Sắc phong triều Tây Sơn tại Nghệ An

Thứ ba - 07/06/2022 13:00 0
    

Sắc phong cho Phó chiến Nguyễn Sĩ Xung vào năm Quang Trung thứ 5
Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 tại đền Cả xã Hoa Thành huyện Yên Thành

Sắc phong về cơ bản bao gồm hai loại. Loại thứ nhất là sắc phong cho người, tức là phong thêm cấp bậc, chức tước cho những người có công. Loại thứ hai là sắc phong cho các vị thần linh tặng thêm cấp bậc hoặc mỹ tự và cho phép nhân dân thờ phụng vị thần. Dưới các triều đại phong kiến kế tiếp nhau từ Lê, Tây Sơn cho tới triều Nguyễn, mỗi triều đều thể hiện uy quyền của mình đối với cả thần và người. Triều Tây Sơn tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi chỉ 24 năm (1778 – 1802) nhưng cũng đã để lại những dấu ấn văn hóa rất khó phai mờ đó trong đó có việc ban tặng sắc phong cho những vị thần “bảo quốc hộ dân” và những người có công với triều Tây Sơn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Bức chiếu do quan Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn gửi cho La Sơn phu tử

Tượng vua Tây Sơn tại chùa Bộc, huyện Đống Đa, Hà Nội.

Hiện nay tại Nghệ An, sắc phong triều đại Tây Sơn tuy không nhiều như sắc phong của các triều đại khác nhưng vẫn đầy đủ niên hiệu của 3 đời vua: Thái Đức (Nguyễn Nhạc), Quang Trung (Nguyễn Huệ) và Cảnh Thịnh (Quang Toản). Những sắc phong này đều được xem như bảo vật và lưu giữ tại nhà thờ các dòng họ hay các đền, đình, miếu trong dân gian. Đây chính là những tư liệu gốc rất quý hiếm để nghiên cứu những sự kiện và nhân vật không được lịch sử ghi chép đến. Như trường hợp sắc phong cho danh tướng Nguyễn Sĩ Xung hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Sĩ xã Thanh Lương huyện Thanh Chương. Ông tòng quân (ưu binh) dưới triều Cảnh Hưng (1740-1786) tới 18 năm, được thăng đến chức Tráng tiết tướng quân Phó thiên hộ. Ông được triều Lê Cảnh Hưng phong 2 đạo sắc vào năm Mậu Ngọ (1748). Khi Hoàng đế Quang Trung lên ngôi đưa quân ra Bắc dẹp quân Thanh xâm lược, ông hăng hái xung phong gia nhập đại quân và được phong làm tướng trong đội quân “áo vải cờ đào”. Do lập được công lại được lòng binh lính và nhân dân, nên được sắc phong là “Anh dũng tướng quân Trung uý” và ban tước “Tình Nghĩa hầu”. Tuy nhiên, ngoài những tư liệu kể trên thì hiện nay chưa hề có một thông tin nào nói về ông. Giáo sư Phan Huy Lê khi xem các sắc phong triều Tây Sơn cho Nguyễn Sĩ Xung cũng phải thừa nhận: “tôi chưa từng nghe nói đến viên tướng này, cần phải công bố ngay”
 UBND thành phố Vinh và Trung tâm KHXH&NV Nghệ An sưu tầm văn bản thời Tây Sơn tại nhà thờ họ Nguyễn Sĩ, Thanh Chương, Nghệ An.


Hay như dòng họ Đào xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An hiện cũng đang lưu giữ sắc phong niên hiệu Quang Trung cho nhân vật Đào Đình Truật. Ông gia nhập đội tình nguyện Trung quân do Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh tan 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long. Dòng họ Lê Quốc ở Tường Sơn, Anh Sơn hiện cũng đang lưu giữ nhiều sắc phong triều Tây Sơn cho các nhân vật Lê Quốc Lý, Lê Quốc Đạm đều theo phò triều Tây Sơn, có nhiều công lao và đều được vua Cảnh Thịnh phong sắc. Ngoài ra còn rất nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An như ở Vinh Tân thành phố Vinh, làng Trung Cần huyện Nam Đàn, đền Cả xã Hoa Thành huyện Yên Thành cũng đều có sắc phong triều Tây Sơn. Đặc biệt là đạo sắc phong vua Cảnh Thịnh ban tặng mỹ tự cho Khê Quận công Đinh Bạt hiện đang lưu giữ tại nhà thờ Đinh Bạt Tụy xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Qua tìm hiểu việc ban tặng sắc phong kể trên tất cả các vua triều Tây Sơn đều với tư cách Thiên tử để ban tặng cho những vị thần linh hoặc những vị công thần với triều đại. Thể hiện tính chính thống của nhà Tây Sơn trong lịch sử đất nước. Và những nhân vật đương thời do chiến tranh loạn lạc, bị quên lãng thì nay nhờ những đạo sắc phong này chúng ta thấy được thân thế và những cống hiến của họ trong lịch sử. Đây là những di sản rất quý hiếm của triều đại Tây Sơn còn sót lại trên đất nước ta mà Nghệ An là nơi lưu giữ được nhiều nhất. Một điều đặc biệt đó chính là khi Gia Long đánh bại Tây Sơn lập ra triều Nguyễn, các vua Nguyễn đều ra lệnh phải tiêu hủy tất cả các văn bản, di vật của Tây Sơn hoặc liên quan tới Tây Sơn, người nào cất giữ đều bị xử tội chết. Nhưng những di vật này đều được những gia đình và  dòng họ trên địa bàn Nghệ An lưu giữ cần thận, không để mất mát hư hỏng. Qua đó thấy được hình ảnh và vị thế của triều đại Tây Sơn và người anh hùng áo vải Quang Trung trong lòng người dân xứ Nghệ.

 

 

















Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây