Truyền thống gia đình và văn hóa đọc sách

Thứ năm - 17/02/2022 04:21 0

Từ lâu nay chúng ta vẫn quen với tư duy “con nhà nghèo học giỏi” như là một sự tán thưởng. Những nỗ lực cá nhân đương nhiên đáng khen. Nhưng để trở thành một người trí thức học rộng biết sâu thì cần có kiến thức nền tảng vững chắc. Mà đọc sách là một kênh tiếp nhận kiến thức vô cùng quan trọng. Vậy nên, con cái trong những gia đình có truyền thống về khoa học, giáo dục thường có điểm mạnh là được tiếp cận sách vở sớm. Và truyền thống gia đình của cha ông là nhân tố quan trọng tạo nên văn hóa đọc sách của các thế hệ nối tiếp.

Truyền thống gia đình về văn hóa đọc ảnh hưởng rất nhiều đến các thế hệ kế tiếp

Hồi trước, tôi luôn nghĩ mình chăm chỉ đọc thì sẽ bổ khuyết được nhiều thứ và không thua kém những bạn bè từ đô thị mấy. Nhưng càng lúc tôi càng thấy khoảng cách cứ xa dần. Khi đi học phổ thông, gần như gia đình sắm cho được bộ sách giáo khoa là cố gắng lắm rồi. Chẳng mấy khi có sách vở để đọc thêm và mở mang kiến thức. Cũng vì vậy mà đọc thuộc vài cuốn sách giáo khoa, họa lắm thêm vài trang tài liệu khác mượn được, cứ thấy mình giỏi lắm. Nhưng khi bước chân đi học đại học mới biết: gần 20 tuổi mình mới biết thế nào là thư viện, mới bắt đầu làm quen với văn hóa đọc. Nghĩa là thua bạn bè ở phố hơn 15 năm đọc sách. Nó là một khoảng cách lớn khó mà khỏa lấp được. Nói vậy không phải là mình không cố gắng, cũng không phải đổ lỗi cho hoàn cảnh xuất thân hay điều kiện gia đình. Mà để thấy rằng, khi người ta sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa giáo thì việc đọc sách đã được hình thành từ bé.

Sinh thời, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là một tấm gương về văn hóa đọc. Nhưng không phải tự dưng mà ông có một niềm đam mê đọc sách như vậy. Mà nó được tôi rèn từ bé. Gia đình ông toàn là những trí thức lớn có nhiều đóng góp cho dân tộc. Bố là học giả Đào Duy Anh nổi tiếng. Còn mẹ là bà Trần Thị Như Mân, con một vị quan lớn và cũng là một nữ trí thức nổi tiếng. Các chú của ông cũng là những trí thức tài hoa. Anh em ông và sau này là con cháu cũng đều là những thức giả uy tín. Và để làm được điều đó là do truyền thống đọc sách của gia đình. Ông từng kể rằng: Cụ Đào Duy Anh chăm chỉ đọc sách và cũng rất coi trọng việc đọc sách của con cái. Những lúc rảnh rỗi sau bữa ăn tối Cụ dành thời gian hỏi về tình hình học tập của các con. Ngoài tiếng Pháp được dạy ở trường Cụ còn bắt các con học thêm chữ Hán và tiếng Việt ở nhà. Gia đình ông có hiệu sách Vân Hòa lớn bậc nhất ở Huế những năm 1930. Ông bà Đào đặt sách từ nhiều nơi về, có cả từ Pháp, và dành nhiều thời gian để đi sưu tầm các tài liệu quan trọng. Đi thăm nhiều gia đình thế gia ở miền Trung để mượn và sao chép nhiều tài liệu lịch sử viết quý giá mà ngay các thư viện cũng không có. Ông còn thuê một nhà nho giúp việc sao chép các sách mượn được và dạy con cái học chữ Hán. Dưới sự rèn dũa của Đào Duy Anh, các con ông là Đào Thế Tuấn, Đào Thế Hùng đều có sự đam mê đọc sách đến lạ. Trong hiệu sách gia đình ông có nhiều sách vở và ông kiên trì đọc gần hết, từ Sách Hồng, Tiểu thuyết thứ bảy, Tự lực văn đoàn, Tam quốc chí, Thuỷ hử, Đông chu liệt quốc và tiểu thuyết Trung Quốc, kể cả truyện kiếm hiệp lẫn truyện phiêu lưu và tiểu thuyết Pháp. Lúc đầu, ông thích đọc các sách tiểu thuyết phiêu lưu của Lê Văn Trương. Sau đó, ông được Đoàn Thế Nhơn gợi ý đọc các sách của Tự lực Văn đoàn, Nguyễn Tuân… Không chỉ vậy, ông còn đọc nhiều sách từ Pháp, có những cuốn sách mẹ ông mới nhập về để bán nhưng ông vẫn trốn mẹ khéo léo cắt giấy đọc để không bị phát hiện. Và đam mê đọc sách là một yếu tố làm cho Đào Thế Tuấn không chỉ đơn thuần là một nhà nông học, mà còn là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực trong khoa học xã hội. Và khi có gia đình, Đào Thế Tuấn cũng rất coi trọng việc học của con. Ông rèn luyện cho con cái đọc sách từ nhỏ và tiếp cận nhiều nguồn tri thức khác nhau. Thế nên con ông là PGS.TS Đào Thế Anh cũng là một nhà khoa học nông nghiệp xuất sắc, tiếp nối nhiều ý chí của bố.

Không chỉ Đào Thế Tuấn và gia đình cụ Đào Duy Anh mà hầu hết thế hệ trí thức thời ban đầu của khoa học cách mạng ở Việt Nam đều có xuất thân từ trong các gia đình có truyền thống học hành. Họ chủ yếu là con của quan lại, tư sản, tiểu tư sản hay các nhà Nho đương thời. Chính truyền thống gia đình đã giúp cho họ có một nền tảng kiến thức vững vàng. Và sau này, họ giác ngộ cách mạng và đi theo phục vụ tổ quốc xây dựng nên nền khoa học, giáo dục cách mạng. Họ trở thành một thế hệ có nhiều đóng góp cho đát nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là thế hệ vàng của nền khoa giáo Việt Nam bởi sau đó, những người nối tiếp họ chủ yếu là con em bần cố nông hay trung nông được đưa đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Xét về truyền thống gia đình thì những người này xuất thân con em nông dân nên việc đọc sách bị hạn chế. Sau này, họ phải nỗ lực rất nhiều mới tiếp cận được các kiến thức cơ bản lẫn chuyên ngành. Nhưng nó cũng không thể khỏa lấp được những khoảng trống tri thức qua việc đọc sách vở nếu so với những người thế hệ trước được đọc sách từ bé trong các gia đình có truyền thống.

Nhìn rộng ra thế giới, các học giả lớn có nhiều đóng góp cho nhân loại cũng không ngoài quy luật đó. Điều đó đủ để nói lên tầm quan trọng của truyền thống gia đình đối với văn hóa đọc. Và truyền thống đó không phải là cái bất biến mà được hình thành và phát triển qua các thế hệ. Có lẽ nhân loại sẽ không có một nhà bác học uyên bác bậc nhất thế kỷ XX- Jean – Jacques Rousseau nếu như ông không sinh ra trong một gia đình truyền thống với bố mẹ là những người đam mê đọc sách. Chính cha của ông đã rèn cho con niềm đam mê đọc. Hai cha con bắt đầu đọc sách sau bữa ăn tối và chỉ rời cuốn sách khi kết thúc những trang cuối. Không chỉ dạy con đọc mà còn trao đổi với con những câu chuyện liên quan đến sách. Điều đó làm cho Rousseau có một nền tảng kiến thức sâu rộng và là yếu tố quan trọng tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng trong lịch sử khoa học nhân loại. Rồi những học giả lớn cũng vậy, họ đều là những người tiếp xúc sách vở từ lúc bé và có niềm đam mê đọc sách rất mãnh liệt. Mà hầu hết đều được trao truyền từ trong gia đình.

Các thiết bị thông minh đang dần thay thế các cuốn sách trong đời sống hiện đại

Ngày nay, người ta nói nhiều về sự mai một của văn hóa đọc. Một trong những nguyên nhân làm cho văn hóa đọc ngày càng đi xuống là môi trường đọc sách trong gia đình bị ruồng bỏ. Với những gia đình hạt nhân nhỏ với vài thế hệ, cha mẹ phải chạy đua với cuộc sống hiện đại nhằm tìm kiếm vật chất cho gia đình nên văn hóa đọc không được gìn giữ. Nhất là những trí thức, doanh nhân, càng thành đạt thì càng bị cuốn vào vòng xoáy làm ăn kinh tế, không có nhiều thời gian để đọc hay quan tâm đến việc đọc của con. Còn những gia đình lớn nhiều thế hệ, các thế hệ ông bà không đủ sự cập nhật thông tin, không nắm bắt được tâm lý của con cháu nên cũng khó để quan tâm đến việc đọc sách của con cháu. Chính văn hóa đọc trong gia đình bị hạn chế làm cho những đứa trẻ được tiếp cận với những điều kiện tốt nhất cũng không xây dựng được một nền tảng căn bản từ việc đọc sách.

Thiết nghĩ, đọc sách rất quan trọng đối với một con người. Và đọc sách được hình thành và phát triển trong môi trường gia đình là trước hết và sau cùng dù rằng đọc sách ở các nhà trường cũng quan trọng. Vậy nên, để xốc lại văn hóa đọc ở lớp trẻ, để phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập thì cần phải bắt đầu từ truyền thống gia đình, văn hóa gia đình. Người ta học ở trường có thể mười năm hay hai mươi năm nhưng sống cả đời với gia đình. Và trong gia đình, đọc và dạy gắn với nhau. Thế hệ trước đọc sách và truyền cảm hứng cho thế hệ sau tiếp nối. Lúc đó, gia đình không chỉ là cha con, anh em, mà còn là những người bạn đọc sách của nhau. Đó mới là truyền thống gia đình, và mới là động lực của văn hóa đọc./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây