle-Tacoma-Bellevue đã giảm 32%.

Biện pháp cách ly và giãn cách xã hội không chỉ giúp hạn chế lây lan COVID-19 mà còn gián tiếp giúp giảm đáng kể ô nhiễm tầng ozone.

Sài Gòn những ngày giãn cách

Thứ 2: Covid xuất hiện đẩy nhanh quá trình chọn lọc tự nhiên

Chọn lọc tự nhiên được hiểu là quá trình phân hoá khả năng sống sót và mức thành đạt sinh sản của các kiểu gen khác nhau trong quần thể, từ đó dẫn đến đào thải các kiểu hình kém thích nghi, đồng thời tăng cường khả năng sống sót của các dạng thích nghi, tạo cơ hội cho các kiểu gen thích nghi này đóng góp vào vốn gen của quần thể ở thế hệ sau.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong của bệnh dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang tập trung cao nhất với nhóm người từ 50 tuổi trở lên. Những người này thuộc nhóm người dễ tổn thương, có tiền sử bệnh nền và có sức đề kháng yếu . Ở trẻ em được chứng minh là khả năng hình thành kháng thể với viurs nhanh và hồi phục sau bệnh nhanh hơn. Đây là một ví dụ điển hình của việc chọn lọc các cá thể khỏe mạnh và có số lượng đông đảo, loại bỏ đi các nhóm cá thể có sức chịu đựng kém trong tự nhiên. Nó là một kiểu chọn lọc phổ biến khi môi trường sống bị thay đổi.

Thứ 3: Covid điều chỉnh mật độ dân cư xã hội

Tốc độ lây lan chóng mặt của virus corona chính là lời cảnh báo mạnh mẽ và rõ ràng nhất về sự gia tăng dân số báo động như hiện nay. Việc dân cư đông đúc tập trung tại các thành phố lớn đang tạo một áp lực rất lớn tới cơ sở hạ tầng đường xá, giao thông, bệnh viện và trường học.

Khi xảy ra bệnh dịch truyền nhiễm dễ dàng lây lan giữa con người với con người như Covid-19, những đô thị lớn sẽ dễ dàng trở thành các đại ổ dịch khiến việc kiểm soát và tìm ra nguồn lây nhiễm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đồng thời, sẽ gây đến các áp lực không nhỏ đến đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, phía sau dịch bệnh này, việc quy hoạch đồng đều, hợp lý các thành phố lớn và vùng lân cận sẽ là một bài toán cần quan tâm đúng mức và triển khai nhanh chóng.

Dịch bệnh xảy ra con người có xu hướng tìm về những nơi thôn quê có mật độ dân cư thưa thớt, đồng thời khộng khí trong lành, thực phẩm sạch vànhiều cây xanh. Chính những điều đó rất tốt cho việc phòng và chữa bệnh covid mà con người khó tím thấy được ở các khu vực thành thị.

Thứ 4: Covid điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế

 Xu hướng phát triển cơ cấu ngành kinh tế của thế giới nhìn chung đi theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra, con người buộc phải giãn cách để giảm dần sự lây nhiễm thì những mặt hàng thiết yếu và khan hiếm lúc này chính là lương thực và đặc biệt rau xanh. Những sản phẩm của nông nghiệp trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Đối mặt với sự khan hiếm lương thực và hạn chế việc tối đa tiếp xúc thì xu thế tự trồng rau,tự chăn nuôi tự cung cấp lương thực lại đang trở thành trào lưu.Phải chăng đó là dấu hiệu của sự phát triển và hồi sinh của ngành nông nghiệp. Hướng tới một cuộc sống gần gũi và thân thiện với tự nhiên với một ngành nông nghiệp sạch và bền vững sẽ trở thành một xu thế của tương lai chứ không riêng gì trong mùa dịch. Bởi lẽ chỉ có yêu thương và chăm sóc thiên nhiên thì mẹ thiên nhiên mới yêu thương và bảo vệ con người.

Thứ 5: Covid điều chỉnh lại công bằng xã hội

 Khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội dưới sự xuất hiên của đại covid thì mọi người đều bình đẳng. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, bất cứ ai cũng có thể bị tước đi tính mạng, tiền bạc hay địa vị đều trở thành vô nghĩa khi con người đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Con người chỉ có thể tồn tại được khi có sự đồng lòng yêu thương của cả cộng đồng, chỉ cần một vài cá nhân ích kỷ chủ quan sẽ phải trả giá bằng cả một cộng đồng nhiễm bệnh.

Covid đang thực hiện đúng vai trò điều chỉnh của nó, báo động cho con người kịp thức tỉnh trước những thảm hoạ thiên nhiên có thể xảy ra bất kì lúc nào. Đó chính là hậu quả của con người trong một thời gian dài đã tàn phá mà không biết bảo vệ thiên nhiên. Chỉ cần quay lại với thiên nhiên, với những thứ hoang sơ gần gũi nhất của tự nhiên, yêu thương và sống thuận theo tự nhiên chính là đang bảo vệ cuộc sống của con người, lúc đó dịch bệnh ắt tiêu tan.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây